LƯU QUANG VŨ – NGƯỜI YÊU BẤT TỬ

03.03.2011

LƯU QUANG VŨ – NGƯỜI YÊU BẤT TỬ

Cuộc toạ đàm thơ Lưu Quang Vũ diễn ra tối 17/5 tại Trung tâm văn hoá Pháp (L’Espace) Hà Nội kéo dài hơn hai tiếng, là minh chứng cho giá trị và sức sống của một người đa tài hiếm biệt, mà khát vọng căng đầy vẫn đang tiếp diễn. Như Vũ đã viết năm 1972: “Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài/ Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng”.

Không chỉ run rẩy, mà xúc động cộng hưởng. Cảm giác ấy được khởi sự, nhân lên không chỉ từ lúc 18h 15 bắt đầu toạ đàm, mà từ tháng 4, khi poster hình ảnh đen trắng Lưu Quang Vũ cùng lịch chương trình này được dán trên cửa kính mặt tiền L’ Eespace 24 Tràng Tiền.

Sống và làm thơ mãnh liệt những năm 70 thời kỳ chống Mỹ, nhưng Lưu Quang Vũ là một giọng điệu khác hoàn toàn. Anh mãnh liệt trong nỗi buồn, ước mơ, để không hát đồng ca, không bị nhoà vào đại cảnh.

Chính vì thế, 22 năm sau khi ra đi vì tai nạn thảm khốc lúc tuổi 40, Lưu Quang Vũ vẫn trẻ trung thơ và có sức hút với công chúng nhiều thế hệ. Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là nhà thơ duy nhất của VN, sau khi mất được L’Espace tổ chức tọa đàm ở nơi chỉ nhìn nhận và tôn vinh những tác giả phong cách avant-garde (tiên phong).

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, tuyển thơ Lưu Quang Vũ (Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành), cuốn sách 15 x 23cm, 400 trang, 129 bài ra mắt và phát hành ngay sự kiện này, bằng sự đón nhận náo nức và nâng niu của công chúng. Những người tuổi 80, 70, bậc trung niên, những cô cậu sinh viên 20 tuổi, đều tìm thấy mình qua thơ tình Lưu Quang Vũ.

Bàn chủ tọa có PGS TS Lưu Khánh Thơ, em ruột cũng là em gái duy nhất của nhà thơ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên– MC, nhà thơ Vũ Quần Phương (viết bạt cuốn sách) và nhà thơ Anh Ngọc. Trong sáng tác, kỷ niệm gắn với Lưu Quang Vũ, không thấy nhắc Anh Ngọc bao giờ. Sao không phải nhà biên kịch, đạo diễn Đào Trọng Khánh? Tôi và những người yêu mến đều biết mối thâm tình của Lưu Quang Vũ và “bác Khánh”, tức Đào Trọng Khánh, Đào Nguyễn, Nguyễn trong thơ Lưu. Một tình bạn tri kỷ đã đi vào nghệ thuật, văn học sử. TS Thơ cho biết, L’Espace đã lên chương trình, không thay đổi được.

Các em trai của Lưu Quang Vũ, bắt đầu tên bằng Lưu Quang: Hiệp, Điền, Định, Điện Biên và vợ con bạn bè của gia đình họ đều đến đủ. Lưu Minh Vũ - con trai duy nhất còn lại của tác giả, công tác Thanh Hoá đúng hôm có sự kiện của cha. Nhà thơ Bằng Việt, đã in chung Hương cây - Bếp lửa với Lưu Quang Vũ 1968, họa sĩ Trịnh Tú, vợ chồng nhà văn Đỗ Chu (đến muộn). Đỗ Chu cùng binh chủng thông tin với Vũ, cuối buổi, khi phát biểu, đã khóc. Có tuyển thơ này hôm nay, là nhờ công bà Vũ Thị Khánh (1925-2006), người mẹ tuyệt vời của Vũ. Không làm nghệ thuật, song sống không khí văn nghệ cả đời, bà đã giữ gìn tác phẩm di cảo của con trai cả, đến khi yếu rồi mới trao lại cho con gái. Họ đã quý giá và đọc tác phẩm của người thân bằng máu thịt từng tế bào, để cho chúng ta được khám phá gia tài tinh thần của một thi nhân đẳng cấp.

248 ghế chật kín, nhiều người phải đứng hai bên lối đi cuối hội trường. Khán giả nghe các diễn giả thuyết trình, đọc những trang thơ trên giấy mới, thấy hiện lên cả lịch sử đất nước, xã hội qua số phận những con người. Một chàng trai bị loại ngũ, không có việc làm, tình yêu với Tố Uyên tan vỡ, chiến tranh khốc liệt, gia đình vất vả, vẫn dành đức tin cho tình yêu. Tình yêu và Em, là cứu rỗi, là tương lai, sức sống. Lưu Quang Vũ là nhà thơ bẩm sinh, cực nhạy cảm, một thiên tài. Thơ của anh đậm chất thơ, tràn ngập hình ảnh và xúc cảm, nó khác và vượt trên kiểu thơ gánh quá nhiều nhiệm vụ. Nó đạt tầm cỡ quốc tế, tầm vóc nhân loại vì nói đến những khát vọng sâu thẳm và bi kịch của con người một cách nhân bản, vi tế nhất. Chất thơ ấy lại được đưa vào kịch của anh, từ những cái tên: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Sống mãi tuổi 17, Nếu anh không đốt lửa, Khoảnh khắc và vô tận, Tin ở hoa hồng…

MC Phạm Xuân Nguyên mẫn tiệp và duyên dáng. Tuy nhiên, có lẽ sau chuyến Trường Sa về tối 16/5, biển nhuộm da sạm và cái mệt làm giảm tốc độ phản xạ, mà anh đã thiếu kiên quyết với trường hợp cần thiết. Phát biểu của Vũ Quần Phương, Bằng Việt nhạt và dài, Nguyễn Lê Tâm được mời lên nói về bài hát Tiếng Việt mà anh phổ từ thơ Lưu Quang Vũ từ 1996. Lê Tâm đã chiếm 15 phút để nói về sự hâm mộ Lưu Quang Vũ, về quá trình sáng tác … Đèn tắt, cả khán phòng yên lắng để xem video clip bài hát Tiếng Việt, mà Lê Tâm đóng cùng vợ con và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (hát, kéo nhị). Một phim không phải phim, vì không có tiếng động, hình ảnh bị giả và thoại lên gân. Giá mà thời lượng ấy để chiếu Ngọn lửa trong gương, phim TL làm năm 2008, kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, hay chiếu những bức ảnh, hình ảnh ngôi nhà 96 phố Huế và những nơi chốn lưu dấu Lưu Quang Vũ, thì xúc động biết bao! Đạo diễn Nguyễn Thước, quay phim Trần Trọng Văn (con trai thi sĩ Trần Dần) cũng có mặt. Tất cả đều tiếc về thời lượng và hình ảnh đã không được sử dụng đúng lúc và hiệu quả. Tư liệu ảnh có rất nhiều, vậy mà sân khấu “chết”, phông nền cả buổi chỉ chiếu mỗi poster Lưu Quang Vũ. TS Thơ nói, mình chị không quán xuyến xuể, bên Nhã Nam làm. Chị giãi bày: “Cũng có vài NXB đề nghị, nhưng chúng tôi muốn tuyển thơ phải in đầy đủ, không cắt đoạn. Nhã Nam đặt vấn đề cuối 2009 và tôi thực sự bắt tay làm cật lực 2 tháng. Tôi sắp xếp thơ theo thứ tự thời gian và dùng bản gốc, vì nhiều nơi đã in sai lệch. Ví dụ, bài Hoa vàng ở lại, Tiếng Việt. Anh Nguyễn Quang Hoà - giáo viên Toán, bạn anh tôi, đã cung cấp văn bản gốc”. Lưu Khánh Thơ làm công tác tư liệu rất tốt, chính chị đã biên soạn, giới thiệu và công bố tác phẩm của cha, anh mình.

Lưu Quang Vũ đã chuẩn bị thảo “Mây trắng của đời tôi”, chưa kịp in thì mất. Em gái đã in cho anh 1989, rồi tới “Bày ong trong đêm sâu” (NXB Hội nhà văn, 1993), “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường” (nhật ký, di cảo thơ, NXB Lao Động , 2008). Đến “Gió và tình yêu”…mới đạt được tâm nguyện. Đây thực sự là giai phẩm về chất lượng nghệ thuật và thẩm mỹ. HS Nguyễn Thị Hiền, người mãi yêu và giữ tình yêu với Lưu Quang Vũ, đã nhận lời làm minh họa cho cuốn sách, vì lời hứa với Lưu Quang Vũ mùa Hè 1988. Giờ cũng đã Hè, mùa mà Vũ đã viết “Dành cho em”. Dành cho em hoa những khu vườn, mưa, sống dữ, cơn khát, thành phố “Anh muốn mang phủ ngập cả mình em” cùng nồng nhiệt, tha thiết, sức lực, tiếng chuông, vầng trán, nỗi nhớ:“Những gì tràn đầy những gì sôi sục/ Dành cho em sức lực của đời anh” .

Im lặng hơn 20 năm, HS Nguyễn Thị Hiền giờ đây mới cất tiếng: “Tôi và Vũ đã yêu nhau với một tình yêu trên cả sự chiếm hữu, không thời gian không năm tháng, chẳng bận tâm Vũ sống cùng ai, Vũ vui vẻ an toàn trong đời thường, là tôi an tâm. Vũ luôn muốn tôi làm việc, chúng tôi yêu tâm hồn nhau, luôn nhìn về một hướng để xứng đáng với nhau. Trong tâm tưởng nghệ thuật, lúc nào cũng là đốm lửa của nhau. Dù âm dương cách biệt, vẫn cảm nhận được nhau, vẫn còn chung nhiều lời hứa cùng nhau để làm”.

Đêm trước, nằm mơ thấy Lưu Quang Vũ về, sáng hôm sau ,NXB điện thoại mời Nguyễn Thị Hiền làm minh hoạ cho tuyển thơ. Lưu Quang Vũ đã dành cho Hiền những bài thơ ám ảnh : “Lá thu”, “Gửi Hiền mùa đông”, “Thơ tình về người đàn bà không có tên”, “ Em -Tình yêu những năm đau xót và hy vọng”. Gặp nhau từ 1970, khi HS đang phụ trách mỹ thuật cho t/c Thanh Niên, họ yêu nhau. Lưu Quang Vũ thích vẽ từ nhỏ, theo học thày Phạm Viết Song, từng vẽ áp – phích kiếm sống. Mỗi lần gặp hay chờ Hiền vào nhà in, Vũ làm thơ vào cuốn sổ, và cũng minh họa vài bức. Vũ rất thích các minh hoạ của Hiền cho tập này. éo le nghịch cảnh không lấy được nhau. Cuốn sổ bị lấy cắp, đã bị huỷ hay bị thất lạc, không rõ. Hiền chuyển cư vào Nam để rời xa kí ức đau. Hè 1988, Lưu Quang Vũ gặp Nguyễn Thị Hiền , anh nói muốn in tập thơ, với Hiền minh hoạ, họ hứa sẽ làm năm ấy. Hai tháng sau, Vũ qua đời, đó là lần gặp cuối cùng. Và hôm nay, lời hứa mới thành hiện thực. Từ đận chia ly, Lưu Quang Vũ đã viết cho Hiền: “Cuộc sống chia rẽ chúng ta/ Chỉ cái chết là nối gần nhau lại/ Sau này chết đi, bên nhau mãi/ Chấm dứt mọi buồn tủi đắng cay mọi nhọc nhằn ngang trái/ Chúng mình vẫn nhận được ra nhau”. Bởi là tình yêu lớn của nhau - “Chẳng có ai yêu em như thế được”, Nguyễn Thị Hiền thể hiện tên 5 chương: Hương cây, Viết cho em từ cửa biển, Đất nước đàn bầu, Mắt của trời xanh, Những đám mây ban sớm và sáng tác 10 minh hoạ đẹp như những bức tranh. Hơn thế mạnh bút lực, là động lực của tình yêu.

Hóm hỉnh, thông minh và sâu sắc, phần nói của NSND Đào Trọng Khánh được hoan nghênh nhiệt liệt, là linh hồn , ấn tượng kéo dài của toạ đàm, bởi Khánh là tri kỉ ,nhân chứng, người đã đi vào thơ Vũ. Cười mà ứa xót xa, khi Đào Trọng Khánh kể về nhưng ngày khó khăn buồn tủi của Vũ. Năm 1965,họ quen nhau khi Đào Trọng Khánh lên Hà Nội, làm điện ảnh. Rồi Vũ về Hải Phòng và từ tình bạn ấy, đã viết: “Đêm đồng chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn”, về nơi chứng kiến tình yêu và đau khổ: “Viết cho em từ cửa biển”, “Những người bạn khuân vác”, “ Hải Phòng mùa đông”, “Nửa đêm đến thành phố lạ gặp mưa”. Đào Trọng Khánh nói rất giỏi, rất tình, rất lửa khi ông nhìn thấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh .. có mặt ở đây. Nào Nguyễn Lâm (Lâm râu, sinh 1945, đã mất vài năm), công nhân mà mê thơ khủng khiếp, râu hàm én cười hở lợi hồn nhiên. Chàng Khánh tuổi 70, chỉ tay về góc trái hội trường, nhìn thấy Xuân Quỳnh, có răng sâu, lúm đồng tiền bên trái. Thấy Hải móm (sinh 1938) cũng về. Hải là con nhà tư sản phố Hàng Trống, mẹ bán chỉ thêu, làm “Mạnh Thường Quân” của anh em nghệ sĩ tài mà nghèo. Mỗi khi lỡ bữa, họ có thể đến nhà Hải, cơm rượu đủ đầy. Món gì, chất lượng bữa ăn thế nào, tuỳ thuộc vào bài thơ họ đọc. Phải đọc thơ hay thì mới được ăn ngon. Vũ thường xuyên phải chuẩn bị thơ khi đến nhà Hải. “Khánh cũng làm thơ theo Vũ”, ông khiêm tốn nói.

Ông kể: “Sau 1975, Quỳnh Vũ vào SG ra, đem cuốn Thằng ngốc của Dostoevky, trong Nam dịch là “Gã khờ”. Quỳnh bảo tôi, ông đem về mà đọc, vì cứ nhìn thấy nó là tôi đọc thành gà kho”. Thời đói ăn khốn cùng ấy, Khánh và Vũ hay đến nhà Lâm, 28 Triệu Việt Vương, sau những lúc tụ tập nhà Vũ, rồi ra quán đầu ghế gần rạp xiếc. Họ chỉ có tiền mua 3 cái chân gà to của quán phở bán gà Hồ. Vũ luôn “boa” cho người hát xẩm, lần nào cũng thế, để được nghe “Hòn Vọng Phu”. Vũ biết uống rượu, tửu lượng không cao, nên dễ say, say là có thể khóc. Đường vắng tanh, sau cơn mua có trăng. Ba thằng lảo đảo về. Những con gà, phở gà ám ảnh chúng tôi đến nỗi, kết bài Mây trắng của đời tôi, Vũ viết: “Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn/ Và ban mai trong mắt những con gà” (cười, vỗ tay vỡ hội trường). Đào Trọng Khánh làm thơ lạ, ông đọc trích đoạn các bài thơ và nguyên bài “Hà Nội em Mỵ Châu”. Cổ tích, Trọng Thuỷ lừa Mỵ Châu, còn Mỵ Châu của Khánh lại lừa ông, mà ông vẫn yêu, tha thứ. Đào Trọng Khánh mấy năm qua toàn sống HP, ông lên Hà Nội trưa 17/5 vì Lưu Quang Vũ và ở lại đến chiều 20/5 để nguôi cơn nhớ bạn bè.

Lưu Quang Vũ suốt đời chỉ muốn làm thơ hay và phải yêu thì mới làm thơ được. Anh yêu, chờ tình yêu cả khi người yêu không hiện diện. Vũ thích nhạc cổ điển, thơ âm vang nhạc điệu, lại tư duy hiện đại, trước hết ở tinh thần dám là mình đến tận cùng: “Tôi bôi xoá rất nhiều thề ước đẹp /Riêng với em, tôi chẳng phản bao giờ”. Em không hẳn là một người đàn bà cụ thể, nàng là tình yêu là ước mơ là những đau đáu khắc khoải mà Lưu Quang Vũ đã yêu và viết với tất cả sinh lực, tận hiến bằng bản nguyên nồng nã, đắm đuối của mình. Và lúc nào cũng đẫm sức sống sâu sắc, biết ngưỡng vọng trân quý từng phút giây: “Em sẽ đến như ngày rồi sẽ nắng/ Tôi sống bằng khoảng rộng ở nơi em”.

Nhà văn Trần Hoàng Bách cũng là một người thân thiết với Vũ, ông kiệm lời, lặng lẽ. Vợ ông, bà Trần ánh Tuyết, là bạn học cùng lớp Vũ từ lớp 1 đến hết cấp II trường Quang Trung, chơi với cả Tố Uyên. Hiểu sâu và tinh tế, ở bài viết mới đây nhất “Vũ đi mang theo gì?” Trần Hoàng Bách đã có câu kết đắt giá làm tôi bật khóc, tôi đã sống như thế cho tình yêu: “Giờ đây nhiều năm sau nghĩ về bạn, tôi vẫn cho rằng, với một người như Vũ, Yêu không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu”để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu”.

Lưu Quang Vũ vẫn thổi tình yêu những cơn gió mạnh, những con đường gần gũi và tít tắp bằng mạch máu của người - đàn- ông- biết yêu, biết sống cho tình yêu. Tôi như thấy Lưu Quang Vũ phong trần, hào hoa cưỡi chiếc Mobilette cá ươn trên đường Hà Nội, tươi sáng rạng rỡ, luôn là “Lưu in love”. “ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên”, Lưu Quang Vũ không thể ngừng yêu và thiếu Em: “Phải xa em anh chẳng còn gì nữa/ Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn”. Tôi biết nhiều người đã và đang yêu Lưu Quang Vũ mà không một lần dám nói. Còn tôi, không thể giấu che niềm ngưỡng mộ và tình yêu của mình với thơ Anh, với Lưu Quang Vũ, một tình yêu trinh khiết và đẹp đẽ trước một Người đàn ông Lớn, tài năng kiệt xuất mà cuộc đời sinh ra chỉ để yêu, được yêu, đau khổ và hạnh phúc, bấn loạn và thăng hoa giữa những tình yêu ...

Kinh Phật cổ có câu: “Muốn đạt được minh triết của cá nhân, thì phải là dòng chảy hay ánh sáng”. Lưu Quang Vũ là ánh sáng.

18.5.2010
Vi Thuỳ Linh