Họa sỹ Hà Dư Anh – người viễn du trong cung bậc sắc màu

03.03.2011

Họa sỹ Hà Dư Anh – người viễn du trong cung bậc sắc màu

TLS: Trong vài năm trở lại đây, mỹ thuật Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc, xuất hiện nhiều gương mặt họa sỹ trẻ có nhiều triển vọng. Các tác phẩm của họ đã có mặt ở nhiều triển lãm khu vực và toàn quốc. Họa sỹ trẻ Hà Dư Anh – Hội viên hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là một trong những gương mặt mới của mỹ thuật Đà Nẵng. Những tác phẩm đầu tay của anh đã được đón nhận và dành được nhiều giải thưởng của địa phương và trung ương. Tạp chí Non Nước đã có cuộc phỏng vấn họa sỹ Hà Dư Anh xung quanh công việc sáng tác và quan điểm hội họa.

Họa sỹ Hà Dư Anh – người viễn du trong cung bậc sắc màu

Phóng viên (PV): Được biết anh là hội viên trẻ nhất của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong thời gian qua anh đã dành được một số giải thưởng tranh của khu vực và toàn quốc. Vậy những giải thưởng đầu tiên đó có thực sự là chất xúc tác cho anh trong sáng tạo nghệ thuật?

Họa sỹ Hà Dư Anh (Họa sỹ H.D.A): Tôi vẫn tâm niệm rằng, đối với người nghệ sỹ, khi đã bước chân vào con đường nghệ thuật thì phải xác định được ranh giới cho bản thân. Có thể, những bước chân của mình đang đi đôi khi bị xô lệch. Mỗi tác phẩm ra đời tôi đã phải đổ nhiều công sức, lao động nghệ thuật hết mình. Giải thưởng trở thành niềm động viên, khích lệ tôi sáng tạo. Với tôi những giải thưởng đầu tiên đó đã biến thành chất xúc tác tạo niềm tin trong sáng tạo. Nhưng với tôi sự xúc tác lớn nhất để tôi hoàn toàn hưng phấn, để tôi quên mình và cho phép tôi dấn thân vào con đường khai phá cái mới - Đó là hình ảnh bố tôi, họa sỹ Hà Dư Sinh. Với tôi, ông vừa là người cha, người bạn và là một người Thầy, người Nghệ sỹ thực sự. Ông đã dạy cho tôi con đường đến với hội họa bằng những ý niệm ban đầu về cái đẹp và sự thăng hoa cảm xúc trong lãng mạn tuyệt đỉnh.

PV: Vậy bố anh đã có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình sáng tác của anh? Tác phẩm nào anh ấn tượng nhất trong quá trình sáng tác tranh của mình? Đối với một họa sỹ trẻ, trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình, anh chú tâm nhất điều gì và điều gì giúp anh vững tin vào sự nghiệp?

Họa sỹ H.D.A: Cảm ơn chị đã nhắc tôi về nền tảng đạo đức trong nghệ thuật. Tôi học được ở bố mình về niềm đam mê và sự vượt khó vươn lên. Niềm tin cuộc sống bởi vậy được xây dựng vững chắc. Cuộc sống thường ngày của tôi bình dị nhưng đầy những buồn vui, lo toan, nhọc nhằn…Tôi lấy bối cảnh của bốn mùa tự nhiên, nắng, gió, cánh đồng, làng quê, lũy tre, bình yên cánh cò, thong dong đàn trâu…Tất cả những hình ảnh đó đã có một dấu ấn khá đậm nét trong tôi. Tôi yêu vô cùng những buổi chiền thanh bình trên quê hương Việt Nam. Ở đó tôi đắm đuối vẽ, quên đi những mệt nhọc vô cùng của cuộc sống. Tôi nhận ra mình là một mảnh hồn quê cũ. Một loạt tranh sơn dầu của tôi đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có bức Nắng chiều, Quê hương 1,2,3, Chiều về trên sông…Bản thân tôi là một họa sỹ đang viễn du dạo chơi trong các cung bậc của sắc màu, tìm tòi, thể nghiệm và khai phá nghệ thuật để tìm cho mình một cái mới. Tôi bắt nguồn từ những nhịp điệu cuộc sống, từ nông thôn đến thành thị - Bản sắc quê hương trong sáng tác của tôi đã giúp tôi định hình cho mình con đường đúng hướng và tôi tin mình đã chọn lựa hoàn toàn đúng.

