Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và những diễn giải lịch sử

05.07.2021
Như Nghĩa

Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và những diễn giải lịch sử

Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa cho ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử”. Tập sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân (1921-2021).

Đây là công trình nghiên cứu của TS. Vũ Đình Anh và nhóm nghiên cứu gồm PGS. TS Nguyễn Phong Nam,

TS Nguyễn Quang Huy, TS Dương Thanh Mừng, ThS Phan Văn Thám đã hỗ trợ và chấp bút cho công trình.

PGS. TS Đỗ Lai Thuý trong Lời giới thiệu đầu tập sách đánh giá cao những đóng góp của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, đồng thời giới thiệu khái quát công trình nghiên cứu giá trị này:

“Công trình của các nhà nghiên cứu chia thành hai phần đi sâu vào hai chiều kích con người Nguyễn Văn Xuân: 1) những tìm tòi và diễn giải sử học và

2) những tìm tòi và diễn giải hư cấu

lịch sử.

Phần thứ nhất chủ yếu giới thiệu hai công trình biên khảo lịch sử đặc sắc: "Khi những lưu dân trở lại" (1967) và "Phong trào Duy Tân" (1969) và một vài khía cạnh lịch sử khác được Nguyễn Văn Xuân quan tâm đề cập. Qua đó, các tác giả muốn nói đến những phát hiện của nhà học giả về một vài nét có tính tiêu cực trong cá tính người Việt trước đây, như thói ăn chặn, đòi hối lộ, không giữ chữ tín của những người làm ăn buôn bán, khiến cho việc giao thương với những công ty nước ngoài bị đổ vỡ, trong “Nguyễn Văn Xuân qua bài báo Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII”. Hoặc về thói hư học, hư danh, học không vì kiến thức, học không đi đôi với hành (thực học), mà học chỉ để thi đỗ làm quan, trong “Tinh thần đề cao thực học của Nguyễn Văn Xuân qua bài viết “Từ ngũ phụng tề phi đến ngũ phụng bất tề phi”. Từ đó, các tác giả cho rằng đó là nguyên nhân Nguyễn Văn Xuân đề cao các nhà nho duy tân...

Phần thứ hai giới thiệu truyện hư cấu, nhất là hư cấu lịch sử. Các tác giả nghiên cứu hai tập truyện ngắn “Dịch cát" (1966), “Hương máu” (1969) và hai tiểu thuyết “Bão rừng” (1957) và "Kỳ nữ họ Tống” (2002) và một vài truyện ngắn khác. Nếu “Dịch cát” và “Bão rừng” chỉ là những truyện có ý nghĩa lịch sử, nhất là sử đương đại, lịch sử đang trở thành lịch sử, thì “Hương máu” và “Kỳ nữ họ Tống” là truyện hư cấu lịch sử, tức sự kiện, nhân vật có thực là bối cảnh bề ngoài, còn giá trị đạo đức, lối sống, nhân cách, sự lựa chọn của các nhân vật ấy mới là tâm huyết của Nguyễn Văn Xuân. Nhà văn viết về cái chết của họ để nói lên cái sống của họ. Chết như cái sống cuối cùng. Đó là những người tham gia khởi nghĩa Cần Vương như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến (Hương máu), người tham gia Việt Nam Quang Phục Hội như Trần Cao Vân, Thái Phiên (Rồi máu lên hương), những người dân chợ Củi “ghét Tây” (Cái giỏ), hay như Nguyễn Văn Siêu khóc thương Cao Bá Quát sau cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Khóc đầu

tri kỷ)...

Nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân không chỉ là một đặc sản xứ Quảng, mà còn là của cả đất nước. Bút pháp Nguyễn Văn Xuân là một cái viết (écriture) độc đáo, hấp dẫn, dễ đọc: văn chương thì đầy tính nghiên cứu, nghiên cứu thì đầy tính văn chương, lịch sử thì hàm ngụ tính đương đại, đương đại thì hàm ngụ tính lịch sử...”

Tạp chí Non Nước chúc mừng chủ biên Vũ Đình Anh và trân trọng giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Văn Xuân - những tìm tòi và diễn giải lịch sử” đến với bạn đọc.

N.N