Thơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ Bình

02.04.2019

Thơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ Bình

Lần đầu tiên gặp nhà thơ Thụy Sơn không hiểu sao tôi có một suy nghĩ trong đầu: người đàn bà này có một điều gì rất u uẩn, nội tâm đầy phức tạp, nhìn bên ngoài thì như mặt hồ yên lặng nhưng trầm tích dưới hồ là những cơn sóng ngầm. Suy nghĩ ấy không khập khiểng lắm, nhất là khi đọc tập thơ Trầm tích của chị (Nxb Hội Nhà văn, 2019). Đó là tiếng lòng một người phụ nữ chịu nhiều đau khổ, cay nghiệt của trần gian với chiêm nghiệm đầy trắc ẩn của đời người. Thường khi xem một cuốn phim hay một quyển sách, chỉ xem phần giới thiệu chưa biết hay, dở thế nào nhưng mới thấy thóang đề tài, nội dung bất chợt gây cho mình chú ý, cố để xem cho bằng được. Trầm tích cũng gây cho tôi cảm giác như vậy, buộc tôi phải quay trở lại tìm đọc Như hạt bụi đam mê - Tập thơ của cùng tác giả được xuất bản gần 2 năm trước - như một cách để có thể đi sâu vào thế giới thi ca của Thụy Sơn.

Trong tập thơ đầu tiên Như hạt bụi đam mê, chị đã mở cánh cửa của đời mình với số phận và một hoàn cảnh riêng, từ những ngọt ngào yêu thương ngập tràn bỗng đắng cay đau khổ. Câu chuyện tình yêu đôi lứa như một giấc mộng đẹp của Em mười sáu nụ xuân còn e ấp/ Hoa mười giờ khép cánh trước lời yêu/ Sông nước lao xao trời hôm ấy gió nhiều/ Thương cô bé lần đầu hoa mắc cỡ... của những kỷ niệm ngày ấy ở phố Hoài. Nhưng rồi đó là câu chuyện của 40 năm trước với người tình ở Đà Lạt mới chớm hẹn hò đã là Cánh bướm ngày xưa thiên cổ bay về/ Trang nhật ký bên sông Hoài chiều cuối thu khép lại. Những đổ vỡ đầu đời 16 tuổi chớm yêu ấy đã để lại những buồn đau kéo dài cho đến sau này, đặc biệt mỗi lần trở lại phố cổ Hội An, trái tim của người thơ luôn rung lên một mối cảm hoài đầy luyến tiếc...

Ở giai đoạn khởi đầu, trong không gian thơ của Thụy Sơn luôn hiện tồn một sự chông chênh giữa hai nửa của sự đối lập: Chiêm bao nửa giấc - bóng đời nửa nghiêng... An nhiên môi nửa nụ cười/ Trách sao tạo hóa đất trời nửa nghiêng... Cảm hứng chủ đạo trong Như hạt bụi đam mê vẫn là một nửa của tâm trạng giữa buồn vui trần thế, phần còn lại của tập thơ chiếm gần trọn trái tim của nhà thơ là sự tan vỡ chia lìa giữa đường đứt gánh của tình yêu đôi lứa, vợ chồng. Từ hạnh phúc viên mãn Hai thiên thần xuống đời em đời anh/ Bức tranh gia đình một màu thiên thanh/ Nốt nhạc du dương thăng hoa từ đây... bỗng “bão giông từ đâu giăng mây” để Thiên cổ gọi mời... ta mất nhau một đời/ Giọt lệ nào cạn khô không lời/ Vành sô mộ chôn vùi sâu... tình em chênh vênh. Tiếng kêu thảng thốt đó luôn mang một âm vang như xé ruột dằng dặc suốt những trang thơ trữ tình đã bộc trực diễn ngôn cho những cay đắng của sự mất mát. Hạnh phúc càng tràn ngập, càng lớn lao thì đau đớn giữa đôi bờ tử sinh càng trở nên thống thiết hơn bao giờ hết. Đọc một số bài thơ trong Như hạt bụi đam mê, ta luôn bị ám ảnh bởi sự chênh vênh của một tâm hồn thơ luôn giằng xé giữa hai mặt đối lập của hiện thực; vui - buồn, tử - sinh, bão tố - lặng yên, nỗi đau - hạnh phúc, mất - còn...

Alfret de Muset từng cho rằng: “Không gì làm cho con người lớn lao hơn là một nỗi đau thương lớn”. Với Thụy Sơn, nếu không có “nỗi đau thương lớn” ấy trong cuộc đời, tôi nghĩ rằng chị sẽ không đến với thơ và nói cách khác chính “nỗi đau thương lớn” đã làm nên thơ chị. Những nỗi đau thương muôn trùng ấy cho dù đã xuất hiện với một tần suất khá dày đặc trong thơ ca của nhiều nhà thơ nữ trong nước và nước ngoài từ lâu rồi nhưng nghệ thuật nói như P. K. Feyerabend, “không có sự tiến bộ lẫn sự suy tàn mà chỉ có những hình thức khác nhau về phong cách là hoàn hảo một cách tự mình và tuân theo những quy luật riêng của nó”.  Trong  Như hạt bụi đam mê, trên nền thể loại của thơ ca truyền thống với khoảng hơn một nửa là những bài thất ngôn, tứ tuyệt của Đường thi nhưng ngôn ngữ, lối diễn đạt của Thụy Sơn mang một chút cách tân, nội dung không thiên về hướng ngoại mà đi sâu vào thế giới bên trong tâm hồn bằng những hình ảnh được chọn lọc tinh tế khơi gợi cảm xúc: Hong hồn phiến lá buồn trên nhánh/ Sưởi bóng đò đêm lạnh cuối dòng/ Kẻ thức bên đèn khô giọt đếm/ Người đi giữa buổi cạn mùa trông/  Ai phơi nỗi nhớ ngày giông bão/ Để cánh buồm xa ngập gió lòng... Dễ nhận ra mảng thơ Đường ấy cũng tạo ra một dáng dấp riêng của thơ ca Thụy Sơn, nhẹ nhàng, trầm lắng, sâu sắc của một nỗi đời đi qua giông bão của cuộc sống đầy bất trắc. 

Đến Trầm tích, chị gần như thóat ra sự khe khắt của âm luật, đối ngẫu của cổ thi,  cấu trúc ngôn ngữ trong thơ được thay đổi có phần cô đọng hơn. Đặc biệt là âm hưởng của Thiền đã càng lúc càng in đậm trong tâm thức của nhà thơ. Những cảm nhận suy ngẫm đậm màu triết lý của nhà Phật về nghiệp, nhân quả, nhân duyên, vô thường, luân hồi, sắc, không... xuất hiện nhiều trong thơ bằng những dồn nén cùng kiệt. Trong tập thơ trước, nhà thơ ví mình như hạt bụi còn vướng mùi tục lụy đam mê của đường trần, đến lúc này nhà thơ như một hành giả lại xem mình như giọt sương được sinh ra từ muôn vạn kiếp trước trôi dạt luân lưu khóc cười trùng trùng duyên khởi với mối nhân duyên của đời người: Ngàn xưa/ từ hạt sương tan/ Duyên sinh/ trên nhánh/ nắng vàng luân lưu/ Giữa đời/ cười khóc thực hư/ Ngàn sau/ còn vọng âm dư/ kiếp người... (Duyên sinh). Rõ ràng, người thơ đã nhận ra nhiều điều trong hành trình thực chứng những suy niệm về Thiền luận. Nhà thơ chỉ muốn nhìn mọi sự, mọi lẽ hết sức bình thường, nhẹ nhàng như hạt bụi trôi giữa đôi bờ tử sinh, trong cõi nhân gian nhiều hệ lụy. Giọng thơ trở nên thanh thản, bình tâm đến lạ. Không còn đêm/ giấc cô miên/ Không tôi không bóng/ Bền triền tử sinh/ Sương tan trên mái hiên đình/ Đã trôi hạt bụi/ Vô minh giữa trần. Trong thơ, Thụy Sơn thường chọn cho mình một tâm thế hết sức lặng lẽ, khiêm tốn. Chị ví mình như hạt bụi, giọt sương, bông lau, ngọn cỏ, hạt nắng,... và như  con đò cắm sào khuya thắp nến đợi trăng về, để vạn lần nhận thua thiệt cho riêng mình.

Đọc Trầm tích, ta bắt gặp ở đó một trái tim luôn mong muốn được thanh tịnh, buông bỏ những bi lụy: Cho tôi làm trang sách/ Vô tự trắng tâm kinh/ Đò mai về cố lí/ Hương từ bi ngát lành (Hương từ bi). Xin làm trang sách, trang kinh mà là sách vô tự nghĩa là sách trắng, kinh sách không có chữ. Đấy là gì, là thực chất của bản thể chân tâm vốn là thanh tịnh nhưng vì một niệm bất giác tức là nhất niệm vô minh sinh khởi mà tham sân si dấy lên trong vòng sinh tử trả vay, vay trả. Đò về lại cô lí chính là sự tìm lại trở về nguồn cội của chân tâm, là giải thóat (Từ bi trong Thiền ngữ mang ý nghĩa của Giải thóat). Bài thơ có 4 câu, 20 từ mà thâm thúy tinh diệu đến giật mình. Bằng sự trở mình của trí huệ, ta chợt nhận ra bản chất của sự học, sự thấu hiểu của kinh kệ bằng chân tâm là tinh thần của vô ngôn thiền định. Bài Hương từ bi theo tôi là một bài tiêu biểu cho mảng thơ mang nhiều Thiền ngữ.

