Kỷ niệm 90 năm sinh (1930-2020) và 25 năm mất (1995-2020) nhà văn Phan Tứ: Nhớ nhà văn Phan Tứ

26.12.2020
Thanh Quế

Kỷ niệm 90 năm sinh (1930-2020) và 25 năm mất (1995-2020) nhà văn Phan Tứ: Nhớ nhà văn Phan Tứ

Người nào quen Phan Tứ đều biết anh là người sống có nề nếp, có kỷ luật chặt chẽ. Có người kể lại rằng, chính họ thấy Phan Tứ, khi vòng xe qua ngã tư, dù đứng bóng, không có người, vẫn giơ tay xin đường cho đúng luật. Khi có tiền nhuận bút, anh tuyên bố đãi, ai muốn gì anh chiều tất. Nhưng sau đó, dù ăn chung một bữa cơm thường trên đường đi công tác, anh đều lấy tiền mình ra thanh toán, sau đó ghi nợ cho từng người, tới kỳ lương anh đến ngay quản lý thu “nợ”. Dạo anh mới ra miền Bắc để chữa bệnh sau bốn năm vào chiến trường lần thứ nhất, nhiều người thường ngạc nhiên thấy Phan Tứ lúc nào cũng kè kè bên mình một cái túi dết căng phồng. Anh ta đựng thứ gì trong đó? Vàng bạc? Tiền? Thực ra chỉ có hai vật bất ly thân là sổ tay ghi chép và một bọc đủ các loại thuốc. Anh uống thuốc đúng giờ và ngồi vào bàn viết đúng giờ. Có thể nói là anh tự đặt cho mình một kỷ luật nghiêm ngặt để sống và viết. Sau này, cho tới trước khi mất, anh vẫn giữ nguyên kỷ luật này. Điều ấy cho ta thấy anh có nghị lực sống và viết cao như thế nào?

Khi viết văn, Phan Tứ bao giờ cũng làm đề cương, đưa cho cấp trên và anh em đọc để tham khảo ý kiến. Sau đó, anh đi thực tế, đọc tài liệu, làm đề cương chi tiết rồi mới viết. Có người cho rằng, vì lẽ đó nên văn Phan Tứ hơi khô khan.

Thế nhưng, văn của Phan Tứ lại ngược hẳn với cách sống của anh. Người ta gặp nhiều đoạn, nhiều chương giàu chất lãng mạn, tình tứ lắm:

Một chiến sĩ tình nguyện quân chia tay với cô gái Lào bên bờ con suối nhỏ dưới ánh trăng vàng.

Mẫn và tôi, anh và em, gần nhau đến nỗi chỉ đẩy ngón tay đặt bên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng: hai đứa mình. Phan Tứ còn làm thơ. Hẳn ít ai biết rằng anh là tác giả bài thơ “Cô gái Lào”(1) đã được phổ nhạc rất nổi tiếng. Anh thường hóm hỉnh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Râu anh làm trong những ngày ở rừng không có dao cạo:

Đã báo đừng ra vẫn cứ ra

Mày ra ra mãi khiến tao già

Tao già già mãi rồi tao chết

Tao chết thì mày hết chỗ ra

Phan Tứ như thế đó. Anh mang trong dòng máu mình “chất Quảng Nam”. Quê nội anh ở Quế Châu, Quế Sơn, một miền rừng núi nghèo nàn bao giờ khoai bắp cũng sẵn hơn lúa gạo. Ông ngoại anh, nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh cũng được sinh ra ở một vùng nửa núi nửa đồng bằng: Làng Tây Lộc, huyện Tam Kỳ, Quảng Nam - Đà Nẵng. Có lẽ vì điều ấy chăng nên trong tâm trí tôi, bao giờ cũng nghĩ rằng những vùng nghèo nàn và hẻo lánh của Tổ quốc thường là chiếc nôi cho những tài năng. Nói như nhiều người thì Phan Tứ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Cha anh, cụ Lê Ấm, được bổ nhiệm làm đốc học Quy Nhơn. Anh sinh ra bên bờ biển xanh biếc bóng dừa cát trắng ấy. Anh thường kể rằng:

- Bố mình dạy ông Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hà Huy Giáp, Nguyễn Xuân Sanh. Mấy ông kia mình không biết lắm. Nhưng ông Chế Lan Viên thì rất dốt toán. Mỗi lần làm toán xong, bố đem bài về nhà thì ông Chế rủ mình đến, cho kẹo, “dụ dỗ” mình đem một bài khác ông làm lại ở nhà để mình về rút bài kia ra, thay bài này vào... May mà cụ mình không biết.

Ông cụ cũng có cá tính mạnh. Ông bao giờ cũng đánh giá “thấp” con để con cố gắng hơn nữa. Vào một ngày tháng 9 năm 1975, ông Hà Huy Giáp, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ văn hóa, học trò cũ đến thăm cụ. Trong lúc nói chuyện, ông Hà Huy Giáp nói:

- Phan Tứ có nhiều đóng góp cho văn học cách mạng.

Ông đang nằm trên giường bệnh, nhỏm dậy nói:

- Cái gì, thằng Khâm mà viết hay à. Dở òm, tôi đọc chẳng ra cái gì cả. Nó phải cố gắng nữa mới viết văn được.

Là con trai duy nhất trong một gia đình không đến nỗi túng thiếu, Phan Tứ hẳn được mẹ và các chị em gái chiều chuộng. Nhưng có lẽ giống bố, bản tính anh dứt khoát từ chối mọi sự cưng chiều, ưu đãi. Thói quen này đã giúp anh sau này thích nghi mau lẹ với cuộc đời người chiến sĩ và đứng vững trước những thử thách gian nan. Học hết năm thứ 2 trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh) năm 1950, anh nhập ngũ, tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở Lào. Từ Hà Tĩnh anh đi ngay sang Lào rồi tập kết ra Bắc, rồi vào Nam chiến đấu, biền biệt suốt 25 năm, chưa một lần trở về thăm cha mẹ. Quê hương xa khuất, ở phía bên kia cầu vồng...

Hơn bốn năm làm người lính tình nguyện ở Lào đã giúp cho Phan Tứ có vốn liếng vô cùng quý báu để mở đầu cho văn nghiệp của mình những tác phẩm xuất sắc không phải dễ ai cũng có. Phan Tứ kể rằng: “Khi ra Bắc tập kết, tụi mình đóng quân ở miền tây Nghệ An. Ngoài lúc luyện tập, làm công tác dân vận, rảnh rỗi mình ngồi ghi lại những chuyện hồi mình sống ở Lào. Lúc đầu, mình lấy tên tập bản thảo đó là Những người tình nguyện. Viết xong mình gửi ra phòng Văn nghệ quân đội ở Hà Nội. Hai nhà văn Vũ Tú Nam và Chính Hữu là những người rất nhiệt tình, kêu mình ra góp ý, cho dự lớp sáng tác. Mình phải viết đi viết lại tới bốn lần, đến năm 1958 mới được in với tên Bên kia biên giới. Mình mãi mãi nhớ ơn hai anh Vũ Tú Nam và Chính Hữu”.

Phan Tứ được chuyển ngành ra học khoa văn trường Đại học Tổng hợp. Chính trong thời gian này anh vừa học vừa viết tiểu thuyết Trước giờ nổ súng, tác phẩm nổi tiếng của anh. Trước giờ nổ súng và Bên kia biên giới đã tạo cho Phan Tứ (lúc ấy ký tên là Lê Khâm) có một vị trí vững vàng trong các nhà viết tiểu thuyết nước ta lúc ấy. Hai tác phẩm này chẳng những đã có đóng góp xứng đáng vào mảng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng mà còn đóng góp xuất sắc trong việc thể hiện mối tình hữu nghị thắm thiết và đặc biệt của hai dân tộc Việt Lào.

