Thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn Tiếng

02.04.2019

Thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn Tiếng

(Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Lê Trí Viễn, 10/3/1919 - 10/3/2019)

Giáo sư Lê Trí Viễn từng là một thầy giáo trẻ nổi tiếng ở quê nhà. Cuối những năm 30 của thế kỷ trước, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đã đứng trên bục giảng một số trường tiểu học ở Quảng Nam, vừa dạy học vừa tự học để thi lấy bằng tú tài phần thứ nhất. Một cựu học sinh của Thầy ở trường Tiểu học Bảo An là con gái nhà văn Phan Khôi nhớ lại câu chuyện giữa Thầy với trò Bùi Giáng: “Bùi Giáng học khá đều các môn, không nổi bật về Toán hay Văn nhưng tháng nào cũng có tên trên Bảng danh dự (Tableau d’Honeur). Trong lớp, Giáng ít nói, ít đùa nghịch nhưng thỉnh thoảng có biểu hiện “tâm thần” nhẹ như cười một mình. Có lần đang giờ học, Giáng lấy giấy ra vẽ, vẽ cái gì chưa rõ, nhưng thầy Viễn đang giảng bài nhìn xuống, bắt gặp. Thầy đến bàn Giáng ngồi nhìn vào tờ giấy, Giáng vơ vội cất vào hộc bàn. Thầy hỏi: “Vẽ cái gì đó Giáng?” thì anh ấy vẫn cười, không trả lời thầy. Nếu là bạn khác thì có lẽ bị thầy phạt rồi, nhưng hình như thầy biết và thông cảm cho cái “bệnh” đặc biệt của học trò mình, nên thầy chỉ mỉm cười, trở lại bàn giảng bài tiếp”(1).

Còn một cựu học sinh của Thầy ở trường Tiểu học Duy Xuyên thì kể rằng: “Hình ảnh người thầy giáo trẻ, vóc mảnh mai, tính dịu hiền và hay xúc cảm đã in đậm dấu ấn trong tôi. Bằng tinh thần tự học và tìm tòi sáng tạo, thầy thi đỗ tú tài phần thứ nhất. Lúc đó vì ở gần nhà thầy nên chị em tôi thường hay sang mượn sách và được trông thấy những cuốn dày cộp gửi từ Pháp sang còn thơm phức mùi giấy mới. Những lúc vắng nhà, thầy thường ghé đến chỗ ông mục sư Tin lành để học tiếng Anh, hay sang nhà ông hương sư học thêm chữ Nho”(2). Tuy nhiên dấu ấn sâu sắc nhất của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn trong ký ức người học trò cũ này là việc thầy viết sách nghiên cứu và phê bình văn học khi đang dạy môn Quốc văn ở trường trung học chuyên khoa: “Theo thầy, việc dạy Quốc văn ở Trung học chuyên khoa lúc đó là quá sức. Lòng ham mê văn học và nhiệt tình cách mạng thì thầy không thiếu nhưng vốn liếng để dạy còn ít. Trước khó khăn đó, thầy phải mất hai năm vừa dạy, vừa học, vừa sưu tầm, chuẩn bị để soạn xong một phần tài liệu về lịch sử văn học Việt Nam ngót 600 trang và về sau soạn tiếp dần cho hoàn chỉnh”(3).

Tài liệu về lịch sử văn học Việt Nam mà thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn dày công biên soạn nêu trên đã được in thành sách vào năm 1951 tại Nhà in Tinh Tiến huyện Bồng Sơn với nhan đề Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê Mạt-Nguyễn Sơ. Theo thông tin của một bài báo đăng trên Báo Giáo dục và Thời đại năm 2010, “tại chiến khu Tuyên Hóa Quảng Bình, bằng trí nhớ và một ít tài liệu tham khảo thu thập được, Lê Trí Viễn đã trở thành “người viết văn học sử đầu tiên” kiêm giáo viên đứng lớp. Từ trường Phan Bội Châu tới trường Khải Định - sau đổi thành trường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Trí Viễn tiếp tục viết bộ Lịch sử văn học Việt Nam - Thời đại Lê Mạt-Nguyễn Sơ. Đây là cuốn giáo trình văn học đầu tiên được viết theo quan điểm Marxisme ở Việt Nam. Theo lời tác giả, sách viết ra ở khu 4 song phải tới 1951, khi trở về công tác ở khu 5, dạy trường Lê Khiết, mới in ra được”(4).