Tôi xin không đi sâu vào không gian thơ với hơi thiền trong Trầm tích nữa kẻo không lại mắc tội sa đà không lối ra vì sự hiểu biết mình có hạn, nói như Bùi Giáng: Thưa rằng nói nữa là sai... Thơ của Thụy Sơn, vẫn là những xúc cảm trầm lắng, từ hạt bụi vướng víu hồng trần cho đến giọt sương long lanh tích tụ của trời đất. Giọt sương đấy bay đến cửa Thiền, chỉ muốn được bình an thanh thản trong tâm hồn. Triết lý nhà Phật đã khai thị cho nhà thơ rằng, phải dừng lại bên kia sông, chính ở đó, trong một phút giây suy tưởng, chị khám phá tiếng đời luôn đồng vọng xao xuyến trong lòng. Và ngược lại, như một ý thức hướng thiện vốn hẳn đã trầm sâu trong tâm hồn, người thơ đã đứng lại bên này sông để tiếp tục yêu thương con người và cuộc đời, để Đem hạt giống/ tình thương rắc/ Để đất sinh sôi/ hạnh phúc đời.

Và rồi, nhà thơ trong một phút giây giao ngộ đã nhận ra cuộc trần vẫn là nguồn sống với những niềm yêu bất tận: Thôi đứng dậy/ ôm trần gian một thuở / Yêu mùa xuân/ yêu trọn cả mùa đông/ Thương người thân/ thương hết thảy người dưng/ Yêu con dế con trùn/ Yêu tất cả... (Buông). Rõ ràng tâm hồn thơ ấy đã trở lại với cõi hồng trần này bằng niềm yêu thương rộng mở. Sau những tìm kiếm ý nghĩa duyên sinh trong Thiền luận, bằng một trái tim chân thật, Thụy Sơn đã thú nhận ta cười ta còn hạt bụi đam mê còn vướng lại bên đời, cũng từ một chữ Nghiệp mà thôi Qua sông/ làm rớt câu kinh/ Ngược luân hồi/ Trả ba sinh sinh kiếp này... (Nghiệp).

Thơ của Thụy Sơn rất giàu tính ẩn dụ, nó như một biện pháp tu từ giúp cho ta thấy rõ hơn một sự vật ở nhiều mặt khác nhau. Ẩn dụ trong thơ Thụy Sơn là một thứ ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ thơ ca luôn bị nén chặt, giàu năng lượng, chứa đầy điện tính. Có thể dẫn ra rất nhiều câu thơ sử dụng những hình ảnh hết sức ẩn dụ mang lại giá trị cho nhiều bài thơ: Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm; Bông lau giờ khác cỏ non thuở nào nhằm diễn đạt tâm hồn của con người còn non trẻ khác với lúc đã già cỗi; Giặt màu trăng cũ/ mấy đông úa nhàu... kể chuyện người con gái giặt áo bên sông, từ buổi đầu sơ ngộ vương vấn với “người ấy”, để rồi biết bao mùa trăng cũ đợi chờ vẫn ngồi giặt áo, con trăng và người giặt áo đã nhàu nhỉ đi vì năm tháng đợi chờ... Vẫn là nỗi truân chuyên đau đớn đổi thay vùi dập của đời, câu thơ viết cũng quặn thắt đoạn trường Câu thơ/ vò nát đêm nhàu/ Lặng nghe trời rót/ bể dâu xuống đời... hoặc: Quên choàng/ y áo chân tu/ Qua sông để rớt/ kinh thư thuở nào... Quên nhưng mà chợt nhớ, để rồi trong một ý thức phản tỉnh phải tự nhận thức lại để biết mình chưa thể qua sông, sương khói cỏ hoa của trần gian còn níu gọi trên bờ cũ. Viết về nỗi nhớ cong vênh của người đàn bà cô đơn nhớ về những ân ái xưa cũ, chỉ bằng một hình ảnh Người đàn bà giấu cô đơn luồn vào khuy áo/ Sông cuộn mình dúi mặt vào đêm đã nói lên một khao khát sâu kín, nó vừa cụ thể như sờ nắn được luồn vào khuy áo để miêu tả một nỗi ám ảnh của cô đơn có tính trừu tượng xa vắng. Sông cuộn mình là hình ảnh ẩn dụ cho sự trào dâng nỗi thèm muốn phải che dấu để nuốt xót xa vào lòng một cách lặng lẽ (dúi mặt vào đêm).

Trong mảng thơ mang âm hưởng của Thiền qua hai tập thơ nói trên của Thụy Sơn, tôi vẫn không cho đó là thơ Thiền. Thụy Sơn tìm đến Thiền môn cũng chỉ để cậy nhờ, nương náu cho lòng mình nhẹ nỗi bi ai, giữ được cái tâm thanh tịnh tránh bớt những cái đau buồn trong đời. Nhưng rồi, người thơ ấy mãi mãi là hạt bụi đam mê với buồn vui của đời. Thơ chị là một giọt lệ còn lại trong tâm tưởng để thương mình, thương người “Tặng nhau từ ngữ lạc lầm/ Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn” (Bùi Giáng).

H.S.B

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnVà một đường đạn bay - Trần TuấnĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmKhúc giao mùa - Võ Thị NhungTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênThơ Pilinszky JánosChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông