Nguyễn Văn Bổng - Người con yêu của đất Quảng

05.07.2021
Thanh Quế

Nguyễn Văn Bổng - Người con yêu của đất Quảng

LTS: Nhà văn Nguyễn Văn Bổng là một cây bút xông xáo vào Nam ra Bắc suốt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như những năm đầu khi đất nước thống nhất, sáng tác nên nhiều tác phẩm có giá trị, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1921-2021) và 20 năm ngày mất của ông, nhà thơ Thanh Quế, người nhiều năm gần gũi với ông có bài viết giới thiệu đôi nét về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn sôi động này.

 

Từ hồi học phổ thông ở miền Bắc, tôi đã học Con trâu và Bếp đỏ lửa của ông trong giáo trình, nghe tên ông qua các tác phẩm nhưng chưa bao giờ gặp ông. Tôi quen biết ông từ năm 1975, khi ông vào công tác ở Trại sáng tác Văn học Quân khu 5...

Nguyễn Văn Bổng sinh năm 1921 tại làng Bình Cư, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là làng nhỏ ven bờ sông Vu Gia, con sông đã cho tôi cảm xúc để viết nên bài thơ Trước nhà em sông Vu Gia được nhiều người biết đến. Vùng đất quê ông giàu truyền thống yêu nước và văn học. Cha ông là một nhà nho đã dạy cho ông những bài thơ, văn bằng chữ Hán. Ngay từ năm chín, mười tuổi, Nguyễn Văn Bổng đã bắt đầu tập làm thơ, viết truyện. Truyện dài đầu tiên Đêm tối ông gửi dự thi Giải thưởng Tự lực Văn Đoàn đã được nhà thơ Tú Mỡ khen. Năm 1937, đang học năm thứ nhất bậc tú tài ở trường Khải Định (Quốc Học) Huế, ông tham gia biểu tình đón sứ giả của Mặt trận Bình dân Pháp GôĐa, sang điều tra tình hình Đông Dương, bị nhà đương cục Pháp cắt học bổng. Sau khi đậu tú tài, ông dạy học ở Huế, đồng thời viết văn và có những truyện được đăng ở báo Sài Gòn, Hà Nội như Say nửa chừng, Đáy sông Hương, Cha mẹ, Làm lại cuộc đời...

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công như luồng gió mới thổi bừng ngọn lửa yêu nước âm ỉ trong lòng người trí thức trẻ Nguyễn Văn Bổng. Ông tích cực tham gia cách mạng ở Đà Nẵng, sẵn sàng lao vào mọi công việc, vừa làm việc ở Ty Thông tin tuyên truyền thành phố Đà Nẵng (lúc này mang bí danh Thái Phiên) vừa đứng ra thành lập và làm Hiệu trưởng Trung học Thái Phiên, lại có chân trong Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Đà Nẵng. Ông đã viết một số bút ký nói lên sự đổi mới do cách mạng mang lại cho ông và mọi người. Những bút ký trong tập Nhập vào đám đông của ông được trích đăng trên báo Quyết thắng, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ. Hè năm 1946, ông mang tập bút ký này ra in ở Hà Nội tại Nhà xuất bản Tiền Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.

Giặc Pháp chà đạp lên Hiệp định sơ bộ, âm mưu xâm chiếm nước ta lần nữa. Rời Hà Nội, ông tức tốc trở về Đà Nẵng tham gia kháng chiến, phụ trách Ban Tuyên truyền quân dân chính Quảng Nam - Đà Nẵng, làm báo Quyết thắng, Trưởng ty Thông tin tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành văn hóa kháng chiến Liên khu V. Ông hào hứng sáng tác phục vụ cách mạng với các vở kịch: Quỷ loạn, Em Sinh, Đà Nẵng, Đêm đông xuân... Vở Em Sinh được công diễn trong Đại hội Văn nghệ Liên khu V năm 1948.

Cuối năm 1948, ông chuyển hẳn sang công tác văn nghệ, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Liên khu V, biên tập Tạp chí miền Nam, cơ quan của Liên đoàn văn hóa kháng chiến Liên khu V, Tổng Biên tập báo Văn nghệ Liên khu V. Vừa làm lãnh đạo ông vừa hăm hở xuống cơ sở, tham gia chiến dịch Đông Xuân 1949-1950 ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Bàn chân ông lặn lội xuống các địa bàn nóng bỏng, gian khổ ác liệt nhất của Khu từ vùng cát ven biển đến đèo núi Tây Nguyên trập trùng, đặc biệt là ông luôn đi về với đất mẹ Quảng Nam khoai sắn, say mê ghi chép, nghiên cứu tư liệu để sáng tác tập truyện Cái bắt tay của người tù binh (1949) gây tiếng vang rộng rãi trong Khu. Năm 1950, ông in chung với nhà văn Nguyễn Chí Trung tập bút ký Đà Nẵng. Với vốn tích lũy qua những năm tháng đi cơ sở ở Quảng Nam - Đà Nẵng ông đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu (1952). Tiểu thuyết này đã đánh dấu một cái mốc quan trọng trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Văn Bổng. Tiểu thuyết đã được giải thưởng Phạm Văn Đồng ở Liên khu V và giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955) đưa tên tuổi của ông được chú ý trên văn đàn Liên khu V và cả nước. Sau này, tác phẩm này còn được trích giảng trong sách giáo khoa mà thế hệ của tôi đã được học. Có thể nói, Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi sinh ra ông, nuôi dưỡng ông trưởng thành và bây giờ lại là hiện thực to lớn để ông sáng tác nên những tác phẩm quan trọng. Ông là một người con yêu của đất mẹ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cuối năm 1953, Nguyễn Văn Bổng vượt Trường Sơn nghìn dặm ra Việt Bắc dự Hội nghị Tuyên huấn cải cách ruộng đất rồi ở lại tham gia cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên. Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc, ông chuyển về làm báo Nhân Dân với chức vụ Trưởng ban Nông nghiệp, một ban quan trọng của báo. Ông vừa làm công tác lãnh đạo, vừa lo tin bài cho các trang báo hàng ngày vừa đi thực tế viết bài về cải cách ruộng đất, về tổ đổi công, hợp tác xã - những mô hình mới của nông thôn miền Bắc. Từ đó, các tác phẩm Cắm thẻ Đồng Câu, Bếp đỏ lửa lần lượt ra mắt bạn đọc. Ông đau đáu nhớ quê hương miền Nam và trong những đêm mất ngủ ông viết nên truyện ngắn Người chị gây xúc động cho nhiều người, nhất là anh chị em miền Nam tập kết. Từ năm 1956, ông chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm Phó Tổng thư ký. Ông cũng tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957) và được bầu làm Ủy viên Thường vụ khóa đầu tiên. Dù bận việc đến đâu, ông cũng không rời cây bút. Ông lại xông xáo đi vào thực tế và hoàn thành tập bút ký Đón một mùa xuân mới ở miền Nam, vở kịch Dân cụ Hồ, truyện phim Đường về Nam.