Năm 1973, đang học trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, một buổi trưa lang thang tìm sách cũ trên đường Công Lý, tôi có cơ duyên nhìn thấy và mua được Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ tập II(5) của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn in bằng giấy bổi bìa màu xanh xám, theo hình thức in litho, khổ 13 x 18, và tôi đã lần giở từng trang sách cũ với tất cả háo hức và ngưỡng mộ. Sau này được học sau đại học với Thầy ở Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, có lần tôi kể Thầy nghe về duyên kỳ ngộ giữa mình với cuốn sách Thầy viết năm xưa. Tôi còn thưa rằng dường như với Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ, Thầy đã góp phần khẳng định ý thức và năng lực tiên phong khai mở của người Quảng trong việc tiếp cận lịch sử vănhọc dân tộc, giống như Phan Châu Trinh với bài thơ Chí thành thông thánh tiên phong khai mở cả quá trình nhận thức lại giá trị của cả nền Hán học đương thời qua hai câu Vạn gia nô lệ cường quyền hạ/ Bát cổ văn chương thụy mộng trung, giống như Phan Khôi với bài thơ Tình già tiên phong khai mở cả một trào lưu thi ca mới, hay giống như anh em họ Nguyễn Tường với Tự Lực văn đoàn tiên phong khai mở cả một khuynh hướng sáng tác, hoặc giống như Nguyên Ngọc với tiểu thuyết Đất nước đứng lên tiên phong khai mở cả một đề tài trước đó hãy còn xa lạ với văn giới Việt - đề tài đất và người Tây Nguyên...

Rõ ràng với Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn
đã tạo nên một bước ngoặt trong nghiên cứu lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Trước Lê Trí Viễn, đã có nhiều người nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam từ đầu thập niên 1940 như Dương Quảng Hàm với Việt Nam Văn học sử yếu, như Nguyễn Sĩ Đạo với Đại Việt Văn học lịch sử, như Nguyễn Đổng Chi với Việt Nam Cổ văn học sử, hoặc như Ngô Tất Tố với Việt Nam Văn học đời LýViệt Nam Văn học đời Trần, hay như Nghiêm Toản với Việt Nam Văn học sử trích yếu..., chưa kể người đồng hương Quảng Nam của Thầy là Sở Cuồng Lê Dư - thân phụ của nhà thơ Hằng Phương - đã viết Nữ lưu Văn học sử công bố từ năm 1928, nhưng lần đầu tiên Lê Trí Viễn tiên phong khai mở một cách tiếp cận theo nhãn quan/ tư duy mới - mới đến mức bản thân tác giả Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ cũng phải “vừa chạy vừa xếp hàng”: nhãn quan/ tư duy marxisme.

Lê Trí Viễn tiếp cận với quan điểm marxisme nói chung và quan điểm marxisme về văn học nghệ thuật nói riêng chủ yếu bằng con đường tự nghiên cứu. Trong vùng tự do ở Liên khu IV và Liên khu V thời kháng chiến chống Pháp, những cuốn sách về chủ nghĩa Marx chắc không đến nỗi khó tìm, nhất là với các trí thức cách mạng như Thầy. Nhưng có lẽ quan điểm marxisme nói chung và quan điểm marxisme về văn học nghệ thuật nói riêng thấm sâu/ ngấm sâu vào Lê Trí Viễn là qua những lần trò chuyện với một người đồng hương có điều kiện tiếp cận sớm chủ nghĩa Marx - Nhà giáo Hồ Thấu - khi Lê Trí Viễn còn dạy học ở Duy Xuyên. Năm 1940, Hồ Thấu cùng anh ruột là Hồ Nghinh và một số người cùng làng lập trường tiểu học Tân Tân ở Duy Trinh và trực tiếp giảng dạy tại ngôi trường nổi tiếng đương thời. Giao du với Hồ Thấu ở thời điểm này, Lê Trí Viễn chắc không chỉ chịu ảnh hưởng của Hồ Thấu về quan điểm marxisme nói chung mà còn có thể cảm nhận được những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam qua nhãn quan/ tư duy marxisme. Trong một hồi ức về Hồ Thấu, Lê Trí Viễn từng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một Hồ Thấu hết sức uyên bác: “Anh đọc nhiều, biết rộng. Thơ văn nước nhà, ngoài các tác phẩm lớn, những Kiều, Chinh Phụ, Cung oán, Hoa tiên, Bích Câu... thơ Yên Đỗ, Tú Xương, Tản Đà, thơ phú, văn tế của Phạm Thái ở Văn đàn bảo giám  (...) anh đều biết. Nói gì đến Thơ mới! (...) Ngoài một ít thời giờ dạy học còn thì ở nhà anh đọc sách, dưỡng bệnh, tự học chữ Hán, đọc một số bài cổ văn có tiếng của Trung Quốc dịch sang quốc văn hay Pháp văn trong Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính, Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh như Quy khứ lai từ, Tế thập nhị lang văn, Đằng Vương các tự... Anh cũng thích đọc Thơ Đường và Liêu trai chí dị do Tản Đà dịch”.

Sau này Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ được in lại trong tập 4 của Toàn tập Lê Trí Viễn - Một đời dạy văn, viết văn do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006. Hơn nửa thế kỷ đã qua, hồi tưởng về cuốn sách mình viết thời trẻ, Thầy kể: “Bây giờ khó mà hình dung tình hình khó khăn trong công việc nghiên cứu thuở ấy, dưới bom đạn giặc cách đây hơn 50 năm. Ngẫm lại thấy cách tự mình chủ trương cho mình là thích hợp. Lấy tác phẩm làm đối tượng chính. Vận dụng quan niệm văn học theo duy vật lịch sử và biện chứng. Đi sâu vào văn bản, bỏ cũ nghĩ mới, tìm hiểu, phát hiện, cân nhắc trong hệ thống, kết lại những chỗ tâm đắc nhất theo khả năng cảm thụ của mình”(6). Có thể nói quan điểm của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn về nghiên cứu lịch sử văn học từ nửa thế kỷ trước hiện đại đến bất ngờ.

Không hiện đại sao được khi từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước mà một thầy giáo trẻ quê Quảng Nam đã dám khẳng định: “Văn chương hạ kỳ đời Lê là một nền văn chương rất phát triển. Một trong những dấu hiệu là văn chương không còn thuộc độc quyền của miền Bắc, của Đàng Ngoài, mà đã lan vào đến miền Nam, Đàng Trong. Trải qua mấy thế kỷ Nam tiến đến thời kỳ này mới thấy miền Nam góp phần vào kho văn học chung, mang vào đó cái khí sắc mới mẻ của hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội của mình”. Trước thực tế là có một thời việc nghiên cứu lịch sử văn học nói riêng và lịch sử nói chung ở nước ta chủ yếu theo xu hướng lấy miền Bắc/ Đàng Ngoài làm trung tâm - một sự mất cân đối khó chấp nhận mà đến nay không phải không có/ không còn, thì ý tưởng dẫu rất thận trọng của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn như vừa nêu là rất đáng ngưỡng mộ. Nói “dẫu rất thận trọng” là bởi ngay sau khi khẳng định như trên, dường như sợ bị ngộ nhận là không đánh giá cao văn chương miền Bắc/ Đàng Ngoài, Thầy đã phải nhấn mạnh: “Điều ấy không những chứng tỏ sự trưởng thành của phương tiện phô diễn, của tâm lý miền Nam mà còn gián tiếp là một bằng chứng cho sự phát triển rực rỡ của văn chương miền Bắc”(7).

Về Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, có thể nói nhiều cảm nhận của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn từ cuối thập niên 40/ đầu thập niên 50 đến nay vẫn còn mới mẻ. Hơn nửa thế kỷ đã qua, hồi tưởng về những gì mình đã viết về Chinh phụ ngâm ngày ấy, Thầy tự đánh giá: “Coi Đoàn Thị Điểm là người dịch Chinh phụ ngâm là hơi cũ (hồi ấy chưa có thông tin về dịch giả Phan Huy Ích - BVT), khẳng định Chinh phụ ngâm có giá trị phản chiến thì có quá”(8). Nhưng hoàn toàn có thể nhận thấy đóng góp chưa hề cũ của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn ở đây là đã đề cao tính nhân văn sâu sắc của Chinh phụ ngâm: “...nàng lên tiếng oán thán việc đôi vợ chồng trẻ mới gặp nhau mà phải xa cách ngay trong những hạnh phúc ban đầu (...)
Đó là nỗi đau thương thấm thía, tràn trề, nỗi phẫn uất âm thầm lặng lẽ của một thiếu phụ phải xa chồng...”
(9). Và mặc dầu vẫn nghĩ “hơi cũ” - chữ của chính Thầy - rằng dịch giả Chinh phụ ngâm là một phụ nữ - nghĩa là dễ đồng cảm với nỗi đau thương của nàng chinh phụ, nhưng thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đã tỏ ra tiên phong khai mở khi cho rằng người làm nên một bản dịch tài hoa như vậy đích thị là đồng sáng tạo với tác giả Đặng Trần Côn: “Khi xem Chinh phụ ngâm là một sáng tác của Đoàn Thị Điểm, ta phải công nhận bà đã tái tạo tác phẩm ấy, bà đã dân tộc hóa rõ rệt và mạnh dạn hơn tác phẩm đã ít nhiều dân tộc của Đặng Trần Côn”(10).

Lần đầu đọc một đoạn thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn chưa đầy ba mươi tuổi viết về Nguyễn Gia Thiều - tác giả Cung oán ngâm khúc, tôi - cũng chưa đầy hai mươi tuổi - đã hết sức kinh ngạc về cách nhìn đời nhìn người già dặn từng trải của Thầy: “Ông thấy cuộc đời sao mà mệt nhọc khó khăn! Việc thất bại, bước cùng khốn làm khổ đã đành. Chuyện thành công, lúc thông đạt mà cũng đến làm cằn mái tóc, đúc nặng buồng gan, thì cuộc sống quả không có chi thú vị cả(...) Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích chịu khuất phục ra thờ nhà Tây Sơn, ngậm đắng nuốt cay để cầu vinh hoa phú quý mà rồi cũng chẳng được trọn đời, đành phải theo nhà Tây Sơn mà chịu sa thải. Một Nguyễn Hữu Chỉnh đủ cho thấy bôn ba danh lợi, chìm nổi như thế nào, mà rốt cuộc không tránh khỏi phân thây giữa chợ”(11). Đặc biệt đọc đoạn Thầy vinh danh Cung oán ngâm khúc, tôi càng kinh ngạc về khả năng liên tưởng của thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn: “Nếu có kẻ đọc sách thấy diễn tả quá hay mà bất giác đưa giấy ra soi ánh sáng thử có gì sau lưng những dòng chữ mà khiến nó hay như vậy thì đọc Cung oán ngâm khúc, người ta cũng phải ngạc nhiên với những chữ đầy trọng lượng như kia mà xem nó như là những chuông to khánh lớn, ngoài có vẻ nặng nề, nhưng động lên thì âm hưởng vang bay khắp bốn phương trời”(12), bởi kẻ vừa đọc sách vừa giơ trang sách lên soi dưới ánh trăng kia chính là Makxim Gorky thời thơ ấu.    

