Nhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn Phin

02.11.2016

Nhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn Phin

Cách đây không lâu, tôi đã thực hiện một chuyến về thăm trường xưa nơi tôi công tác lần đầu, cách đây đã 30 năm có lẻ. Tôi đi qua Trường Đại Lãnh 1, thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ xưa, giờ đây là bãi đất trống bề bộn ngổn ngang những nhà, những gạch đá mất trật tự, hình ảnh ấy cho biết nó đã bị lãng quên từ lâu. Nơi đó tôi nhớ thương tiếng trống trường, mỗi sáng khi tôi trực nhật (do hồi đó không có bảo vệ trường như bây giờ, giáo viên phải chia nhau trực, duy trì hiệu lệnh) gióng lên mấy hồi giục giã học sinh đi học đúng giờ, tiếng trống vang trên ruộng lúa, đi qua bờ tre đến từng ngôi nhà kêu gọi các em đến lớp. Trường chỉ là một dãy nhà 8 phòng học mái ngói thấp lè tè nhìn lên đồi Thượng Đức, trên kia là đồn giặc mà dây thép gai giăng mắc, khi tôi đến dấu vết chiến trường vẫn còn, nhìn lên ngược nắng cuối ngày làm tôi chợt nhớ câu thơ Nguyễn Đình Thi “Dây thép gai đâm nát trời chiều” của một thời giao tranh ác liệt, sống chết trong gang tấc.Tôi bâng khuâng nghĩ về những ngày làm thầy trước đây.

Ở đó tôi làm sao quên những ngày đầu mới tới nhớ không khí phố phường Đà Nẵng sầm uất, đêm không ngủ được, nghe tiếng suối Khe Lim bên kia Đại Hồng cách một dòng sông, cách biết bao ruộng lúa, bao núi đồi, mà nó vẫn ầm ầm réo. Nửa đêm mở mắt vẫn thấy anh Lê Phương Văn, giáo viên dạy hóa hí húi làm thí nghiệm, phản ứng hóa học bốc khói mịt mù, anh ta say mê “làm phù thủy” với ánh sáng vàng, ánh sáng xanh suốt đêm quên ngủ.

Tôi nhớ bữa giáp mặt với lớp chủ nhiệm là một lần phát hoảng đến mất tinh thần, nó rất khác xa với những bài học lý thuyết, nào là kỹ năng, nào là nghệ thuật để trở nên một giáo viên chủ nhiệm ở trường sư phạm.  Đó là lớp 8B, các em đã ra mắt thầy giáo chủ nhiệm với hơn 10 em trên sĩ số 50. Hỏi vì sao vắng nhiều, các em trả lời như một chuyện bình thường, hiển nhiên: Do gần tới tết nên các bạn đi Hiên, Giằng buôn chuối, buôn sắn để có tiền sắm tết. Sau này vì phải cảm thông với hoàn cảnh sống của các em nên tôi xem đó là chuyện thường, chẳng đưa nó vào tiêu chuẩn xếp loại thi đua, đó cũng là lý do lớp chủ nhiệm của tôi chưa bao giờ đạt thành tích cao.