Giữa lúc đất nước còn chia cắt, miền Nam thân yêu còn đang sống dưới ách kèm kẹp của Mỹ ngụy, ông xót xa nhớ về quê hương, ao ước có ngày được trở về cầm súng, cầm bút trực tiếp chống lại kẻ thù, góp phần giải phóng miền Nam. Dịp may ấy đã đến! Nghị quyết 15 (1959) của Đảng vạch ra con đường giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1962, ông trở về miền Nam như nhiều chiến sĩ ở các ngành khác, để lại miền Bắc người vợ đảm đang cùng bốn đứa con nhỏ. Ngày ấy ra đi còn bí mật, nhiều độc giả trong nhiều năm, tự nhiên không thấy tên Nguyễn Văn Bổng xuất hiện trên báo chí miền Bắc. Lúc đó, ông đang đảm nhiệm Trưởng ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam với bút danh Trần Hiếu Minh. Anh em văn nghệ ở miền Nam lúc ấy thân mật gọi ông là Anh Tám Nhàn. Ông lại xông xáo đi khắp nơi, vừa có mặt ở Bến Tre, quê hương đồng khởi, lại thấy ông xuất hiện ở chót mũi Cà Mau, rừng U Minh, Đông Nam Bộ. Khi trở về, ông cặm cụi suốt ngày đêm, hối hả viết như sợ mình không kịp hoàn thành nhiệm vụ, như sợ lỡ hẹn với nhân dân và chiến sĩ những nơi mình đến. Từ những đêm thức đỏ mắt ấy, tập bút ký Cửu Long cuộn sóng (giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1965) và tiểu thuyết Rừng U Minh ra đời. Nhà văn Từ Sơn, người em cùng đơn vị hồi ấy kể rằng: “Ở căn cứ Lãng Bạc, anh Tám Nhàn hối hả viết Rừng U Minh. Anh viết với tốc độ nhanh kỳ lạ, viết tới đâu là đưa cho cô Trúc đánh máy ngay hàng ngày. Anh viết được nhiều đến mức cô Trúc đánh máy không kịp, dù cô đánh máy có năng suất 20-25 tập mỗi ngày. Bản thảo đánh máy xong, anh tìm cách gửi ra Hà Nội. Các bản còn lại anh cho vào thùng đạn Mỹ đem cất giấu nhiều nơi đề phòng B52 đánh trúng chỗ này chỗ khác”. Tác phẩm Rừng U Minh viết về cuộc chiến đấu của quân dân ở miền đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc đã đánh dấu một bước phát triển mới của ông với tư cách là nhà tiểu thuyết.

Vừa chấm dấu chấm cuối cùng kết thúc tiểu thuyết Rừng U Minh, Nguyễn Văn Bổng được điều vào công tác ở nội thành Sài Gòn nhằm bí mật vận động các giới văn hóa, văn nghệ, báo chí tham gia chống Mỹ. Hoạt động ở Sài Gòn có khó hơn ở căn cứ, ở đây đi lại, ăn ở không công khai như ở núi rừng mà được các cơ sở hướng dẫn, bảo vệ. Người hoạt động ở thành phố phải cải trang, đi lại kín đáo không để lộ tung tích. Có lần, ông ở nhà một cơ sở, vừa đi công tác về, vào cửa thì có người theo dõi, mò đến. Người khách hỏi:

- Ông có phải là Nguyễn Văn Bổng ở Đà Nẵng không?

Nguyễn Văn Bổng từ chối quyết liệt:

- Không, thưa tôi không phải.

Người ấy ngớ ra, rồi xin lỗi:

- Ờ, có lẽ bây giờ Nguyễn Văn Bổng ở Hà Nội hay ở Mốt-cu chứ đâu ở đây. Tôi nhầm rồi. Xin lỗi ông.

Ngay lúc ấy, Nguyễn Văn Bổng giả vờ đi ra ngoài mua thuốc lá và thoát. Có lần đi ngoài đường gặp nhà văn Rum Bảo Việt, một cán bộ văn nghệ hoạt động nội thành ông mừng quá suýt reo lên. Nhưng nghĩ lại, vội quay mặt, phóng xe đi. Tuy bị theo dõi, nhưng Nguyễn Văn Bổng rất táo bạo. Có lần ông dùng Hon-da đi từ Sài Gòn lên Dầu Tiếng, về Bến Cát, Trảng Bàng tìm người thân cho Tô Hoài. Có lần, ông đứng ở Cầu Sa, Bến Lức, Long An đón nhà thơ Lê Anh Xuân và nhà phê bình văn học Hồng Tân từ R xuống, rồi thay quần áo, đóng vai người thành phố, đi Hon-da vào Sài Gòn mua rượu về đãi bạn.

Tại Sài Gòn, với nhiều bút danh bí mật, ông viết bài cho báo Tin Văn, tờ báo công khai của giới trí thức Sài Gòn. Ông xông xáo đi chỗ này chỗ nọ của thành phố trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968. Với những hiểu biết phong phú về thành phố Sài Gòn trong những năm ấy, ông viết tập bút ký Sài Gòn ta đó và sau này là tiểu thuyết Áo trắng.

Cuối năm 1968, sau những tin đồn thất thiệt ông đã hy sinh, nhiều bạn bè ở Hà Nội đã khóc ông. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể lại rằng, lần ấy tôi và Đoàn Giỏi nghe tin anh hy sinh, mỗi lần uống rượu nhà ông Giỏi, tôi, Hoàng Trung Thông rót thêm một chén và thắp nén hương tưởng nhớ bạn cố tri. Bỗng nhiên hôm ấy Nguyễn Văn Bổng xuất hiện như trong truyện cổ tích. Ông vừa được điều ra Hà Nội, tham gia Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam và làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ, như ông vẫn ở nguyên đó, chưa hề xa Hà Nội ngày nào.

Cuối năm 1974, anh em văn nghệ giải phóng lại gặp ông trong chiến dịch Buôn Ma Thuột như ông chưa hề rời khỏi miền Nam ngày nào. Nguyễn Văn Bổng vẫn như xưa, xông xáo hăm hở ghi chép. Sau đó, ông cùng bộ đội và lực lượng văn nghệ giải phóng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và ông là nhà văn đầu tiên có mặt tại Sài Gòn đúng 12 giờ trưa ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập. Nhiều người ở đô thành vẫn tưởng ông bám trụ tại đó suốt từ năm 1968 đến giờ.

Sau khi miền Nam giải phóng, ông làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ và mở những đợt đi sâu, đi dài ở nhiều vùng kháng chiến cũ ông đã từng qua hoặc chưa bao giờ được đặt chân đến để lấy tư liệu, viết các tập bút ký Đường đất nước, Ghi chép ở Tây Nguyên, tập truyện ngắn Chuyện bên cầu chữ Y và các tiểu thuyết Áo trắng, Sài Gòn 1967. Tiểu thuyết Áo trắng chẳng rõ thế nào được dịch ra tiếng Hàn Quốc với tên Áo trắng Sài Gòn. Sau khi ra đời nó bị cấm phát hành nhưng nhanh chóng được sao chụp thành hàng vạn bản phổ biến trong các trường đại học Hàn Quốc như là một cuốn cẩm nang hướng dẫn sinh viên phương pháp đấu tranh, cách tổ chức đấu tranh và cổ vũ họ bằng ngọn lửa của một tuổi trẻ tự nhận thức, dám đứng lên làm cách mạng dân chủ.

Tác phẩm cuối đời của ông, Tiểu thuyết Cuộc đời được xuất bản năm 1989. Lúc này, ông đang bệnh nên không viết được, phải đọc cho vợ ghi. Tiểu thuyết Cuộc đời như sự tổng kết về cuộc đời ông, đi Bắc về Nam, trải qua bao vùng đất, bao hoàn cảnh với những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc suốt  30 năm kháng chiến.

 

Tôi có một người bạn thân, nhà thơ, từng làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ, rưng rưng khóc khi nhà văn Nguyễn Văn Bổng mất, nói với tôi:

- Tôi mang ơn ông Bổng. Khi ông về làm Tổng Biên tập thì tôi làm hành chính ở tờ báo. Biết tôi đã qua lính, lại tập tành viết, ông động viên: “Gắng mà làm việc cho tốt, phức tạp đấy, hãy tự tin”. Ngày tôi được in cái truyện ngắn đầu tiên ông mừng lắm, như người cha xoa đầu tôi: - “Khá lắm cứ thế mà làm”. Có lần tôi có sai sót, chỉ có ông đứng ra bảo vệ tôi:- “Tôi đề bạt cậu ấy. Nếu cậu ấy sai là tại tôi, các anh chị phê bình tôi đây này”... Vào ngày tết, tôi về nhà, ông còn gởi bánh cho con tôi ở quê... Nay thì ông... Tôi mang ơn ông lắm...

