Thơ Pilinszky János

02.04.2019

Thơ Pilinszky János

PILINSZKY JÁNOS (1921-1981) là một nhà thơ lớn của Hung-ga-ry thời kỳ ngay sau chiến tranh. Pilinszky sinh tại Budapest ngày 27 tháng 11 năm 1921. Ông học luật, văn chương Hung-ga-ry và lịch sử nghệ thuật tại đại học Eötvös Loránd ở thủ đô Hung.

Từ 1938, những bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên các báo văn nghệ. Năm 1944 ông đi lính và bị bắt làm tù binh ở Đức. Hai năm sau, Pilinszky trở thành người đồng-biên tập của tờ tạp chí Újhold (Trăng mới, 1946-1948). Năm 1946, ông cho xuất bản tập thơ Cái đu bay và đòn ngang đôi. Năm 1947, ông nhận được giải thưởng Baumgarten và học bổng ở Roma (1947-1948). Đến năm 1959, ông in tập thơ Ngày thứ ba. Sau đó, Pilinszky tiếp tục in thêm 4 tập thơ, truyện thơ và nhiều kịch bản sân khấu.

Năm 1976, toàn tập thơ của Pilinszky được xuất bản. Ông có hai giải thưởng văn chương: giải József Attila (1971) và giải Kossuth (1980). Ông mất tại Budapest ngày 27. 5. 1981 vì một cơn đau tim. Toàn tập Pilinszky được xuất bản vào năm 1984.

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu một số bài thơ của ông, được dịch từ nguyên bản tiếng Hung-ga-ri.


Hình thang và rào cản

Em quay lưng trong bóng tối

trên trán em trầy trượt

tay ta vô ích kết vòng

cả màn đêm sao rợp.

 

Quanh cổ em những lông tơ bạc,

tụ tập đàn bướm hiền,

em chúi vào ta tin cậy,

rúc rích cười - ta đánh em dại điên!

 

Chúng mình chạy chơi vơi mép đá nắng,

ta ngáng chân em,

em nhảy dựng lên, bám chặt mắt ta

con thú không thể làm thương tật!

 

Khuôn mặt em biến sắc, em ngả ra sau

điên cuồng rơi, em bắt đầu rơi

trên những rào cản đêm tối,

em lên tiếp, em nâng cao tiếp

bay về miền run rẩy!

 

Trò thể dục lặng câm, tàn bạo

vậy mà ta vẫn chẳng gào lên,

ta đi theo em trái tim thình thịch

thô bạo gạt mạnh em khỏi ta

để tóm lấy rồi bứt em, tung, hứng

chúng mình dâng tràn vào lưới

của muôn vàn run rẩy các vì sao!

 

Giờ em nghe đây, ta bắt em trả lời

cuộc săn đuổi này từ bao giờ, hãy nói?

Đêm trong mắt ta đông đặc.

Ai bắt đầu và mi muốn gì?

Ta sẽ ra sao, em sẽ ra sao?

Ta yêu em tuyệt vọng!

 

Chúng mình ngồi trong những giới hạn trời,

như những kẻ khổ sai đã kết án.




Van nài

Đôi mắt mở to chỉ chăm chú nhìn ta,

như mặt hồ câm nhìn ngôi sao câm lặng,

không dám hỏi không dám gọi, vậy mà

giá ta vẫn giết, em vẫn tin: ta tỉnh.

Giá một lần nữa được yêu người TỘI NGHIỆP

trở thành của em, dù chẳng hoàn toàn;

giá được trao cái hôn vụt nhanh trong sạch,

mình đã từng là một trong sâu sắc ngọc ngà.

Chỉ một lần nữa thôi hãy cho anh ôm chặt,

cảm thấy đôi vai nhút nhát, mỏng manh,

hãy làm anh hồi hộp, ơi TỘI NGHIỆP,

trái tim anh lúc này chỉ toàn ngọn giáo, thương.

Người yêu của anh, hãy nhìn tóc trắng bay trong gió,

cờ hòa bình bé nhỏ, tìm kiếm tường thành,

hãy giải thoát anh khỏi nỗi buồn cô đơn cào cấu,

nếu không vì ai, hãy vì mẹ anh HÃY YÊU ANH.



Phác thảo thu

Dưới  khu vườn lặng im

cây đánh hơi vào khoảng không

im lặng mong manh và trống rỗng

kiếm tìm giới hạn, những cánh đồng.

Trái tim em thắt lại giật mình,

con đường nằm dài trốn chạy,

nhánh hồng cũng bực bội,

tự rình mình bằng nụ mỉm bâng quơ.

Những phác họa phân vân mờ tắp

chuẩn bị niềm đau.


Nguyễn Hồng Nhung

(dịch từ nguyên bản tiếng Hung)

Bài viết khác cùng số

Xây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaThuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênChi - Mẫu ĐơnVà một đường đạn bay - Trần TuấnĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmKhúc giao mùa - Võ Thị NhungTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênThơ Pilinszky JánosChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ BìnhHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu Thông