Tôi nhớ tiết giảng đầu tiên là tiết giảng tệ nhất, nếu có ai dự giờ chắc cho tôi điểm “liệt”. Bài giảng đầu tiên là bài văn học cổ “Hịch Tướng sĩ”, bài văn “khô như ngói và khó giảng như quỷ” - sau này anh Lê Văn Lại, bậc đàn anh và Tổ trưởng Tổ Xã hội (gồm Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa) đã công nhận với tôi như vậy - tắc tị trong tôi sự truyền đạt sôi nổi, giọng giảng hùng hồn mà tôi đã luyện để lôi cuốn các em dự định cho buổi mở màn. Phải chi gặp một bài thơ xúc cảm, đầy hình ảnh, đầy chất thơ như bài “Nhớ con sông quê hương” chẳng hạn, nó sẽ kích thích trong tôi sự sáng tạo, nói năng lưu loát. Tôi nhớ tôi giảng như đọc, quên hết 5 bước lên lớp theo như bài bản lý thuyết, cố gửi đến các em nội dung: Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Ông biết dẹp bỏ “thù nhà” dốc lòng báo đền “nợ nước” góp công lớn ba lần đánh bại quân Nguyên. Khi giặc lộ rõ ý định gây hấn, Trần Quốc Tuấn truyền lệnh cho các tướng, răn dạy chỉ bảo lẽ thắng bại. Bản Hịch tướng sĩ viết bằng giọng văn thống thiết hùng hồn, mang tầm tư tưởng của một bậc “đại bút”. Là vị tướng nhân từ, Trần Quốc Tuấn thương dân, thương quân, coi việc nghĩa hơn là điều lợi, chỉ cho quân dân con đường sáng... Tôi làm sao quên tiết giảng đầu tiên trong đời làm thầy, làm sao quên những đôi mắt ngây ngô, cố gắng ngồi im, sợ mất lòng thầy nhưng vẫn không khắc phục sự buồn chán nên ngọ ngoạy, nói chuyện riêng râm ran làm tôi phát nản.

Và rồi một mùa hoa yêu thương trôi qua thật vội vàng, nhanh như một cái chớp mắt, không kịp níu lại. Tôi đã  vô tình đánh rơi quá nhiều thứ, nhiều kỷ niệm thật đẹp bên học trò và đồng nghiệp. Giờ đây tuổi cao nhìn lại, không còn có những buổi bồn chồn nhớ nhà, không còn những buồn vui, cau có, bực bội với học trò, chỉ còn trong ký ức những sung sướng có học sinh lên bảng được điểm mười, chỉ còn nhớ và thương đồng nghiệp vượt qua thời đói kém, gian khó đến giờ vẫn còn bám trụ công tác kiên trì. Vì thế thỉnh thoảng đi qua một ngôi trường nào đó, nhất là trường phổ thông cơ sở ở vùng quê, tôi bất chợt nhớ thuở làm thầy, nhớ đám mây trắng xưa bay trên trời mùa thu đẹp ngỡ ngàng.

Thuở ấy tôi vẫn gọi các em là tuổi áo trắng dù các em nghèo lắm chỉ có áo tem phiếu, đồng loạt một màu tối do “thương nghiệp” phân phối, tuổi áo trắng sao mà hồn nhiên, mà thơ mộng đến thế. Tôi còn nhớ như in những lứa học trò thân thương, quê mùa không biết trốn học đi chơi, cũng không có trò gì để vui chơi như học trò thành phố, chỉ biết nghỉ giờ nào là cầm cuốc ra đồng, cầm rựa lên rẫy giờ ấy, những đứa em chân chất, vô tư, chưa biết những phút xao xuyến khi bắt gặp một ánh mắt vô tình liếc qua...

Kỷ niệm với tôi ở trường THCS Đại Lãnh 2 Trung Đạo thật dạt dào. Riêng chuyện soạn giáo án và lên lớp một ngày ba ca đã bở hơi tai (do thiếu phòng học trầm trọng) còn phải kể thêm đến công tác chủ nhiệm, công tác Đoàn - Đội, lao động trồng lúa, đi tranh, đi cây làm trường, đi củi gây quỹ Đội Thiếu niên Tiền phong... Thuở ấy giáo viên không chỉ làm nhiệm vụ dạy học mà còn làm một thứ cán bộ “thập cẩm”, không tên.

Tôi làm sao quên những đêm trăng sáng, thầy trò reo vui trên đồng với những cây đuốc mịt mù khói bay, bắt chuột cứu lúa cho hợp tác xã. Tôi làm sao quên những ngày tháng chạp đường lầy lội, trơn ướt, thầy trò cầm cờ tuần hành  khắp nẻo đường thôn hô vang khẩu hiệu “Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện thành công tốt đẹp”. Cho đến bây giờ, cái đêm chào xáo khi phụ huynh đốt đuốc đi tìm thầy Phin để “hỏi tội” như một kỷ niệm vui trong đời. Chẳng qua là bấy giờ đã 18h, trời mùa đông mau tối, tôi còn  động viên các em và cả bản thân tôi cố gắng vận chuyển thanh toán nốt những bao xi măng cuối cùng để xây trường UNICEF trong đồng xa thôn Tư. Thời đó tập thể trường tôi không có thói quen điểm tâm sáng (hay do thiếu lương thực tôi không còn nhớ rõ) chỉ biết đến tiết thứ năm là người muốn lả, nhà bếp ngay sát lớp học, mùi chiên xào xông lên điếc mũi, làm mất tập trung giảng bài. Nhà tập thể của tôi mái tranh, vách đất, hơi lạnh vây quanh, mùa đông khó chợp mắt, nơi đó mờ sáng dậy soạn giáo án, tôi nghe tiếng các bà, các cô đi chợ nói chuyện râm ran đón chào ngày mới.

Ở trường Trung Đạo tôi còn có kỷ niệm Thôn 3. Hôm nay tôi qua Thôn 3 dễ dàng nhờ có nhịp cầu xi măng “nối những bờ vui”, nhưng thuở tôi ở đây chỉ có phương tiện đò ngang, gập ghềnh sông nước, chen với gánh lúa, gánh rau, gánh bắp, với tiếng í a í ới gọi đò sao mà nhớ mà thương. Với tôi những đêm sáng trắng như ban ngày, lội nước đi hái dưa ở nhà phụ huynh, tôi gọi trại ra là “đi thuyền trên sông Volga” cho trữ tình, dường như có hai bầu trời, hai vầng trăng, đến giờ vẫn soi sáng trong tôi.

 

Cả ngày hôm nay chạy xe máy khắp thôn làng, thăm hỏi được nhà của vài em, từ thôn 6 qua thôn 3, thăm con đường xưa tôi đã từng đi, thăm khu vườn tôi từng ghé. Tôi nhớ làm sao những khu vườn tĩnh lặng, mênh mông hoang vắng với những cây chuối, cây mít, bòng, ổi mà học trò thường dành cho tôi nếm thử đầu mùa. Tôi nhớ tôi cũng thích nghi với cuộc sống thôn dã, nếp làm ăn, sinh hoạt ở nhà các em, có những lúc tôi đến lao động tại nhà các em như thể thư giãn trong ngày nghỉ khi không về phố được. Tôi sung sướng khi được phụ huynh xem tôi như người trong gia đình. Một lần tham gia gặt lúa, tôi tập cắt lúa, vừa làm vừa học lơ đễnh cắt phải tay máu chảy đầm đìa, vết sẹo kỷ niệm vẫn lưu lại trên tay đến bây giờ.

Xưa kia tôi là một thầy giáo trẻ, bây giờ tôi không còn là thầy giáo và tôi không còn trẻ nữa, nhưng chỉ thấy nhớ những ngày làm thầy. Nhớ những buổi sáng dạy ba lớp, buổi chiều dạy hai lớp, lương mỗi tháng ba mươi sáu đồng cộng với mười ba cân lương thực, ăn bữa đói bữa no, thế mà vui. Phụ huynh ở đây nghèo nhưng rất quý thầy cô giáo, có món ngon cũng nghĩ đến thầy, nhớ nhất những tô mì Quảng đậm đà hương vị, ngọt ngon thật sự vì tấm lòng và vì đói, chứ không như những tô mì biến tướng, mất hương vị ở Đà Nẵng thời hiện đại.

Hôm nay đây, ở bên các em, tôi nhận ra rằng, ai cũng qua rất nhiều người thầy, bắt đầu từ những chữ A, B, C cho đến những lý thuyết cao siêu. Bởi thầy thì có người trực tiếp dạy, có người chỉ đơn giản đứng tên trong những cuốn sách, hướng cho người học những chân trời mới lạ. Mà có lẽ, tôi đọc được suy nghĩ của các em, giờ đây là những người đã trưởng thành: Những kỷ niệm đẹp nhất về người thầy đối với các em là những năm tháng học ở ngôi trường làng bé nhỏ thôn Trung Đạo.

N.P 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn