Những cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh Tâm

02.11.2016

Những cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh Tâm

Đề tài tình yêu có thể nói là đề tài “vĩnh cửu” trong thơ. Bởi thơ là tâm hồn, tiếng nói của đời sống. Mà nó là gì nếu không phải tình yêu? Điều quan trọng, nét đặc trưng của mỗi nhà thơ là anh đem đến độc giả cái cung bậc như thế nào, đớn đau xao xác, trầm buồn cô đơn, hạnh phúc hy vọng có ấn tượng mạnh mẽ hay không, có chia sẻ những tâm sự với bao trai tân, có sự lạ biệt nào đó cho những bạn bè cầm bút cùng thời? Và tôi đã đọc thơ, nghiên cứu hành trình thơ của anh trong xu hướng ấy, trong tiết điệu rạn vỡ của bao thi pháp đang sinh sôi nảy nở tràn lan của thế kỷ văn hóa giao lưu, hội nhập và bản sắc.

Thử đọc một bản tình ca của H. Man về tình yêu hòa quyện với không khí núi rừng Sơn Tây: “Sơn Tây, Sơn Tây / Ta về phố núi trập trùng xanh / Cây thông kín nửa hoàng hôn tím, đỏ / Này! Mở vòng tay ôm hết gió / Có hương tóc em nhòa hơi sương / Có rượu cần mềm môi bản vắng / Có hoa hoang nở vội bên đường” (Chút tình gửi lại). Một không khí thơ lãng mạn, đầy chất hùng tráng lính trận, âm hưởng thời Quang Dũng còn vương vấn trong tâm hồn mộng du, phiêu bạt của anh.

Bài trên có những hình ảnh đẹp, như bức tranh, còn bài sau tình yêu với bao nuối tiếc, biểu hiện về trạng thái tâm hồn, tâm sự, những góc khuất, những khuất nẻo, những ngõ quẹo ngõ quanh hơn là đặc tả: “Có nỗi vui nào sót lại / Từ trong góc khuất tâm hồn / Em gởi về theo nỗi nhớ / Để chiều tím cả hoàng hôn / Bài thơ tình yêu thứ nhất / Rêu xanh phong kín ngăn lòng / Đến mùa em bay đổi xứ /Cũng đành - khuất núi, mù sông... / Bạn bè vẫn ngồi đâu đó / Lẫn trong góc khuất cuộc đời” (Góc khuất).

Đã là nhà thơ, thiết nghĩ, dường anh ta có nỗi đau khác người một tí, vì mẫn cảm, mẫn tiệp, mẫn tài, mẫn tôi nên thường réo rắt, rạo rực hơn những cảm xúc, những mất mát. Và H. Man có lẽ không ngoại lệ. Anh đã gọi tên sự thật như một vết dao: “Rồi người cũng bỏ tôi đi / cây khô cành thương nhớ lá /lá bay đụng trái tim người / Là thêm một lần lỡ dở... / Đêm nghiêng bóng đổ một mình /tôi về chung cùng tiếc nuối / lòng tay vàng ánh đèn khuya /Rồi người cũng bỏ tôi đi /như bao người qua rất vội / Lòng tôi / hiên quán tội tình” (Rồi em bỏ xa tôi). Nỗi đau không quá ấn tượng, không quá trau chuốt, kiểu như: “Ai chôn cất một thu vàng / Ai tung cánh cửa tan hoang mưa dầm/ Đo lòng nhiệt độ chưa âm/ Sao không khí lạnh âm thầm qua đây” (Ngủ đông - Nguyễn Tấn Sĩ). Nhưng trực tiếp nghe anh tâm sự về cuộc đời, số phận “ ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”, nghe anh đọc bài thơ này nhiều lần, chất giọng trong men rượu lưu ly, kiểu thập thành lổ đổ (Học chữ cố thi sĩ Bùi Giáng của tôi - HMT), đọc thơ sặc sụa tiếng Quảng “nôm”, mới thấy thấm thía từng câu thơ tấc lòng của anh.

Thơ ca thật riêng biệt, riêng lòng, chính vậy mà nhiều bài chỉ riêng tác giả yêu, chỉ riêng tác giả ôm ấp như một báu vật; còn độc giả của chúng ta, như mắt thường, mắt thịt khó mà xâm nhập vào bờ cõi. Có chăng chúng ta gõ cửa bên ngoài để than vay khóc mướn. Và nhà thơ đã mang cõi riêng biệt riêng tư kia để xây đắp thành trì cố hữu như muốn xác tín một uy danh, đó là một chướng ngại, nhưng đôi khi cũng là một khát vọng để tạo ra một bản sắc, một phong cách “không giống ai”. Chính nó làm cho hành trình thơ của H. Man ngày càng phong phú, đa dạng cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Xét theo yêu cầu thẩm mỹ mới, thơ anh vẫn có một chỗ đứng nhất định, vững chắc trên đồ thị thơ ca Việt. Tôi thích những câu thơ cháy lòng, cháy túi của anh viết cho người tình: “Đêm Madagoui thèm một vòng tay/ Hơi thở ấm, bờ môi em thầm thĩ/ Nỗi nhớ tình yêu là tinh thể quí / Hơn nửa đời mình anh mới nhận ra” (Gửi người yêu dấu). Thơ chân thành quá, cái chân thành thẳng đuột, thẳng thớm, chẳng co ro, vòng vo gì cho mệt. Cô đơn ở xứ người, nhớ em quá, muốn ôm em, hôn em và gì gì đấy em thật mãnh liệt.

