Tình yêu không tên

05.07.2021
Nguyễn Xuân Nhĩ

Tình yêu không tên

Từ hôm con Nghĩa đi lấy gạo dưới xuôi về, không hiểu nó nói gì mà con bé chiều nào cũng ra suối Đá Nhảy, chọn một phiến đá nhô cao khỏi dòng nước chảy qua chừng ngang bắp chân ngồi lên đó và khóc. Khi không khóc được nữa, con bé lấy tay quẩy nước qua lại mấy lần rồi khoát nước lên rửa mặt. Sau đó con bé lấy quyển sổ tay từ túi xách y tá ra dùng bút đỏ ghi mấy dòng... Ngày nào cũng vậy. Liên tục cả mấy tuần nay đều thế cả, cho đến khi mấy anh em trong cơ quan ra gọi, nó mới về ăn cơm tối.

Khi chú Tuấn thủ trưởng cơ quan nghe tin, chú ấy rất lo cho con bé. Vì chú coi con bé như con gái của chú. Chú gọi nó đến lán trại làm việc của chú hỏi chuyện:

- Con gái, mấy ngày nay hình như con không ổn trong người? Có chuyện gì nói cho bố nghe? Sao con lại ra bờ suối ngồi khóc một mình mỗi chiều, mà không nhớ bữa cơm tối?

- Dạ... Con hơi mệt.

- Thế thì từ ngày mai trở đi con nghỉ ngơi ở nhà không cần đi cắt tranh nữa, qua phòng dân y nói thằng Tin bên kho dược coi có thuốc gì uống cho khỏi đi. Để chú nói cho quản lý biết.

- Dạ con không ốm đau chi hết, con vẫn đi cắt tranh được.

- Sao mấy đứa nói, chiều nào con cũng ra bờ suối ngồi khóc là sao vậy?

- Dạ lâu rồi con không có tin dưới quê, nên nhớ!

- Giời ơi, tưởng gì. Mai kia có dịp về xuôi công tác, bố cho người đưa đi.

- Dạ. Nhưng dạo này cơ quan mình đang tập trung cắt tranh làm lại lán trại, mấy anh chị lo không kịp mùa mưa đến, nên con chưa đi được.

- Vậy thì đừng khóc mỗi chiều nữa nhé!

- Dạ.

Chú Tuấn là bác sĩ, làm việc tại một bệnh viện lớn ở miền Bắc được chuyển vô Nam công tác từ năm 1962, lăn lỏi với chiến trường nhiều năm, kinh qua nhiều chức vụ trong ngành, mấy năm gần đây chú được cấp trên điều về làm quản lý Cơ quan Dân y của tỉnh. Còn con bé dưới xuôi là học sinh phổ thông trường làng, ba nó tập kết ra Bắc từ năm 1954 đến nay vẫn chưa có tin tức gì, mẹ nó hy sinh trong một trận càn có cả thủy quân lục chiến Mỹ và lính biệt động quân vây ráp bắn giết đốt phá. Mấy anh lãnh đạo địa phương xét thấy hoàn cảnh đơn độc, lại là con gia đình cách mạng nên đưa nó lên núi về tuyến sau chờ có dịp sẽ ra miền Bắc đi học. Do địch càn quét, đánh phá liên miên, nên nó phải chuyển qua, chuyển lại mấy nơi, cuối cùng về Cơ quan Dân y; lúc đầu làm nhân viên văn thư, sau đó chú Tuấn cho đi học y tá, rồi quay về lại làm y tá Cơ quan, không đi Bắc nữa.

Chú Tuấn thương hoàn cảnh con bé, nên coi nó như con nuôi để có điều kiện chăm sóc động viên, và chú cũng có niềm vui riêng khi xa quê nhà từ năm 1962 đến nay chưa một lần biết tin tức gia đình.

Khách quan mà nói, con bé được cả cơ quan yêu mến chứ không riêng gì chú Tuấn. Bởi không chỉ hoàn cảnh đơn côi của nó, mà nó còn là đứa con gái ngoan hiền và xinh đẹp, nước da mịn màng trắng trẻo, học hành không biết xong lớp mấy mà chữ viết kiểu con trai, phóng khoáng như bướm bay; thêm nữa là tuy hát không hay, nhưng nó lại hay thích hát những bài ca cách mạng, dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, thường có mấy bài hát “ruột” mà cả cơ quan ai cũng cổ vũ cho con bé lên hát mỗi lần hội họp:

... Cuộc đời vẫn đẹp sao

    Tình yêu vẫn đẹp sao...

... Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây

    Bên nắng đốt bên mưa quây

    Em dang tay em xòe tay

    Chẳng thế nào mà xua tan mây

    Chẳng thế nào mà che anh được...

... Rất dài và rất xa

    Là những ngày thương nhớ

     Nơi cháy lên ngọn lửa

    Là trái tim yêu thương...

Nói thực cả bọn con gái của bên y và bên dược trong cơ quan ít có đứa nào sánh kịp những nét đặc trưng ấy của con bé.

Tin lặng lẽ theo dõi, quan tâm con bé mà chính con bé và mọi người trong cơ quan không ai biết. Nói đúng ra là thằng Tin đang thầm yêu, trộm nhớ con bé. Thấy con bé ngồi khóc và ghi nhật ký bên suối mỗi chiều, thằng Tin đau khổ lắm. Muốn đến an ủi động viên nhưng lại sợ có ai đó biết, nên thường lẻn nép mình vào một cành cây sung to sà xuống bên bờ suối ngồi nhìn mà thấy thương con bé muốn đứt ruột, không biết nói thế nào.

 Một hôm con bé đi cắt tranh, thằng Tin ở nhà lục tìm trong túi xách y tá của con bé lấy quyển sổ nhật ký ra xem thử trong đó viết những gì, thằng Tin đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần những dòng ghi chép của con bé bằng bút mực đỏ vào nhật ký. Gần như thuộc làu những trang ghi chép đó, vậy mà thằng Tin lại muốn đọc thêm lần nữa. Con bé ghi:

Vậy là anh của em đã đi rồi, ra đi, đi mãi vào lòng đất mẹ, bỏ lại em một mình, sao cứ im lặng mà đi vậy anh, nói với em một câu gì đã chứ? Chẳng lẽ ông trời khắt khe với em quá vậy anh? Khi mẹ còn sống, lúc nào mẹ cũng nhìn vào mặt em mà nói rằng:

“Cái thằng dễ thương nhứt xã, chừng ấy tuổi đã biết làm đủ thứ chuyện giúp đỡ gia đình. Đi bộ đội có mấy tháng mà về trắng trẻo, đẹp trai nhìn hoài, không hồi nào cho đã con mắt”... Mẹ thương anh nhiều lắm đó, anh biết không?

Với em, tối nào em cũng mong anh đến nhà chơi, hễ thắp đèn lên học bài là cứ nhìn ra cửa xem chừng anh có đến với em không? Ngồi bên nhau anh chẳng nói câu gì như lòng em đang chờ đợi, nhưng em vẫn thích, vẫn trông!

Đêm nào có anh ngủ lại, thì càng làm cho em vui suốt cả ngày hôm sau. Anh không biết đấy thôi, những ngày tháng ấy, mỗi lần ôm vở lên lớp, mắt nhìn lên bảng như đang chăm chú nghe cô giáo giảng bài, nhưng trong đầu em lại nghĩ về anh, nghĩ về những lời mẹ nói: “Cái thằng dễ thương quá”, “trắng trẻo, đẹp trai nhìn hoài không đã mắt”... Em lại nghĩ không biết tối nay anh có đến nhà chơi với em không? Khi ngồi một mình em hay viết tên anh lên trang giấy, cố tình viết làm sao cho thật đẹp, hết dòng này qua dòng khác, hết trang này qua trang khác, nhiều khi không ưng ý muốn xóa, muốn xé bỏ nó đi, nhưng lại không nở, thấy thương cái tên ấy quá, chẳng đành.

Em cũng đã tự hỏi lòng mình sao lạ quá vậy ta, anh không biểu em làm điều đó, anh đâu có biểu mình nhớ anh, thế mà em cứ nhớ cứ trông? Hình như ba mẹ sinh ra anh để dành cho em nhớ, em thương anh thì phải?

Bây giờ em ngồi đây kể hết cho anh nghe, có trang giấy quyển nhật ký này, có dòng suối này làm chứng! Thôi kệ, cứ để cho nước mắt em rơi, cứ rơi mỗi chiều em ra đây ngồi nói chuyện với anh. Biết đâu những giọt nước mắt mang nặng nỗi niềm riêng, ứa từ trái tim đa sầu, đa cảm của em hòa theo dòng suối chảy, chảy mãi về phía xa xăm, chăm chỉ, miệt mài cho một ngày nào đó lại nhập vào dòng sông quê hương, dòng sông anh đã bao lần bơi lội, mò cua, bắt cá, bắt tôm ... Biết đâu trong những ngày nắng nóng, cháy bỏng này, mặt trời lại hút nước từ dòng sông ấy lên tạo nên những màn sương đêm, trong những khoảng lặng yên nào đấy của gió, của cây, màn sương ấy lại nhè nhẹ sà xuống, e ấp phủ lên nơi anh nằm yên nghỉ, trong đó đã có nước mắt của em, nước mắt của một đứa con gái vừa bước vào tuổi hoa niên với bao nhiêu ước mơ tươi đẹp phía trước và trái tim dễ vỡ của em! Anh nhớ đấy!

Hình như có ai đó đã nói:“Khi con gái, con trai mới biết yêu lần đầu là không được tặng khăn cho nhau” phải không anh, tặng khăn là xa cách mà! Em có biết tí nào đâu, thế mà anh cũng chẳng nói?

Em thật tệ, lỗi của em mà, cho em xin anh nhé!

Anh yêu! Anh chưa ngỏ lời với em một lần nào về chuyện hai đứa như bao lần em trông đợi, anh chưa khen em một câu như mấy người trong nhóm bạn. Vậy mà trái tim em mách bảo anh đã thuộc về em, anh đã là của em và em là của riêng anh, ai biết, ai không mặc kệ họ.

Chẳng lẽ chỉ một củ khoai lang nướng, một cái nắm tay nhè nhẹ ngày đó thôi sao! Em không thể nào quên cái nhìn anh gieo anh vào tim em thật ấm áp, rộn ràng bao niềm tin chờ đợi, cho em ấp ủ, giữ gìn qua bao năm tháng, để rồi bây giờ nhói buốt, đau lòng đến nghẹt thở vậy sao? Nếu như ngày đó anh không tiếc nửa lời mà nói với em rằng: “Anh cũng yêu em nhiều biết mấy”, thì giờ đây em đỡ phải ân hận biết bao nhiêu, đỡ phải đau buồn vì đã không sẵn lòng đón nhận cái lẽ tự nhiên, thông thường của hai đứa trẻ yêu nhau, anh biết rồi đấy. Em sẽ ôm anh thật chặt vào lòng mà dỗ dành, mà âu yếm, không cho anh bước ra khỏi vòng tay em một phút, một giây. Anh khờ quá làm em e ngại. Càng nghĩ, càng không hiểu về anh, càng nghĩ càng mệt về anh ghê đó!

Giờ đây từ phía xa kia trong cõi hư vô, trong gió, trong mây, trong làn sương mỏng và cả trong tâm tưởng của em vẫn luôn hiện diện bóng hình anh. Hãy luôn bên em anh nhé!

Nếu như đây là sự thật, thì anh hy sinh lúc 17 giờ ngày 21 tháng 01 năm 1971!

Anh nè, mỗi chiều về em sẽ ngồi với anh một lúc ở phiến đá ven suối này, anh có linh thiêng thì về bên em anh nhé!

Đọc đến đây thằng Tin nhòe hai con mắt, kiểu như có con gì đó bu vào làm xốn xang khó chịu, buộc nó phải lấy tay dụi dụi mấy lần. Không phải nó xúc động gì từ mấy dòng nhật ký, cũng không phải thương tiếc chi thằng con trai nào đấy hình như đã hy sinh mà con bé yêu thương và nhớ. Nhưng nó nhòe mắt vì quá bất ngờ con bé đã có người yêu. Nói đúng hơn là con bé quá yêu một đứa con trai nào đó cùng quê, cùng xóm dù người ấy đã hy sinh, nhưng nó vẫn giữ trọn mối tình sâu nặng đó trong tim.

Gấp sổ lại, cẩn thận để nguyên vào túi xách, rón rén bước ra khỏi phòng, thằng Tin đỏ mặt khi gặp con bé vừa từ đám tranh đang cắt dở đi về. Tin vội lên tiếng:

- Hôm nay về sớm vậy em?

Con bé không biết chuyện thằng Tin vừa lục tìm đọc sổ nhật ký của nó, nên vô tư nói:

- Em về lấy nước đem ra cho mấy anh chị. Trời nắng nóng cháy khô đồi tranh, hao nước quá.

- Sáng nay anh có công chuyện, chiều anh mới đi cắt cùng bọn em. - Vừa nói, thằng Tin vừa đưa tay sửa mấy cái tóc mai đang lấm thấm mồ hôi bên má con bé ra sau, rồi khen một câu nửa chừng: “Em càng ngày càng..., nước da em chịu nắng ghê đó”. Con bé xoay mặt qua bên tránh bàn tay thằng Tin, nhưng không kịp, thằng Tin vội thả tay xuống rồi đi nhanh qua lán trại bên kia, con bé bực mình ném cái nhìn theo không giấu được sự mệt mỏi của mình với thằng Tin.

 

Những tháng năm này, ngày nào cũng chạy địch, hết Mỹ lếch đến bọn biệt kích, rồi máy bay rải chất độc hóa học diệt cây cỏ làm trơ trụi núi rừng, B52, B57 thi nhau rải bom cày xới ven triền núi. Các đơn vị chiến đấu phải trụ bám ngoài chiến trường, còn các cơ quan hậu cần thì lùi xa vào rừng sâu tìm nơi làm căn cứ. Cơ quan Dân y cũng vậy. Càng vào sâu trong rừng, con bé càng cảm thấy cô đơn, buồn tủi, mặc dù chú Tuấn là người như cha, như chú luôn có lời động viên an ủi mỗi ngày, nhưng con bé vẫn thấy trống trải trong lòng. Nó chỉ chia sẻ, gửi gắm chút ít tâm sự về những suy nghĩ riêng tư của mình với con Nghĩa vì hai đứa cùng quê. Tuy con Nghĩa có nhích hơn một vài tuổi nhưng hai đứa sống với nhau như bạn bè từ cái ngày con bé mới về cơ quan.

Gần đây, thằng Tin ngày càng quan tâm nhiều hơn đến con bé, thể hiện tình cảm rõ hơn, nhiệt tình hơn. Mỗi lần đi công tác về là luôn có quà cho con bé, lúc miếng bánh xà phòng Camay, khi hộp kem với bàn chải đánh răng, rồi lần khác thì khăn voan quàng cổ, bánh kẹo, đường, sữa Ông Thọ có cả. Con bé cứ vô tư nhận hết không ngần ngại, đôi khi cảm thấy vui vui trong chốc lát vì được người khác quan tâm. Mỗi lần có kẹo, bánh là con bé cầm sang phòng con Nghĩa để hai đứa cùng ăn và trò chuyện, con Nghĩa hỏi:

- Kẹo bánh này ông Tin cho mi đúng không?

- Đi công tác về, lần nào ổng cũng mua quà cho tui.

- Thỉnh thoảng ổng cũng cho tau, nhưng tau hơi ngại.

- Tui thì chẳng ngại, tự ổng chứ mình có biểu đâu.

- Có khi nào mi nghĩ phải trả ơn lại cho ổng cái gì đó không?

- Tui có gì đâu mà trả.

- Tau biết ổng thích mi lắm đó.

- Không có chỗ đâu, đừng nhầm.

- Răng mi cứ vui vẻ nhận quà của ổng?

- Tui nói rồi, tự ổng chứ tui không biểu.

- Thế mà nhiều người cứ nghĩ...

- Nghĩ chi, con bé chen vào, tui biết bà nói chi rồi, nè ai quý tui cho cái chi, tôi cảm ơn chứ tui không khiến, không biểu, còn nói cứ cho quà rồi biểu tui trả ơn, trả nghĩa, tình cảm này kia, dứt khoát không có chỗ trong con bé này đâu, bà cũng nhớ dùm tui chút.

- Chi ghê rứa mi.

- Dứt khoát, luôn luôn, mãi mãi không có chỗ. Chấm hết.

- Tau cũng nể mi luôn.

Mọi chuyện cứ thế trôi qua cả năm trời, cho đến gần những ngày giáp Tết năm 1972, thằng Tin lại mua cho con bé ngoài các thứ bánh kẹo, thì còn có thêm chiếc võng dù đôi và tấm chéo dù hoa thật đẹp. Con bé rất thích, nhưng sao thấy nhiều quá nên không dám nhận, nài ép mấy nó cũng không; nhưng mọi người lại động viên cho con bé cứ nhận đi để khỏi phụ tấm lòng và tình cảm của thằng Tin.  

Nhận xong, đêm đó nằm trong chiếc võng dù đôi mới tinh, đắp tấm chéo dù hoa lên mình nghe mùi nước hoa thơm phức, nhưng sao cứ trằn trọc mãi không thể nào ngủ được. Miên man suy nghĩ biết bao điều, bỗng nhớ về một nơi xa xăm nào đó đúng cách đây hai năm một người con trai, một người yêu chưa lên tiếng đã ngã xuống và nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất quê hương. Con bé tự trách mình, giá như hồi đó mình lên tiếng trước với anh thì có sao đâu, cứ nắm giữ lấy bàn tay anh, đưa lên môi, đưa lên má và áp vào trái tim lúc nào cũng thổn thức, cũng muốn chia đôi nhịp đập này, thì làm sao có thể mất được tình yêu của anh. Giờ đây dù anh đã đi xa, không còn hiện hữu trên cõi đời này nhưng vẫn còn nghe đâu đây: “Anh cũng yêu em nhiều biết mấy, rồi vòng tay hai đứa đan chặt vào nhau đâu dễ chia xa, những giọt mồ hôi lấm tấm trên má anh mằn mặn môi em và gương mặt trắng trẻo, đẹp trai nhìn hoài không đã như mẹ đã nói bao lần sẽ neo đậu mãi trong trái tim này! Đời con gái mới lớn nhưng sao phải sớm đón nhận những nỗi buồn về chuyện gái trai? Những nỗi niềm riêng khó tả, không chia sẻ được với ai, chỉ có con Nghĩa mới biết một chút xíu về anh thôi”. Con Nghĩa thì bao giờ cũng làm ra vẻ người lớn, lúc nào cũng mục tiêu với lý tưởng, cứ nói với nó là hãy quên anh đi, còn con đường rộng thênh thang, xa dài phía trước, hãy sống vui và làm tốt mọi công tác cơ quan, để mà phấn đấu vô Đảng, đừng ôm cục đau buồn quá khứ mãi sẽ không làm được gì đâu. Đàn ông con trai còn có cả sư đoàn, lo chi chuyện yêu đương, chồng con kia chứ.              

Thực ra con Nghĩa nói có lý, nhưng sao thấy khó quên anh ấy quá. Nghĩ về anh là buồn! Bao nhiêu chuyện ùa về làm đầu óc nó rối tung, mãi cho tới khi con gà rừng lên tiếng gáy nó mới chợp được mắt. Trong trạng thái lơ mơ chưa kịp sâu giấc ngủ, thì giấc mơ nhè nhẹ trôi về trong tâm tưởng nó: “Anh lại nắm lấy tay em, lần này thì em không thể hững hờ để nó trượt qua, em nắm chắc bàn tay anh kéo về phía em, anh cũng mạnh mẽ ôm trọn vòng eo em thật chặt, hai thân hình không còn khoảng cách, hai đứa áp mặt vào nhau, làn môi mềm chờ đợi, ngọt lịm, nồng nàn, hơi thở phả vào mặt nhau âm ấm, thơm ngon, em đưa lưỡi liếm quanh môi khao khát... Không hình dung hết sự đê mê, đắm đuối trong lần gặp gỡ của hai đứa hôm nay, trái tim loạn nhịp, nóng bỏng, tâm hồn bay bổng; hai đôi bàn tay ấm nóng đan vào nhau theo sự mách bảo của bản năng, em ưỡn hết người về phía anh đón nhận... Con gà rừng lại gáy sáng lần hai, làm em giật mình tỉnh giấc. Hóa ra chỉ là mơ thôi! Chỉ là mơ thôi! Em thầm nghĩ, giá như con gà rừng đừng cất lên tiếng gáy, để giấc mơ tiếp tục kéo dài thêm!... Em đưa tay sờ xuống dưới có thứ nước gì trong ấy ứa ra”.  

Sáng hôm sau dậy sớm, sau khi gấp võng cất vào ba lô, chuẩn bị xuống suối đánh răng rửa mặt, người đầu tiên con bé gặp lại là thằng Tin, hắn hỏi liền:

- Ủa khi tối em khóc suốt đêm đấy à?

- Đâu có.

- Sao mắt em bụp hết lên kìa?

- Em hơi đau đầu, nên khó ngủ chút thôi.

- Lại nghĩ tầm bậy trong đầu nên mất ngủ chứ chi?

- Anh nghĩ bậy cho em thì có.

- Bỏ hết chuyện cũ đi.

- Anh biết chi mà cũ với mới?

- Sao lúc nào cũng thấy em không vui?

- Em bình thường, chả sao.

- Hôm nào anh muốn nói chuyện với em.

- Em không thích nghe.

Chưa kịp bước chân xuống suối, đã có mấy người cùng đi xuống đánh răng súc miệng buổi sáng; kẻ dưới lên người đang đi xuống xúm lại chọc quê: “Chà hai đứa trông tình cảm quá, mới sáng sớm đã ra tâm sự rồi. Hèn gì hôm qua anh Tin mua cả võng đôi với dù hoa có lý quá, vậy mà lâu nay giấu kỹ, thôi đi để cho hai đứa nó tự nhiên, mình về lo cơm sáng để chị nuôi chờ”.

Con bé chẳng hiểu sao mọi người đùa mà nghe nghiêm túc quá, muốn nói gì về nó đây. Nó không có chút tình cảm gì với thằng Tin, mà tự nhiên hôm nay nhiều người cứ nói như thiệt vậy? Nó nghĩ tại thằng Tin tự dưng đem võng, đem dù cho nó. Theo lối mòn, đi xuống suối nó cứ bâng khuâng về điều đó, có khi phải trả cái võng với tấm chéo dù lại thôi.

Còn thằng Tin thì có vẻ phấn khởi vì nhiều người đùa giỡn, nhưng có ý vun vào cho nó với con bé, nó bước lên bậc đá cố tình đưa tay chạm vào lưng con bé rồi đi thẳng về phía nhà ăn.

Cũng từ đó trở đi ngày nào thằng Tin cũng tìm cách gặp cho được con bé một lần. Thế nên cả cơ quan ai cũng nghĩ thằng Tin và con bé yêu nhau, hết ngày này qua ngày khác, người nói vô kẻ nói ra con bé chẳng biết nói thế nào cho người ta hiểu mọi suy nghĩ của mình. Mà lạ con Nghĩa bạn cùng quê với nó không hiểu sao cũng có lần biểu nó ưng thằng Tin cho yên bề.

Qua Tết năm đó, con bé được kết nạp vào Đảng, do con Nghĩa và chú Tuấn kèm cặp giúp đỡ, đứng trước Chi bộ trong lễ kết nạp Đảng đọc lời tuyên thệ do con Nghĩa viết giúp, nhưng mà đọc vẫn không ra hồn.

Một hôm, chú Tuấn đi họp đâu đó mấy ngày vừa về, chú gọi con bé lên phòng cho một cây bút bi có khắc tên nó lên ngoài vỏ bút màu lá chuối non, và cái lược chải tóc làm bằng nhôm máy bay Mỹ có khắc đôi chim bồ câu, con bé rất thích. Chú Tuấn thấy vui, lấy nước trong bình đông ra uống rồi nói với con bé: “Sắp đến ngày hòa bình rồi, sẽ có ký kết Hiệp định Paris ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, nên con ưng thằng Tin cũng được, đằng nào con gái lớn lên cũng có chồng, không lấy đứa này thì cũng ưng đứa khác, ít có đứa nào tốt bụng như thằng Tin. Đến ngày hòa bình là bố về Bắc ngay không ở đây lâu nữa đâu”. Nó im lặng một lúc rồi chào chú Tuấn ra về, bước đi trên lối mòn sau lưng mấy lán trại trở lại phòng mình, con bé thấy lạ thiệt, sao ai cũng thích, cũng muốn nó với thằng Tin, kể cả chú Tuấn, chỉ có mình con bé cho đến bây giờ vẫn chưa thấy có một lần nào cảm mến với thằng Tin. Con bé nghĩ: “Phải chăng ông Tin ni gây được tình cảm với mọi người, hay con người ông Tin quả thiệt có cái chi đó đặc biệt mà bản thân mình không nhận ra, không nhìn thấy được như người ta? Thật lạ! Mình về cơ quan này mấy năm rồi chứ đâu có ít, không hề có gì đặc biệt, đừng nghe lời ai cả, nhớ là khi nghĩ đến chuyện yêu đương, chồng con là phải nghe theo sự mách bảo của con tim. Nhất định phải nhớ!”. Con bé tự trấn an mình bằng những phân tích và lập luận riêng của nó.

Chú Tuấn nói đúng thiệt, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đã được ký kết, tình hình khác hẳn, không còn máy bay B52, B57, không còn chất độc hóa học, Mỹ lếch, lính biệt kích cũng rút đi hết. Cơ quan lại quay về khu rừng cũ, ngay bên suối Đá Nhảy. Ở đây rất thích, thuận lợi nhiều thứ, tiện đường về xuôi, nơi đây có nhiều niềm vui và nỗi buồn với con bé.

Thời gian đi qua, sự gắn kết với anh chị em, đồng đội ngày càng bền chặt, gần gũi thân tình, cơ quan như là gia đình của con bé. Có điều lạ là với thằng Tin, ai cũng biểu thôi thì ưng nó cũng được, giờ chưa yêu, ưng rồi thì sẽ yêu; nó thật sự lo lắng nếu cứ mềm lòng nhắm mắt, đưa chân nghễnh ngãng hai cái tai mà nghe theo lời người ta khuyên bảo, thì về sau lỡ có chuyện gì xảy ra thì hối hận không bao giờ kịp mà còn không biết phải tạ lỗi với anh Nguyễn thế nào?

Chiều nay con bé lại ra suối, vẫn ngồi trên phiến đá, nhưng khác với mọi lần là bỏ hai chân có cả đôi dép cao su xuống suối đung đưa hai bàn chân giữa làn nước chảy làm bọt nước tung lên, mấy quai dép su bám sát vào bàn chân cùng với hai bắp chân trắng múp loang loáng dưới nước suối trong veo, nó nhìn cũng tự thấy thích đôi bàn chân của mình, cứ thế một lúc nó mới đưa hai chân đạp qua một góc đá nhỏ bên kia, tréo chân lại kê quyển nhật ký lên đùi viết:

Anh! Cho em hỏi anh cái này nhé! Nếu anh đã ra đi, đi mãi bỏ lại em một mình, mọi người thấy em buồn và trống trải, nên biểu em ưng một người mà em không hề ưa thích thì sao đây anh? Không ai có thể lấp đầy được khoảng trống trong em khi vắng bóng hình anh! “Nhưng rồi em cũng phải đi lấy chồng” ai cũng nói với em như thế, “cứ lấy nó đi, chưa yêu, khi lấy nhau rồi sẽ yêu”. Phải thế không anh? Thôi thì em để mặc cho số phận đẩy đưa anh nhé! “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu!”...

Gấp quyển nhật ký lại, con bé đứng hẳn người lên phiến đá quay mặt về phía Tây, nơi còn sót lại vài tia nắng cuối chiều xuyên qua tán lá, chấp hai tay trước ngực nhắm mắt thì thầm gọi mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ có linh thiêng thì về đây cho con hỏi vài lời, anh Nguyễn đã gặp mẹ nơi xa xôi ấy chưa, mẹ lúc nào cũng dặn con phải giữ anh Nguyễn đừng để mất anh, nhưng nào đâu có được mẹ ơi! Con không còn anh nữa, anh bỏ con đi rồi, đi xa lắm rồi mẹ ơi, đi về nơi có mẹ nằm yên nghỉ phía bên kia! Mọi người ai cũng biểu con đi lấy chồng cho yên bề, giờ chưa yêu cứ lấy nhau rồi sẽ yêu? Mẹ có đồng ý không! Cả chú Tuấn cũng nói với con như thế. Xin mẹ và anh Nguyễn có linh thiêng thì về mách bảo cho con”.

(Mời bạn đọc xem tiếp số sau)