Dưng kịch được… vợ

03.03.2011

Dưng kịch được… vợ

NHÀ THƠ HOÀNG CẦM

Dưng kịch được… vợ

Nhà thơ Hoàng Cầm có sáng tác vở kịch thơ mang tên “Kiều Loan”. Vào đầu năm 1946 ông vận động bàn bè góp tiền để dàn dựng. Dàn dựng rất công phu nhưng chỉ diễn được 1 đêm tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Như có duyên định trời cho, trong quá trình dàn dựng ông đem lòng yêu người nghệ sĩ đóng vai chính của vở kịch là Tuyết Khanh và… cưới bà làm vợ.

Khi sinh con đầu lòng, để kỷ niệm mối tình tuyệt đẹp của mình với vở kịch thơ, vợ chồng ông lấy tên của vở kịch đặt tên cho cô con gái đầu lòng là Kiều Loan.

Hiện giờ, Kiều Loan đang sống với mẹ ở Mỹ. Vở kịch này đã hiện được dàn dựng lại và lưu diễn nhiều nơi, được bà con Việt Kiều hoan nghênh lắm.

Hoàng Cầm đọc thơ, Nguyên Hồng… khóc

Hoàng Cầm viết bài thơ “Bên kia sông Đuống” lúc đang ở chiến khu 12 trong kháng chiến chống Pháp (gồm địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh (cũ) và Lạng Sơn).

Nguyên nhân ra đời bài thơ như sau: Lúc đó, vào khoảng quá nửa đêm, sau khi nghe các đồng chí ở làng Đông Hồ lên báo cáo về tình hình chiến sự ở vùng Bắc Ninh, ruột gan ông rối bời, đau đớn vì ở quê đang có mẹ già, vợ và ba đứa con thơ ở đó.

Quá xúc động, ngay đêm ấy, ông cầm bút viết như điên như dại và đến bốn giờ sáng thì viết xong. Viết xong ông muốn chia xẻ với bạn văn, liền lay nhà văn Nguyên Hồng dậy và ông liền đọc bài thơ này cho Nguyên Hồng nghe.

Ông say sưa đọc “Em ơi buồn làm chi? - Anh đưa em về bên kia sông Đuống...” tự nhiên nhà văn Nguyên Hồng ôm mặt khóc nức nở. Ông càng đọc nhà văn Nguyên Hồng nước mắt càng dàn dụa. Hoàng Cầm đọc xong bài thơ xong từ lâu, Nguyên Hồng vẫn ôm mặt… khóc.

Sau đó nhà văn Nguyên Hồng lặng lẽ rút ra 4-5 tờ giấy trắng tinh đưa cho ông rồi nói trong tiếng nấc: “Hoàng Cầm này, cậu chép... chép cho... tớ ba bản thật sạch sẽ, bài thơ này rất cần cho nhiều người đọc...”.

Hai tháng sau nhà thơ Hoàng Cầm đang hướng dẫn cho diễn viên tập một vở kịch thì bỗng nhà văn Nguyên Hồng xuất hiện ở bậc cửa, trên tay cầm tờ báo Cứu Quốc: “Hoàng Cầm, Hoàng Cầm bài của cậu tớ gửi, báo in rồi đây!”.

Hoàng Cầm – vị thuốc đắng

Ngày 22 tháng 2 năm 1922, cậu bé Bùi Tằng Việt đã chào đời ở miền Kinh Bắc. Tên của cậu được đặt theo những chữ có trong tên làng quê: xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Sau này làm thơ, Bùi Tằng Việt lấy bút danh là “Hoàng Cầm”, bút danh này gắn liền với một người chị mà ông từng yêu lúc 12 tuổi.

Hoàng Cầm kể: “Chị ấy tên là Vinh, bố mất sớm, nhà rất nghèo, chị ở cùng mẹ và một đứa em lên 5 tuổi. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: “Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng”. Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng trời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm cái gì đó. Tôi liền hỏi: Chị Vinh ơi chị tìm cái gì đấy? Chị nhìn tôi đáp lời: ờ chị đi tìm cái lá… (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc)”.

Bút danh Hoàng Cầm do ông tự đặt, Hoàng Cầm không phải là chiếc đàn màu vàng, mà đó là tên một vị thuốc rất đắng, vị thuốc mà chị Vinh đi tìm ngày nào…

CANH TIẾN