Quan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn

02.11.2016

Quan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn

Quan hệ Việt Nam, Xiêm (Thái Lan), Trung Quốc và Nhật Bản với phương Tây thời cận đại rất phức tạp. Đối với Việt Nam, là giai đoạn 1802 – 1884, thời điểm sau khi Nguyễn Ánh sáng lập triều Nguyễn đến khi triều Nguyễn ký với thực dân Pháp Hiệp ước Patenôtre 1884; đối với Xiêm là giai đoạn 1851 - 1910, một giai đoạn nắm quyền của dòng họ Rama; đối với Trung Quốc là giai đoạn từ Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840) đến khi chấm dứt triều đại Mãn Thanh (1911); đối

với Nhật Bản là hai thời kỳ: Tokugawa

(1603 - 1868) và Minh Trị (1868 - 1912).

 

Những điểm tương đồng

Quan hệ Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản trong các giai đoạn nói trên với phương Tây là quan hệ giữa các quốc gia phong kiến phương Đông với các quốc gia tư bản phương Tây. Chính mô thức quan hệ này đã quy định chính sách đối ngoại của các triều đình phong kiến phương Đông trong hoàn cảnh “đụng đầu Đông - Tây” hết sức mạnh mẽ và phức tạp.

Đầu tiên, “Ngoại giao phòng ngừa”, từ “mở cửa hạn chế” đến “đóng cửa” là phương sách đối phó chung của 4 quốc gia nói trên trong giai đoạn đầu. Bởi các quốc gia phong kiến phương Đông, đứng trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây với những tàu chiến bằng sắt chạy bằng động cơ, súng ống, đại bác tối tân, chiến thuật chiến tranh hiện đại cũng như những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật khác đã cảm thấy lo sợ, nhất là khi dã tâm xâm lược của các nước phương Tây đã quá lộ liễu. Với khoảng cách một phương thức sản xuất, một hình thái kinh tế - xã hội và với tư tưởng bảo thủ, trì trệ truyền thống của phong kiến phương Đông, chính sách “ngoại giao phòng ngừa” là biện pháp trước mắt mà các nước phương Đông có thể nghĩ ra và thực hiện. Tuy nhiên, với sự xâm nhập mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dân phương Tây, các nước phương Đông đã phải chuyển sang giai đoạn “mở cửa” với các nước phương Tây.

Thứ hai, chấp nhận “mở cửa” đối với phương Tây là giải pháp tình thế của các triều đình phong kiến ở Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc và Nhật Bản. Bảo thủ, cầu an, bài ngoại... là những đặc điểm của chế độ chuyên chế phương Đông. Chính vì thế, khi bị buộc phải “mở cửa” thì các chế độ phong kiến phương Đông, trong đó có Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản đã không nắm được thế chủ động trong quan hệ. Các triều đại phong kiến phương Đông nói trên chỉ mong đền bù chiến phí (Trung Quốc bồi thường cho Anh 21 triệu bảng sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất năm 1840); cắt đất tạm thời (như Việt Nam cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ; Xiêm nhường Lào, Campuchia cho Pháp, Đông Bắc Malaysia cho Anh; Trung Quốc cho Anh “thuê” Hongkong và bán đảo Cửu Long 99 năm, cho các nước lập tô giới tại các thành phố; Nhật Bản cắt quần đảo Curin cho Nga...) để ảo tưởng rằng các nước phương Tây sẽ “thỏa mãn” và rút quân đi.

Thứ ba, “cải cách” - biện pháp chung và cũng là duy nhất nhằm tăng cường nội lực, chống chọi lại ngoại lực phương Tây của Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản. Đứng trước các nước phương Tây đã đi trước về sự tiến bộ xã hội, các Nhà nước phong kiến Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc cũng ý thức được rằng: Muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc thì phải cải cách. Không cải cách thì tất yếu sẽ bị diệt vọng. Tại Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản, các trào lưu cải cách đã diễn ra. Tuy nhiên, chỉ có Xiêm và Nhật Bản, với nhiều điều kiện thuận lợi đã thành công, bảo vệ được chủ quyền dân tộc còn ở Việt Nam, Trung Quốc, các cuộc cải cách chỉ mang tính nửa vời, không tạo ra được các nhân tố mới về kinh tế - chính trị - xã hội cho nên hai nước này đã bị đe dọa về mặt chủ quyền dân tộc.

Bốn là, các Hòa ước, Hiệp ước “bất bình đẳng” là nỗi nhục chung về mặt chủ quyền của Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với Việt Nam, đó là: Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Harmand (1883), Hiệp ước Patenôtre (1884). Đối với Xiêm, đó là: Hiệp ước Hà Lan - Xiêm , Anh - Xiêm, Pháp - Xiêm (1664); Hiệp ước Anh - Xiêm (1855); Hiệp ước Anh - Xiêm, Pháp - Xiêm, Mỹ - Xiêm (1856); Hiệp ước Pháp - Xiêm về vấn đề Campuchia (1867); Hiệp ước Pháp - Xiêm (1893); Hiệp ước Pháp - Xiêm (1904); Hiệp ước Anh - Xiêm (1909)... Đối với Trung Quốc, đó là: Hiệp ước Nam Kinh với Anh (1842, bổ sung năm 1843), Hiệp ước Vọng Hạ với Mỹ (1844), Hiệp ước Hoàng Phố với Pháp (1844), Hiệp ước Thiên Tân với Anh, Pháp (1858), Hiệp ước Bắc Kinh với Anh, Pháp (1860), Hiệp ước Tân Sửu với các nước phương Tây và Nhật Bản (1901). Đối với Nhật Bản, đó là: Hiệp ước Hòa thân Nhật - Mỹ, Hiệp ước Anh - Nhật, Hiệp ước Nga - Nhật, Hiệp ước Hà Lan - Nhật (1854); Hiệp ước Nhật - Mỹ và các Hiệp ước sửa đổi giữa Nhật Bản với các nước tư bản khác (1858)...

Năm là, cuộc đấu tranh thủ tiêu các hiệp ước “bất bình đẳng” là quá trình gian khó và cay đắng trong quan hệ với các nước thực dân phương Tây của Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc và Nhật Bản. Có thể nói, sau khi ký kết xong các Hiệp ước “bất bình đẳng”, các nước Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản đã cử nhiều phái bộ sang các nước phương Tây để thương thuyết nhằm sửa đổi một số điều khoản bất bình đẳng đối với quốc gia, dân tộc mình. Đó là điểm chung lúc đầu của 4 nước này. Tuy nhiên, càng về sau, Nhật Bản, Xiêm càng chủ động và linh hoạt hơn trong biện pháp xé bỏ các Hiệp ước “bất bình đẳng” này. Còn Việt Nam, Trung Quốc thì không có phương sách phù hợp, cho nên đã không xé bỏ được các Hiệp ước “bất bình đẳng”, thậm chí còn bị biến thành các nước thuộc địa, nửa thuộc địa.

Những điểm khác biệt

Đầu tiên là việc giải quyết vấn đề quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc trong chính sách đối nội và đối ngoại của các chế độ phong kiến ở Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản trước hoàn cảnh chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm nhập. Tại Việt Nam, với đặc điểm truyền thống của Việt Nam là giai cấp cầm quyền dù sao cũng là đại diện cho quyền lợi của dân tộc, triều Nguyễn cũng đã có quan điểm dân tộc trước ngoại bang xâm lược. Chẳng hạn, tuy tiêu cực nhưng thời Gia Long với chính sách “mở cửa hạn chế” với phương Tây; thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với chính sách đóng cửa triệt để và cấm đạo, giết đạo đã làm cho một số thương nhân, một số nhà truyền giáo vốn làm gián điệp cho chủ nghĩa thực dân phải chùn bước. Đối với Xiêm, chủ nghĩa Đại Thái chi phối đời sống chính trị tại quốc gia này và Xiêm đã xác lập được ảnh hưởng của mình đối với Lào, Campuchia và đông bắc Malaysia. Trước sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương Tây, Xiêm đã dùng các vùng đất phụ thuộc ở Lào, Campuchia để đổi lấy chủ quyền quốc gia của mình. Đối với Trung Quốc, triều đại Mãn Thanh cầm quyền (1644 - 1911) là triều đại ngoại tộc (xuất phát từ vùng Mãn Châu - Đông Bắc Trung Quốc), vấn đề quyền lợi giai cấp cầm quyền luôn được đặt lên trên quyền lợi dân tộc (mà người Hán chiếm đa số). Cho nên, trong rất nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền lợi giai cấp, triều đình Mãn Thanh đã bán rẻ quyền lợi dân tộc. Đối với Nhật Bản, với tư tưởng “dân tộc thần linh” và Thiên Hoàng là biểu tượng của dân tộc, Nhật Bản đã hòa lẫn quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc lại làm một. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, “tinh thần Nhật Bản” vẫn được kiên trì và coi đây là cơ sở giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ đối với phương Tây.

Hai là, vấn đề cải cách ở Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản trong sự đối sánh. Đối với Việt Nam, Việt Nam đã không tận dụng được thời kỳ đóng cửa của mình (1823 - 1884) để hiện đại hóa đất nước theo hướng phương Tây. Mặc dù có quan điểm dân tộc song với tư tưởng bảo thủ phong kiến, cho nên triều Nguyễn đã không tạo ra sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội, vẫn giữ nguyên tình trạng phong kiến, không tạo ra được lực lượng đủ sức “hiện đại hóa” đất nước. Do đó, dù trong giai đoạn 1823 - 1884 đã hình thành trào lưu tư tưởng cải cách nhưng những tư tưởng đó đã không trở thành hiện thực. Đối với Xiêm, do sự thức thời của Xiêm cho nên trong quá trình quan hệ với phương Tây thì Xiêm đã thi hành chính sách mở cửa và đóng cửa hợp lý. Và chính nhờ sự hợp lý đó cùng với tư tưởng cầu tiến của triều đình phong kiến Xiêm, cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội ở Xiêm đã có sự thay đổi; đưa đến sự ra đời của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc “tư sản hóa”. Đây chính là lực lượng xã hội hậu thuẫn cho cuộc cải cách của vua Chulalongcon (1868 - 1910). Đối với Trung Quốc, Trung Quốc đã có những chuyển biến về mặt kinh tế - chính trị - xã hội trong thời kỳ xâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Điều đó đã đưa đến sự ra đời của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc “tư sản hóa”. Tuy vậy, giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc “tư sản hóa” Trung Quốc ra đời trên sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Do đó, chúng thể hiện tính chất hai mặt. Một mặt thì thể hiện tính tích cực trong việc chống đế quốc, nhưng mặt khác thì lại thể hiện tính thỏa hiệp. Và với tính chất hai mặt đó của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc “tư sản hóa” Trung Quốc mặc dù đã tiến hành được công cuộc Duy Tân Mậu Tuất - 1898 nhưng kết quả lại là sự thất bại. Các mục đích như: dời thủ đô về Thượng Hải, thành lập Nhà nước quân chủ lập hiến... đều thất bại trong 103 ngày đến ra cải cách, thường gọi là Bách nhật Duy Tân. Điều này dẫn điến việc Trung Quốc không có điều kiện tiến hành cuộc đấu tranh xé bỏ các Hiệp ước “bất bình đẳng”. Đối với Nhật Bản, nước này có điểm khác trong cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội so với các nước phương Đông khác. Đó là sự kết hợp tính chất tập quyền phương Đông với tính chất phân quyền phương Tây. Cho nên trong quan hệ với phương Tây, Nhật Bản cũng thực hiện chính sách đóng cửa nhưng khác với các nước khác, Nhật Bản đóng cửa để phát triển tiềm lực quốc gia (thời kỳ Tokugawa). Do đó, trong thời kỳ đóng cửa, với sự tự thân vận động của nội tại kinh tế Nhật Bản đã tạo ra được sự biến chuyển về kinh tế - xã hội. Từ tầng lớp thị dân thời Tokugawa, giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc tư sản hóa ra đời và đủ sức tiến hành công cuộc Duy Tân đất nước thành công theo hướng một cuộc cách mạng dân chủ tư sản.

Ba là, đối tượng phương Tây quan hệ của Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản. Đối với Việt Nam, trong quan hệ với các nước phương Tây, triều Nguyễn ưu tiên quan hệ với Pháp (thời Gia Long). Mặc dù 1840, sau thất bại của Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất, Minh Mạng đã phái một phái đoàn sang châu Âu để đặt quan hệ (bởi cảm thấy Trung Quốc không đủ sức che chở Việt Nam) nhưng do Minh Mạng mất nên cơ hội bị bỏ lỡ và do đó, các vua đời sau không dám sửa đổi chính sách “đóng cửa triệt để” của Minh Mạng. Cho nên Việt Nam đã không có lợi thế kiềm tỏa lẫn nhau giữa các nước tư bản, từ đó chủ quyền dân tộc bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Đối với Xiêm, từ chỗ lợi dụng lợi thế nhiều nước đến chỗ lợi dụng lợi thế hai nước (Anh và Pháp) đã cho phép Xiêm cân bằng được thế lực của các nước phương Tây trên lãnh thổ Xiêm. Bên cạnh đó, do nằm ở vị trí “khu đệm” (nằm giữa các vùng tranh chấp của Anh và Pháp) cho nên càng tạo điều kiện thuận lợi hơn để Xiêm bảo toàn độc lập dân tộc. Đối với Trung Quốc, mặc dù phải ký kết nhiều Hiệp ước “bất bình đẳng” với nhiều nước phương Tây nhưng nhờ thế mà Trung Quốc lợi dụng được sự kiềm tỏa giữa các nước phương Tây với nhau. Và chính sự cạnh tranh của các nước tư bản phương Tây với nhau đã dẫn đến việc phân chia ảnh hưởng trên lãnh thổ của chúng trên lãnh thổ Trung Quốc. Và do lãnh thổ Trung Quốc quá rộng lớn (9,56 triệu km2), cho nên không có một tên thực dân đế quốc nào đủ sức thôn tính toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, ban đầu chính quyền Tokugawa đã cho phép Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đến buôn bán và truyền đạo. Nhưng sau khi nhận ra ý đồ can thiệp vào nội bộ Nhật Bản của các quốc gia phương Tây này, chính quyền Tokugawa đã ra thực hành chính sách “bế quan tỏa cảng” (Sakoku) nhưng vẫn mở một cửa biển ở vịnh Nagasaki cho Hà Lan đến buôn bán. Trong quan điểm của Nhật Bản, Hà Lan là tư bản thương nghiệp chứ không phải là tư bản công nghiệp, cho nên không thể can thiệp vào Nhật Bản. Nhật Bản thông qua Hà Lan để tiếp thu kỹ thuật phương Tây, tạo ra tư tưởng  “Hà Lan học”, sau này được giai cấp tư sản Nhật Bản sử dụng làm ngọn cờ tư tưởng cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản (1868). Sau sự kiện tàu Mỹ đến  buộc Nhật Bản “mở cửa” (1842), chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã ký với nhiều nước tư bản phương Tây (Mỹ, Nga, Hà Lan...) các Hiệp ước “bất bình đẳng”. Phải chờ đến khi chiến thắng Trung Quốc (1894), Nga (1904) sau cuộc Minh Trị Duy Tân (1868), Nhật Bản mới đủ điều kiện để xé bỏ các Hiệp ước “bất bình đẳng”, vươn lên bình đẳng với các nước phương Tây tại khu vực Đông Á.

Bốn là, con đường bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam, Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản trước thực dân phương Tây có khác nhau. Đối với Việt Nam, Nhà Nguyễn đã thi hành chính sách “mở cửa hạn chế” (Gia Long; 1802 – 1823), sau đó thi hành chính sách “đóng cửa triệt để” và cấm đạo, giết đạo (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), sau đó lại thực hiện chiến tranh chống xâm lược nhưng thất bại nên phải ký kết Hòa ước, Hiệp ước “đổi đất lấy hòa bình”, liên kết với Trung Quốc đánh Pháp. Nhưng khi Tự Đức mất, phái chủ chiến thực hiện binh biến tại kinh đô đánh Pháp, nhưng cũng thất thủ, nên đã trở thành thuộc địa của Pháp. Đối với Xiêm, quốc gia này thi hành chính sách “mở cửa rộng rãi”, nhờ Anh và Pháp tranh giành bán đảo Trung - Ấn nên cân bằng thế lực đế quốc tại Xiêm. Sau đó quốc gia này đã cải cách trong nước, cắt đất tại những vùng phụ thuộc cho Pháp (Lào, Campuchia), Anh (Đông bắc Malaysia). Trên thực tế Xiêm độc lập về chủ quyền nhưng phụ thuộc về kinh tế, chính trị. Đối với Trung Quốc, quốc gia này đã thực hiện cuộc chiến tranh thuốc phiện lần thứ nhất (1840) và nhiều cuộc chiến tranh khác để chống lại phương Tây. Nhưng do đều thất bại nên Trung Quốc phải ký kết các Hiệp ước “bất bình đẳng” và phải mở cửa. Mặc dù sau đó đã cải cách nhưng cuộc cải cách đó cũng đã thất bại nên Trung Quốc đã trở thành quốc gia nửa phong kiến – nửa thuộc địa. Đối với Nhật Bản, quốc gia này đã mở cửa rồi đóng cửa (1639), nhưng đã chọn người Hà Lan để thông thương với thế giới nên đã tạo sự phát triển của các công quốc Tây Nam. Đến khi Mỹ can thiệp, Nhật Bản cũng đã phải ký kết các Hiệp ước “bất bình đẳng” với Mỹ, Nga, Hà Lan... Nhưng khi lực lượng trong nước lật đổ được Tokugawa thì đã diễn ra Minh Trị Duy Tân (1868 – 1912). Sau đó, với nội lực mạnh, Nhật Bản gây chiến với Trung Quốc (1894), Nga (1904), và liên minh với Anh (1902) nên đã xé bỏ các Hiệp ước “bất bình đẳng”, và thực sự đã bình đẳng với các nước phương Tây tại khu vực. Thậm chí Nhật Bản đã nối gót các nước phương Tây, tiến hành chiến tranh xâm lược, thực hiện chiến lược “Đại Đông Á”, cạnh tranh dữ dội địa vị với Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương.

N.V.T 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn