TẾT ĐOAN NGỌ- một nét hồn quê

03.03.2011

TẾT ĐOAN NGỌ- một nét hồn quê

Tuổi thơ mãi là tấm kính trong veo ở kí ức mỗi người. Với tôi, kỉ niệm về ngày tết Đoan Ngọ không bao giờ phai phôi.

Cuộc sống hôm nay ngày một đi lên, trẻ con được ăn ngon mặc đẹp, sung sướng với nhiều món ăn bổ dưỡng, mê mải với những trò chơi hiện đại. Nhưng chắc chắn các em sẽ không bao giờ có được nỗi háo hức như thời chúng tôi mỗi khi ngày mồng 5 tháng 5 (Âm lịch) đến.

Tôi quên sao được cái không khí rộn rịp của thôn xóm, chợ búa vào những ngày đầu tháng. Khắp nơi, người ta bày bán đủ các loại trái cây vườn: thơm, mít, đu đủ...hòa cùng các loại trái từ trong Nam chở ra như: chôm chôm, xoài, vải... Đặc biệt ở các gian hàng bán gạo nếp, đậu người mua bán đông nghịt. Hàng gà, vịt không ngớt tiếng người trao đổi, mặc cả... Nét riêng của chợ quê trong ngày cận tết Đoan Ngọ là sự xuất hiện của những gian hàng bán “lá mồng năm” và bánh ú tro.

Tôi vẫn còn nhớ ngay từ ngày đầu tháng, mẹ đã đi kiếm đủ các thứ lá thuốc nam mọc ngay trong vườn đem phơi khô. Tối đến, các chùm lá: đường đường, ổi sẻ, mơ lông, thuốc cứu, sả... qua được một nắng tỏa khắp gian nhà một mùa thơm ngan ngát. Mẹ bảo phong tục ăn tết mồng năm bắt nguồn từ người Tàu. Đây là ngày tưởng niệm một thầy thuốc nổi tiếng tử nạn trong một lần đi hái thuốc trong rừng sâu. Theo người xưa, những cây lá được hái trong tiết trời đầu tháng 5 sẽ có vị thuốc, chữa được nhiều bệnh. Ngày trước, quê tôi xa thị thành, những bệnh thông thường như đau bụng, cảm sốt, đau lưng, đau cơ... đều được chữa khỏi bằng cây lá vườn nhà, trong đó vị thuốc đầu tiên là những chùm “ lá mồng năm ” dự trữ sẵn trong nhà.

Sáng sáng, từng đoàn xe thồ từ Hội An lên, xe nào cũng lúc lỉu những chùm bánh ú tro thơm lừng. Chiếc bánh tí hon màu vàng trong veo, làm từ gạo nếp giã nhuyễn, được gói khéo léo theo hình bánh ú trông thích mắt. Thú vị biết bao khi được thưởng thức miếng bánh mềm, dẻo chấm với vị ngọt mát của đường cát Quảng Ngãi, nghe hương quện lên từ mùi lá dong và nếp ủ tro. Với trẻ con chúng tôi ngày ấy, bánh ú tro là món quà quê tuyệt diệu chỉ được thưởng thức vào ngày lễ giữa năm.

Từ chiều mồng 4, nhà nhà trong xóm đã rậm rịch xay nếp, nghiền đậu để chuẩn bị chè xôi cho cỗ cúng. Năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường nấu chè đậu xanh đánh với nước cốt dừa. Trời tháng năm nóng như đổ lửa, có bát chè nấu từ nếp, đậu, dừa- những sản vật “ cây nhà lá vườn ” vừa ngon lại vừa bổ, không khác gì cao lương mĩ vị chốn cung đình. Ngày mồng 5, con cháu khắp nơi tỏa về quê sum họp, người người đi lại đông vui. Đúng giờ ngọ, bàn thờ nhà nào cùng đèn hương nghi ngút, cỗ cúng không thể thiếu chùm bánh ú tro, trái cây, chè xôi, bánh tráng...

Thuở đó, lũ trẻ chúng tôi náo nức chờ đón ngày lễ này không hẳn là được ăn ngon mà còn là dịp được diện quần áo đẹp, được ba mẹ (bỏ hẳn ngày ra đồng) dắt về thăm nội, ngoại. Dầu tết mồng năm chỉ vỏn vẹn có một ngày nhưng với lũ trẻ “đầu trần chân đất” chúng tôi đấy là một ngày đáng nhớ.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Cuộc sống thời hội nhập với biết bao tất bật, tết Đoan Ngọ đến lúc nào nhiều người không hề hay biết bởi cái không khí nhộn nhịp của ngày xưa đâu còn nữa. Song với tôi, niềm háo hức tuổi thơ để mong chờ một nét “hồn quê” sẽ không thể xóa nhòa.

Nguyễn Thị Thu Thủy