Riêng những câu lục bát về tình yêu nồng nàn, đắm đuối, sung sướng, phỉnh dụ như thế này thì tôi nể phục anh thứ nhất: “Ngày em khăn trắng quàng đầu / Có người đứng lại bên cầu mà trông / Trầu xanh ai quấn chỉ hồng / Để câu thơ rối giữa lòng nát tan / Sông khô - ai gọi đò ngang? /  Chưa thu mà lá cứ vàng vọt bay” (Ngày bậu xa nhân ngãi). Bài thơ thương người, thương mình, đứng bên cầu rồi nhảy xuống cầu chăng? Thì cứ nghĩ vui, tưởng tượng cũng lạ đời.

Một người em về tuổi tác, một người bạn về thơ ca, khi giới thiệu về H. Man, đã có những “phác thảo hẹp về thơ H. Man” đã có lý:  “H. Man thơ tình đã đành. Nhưng mải mê hơn có lẽ là cuộc tìm kiếm miên viễn về hình tượng “em” với dào dạt thương, yêu, si, nhớ,..., và buồn”. Anh dẫn chứng, thương có:

“Phiến khúc buồn em viết cho tôi / Là thênh thênh cái chỗ chung ngồi/ Là mây bay chẳng nơi thường trụ / Là khóc thương mình khúc lẻ loi” (Phiến âm buồn). Yêu có: “Thôi thì cứ coi như tình đã cũ / Là nắng vàng run trong vạn hồn chiều/ Mà cứ theo dời về thu xếp lại/ Rồi dỗ dành mình / Lại một lần yêu” (Như nỗi buồn vàng). Si có: “Về treo kỷ niệm lên trời / Để nghe tròn, khuyết một đời lạnh không/ Tìm nhau trọn cuộc mênh mông/ Mưa sương hay ấy... bụi hồng nhẹ trôi...” (Mỏi một đời tìm). Nhớ có: “Em đi thật rồi sao? / Anh biết làm gì ngần ấy mênh mông / Trời đất cũ chạm vào đâu cũng nhớ” (Cuộc chia lìa tháng bảy). Còn buồn thì vô kể. “Ta nợ nần nhau những đớn đau / Còn đâu mà hẹn ước ngày sau / Thời gian dồn sóng lên phần cuối/ Đành dở dang theo một kiếp này” (Vĩ thanh tôi và em).

H. Man tên thật là Phạm Văn Mận, sinh 1954, quê Điện Bàn, Quảng Nam, hiện anh là Trưởng đại diện NXB Văn học tại miền Trung và Tây Nguyên. Anh đã in 5 tập thơ: Tạ ơn Người (Sở VHTT Quảng Ngãi, 2008), Mưa mùa bất chợt (NXB Văn học, 2010), Ba lăm bài lục bát (NXB Văn học, 2010), Những mảnh tình rời (Thơ NXB Văn học, 2013), và tập mới nhất Trong miệt mài tôi quên (NXB Văn học, 2014). Nét đặc sắc thi pháp thơ anh là: tứ chắc, ngôn ngữ đẹp và tinh tế, hình ảnh sinh động, giàu nhạc tính, nên dễ phổ nhạc. Nhạc sĩ Thu Thủy nhận ra: “Những tiết điệu trong thơ H. Man bao giờ cũng kết thúc bằng những nốt trầm, buồn... Tôi lắng nghe tiếng ngân rung ấy và cảm nhận một phần nào những điều anh đã bỏ quên... Hy vọng mình sẽ có thêm ca khúc hay từ tập thơ này” (Lời bạt - Thu Thủy). Tất thảy những giãi bày, những dẫn chứng, những trích dẫn, những ghi lại, những điều trần... trên đây như muốn chia sẻ và ghi nhận với độc giả về thơ của anh như một sắc tố tình ái dày đặc, tạo ấn tượng. Nhưng có lẽ không gì hơn, như anh đã viết: “Trong miệt mài tôi quên thời gian phủ chụp tấm màn bể dâu lên mọi thứ, quên tuổi mình tóc nhuốm sương pha, mà nghe mông mênh thân phận làm người / này đây! tâm hồn tôi, tình yêu tôi / Xin đặt vào tay người / Xin gửi vào cuộc đời / Dù chỉ là những kỷ niệm buồn...” (H. Man, Tháng 9-2014, trang 13, trong tập thơ Trong miệt mài tôi quên...).

H.M.T 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn