Truyền thuyết về dòng họ của người Cơ Tu

05.07.2021
Đinh Thị Hựu

Truyền thuyết về dòng họ của người Cơ Tu

BBT: Trong 2 năm liên tục Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các chuyến đi điền dã để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian đồng bào Cơ Tu tỉnh Quảng Nam. Tháng 10 năm 2020, Hội cử đoàn sưu tầm, nghiên cứu đến làng Gừng, thị trấn P'rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam và cuối tháng 4 vừa qua, đoàn đến làng A Rơch và làng A Rơh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Các chuyến đi đã thu thập tư liệu thực tế về đời sống, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nhà ở, giao lưu văn hóa… của người Cơ Tu. Trên cơ sở đó, góp phần lưu giữ và đưa ra những giải pháp để bảo tồn văn hóa của người Cơ Tu.

Trong số này Tạp chí Non Nước trân trọng gửi đến bạn đọc bài nghiên cứu “Truyền thuyết về dòng họ của người Cơ Tu” của Đinh Thị Hựu và các bài bút ký, ghi chép của các tác giả Như Hạnh, Nguyễn Thị Phú, Huỳnh Viết Tư về vùng đất và con người Cơ Tu với những nét văn hóa, sinh hoạt nhiều bản sắc. Hy vọng, qua những bài viết này, độc giả có thể khám phá thêm về những phong cảnh, cuộc sống, sinh hoạt, những nét văn hóa dân gian của người Cơ Tu ở Quảng Nam, đồng thời cũng góp phần lưu giữ những nét văn hóa của người dân nơi đại ngàn.

 

Cơ Tu là một trong những dân tộc ít người cư trú lâu đời ở miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Trong chiều dài lịch sử, nhân dân Cơ Tu không chỉ đóng góp máu xương để bảo vệ mảnh đất đại ngàn mà còn đóng góp những giá trị văn hóa vô cùng quý báu để làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa Việt, làm cho vườn hoa văn học Việt Nam thêm hương thêm sắc. Dân tộc Cơ Tu có một kho tàng văn học dân gian rất đặc sắc, độc đáo nhất là mảng truyện kể về các dòng họ.

Việc xác định thể loại mảng truyện kể về các dòng họ Cơ Tu là một quá trình tiếp cận từ rộng đến hẹp. Trước đây, khi bàn về mảng truyện kể này, nhiều nhà nghiên cứu chỉ gọi chung là chuyện kể, truyện kể, truyện cổ. Về sau, căn cứ chức năng thể loại, nội dung chủ đề của tác phẩm các nhà nghiên cứu mới thống nhất xếp các tác phẩm này vào thể loại Truyền thuyết.

Truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian ra đời sau thần thoại. Nếu chức năng của thần thoại là giải thích tự nhiên và sự hình thành các dân tộc thì chức năng của truyền thuyết là phản ánh lịch sử thời khuyết sử. Truyền thuyết vừa là văn vừa là sử. Truyền thuyết ra đời khi các bộ tộc, bộ lạc vừa hình thành, phản ánh quá trình xây dựng cộng đồng, dòng họ. Những nghiên cứu mới của folklore học còn phát hiện “niềm tin” như là một tiêu chí quan trọng để xác định thể loại truyền thuyết. Điều này càng phù hợp trong việc nghiên cứu truyền thuyết về các dòng họ Cơ Tu.

Theo điều tra của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Đà Nẵng và các nhà nghiên cứu, hiện nay dân tộc Cơ Tu có khoảng 30 dòng họ (có truyền thuyết về nguồn gốc kèm theo) được thống kê (xếp theo a, b, c) như sau:

STT

Tên dòng họ

Truyền thuyết dòng họ Cơ Tu có xuất xứ, nguồn gốc từ vật tổ

1

Abing

Con cá Abing

2

Alăng

Cây chân chim (ân’loong alăng)

3

Arâl

Con gấu lợn ( bha’râl )

4

Arất

Con tắc kè

5

Avô

Con vượn

6

Aviết

Một loại thức uống (rượu nhẹ)

7

Ata

Cây ata  (ân’loong ata)

8

Atùng/ Ating

Cua núi/ Lá dong

9

Aghiêng

Cây aghiêng (ân’loong aghi)

10

Bh’riu

Cây bh’riu (ân’loong bh’riu)

11

Bh’rao

Cây bh’rao (ân’loong bh’rao)

12

Bh’nướch

Cây bh’nướch (ân’loong bh’nươch)

13

Bhling

Con kiến đất

14

Blúp

Loài cá lưỡng cư (như con lươn…)

15

Coor

Ven bìa núi (t’toor)

16

Cêr

Tìm kiếm (chêr chấc)

17

C’lâu

Khóc tế (như tế trâu)

18

Hôih

Cảm giác không ổn, sợ sệt  (pa’côih)

19

Hiêng

Loài ong bắp cày

20

K’đăh

Con chim k’đăh

21

K’phu

Gió thoảng mát

22

K’hiên

Thuận việc

23

P’loong

Vật trôi nước (áo,khố làm bằng vỏ cây)

24

Ra’pát

Cây sơn (ân’loong apát)

25

Riah/Rêêh

Rễ cây

26

Ta’rương

Con sóc

27

Ta’cooi

Trăng khuyết (27,28 âm lịch)

28

J’đêl

Thần nước

29

J’ngol

Con ong bầu (nga’ngung)

30

Z’râm

Loài chó (chỗ chó thường nhảy xuống gọi z’râm, còn nhảy xuống gọi zrâm)

 

Căn cứ vật tổ chúng ta có thể phân truyền thuyết về các dòng họ Cơ Tu làm 3 nhóm nhằm dễ nắm bắt đối tượng:

Dòng họ mang tên các loài cây: gồm các dòng họ Aghiêng, Bh'riu Bh'rao, Bh'nướch, Ra'pat, Riah…

Dòng họ mang tên các loài động vật: có hai nhóm:

Các dòng họ mang tên con vật trên cạn: Gồm các dòng họ Arâl, Arất, Avô, Bhliing, Hiêng, Kđăh, Ta'rương, J'ngol, Z'râm…

Các dòng họ mang tên con vật dưới nước: Gồm các dòng họ Abiing, Atiing, Bluúp, J'đêl…

Dòng họ có nguồn gốc từ sự việc:

Gồm các dòng họ T'ngol, Coor, Cêr, Hôih, K'hiên, K'Phu, Ta'cooi…

 

Nội dung các Truyền thuyết

Truyền thuyết về dòng họ Cơ Tu phản ánh một cách tỉ mỉ, chi tiết, sinh động quá trình ra đời của các dòng họ. Có thể nói, đó là những bức tranh sinh động vẽ lại khá đầy đủ quá trình cộng cư của dân tộc Cơ Tu từ thời mới hình thành các dòng tộc đến khi phát triển cộng đồng. Căn cứ tư liệu sưu tầm được, chúng ta thấy hầu hết các dòng họ của người Cơ Tu đều sùng bái tín ngưỡng tôtem. Tôtem là một tín ngưỡng ra đời từ thời cổ đại. Tín ngưỡng tôtem sùng bái vật tổ. Vật tổ là một sự vật được một dòng họ sùng bái, suy tôn. Nhiều dân tộc cũng có tín ngưỡng này (như dân tộc Ê-đê phản ánh trong Sử thi Đam San). Mỗi dòng họ đều chọn một vật tổ để giải thích sự ra đời của dòng họ mình. Dòng họ Alăng kiêng chặt cây hơlăng vì con tắc kè (con người) bu trên cây, cây bị đốn ngã tắc kè chết ngay. Dòng họ B'nướch kiêng tục té nước vào nhau (vì trong truyện kể giải thích người anh đã té nước mà chết). Dòng họ Atùng không ăn thịt cua vàng vì con cua vàng đã cắn chết con người. Truyền thuyết Cơ Tu lại kể rằng chính vì những người Cơ Tu họ Atùng cử không ăn thịt cua nên núi rừng có nhiều cua đầy cả dòng suối. Vào những mùa nước lũ, cua bò lúc nhúc làm cản trở cả bậc thang lên nhà sàn. Vì thế, một hôm Thần suối đã mách miệng với người Cơ Tu rằng: “Từ nay các con có thể ăn cua nhưng trước khi ăn cua phải nhớ đi hái thật nhiều lá Ating về để cúng Yàng”. Từ đó người Atùng được ăn cua nhưng không ăn lá Ating. Lá Ating lại trở thành một vật tổ của dòng họ.

Truyền thuyết người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang còn phản ánh quá trình du canh du cư, đấu tranh sinh tồn với môi trường khắc nghiệt. Truyền thuyết họ Hiêng (con ong) kể rằng vào thời xa xưa trong một mùa rẫy (mất mùa) dân làng đã bị ong đốt phá dữ dội không thể trụ lại được nữa nên phải bỏ làng chạy vào phương Nam lập nghiệp. Trong đời sống của người Cơ Tu con trâu cũng là con vật thiêng liêng. Dòng họ C'lâu kể rằng một hôm con trâu nhà bị chết, người chủ vì thương tiếc nên đã khóc lóc thảm thiết nên về sau lấy sự việc này đặt tên cho dòng họ C'lâu (khóc trâu). Trong tâm thức của người Cơ Tu cây cối là môi trường sống không thể thiếu nên việc lấy tên các loại cây đặt tên cho dòng họ mình là một việc làm vô cùng quen thuộc như họ Ata, Aghiêng,Bh'rao. Bh'nước, Ra'pát... Dòng họ B'riu kể rằng ngày xưa vào một ngày hè oi bức một đôi nam nữ rủ nhau vào rừng hái trái B'riu (một loại trái cây màu đỏ, vị ngọt, ăn rất ngon và mát). Sau khi hái trái hai người xuống suối mát tắm. Quá trình chung đụng cô gái đã mang thai và sinh con họ đặt tên là B'riu. Dòng họ Ria (rễ cây) ra đời bởi từ một câu chuyện kể về một chàng trai trong cuộc thi tài đã đi qua dòng suối không bị ướt vì chàng trai đã thông minh đào đường ngầm bên dưới dòng suối để đi qua và thắng cuộc. Dòng họ P'loong lại kể nguồn gốc dòng họ mình bằng một câu chuyện tình lãng mạn: Có một chàng trai khi đi rẫy về, đến con suối ngoài làng rửa ráy, hái một trái ươi thả xuống dòng suối, trái ươi trôi xuống bám vào chân một cô gái, cô gái ném đi nhưng trái ươi cứ bám vào chân, cô gái ăn trái ươi. Sau đó cô có thai và sinh ra một cậu bé, dân làng phạt vạ, đem ra xử theo luật tục và khi ấy đứa con chạy đến chàng trai đã thả trái ươi khi xưa và nói rằng đây là cha tôi. Từ đó có dòng họ P'loong. Khi đi điền dã ở làng A Rớh, xã Lăng, Tây Giang (tháng 04/2021) chúng tôi còn sưu tầm được một dị bản kể rằng P'loong/ vật trôi (là áo/khố làm bằng vỏ cây). Cô gái vớt vật trôi mặc vào người nên có thai. Người Cơ Tu sống nhờ săn bắn, thú rừng là nguồn thực phẩm phổ biến. Đặc biệt có những dòng họ trong quá trình săn bắn đã kiêng kỵ những loài vật, xem đó là vật tổ như họ Arâl (con gấu lợn), Arất (kỳ nhông), Avô (con vượn), Ta rương (con sóc), K'đăh (chim K'đăh)...

Nội dung truyền thuyết Cơ Tu còn phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các dòng họ. Một bản khác của dòng họ Alăng, C'lâu, Ria kể rằng: Gia đình nọ có ba anh em trai mồ côi, gia tài cha mẹ để lại chỉ có một con trâu nhưng một hôm chẳng may con trâu rớt xuồng hố mà chết, trâu chết gần cây Alăng. Người anh cả ngồi ở gốc cây nên lấy họ là Ria, người em thứ hai ngồi ở thân cây nên lấy họ là Alăng, đứa em út khóc nhiều nhất nên lấy họ C'lâu.

 Truyền thuyết về các dòng họ Cơ Tu là sản phẩm tinh thần quý báu giải thích nguồn gốc các dòng họ, phản ánh bước phát triển về nhận thức của người xưa về sự thiêng liêng của huyết thống, đề cao tinh thần nguồn cội “chim có tổ, người có tông”. Đây là một truyền thống văn hóa quý báu của người Cơ Tu nói riêng và người Việt nói chung. Truyền thuyết về dòng họ Cơ Tu là sự bổ sung xứng đáng vào kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Việt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng, Truyện kể dân gian đất Quảng, Nxb Đà Nẵng, 2007.
  2.  Bh'riu Liếc, P'ra Cơ Tu (tiếng Cơ Tu) Nxb Hội Nhà văn, 2018.
  3. 5 năm tạp chí Văn hóa Quảng Nam 2013-2017, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, 2019.
  4. Tài liệu điều tra, sưu tầm Văn hóa dân gian Cơ Tu của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng, 2019, 2020, 2021.