PV: Có người nói rằng, theo nghiệp cầm cọ không đơn giản chỉ là niềm đam mê mà còn phải tự tôi luyện lấy những hiện thực cuộc sống. Và thổi vào tranh những linh hồn sống. Xác định ở đó những khuôn hình lập thể, những gang tấc của đời sống thật và những giá trị bền vững của mỹ thuật. Anh có nghĩ sự so sánh trên là đúng?

Họa sỹ H.D.A: Sự so sánh nào cũng trở thành khập khểnh. Đam mê, phải đam mê và lao vào vũ điệu của sắc màu mới làm nên sự nghiệp. Khi nhận ra điều này, người nghệ sỹ sẽ nhẹ nhàng trôi trong đời sống thực mà không sợ một sự bấp bênh nào. Lúc đó, sẽ đón nhận mọi bất trắc mà cuộc sống mang lại với một thái độ từ tốn. Cuộc sống công bằng, không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Niềm vui hay nỗi buồn đều được chia đều. Khi tâm hồn người nghệ sỹ đón nhận mọi thứ một cách nhẹ nhàng, thì sẽ thổi được hồn cốt vào tranh. Tranh sẽ có màu sắc, nhạc điệu. Người họa sỹ cũng không nên đặt nặng vấn đề trường phái tranh, mà nên để tu duy của mình phát triển một cách lôgic, tự nhiên. Lúc đó, sẽ tạo ra được sự bền vững sống còn của tác phẩm.

PV: Tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Huế, nhưng hiện anh lại đang làm việc ở một ngành hơi khác, vậy công việc và sự nghiệp đã chọn có tương trợ nhiều cho anh? Theo anh điều gì làm nên phong cách của một người họa sỹ?

Họa sỹ H.D.A: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế năm 2000, tôi may mắn được nhà trường dành cho một suất giảng viên đại học- Nhưng tôi cảm thấy nếu mình làm một nhà mô phạm - mẫu mực - hàn lâm thì khó có thể bức phá trong sáng tạo nghệ thuật. Không ở lại giảng dạy ở trường là một quyết định vô cùng khó khăn của tôi lúc bấy giờ. Nhưng tôi cũng cảm ơn quyết định đó vì như thế tôi đã làm được một việc là bước qua chính mình. Công việc hiện tại không mấy liên quan đến nghành nghề đã học, nhưng ngành đồ họa truyền thông mà tôi đang theo đuổi lại giúp tôi khá nhiều trong sáng tạo. Đó là việc lắp ghép các lắt cắt cảm xúc thành một tổng thể tranh có hồn. Nói về phong cách của một họa sỹ, tôi nghĩ đó chính là việc tác phẩm phải nói lên được đặc tính riêng của mỗi người. Còn y phục, tóc, râu đó là đặc tính, cá tính riêng của mỗi người chứ không phải là phong cách nghệ thuật. Người họa sỹ phải tự du di bản thân mình trong cả hai mảng đề luận này mới mong tạo dựng được một hình ảnh tròn vành không trộn lẫn.

PV: Anh quan niệm thế nào về một tác phẩm mỹ thuật hiện đại? Được biết anh là một trong những họa sỹ trẻ của Đà Nẵng đang chung thủy với tranh sơn dầu, với đề tài về tình yêu quê hương, đất nước. Vậy, nguồn hứng cảm của anh thường bắt đầu từ đâu và mất bao nhiêu thời gian cho một tác phẩm?

Họa sỹ H.D.A: Tác phẩm mỹ thuật được gọi là hiện đại – theo tôi đó là tác phẩm vẽ ít mà nói được nhiều điều đầy ắp tính nhân văn. Một tác phẩm ra đời phải nằm trong hệ thống kế hoạch của người tạo và phải mang một ý nghĩa thực sự. Tôi tin hội họa là con đường không mấy dễ dãi với những ai muốn dấn thân hoạt động thực sự không vì những bản mác cá nhân. Tôi chuyên vẽ tranh sơn dầu. Tôi tìm thấy bản thân mình nhiều trong từng lớp màu đầy huyền nhiệm để tái tạo lại nguồn cảm xúc không phải đơn thuần là những ký họa, ký thác, hay lát cắt thường nhật của con người. Đời sống thực luôn làm người ta khát khao chạm tới bến bờ hạnh phúc mà không chắc mình có thể tìm thấy, khẳng định được hình hài của hạnh phúc là gì. Tôi vẫn cần cảm giác cô độc khi chung quanh cuộc sống vẫn ồn ào trôi chảy. Chị tin không, tôi mất hàng tháng, thậm chí cả năm trời để hoàn thành một tác phẩm với đầy cảm hứng của bản thân. Hạnh phúc của người họa sỹ là khi đứa con tin thần của mình ra đời được nâng niu, đón nhận và chia sẻ. Gia đình luôn là bình yên nhất mà tôi tìm về mỗi khi bước chân đã đi qua nhiều rối rắm…Cuộc sống của chúng ta, suy cho cùng cũng là thời gian để sống với người thân, bè bạn. Vẽ tranh giúp tôi cân bằng cuộc sống. Tôi gửi tâm hồn mình trong những tác phẩm đầy bản sắc quê hương.

PV: Hội họa đương đại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng như thế nào trong dòng chảy của hội họa thế giới?

Họa sỹ H.D.A: Hội họa đương đại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phát triển và chịu sự ảnh hưởng của nhiều tác động ngoại cảnh. Trong đó phải kể đến đồng tiền. Tôi mong bản thân mình được tôi luyện và luôn luôn giữ lửa. Bản sắc Việt Nam, hồn cốt Việt Nam trong tôi là những cánh đồng, những đồng lúa thẳng cánh cò bay, là sự bình yên khó đổi lấy điều gì đó khác…

PV: Và ước mơ có một triển lãm tranh cá nhân?

Họa sỹ H.D.A: Không chỉ bản thân tôi mà nhiều họa sỹ trẻ khác ai cũng nuôi trong mình giấc mơ về một cuộc triển lãm tranh cá nhân. Đây không phải là điều khó với tôi nhưng hiện tại, tôi vẫn ấp ủ dự định đó. Tôi muốn những cảm xúc của mình thực sự chín muồi và và những bức tranh sẽ ghi lại những mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời cầm cọ của mình. Tôi thường xem các bức họa nổi tiếng của những bậc thầy về hội họa của Việt Nam và thế giới để tạo dựng cho mình thêm nhiều bài học quý từ tranh. Và có thể dành trọn cuộc đời cho hội họa. Vài năm nữa tỗi sẽ đủ tự tin và điều kiện để tổ chức triển lãm. Và hy vọng sẽ nhận được sự chia sẻ, động viên, cảm thông của những người yêu nghệ thuật và bạn bè đồng nghiệp.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sáng tạo nghệ thuật./.

Nguyên Giao (thực hiện)

Box: Họa sỹ Hà Dư Anh, sinh năm 1975, Hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Giải thưởng: giải B Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng năm 2007 với tác phẩm Băng tan, Tặng thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2008; Giải A Hội Mỹ thuật Đà Nẵng năm 2008 với bức; Chứng nhận của cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2008 với tác phẩm: Nắng chiều

Quan điểm sáng tác: Cháy hết mình cho những đam mê và phải lao động nghệ thuật nghiêm túc, thực sự.