Mọi người ai cũng biết rằng, Nguyễn Văn Bổng rất nghiêm khắc khi làm việc, nhất là trong công việc biên tập. Ông cẩn thận, không cho ai làm ẩu, kể cả những bạn thân. Nhưng trong cuộc sống ông là người khiêm tốn, hòa nhã, giản dị, có lòng nhân hậu, luôn bao dung cho người khác, luôn nhận trách nhiệm về mình. Ông rất vui mừng khi người khác có được thành tích trong cuộc sống và sáng tác. Có một lần, chúng tôi mời ông về làm chủ khảo cho Trại sáng tác văn học ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông không quản ngày đêm đọc, sửa chữa, góp ý cho từng tác phẩm của anh em trẻ. Ông trầm trồ vui sướng khi Gia Vi có truyện Hoa lông chông trên cát, Hồ Duy Lệ có bút ký Cát xanh...

Ông bực bội góp ý thẳng cánh khi gặp một truyện đáng lẽ sẽ tốt lại được viết với một văn phong cẩu thả, nhạt nhẽo. Ông nói chuyện kinh nghiệm sáng tác, đi thực tế, cách lấy tài liệu cho anh em trẻ. Vào khoảng năm 1991, ông nhận làm chủ biên tập Văn miền Trung thế kỷ XX của Nhà xuất bản Đà Nẵng. Lúc này ông đã yếu, phải nằm trên võng làm việc với anh em biên tập, nhưng ông rất nhớ, luôn nhắc nhở anh em đừng bỏ sót tác giả nào, một truyện hay nào. Những năm cuối đời, mỗi khi tôi ra Hà Nội, ghé thăm ông, ông vẫn hỏi thăm tình hình đời sống và sáng tác của anh em ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông luôn trân trọng, chu đáo, yêu thương mọi người. Và mọi người cũng yêu mến, trân trọng ông.

Nhắc đến ông, nhà văn Đoàn Minh Tuấn viết: “Nhà văn Nguyễn Văn Bổng là một người sôi nổi, nhưng ít nói và nhiều suy tư”. Nhà văn Nguyễn Tuân thường nhắc: “Ông Ngờ Vờ Bờ (Nguyễn Văn Bổng) có bút lực đầy ắp thực tế, sinh động trong suốt bao năm nằm gai ngủ rừng, vượt sông Cửu Long vào sinh hoạt trong lòng địch và những trăn trở đau đời như con tằm rút ruột nhả tơ”. Nhà văn Tô Hoài viết: “Ở Nguyễn Văn Bổng ý thức sống và ngòi bút gắn bó kiệt cùng với đời viết”. Nhưng có lẽ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết về ông có tính chất tổng kết hơn cả: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng trước hết chúng ta nói đến một nhà văn của xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống, là nói đến một khối lượng lớn những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký có giá trị mà tiêu biểu là Con trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết cuộc đời. Những tác phẩm bộn bề chất liệu hiện thực, đậm đà hơi thở nóng hổi của cuộc đời với một thế giới nhân vật đa dạng, những cảnh sống giàu màu sắc phong tục tập quán miền Nam, những trang viết biểu hiện rực rỡ vốn sống và tài năng của ông, một nhà văn gắn bó tha thiết với cuộc đời rộng lớn của cách mạng, dân tộc, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng và đất nước.

Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông xáo nơi đầu sóng ngọn gió, sống trọn một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt, đi cùng lịch sử đất nước, luôn có mặt ở nơi mũi nhọn, những điểm nóng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”.

Những lời trên được nhà thơ Hữu Thỉnh đọc trong lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Văn Bổng vào ngày 13 tháng 7 năm 2001. Ông ra đi là một mất mát lớn đối với giới văn nghệ Việt Nam, đối với bạn đọc gần xa, nhất là bạn đọc ở quê hương Quảng Nam Đà Nẵng của ông.

T.Q