Hơn nửa thế kỷ đã qua, hồi tưởng về những gì mình đã viết về Hồ Xuân Hương ngày ấy, Thầy tự hào “là đã khác biệt cách xa bao người nghiên cứu trước” nhưng không chỉ do Thầy “dám nói đến tình dục với những cảm giác da thịt và đi tới bênh vực sự sống hồn nhiên phong phú”  mà còn bởi lần đầu tiên thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đi sâu phân tích hình ảnh người đàn ông trong mắt/ trong thơ Hồ Xuân Hương: “Trong thơ Hồ Xuân Hương, người đàn ông thực không còn chút uy tín nào. Về tinh thần là một kẻ giả đạo đức, xua đuổi tình dục mà trái lại rất ham mê tình dục. Về hình thức hoàn toàn là một thằng hề có những dáng điệu thiểu não, buồn cười(...) Hồ Xuân Hương đi đến căn bản, lấy ngay vũ khí quyết định là tình dục để kéo người đàn ông xuống đúng chỗ của họ, trong thang bậc của tự nhiên ngang với người đàn bà và hơn nữa, để đánh tan cái kiêu căng về đạo đức của họ, một thứ đạo đức mà xét ra chỉ là ích kỷ và giả dối”(14). Thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn còn xuất sắc khi lý giải vì sao Hồ Xuân Hương dùng Đường luật để làm thơ: “Đường luật là một sản phẩm quý tộc(...) Nó phải mang trong nội dung châu ngọc của văn chương hay khuôn phép của đạo lý(...) Hồ Xuân Hương làm ngược tất cả. Bà đường hoàng hạ giá thể văn cao quý ấy, lôi cổ nó ra vị trí khỏi vị trí trang trọng, bắt nó mang một nội dung vô cùng bình dân, tầm thường và có khi thô bẩn nữa. Bà đã dân chúng hóa nó trên một quy mô sâu rộng. Dưới ngòi bút bản lĩnh và vạn năng của bà, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc của nó mà ngoan ngoãn cung hiến vần điệu cân xứng của mình cho bà sử dụng theo ý muốn độc đáo của bà”(15). Tôi xin nói thêm: dùng Đường luật để làm thơ, Hồ Xuân Hương còn khởi sự một cuộc thóat Trung trong văn chương/ văn hóa vô cùng ngoạn mục.

Viết về Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn liên tưởng đến nhà văn Nga Makxim Gorky, còn viết về Nguyễn Huy Hổ với Mai Đình mộng ký, Thầy liên tưởng đến nhà văn Anh Oscar Wilde: “Nhà văn Anh Oscar Wilde bảo rằng: Cho các nhà văn một cái mặt nạ, họ sẽ nói hết sự thực. Nguyễn Huy Hổ viết thiên Mai Đình đã dùng cái “mặt nạ” giấc mộng để nói lên tâm sự của mình và giai cấp mình”(16). Thật đáng kính nể sức đọc của một thầy giáo trẻ trong hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp khó khăn gian khổ. Trong thư mục in ở cuối sách(17), thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn liệt kê 25 đầu sách liên quan đến đề tài văn học thời Lê mạt-Nguyễn sơ, đa phần xuất bản ở Hà Nội, một số cuốn xuất bản từ năm 1920 như Nhị độ mai Phan Trần, một số cuốn xuất bản sau năm 1945 như hai tác phẩm của Hoài Thanh: Quyền sống của con người trong Truyện Kiều xuất bản năm 1948 và Nói chuyện thơ kháng chiến xuất bản năm 1949, có cuốn như Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn xuất bản ở Paris năm 1950, có cuốn như Cổ văn hợp tuyển xuất bản ở Thượng Hải năm 1912, có cuốn do chính Thầy chép tay như Chinh phụ ngâm bản chữ Hán. Tuy nhiên với những liên tưởng nêu trên, để viết được Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn còn đọc nhiều hơn nữa.

Chỉ tiếc một điều là Thầy đọc Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn khi bài viết về Chinh phụ ngâm trong Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ về cơ bản đã hoàn thành, thậm chí đã được xuất bản(18) dẫn đến nửa thế kỷ sau Thầy phải nói một lời tự trách rất Lê Trí Viễn/ rất Quảng Nam: “coi Đoàn Thị Điểm là người dịch Chinh phụ ngâm là hơi cũ”. Bởi nếu được đọc sớm hơn thì dẫu chưa chấp nhận thông tin liên quan đến Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích từ Hoàng Xuân Hãn, Thầy cũng đã có một chú thích nghiêm túc về Phan Huy Ích. Đơn giản vì Thầy là Lê Trí Viễn!              

B.V.T

(1) Xem Phan Thị Mỹ Khanh, Thầy giáo tôi, Báo Đà Nẵng Điện tử ngày 19-11-2016.

(2) Xem Trần Thân Mộc, Nhớ thầy, Báo Quảng Nam Điện tử ngày 11-02-2012.

(3) Xem Trần Thân Mộc, bài đã dẫn.

(4) Xem Vũ Nguyên Anh, GS.NGND Lê Trí Viễn: Một lối tài hoa qua muôn nẻo lối đời, Báo Giáo dục và Thời đại, 2010.

(5) Bộ Việt Nam Văn học sử của Lê Trí Viễn dự kiến có 6 tập, trong đó đời Lê mạt-Nguyễn sơ được thể hiện trong hai tập II và III, và được in trước (tôi chỉ có tập II).

(6) Xem Toàn tập Lê Trí Viễn - Một đời dạy văn, viết văn (tập 4), NXB. Giáo dục, 2006, trang 8, 9.

(7) Sách đã dẫn trang 24.

(8) Sách đã dẫn, trang 9.

(9) Sách đã dẫn, trang 39, 44.

(10) Sách đã dẫn, trang 54.

(11) Sách đã dẫn, trang 67.

(12) Sách đã dẫn, trang 73.

(13) Sách đã dẫn, trang 9.

(14) Sách đã dẫn, trang 114, 115.

(15) Sách đã dẫn, trang 118.

(16) Sách đã dẫn, trang 165.

(17) Sách đã dẫn, trang 240, 241.

(18) Theo tôi thì nhiều bằng chứng cho thấy Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn do Minh Tân xuất bản ở Paris năm 1953, cũng có chỗ ghi xuất bản năm 1952 - tức sau khi Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ được in, chưa thấy chỗ nào ghi xuất bản năm 1950 tức sau khi Việt Nam Văn học sử - Thời đại Lê mạt-Nguyễn sơ được in - như thư mục này. Tôi không có tập III nên không kiểm tra được bản thư mục gốc.

Bài viết khác cùng số

Thuyền quyên - Đỗ Nhựt ThưDòng sông đợi nắng - Nguyễn Bá HòaNhớ làng K’ro Lapia - Campuchia - Trần Ngọc PhươngVề Hà Nam viếng cụ Tam Nguyên - Hoàng Thanh ThụyChi - Mẫu ĐơnHãy trồng một cái cây - Trần Nguyên HạnhTrang nhật ký Tháng 4 - Minh ToànBàn về nghị quyết thứ hai dành riêng cho Đà Nẵng - Bùi Văn TiếngXây dựng Đà Nẵng thân thiện, năng động, hiện đại và sáng tạo(*) - Trương Quang NghĩaNhững nụ hôn trong bóng đêm - Hoàng Nhật TuyênTrong mưa xuân ngày ấy xa xăm...- Nguyễn Kim HuyNgẫu hứng với Thu Bồn - Nguyễn Nhã TiênKhúc giao mùa - Võ Thị NhungĐà Lạt mơ - Trương Thị Bách MỵNỗi nhớ cuối mùa - Tăng Tấn TàiThơ về những cơn gió buổi chiều - Nguyễn Hải LýNhững ám ảnh bất động - Đinh Thị Như ThúyPhố trưa - Nguyễn Hữu Hồng SơnLưỡi cưa - Nguyễn Minh HùngHoa gạo; Hoa sưa - Xuân HiệuNhững tảng đá ở bờ biển Nam Ô - Huỳnh Minh TâmVà một đường đạn bay - Trần TuấnThơ Pilinszky JánosHành trình tiếp cận mỹ thuật triều Nguyễn - Nguyễn Hữu ThôngChuyển thể nhân vật từ truyện ngắn Việt Nam đương đại sang tác phẩm điện ảnh - Nguyễn Văn HùngThầy giáo trẻ Lê Trí Viễn với nghiên cứu và phê bình văn học - Bùi Văn TiếngTrưa 30-4-1975 - Phạm Đình ÂnThơ Thụy Sơn - Từ như hạt bụi đam mê đến trầm tích - Hồ Sĩ Bình