Học xong đại học, người ta thấy vắng Phan Tứ. Đó là lúc anh “chạy chọt” hết cửa này đến cửa nọ để xin về quê hương miền Nam chiến đấu. Có lẽ Phan Tứ là một trong những nhà văn vào miền Nam sớm nhất (1961). Những năm ấy việc đi vào chiến trường được giữ hết sức bí mật. Ngoài cơ quan chủ quản, trong gia đình chỉ có một người, hoặc bố, mẹ hoặc vợ biết. Trên đường đi, phải tránh gặp dân, không được để lộ vết tích... Về tới Khu V anh được phân công ở Ban Tuyên huấn Khu. Sau một thời gian tham gia lao động, sản xuất để có “thứ mà ăn” với anh em trong cơ quan, Phan Tứ xin làm cán bộ chính trị trong đoàn phát động quần chúng giành lại đồng bằng của Khu ở khu vực thí điểm ba huyện Tam Kỳ, Tiên Phước, Bình Sơn tại thôn Tứ Mỹ (Kỳ Sanh). Đó là một cái thôn vùng bán sơn địa, mươi nóc nhà, nghèo xơ xác nhưng nó là “ngọn cờ” vì nó là mảnh đồng bằng, dù rất nhỏ, mà ta đã giành giật từ tay kẻ thù. Bốn Gương (nhà văn Phan Tứ là con thứ tư lại mang kính cận thị nặng nên anh em cán bộ và bà con gọi là Bốn Gương) đã sớm xác định cách sống mà các nhà văn chiến sĩ lúc đó đều thực hiện: Sống thật sự vào cuộc, tham gia mọi việc như một chiến sĩ thực sự, hết mình, không làm người ghi chép quan sát.

Phan Tứ đi với du kích, cán bộ thôn xã qua những con đường địch phục, những ngả bom pháo thường dội để phát động quần chúng. Anh đỏ mặt tía tai hăng hái tranh luận trong những cuộc họp, những đợt học tập để đánh giá quần chúng và tìm ra phương pháp đấu tranh. Vốn có kinh nghiệm từ những năm hoạt động hậu địch ở Lào, những ngày phát động quần chúng ở Tứ Mỹ, với con mắt tiên đoán của nhà văn, nhà báo nhìn về ta, về địch, những ý kiến của Phan Tứ được anh em chú ý lắng nghe.

Thấp gầy, mặc bộ bà ba đen, đội nón lá, mang kính cận dày cộp, Phan Tứ gánh một đôi bầu để che mắt địch, quanh quẩn ở những vùng nông thôn sát địch để tìm hiểu tình hình, để ghi chép, viết nhật ký, viết báo. Trong đôi bầu có hàng chục quyển sổ tay. Để giữ bí mật, vốn thông thạo nhiều ngoại ngữ, anh ghi chép vào sổ bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Lào. Trong đôi bầu của Phan Tứ còn có gạo, muối, dầu lửa (để thắp đèn) và rượu. Thỉnh thoảng, Phan Tứ thích nhâm nhi một cốc rượu, nhất là lúc gặp bạn bè báo chí văn nghệ.

Khi công việc phát động quần chúng đã tạm ổn, Phan Tứ quay về với công việc chính của mình: Viết văn. Trước tiên, anh thương lượng với kho thóc của B28 (Đảng ủy Nam Tam Kỳ) đặt trong một cụm rừng ven núi giữa thôn Tứ Mỹ (thôn 9 Kỳ Sanh) và nóc Ông Bền, một làng Thượng để ở và viết. Anh cam đoan sẽ tự túc gạo muối và giữ hộ thóc lúc vắng vẻ nhất khỏi bị chuột, sóc phá. Tiếp theo là việc kiếm ăn. Anh được hưởng sinh hoạt phí 5 đồng một ngày (tiền ngụy) đủ mua hai lon gạo và một ít muối. Nhưng mua gạo ở Tứ Mỹ khó vì bộ đội, cán bộ đi lại nhiều, địch ném bom đốt làng cháy trụi. Xuống gần quốc lộ 1 cõng gạo thì vất vả khó khăn. Anh em kho thóc mách cho anh: “Nóc Ông Bền được mùa thóc nhưng mất mùa thuốc lá, thường đem gạo đổi thuốc hút”. Phan Tứ xuống Tứ Mỹ mua thuốc rê về để đổi gạo đủ ăn. Sau này anh thường nói anh cảm thấy xấu hổ về những việc làm ấy...

Nhưng viết cái gì?

Trong những năm ở miền Bắc, Phan Tứ luôn hình dung miền Nam như một kho thuốc súng đang đợi châm ngòi, chỉ cần một mồi lửa dí vào là Mỹ ngụy sẽ tan tác. Nhưng sau nhiều năm tháng làm công tác phát động quần chúng ở đồng bằng hay miền núi Khu V, anh thấy thực tế không đơn giản như thế. Số lớn nhân dân ta căm ghét địch nhưng không ít người thấy địch quá mạnh và ta còn quá yếu, chưa tin cách mạng thắng nổi Mỹ ngụy. Nhiều truyện, ký từ miền Nam gửi ra Bắc đã phản ánh những gương hy sinh dũng cảm của đồng chí, đồng bào ta gây xúc động mạnh mẽ trong cả nước và trên thế giới. Mặc dù vậy anh vẫn nghĩ rằng nên có những bài viết về mặt khác của hiện thực: quá trình vươn tới chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những con người bình thường và cả những người lạc hậu nữa. Một anh trung nông vốn yên phận hay tính toán ngập ngừng, một cô gái là “con điếm” chưa bao giờ biết đến chính trị. Bão tố cách mạng ập đến. Họ sẽ chọn bên nào: Ta hay địch, cách mạng hay phản cách mạng, đi làm khởi nghĩa hay chịu yên phận làm nô lệ?

Phan Tứ bắt đầu viết. Viết tới đâu anh đọc cho anh em ở kho thóc nghe tới đấy. Anh em thường không góp ý mà kể tiếp những chuyện họ biết trong cuộc đời chiến đấu của họ. Thế là Phan Tứ lại có những truyện mới... Tập truyện ngắn Về làng đã ra đời như thế đó.

Cũng tại đây, Phan Tứ lại “có mang” quyển tiểu thuyết Gia đình má Bảy mà ban đầu chỉ là cái sườn của truyện vừa Má Bảy. Có thể nói đây là quyển tiểu thuyết đầu tiên phản ánh cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam.

Vào đầu tháng 3-1965, giặc Mỹ đổ quân vào cảng Đà Nẵng rồi vào Chu Lai mà trên bản đồ chỉ ghi là vũng Dung Quất. Phan Tứ lại quay xuống vùng nam Tam Kỳ để lấy tài liệu, sau này anh đã đưa vào trong tiểu thuyết Mẫn và tôi. Đó là cuốn tiểu thuyết như nhà thơ Tố Hữu đã gọi là “sách gối đầu giường của thanh niên miền Bắc”. Tôi nghĩ rằng, Mẫn và tôi và Trước giờ nổ súng là đỉnh cao trong văn nghiệp của nhà tiểu thuyết Lê Khâm - Phan Tứ. Cuốn “Mẫn và tôi” đáp ứng câu hỏi của hàng triệu người lúc đó: Có đánh Mỹ được không? Làm thế nào để thắng Mỹ? Cuốn sách đã bước qua được thử thách của thời gian. Vào sáng ngày 19-4-1995, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, trong buổi truy điệu nhà văn Phan Tứ, giữa hàng trăm vòng hoa tôi chú ý đến một vòng hoa mộc mạc của một nhóm bạn đọc với dòng chữ Mẫn và tôi sống mãi. Còn gì tốt đẹp hơn lời đánh giá ấy của công chúng. Bởi vì, đâu phải bất cứ nhà văn nào cũng được lời khen tặng như vậy khi đã ra đi...

 

Tôi đọc Lê Khâm - Phan Tứ đã lâu nhưng tới mùa thu năm 1974, khi Phan Tứ vào chiến trường Khu V lần thứ 2, tôi mới được gặp anh. Người anh thấp, gầy lại bị thấp khớp từ nhỏ. Cột sống của anh bị chấn thương bởi những lần bom nâng lên rồi ném xuống khi anh đi lấy tài liệu cho cuốn Mẫn và tôi ở nam Tam Kỳ, giờ lúc trở trời thường hay đau nhức. Tôi nghĩ nếu năm 1975 miền Nam chưa được giải phóng, có lẽ anh lại ra Bắc để chữa bệnh vì sức anh không chịu nổi cuộc sống ở chiến trường quá dài ngày.

Lần này, Phan Tứ vào chiến trường để “sống tiếp”, để lấy tài liệu cho cuốn tiểu thuyết lớn mà anh định dốc toàn bộ sức lực, tài năng để “chơi một canh bạc lớn trong đời văn nghiệp của mình”. Đề cương của cuốn sách đã được nhà thơ Tố Hữu và ông Hà Huy Giáp, thứ trưởng Bộ văn hóa thông qua. Cuốn sách muốn ôm trùm một giai đoạn lớn trong lịch sử Việt Nam, nói lên sự trưởng thành của nhiều tầng lớp nhân dân qua các thời kỳ cách mạng chống Nhật, chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng Phan Tứ không có thời gian để lo cho tập sách đó. Chiến dịch thu đông năm 1974 rồi mùa xuân năm 1975 cuốn hút nhà văn chiến sĩ này. Phan Tứ hành quân với bộ đội. Lúc dừng lại, nếu ban ngày, anh kê giấy lên đùi, lên đá để ghi chép. Nếu ban đêm, anh châm cây đèn chai nho nhỏ mà lúc ấy chúng tôi ai cũng có, lấy nón cối che kín bớt ánh sáng rồi ngồi viết tin cho đài cho báo. Phan Tứ nói với một nhà văn trẻ cùng đi:

- Cậu ạ, làm cái gì cũng được, miễn có lợi cho cách mạng thì làm. Vả lại từ những thu thập hôm nay sẽ đóng góp nhiều tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sau này.

Tháng 4 năm 1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Phan Tứ xoa tay, sung sướng nói:

- Từ nay trở đi mình sẽ không làm gì cả, chỉ lo cho xong quyển tiểu thuyết.

Nhưng không phải thế. Phan Tứ được giao làm trại phó trại sáng tác văn học Quân khu V, sau đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu quốc hội...

Phan Tứ đẩy ra, người ta đẩy vào. Và anh, với tư cách một công dân, một đảng viên anh phải làm tròn trách nhiệm được giao. Tất cả những điều ấy là tất yếu, là cần thiết nhưng nó vượt quá sức nhà văn, nhất là một nhà văn đau yếu, không còn trẻ nữa, làm cho anh không còn nhiều thì giờ để tập trung vào công việc chính: Việc viết văn.

Những cuộc họp, những lần ngồi nghe ý kiến của công dân, những buổi giải quyết việc tranh chấp nhà ở, việc phân phối mấy lít xăng đã băm nát thời gian của một nhà văn làm cho suy nghĩ bị gián đoạn. Mà đã có sự gián đoạn trong sáng tác thì những ý tứ đột xuất thường bay biến.

Nhưng cũng phải công bằng mà nói, nhờ có việc “mất” của anh mà chúng tôi “được” những kinh nghiệm trong sáng tác. Và như thế, anh là người góp phần trong việc đào tạo các nhà văn trẻ chúng tôi. Ở trại sáng tác Quân khu V, anh đọc bản thảo chúng tôi rất kỹ; góp ý cẩn thận. Có quyển như Vàng Crum của Nguyễn Đăng Kỳ, anh đọc góp ý tới 5, 6 lần. Anh đọc và góp ý tiểu thuyết Năm 1975, họ sống như thế của Nguyễn Trí Huân, Đất đang gieo của Nguyễn Bảo, Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi, Hồi đó ở Sa Kỳ của Bùi Minh Quốc. Có lần anh nói với tôi:

- Văn cậu như thơ. Nhưng cậu phải chú ý đến những chi tiết. Khi viết về con chó, cậu chỉ nói con chó đó màu vàng thì chưa đủ, ai chẳng có con chó vàng, làm sao họ nhớ con chó của cậu. Cậu phải có chi tiết là nó có một chấm trắng trên đầu chẳng hạn...

Một lần khác anh tâm sự:

- Viết tiểu thuyết thì không thể nói hết tính cách nhân vật ra từ đầu, mà phải nói từ từ mỗi lúc một tiến triển. Nguyên Ngọc chỉ viết được tập I Đất Quảng, khó viết tiếp tập 2, có lẽ vì tính cách của các nhân vật đã được bày ra hết ở tập I rồi. Nếu viết tập 2 thì đó chỉ là Ký, là nói thêm sự việc thôi. Đất Quảng chỉ cần tập I kéo dài thêm một chút nữa kết thúc là vừa - Im lặng một lát rồi anh tiếp - Theo mình Nguyên Ngọc sinh ra chỉ hợp với thể loại truyện ngắn, truyện vừa không hợp với tiểu thuyết. Đất nước đứng lên cũng chỉ là quy mô của một cái truyện vừa mà thôi.

Phan Tứ cho rằng các nhà văn Việt Nam ít biết về kẻ thù quá nhất là thằng Mỹ, vì vậy khi viết về kẻ thù thường hay bị sơ lược. Anh muốn mình phải bổ khuyết việc đó bằng cách đọc nhiều tài liệu của địch và tài liệu viết về địch. Anh tự cho mình là nhà văn thuộc phái hiện thực nghiêm ngặt, lúc nào cũng muốn có đầy ắp vốn sống, vốn hiểu biết, vốn học vấn, nắm được tâm lý của nhiều loại nhân vật rồi mới viết. Phan Tứ thường giở đề cương quyển tiểu thuyết lớn hàng ngàn trang mà anh đặt tên là Người cùng quê ra xem đi xem lại, bổ sung thêm, thay đổi lại chỗ này chỗ nọ qua quá trình nhận thức và học tập của anh. 

Thế rồi Phan Tứ tận dụng mọi thời gian có được để viết không kể ngày hay đêm.

Nhưng Phan Tứ đã bị những kẻ thù nấp sẵn trong người anh chống lại. Những năm ăn sắn uống nước suối nhiễm chất độc hóa học màu da cam đã tạo nên những u, những cục trong gan trong tụy anh. Phan Tứ phải đi mổ hai lần. Từ đó, anh là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện C Đà Nẵng và Việt Xô Hà Nội. Nhưng hễ bớt đau là anh lại ngồi cọc cạch gõ máy chữ. Anh thường nói, anh phải chạy đua với thần chết để làm việc.

Ba tập đầu của bộ sách Người cùng quê đã được viết xong. Phan Tứ phấn khởi để bắt tay vào viết tập IV. Nhưng một trận đau nữa ập đến: trong gan anh có u, anh phải mổ lần nữa. Lần này thì Phan Tứ nằm quẹp, những lúc tôi đến thăm anh, anh nói:

- Mình mong sao sức khỏe ổn định ở mức độ thấp, mỗi ngày làm việc được 2, 3 tiếng để viết cho xong tập IV, cho trọn bộ rồi có “đi” cũng an lòng.

Nhưng Phan Tứ không thực hiện được điều đó. Tập IV mới ở dạng đề cương và vĩnh viễn vẫn ở dạng như thế. Anh mất lúc 10 giờ 5 phút ngày 17 tháng 4 năm 1995, cách đây vừa tròn 25 năm...

T.Q