Hoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành Giang

02.11.2016

Hoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành Giang

Khi cái gió chiều hè đã gọi những đứa trẻ quê ra đồng với cánh diều giấy trên tay, lòng tôi lại nao nao một niềm thương nhớ ùa về. Đồng quê yên bình nhưng cũng không thiếu những xôn xao dễ mến đến từ người quê, con vật quê hiền hòa. Và, chiều nay, tôi lại ra đồng cắt cỏ, trong cảm giác cái nắng và cái gió đưa hương đồng thoang thoảng qua mũi. Rồi, mắt tôi như bị hút vào những đám mè đang độ ra hoa. Càng nhìn, càng mến thương một niềm gần gũi, như bao năm rồi, kể từ lúc là thằng bé chập chững bước đi, cho đến lúc đã có gia đình.

   Hoa mè thường nở mang một màu tím nhạt, không kiêu sa đầy sắc cũng không thơm như nhiều loại hoa khác. Có lẽ vì thế, nó hợp với đồng quê xứ sở này. Bởi hoa đồng đều phần lớn dung dị, không hương sắc, nhưng vẫn mang một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng. Lạ hơn, hoa mè, nếu ngửi gần, sẽ cho một mùi hôi hôi, hăng hắc hơi khó chịu. Nhưng với tôi, mùi hoa mè từ thuở ấu thơ đã như một vị quê không thể thiếu, trong những chiều hè thung thăng chạy nhảy cùng lũ bạn, quơ tay bứt lấy vò vò đưa vào mũi. Có những chiều hè, khi còn rất bé, ba mẹ gánh ra đồng, tôi mê cái mùi hoa mè đến nỗi lò dò đi vào giữa đám mè. Tôi ngập lút trong hai bên là cỏ và mè cao quá đầu. Đôi hôm, cơn buồn ngủ kéo đến, tôi nằm thiếp đi trong đám mè, dưới thảm cỏ. Đâu biết rằng khi cuốc xong đất, ba quay lại, không thấy tôi đâu, chạy đi tìm khắp, kêu mà không nghe tiếng con trả lời. Ký ức ấy đẹp như một lời thơ, một bức tranh hiền hòa sẽ theo mãi tôi trong suốt cuộc hành trình làm người còn lại phía trước.

Mùa hoa mè nở, cũng là mùa chim cút tìm về trú ngụ trong những đám mè. Thân mè thường cao, bên dưới có nhiều vạt cỏ rậm, nên chim cút từng đàn từng đàn chọn đây là nơi lý tưởng để làm tổ, đẻ trứng và kiếm ăn. Khi cái nắng hè chói chang chiếu thẳng xuống đám mè, cút lại dẫn nhau tìm thức ăn. Thường thì một cặp cút lớn dẫn theo từ 3 đến 6 con cút con lúp xúp chạy theo sau. Tôi hay thích ngắm cái dáng lủi nhanh của chúng, băng qua những đám mè, đám khoai lang rồi vào những hàng rào quanh xóm. Màu lông nâu nâu ấy cũng trông thật thà, chất phát như dáng quê, như người quê vậy.

Lũ trẻ quê thường giăng lưới cũ quanh những đám mè để vây bắt cút, hay lùng trong mè để bắt những ổ trứng cút về luộc, bắt những chú cút con về nuôi. Đầu trần, chân đất, khi cái nắng trưa đổ về chiều vẫn còn rát rạt, chúng tôi ngày ấy chạy theo những bầy cút tung cả bụi bay mịt mù. Mỗi lần bắt được một con cút mẹ béo núc ních quấn vào lưới, chúng tôi lại reo lên trong niềm vui khôn tả. Tối ấy, trong mâm cơm, nhất định có món cút chiên giòn, béo ngậy. Giờ nghĩ lại, thấy tội cho những chú cút đồng ngày ấy. Nhưng biết làm sao được. Một phần vì thú vui. Một phần cũng vì trong cái nghèo, cái cơ cực, miếng thịt cút trong bữa cơm là niềm hạnh phúc không chỉ của những đứa trẻ quê, mà còn là của cả nhà. Khi cái đói đã vây quanh căn bếp, quanh mái nhà tranh, thì tình yêu thương đôi khi không còn chỗ để san sẻ ra ngoài những chỗ ấy, huống chi đến dành cho những con vật đồng quê hiền lành, tội nghiệp...

Tôi thích mùi hoa mè về đêm hơn nữa, bởi hương hăng hắc, hôi nhẹ của nó theo gió bay xa, thoang thoảng. Từ đồng, mùi hương hơi khó chịu ấy có thể bay vào tận sân nhà, với những ai có khướu giác tương đối nhạy. Những đêm hè sáng trăng, quanh những đám mè, lũ trẻ quê lại có dịp để tụ tập nhau, với niềm vui nho nhỏ. Đó là bắt bọ rầy mè. Những con bọ rầy nhỏ như hạt đỗ đen thôi, thường bay đậu vào hoa mè trong đêm để hút lấy chất ngọt từ hoa và từ sương. Nếu bắt cút ban ngày nhiều khi phải chạy tung bụi mù, thì bắt bọ rầy mè đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mỗi đứa chúng tôi thường cầm một cái bao to. Rồi từ từ đến từng cây mè, vuốt nhẹ những con bọ rầy đang bám vào hoa, bỏ vào trong bao. Nếu được nhiều, mỗi đứa có thể mang về cả ký bọ rầy mè. Thứ quà quê này bỏ vào xoong dầu đang sôi, đậy nắp, rang lên, thì thật là béo không gì bằng. Bê ra, có vài cái bánh tráng xúc nữa thì đã có bữa ăn khuya tuyệt vời ở quê nghèo.

Đồng chiều đã nhòa nhòa nhạt nắng, tâm trí tôi vẫn dõi theo những bông mè phất phơ trong gió. Diều đã căng dây nhập bay vào màu trời mênh mông cao và xanh trên kia. Những đứa trẻ quê tôi bây giờ không còn vây cút, cũng không còn biết bắt bọ rầy quanh những đám mè đang độ ra hoa. Và có khi, cũng chẳng có đứa nào miên man trôi theo cái mùi hôi hôi hăng hăng của hoa mè như tôi. Nhưng, nhìn chúng vẫn tung tăng chạy theo những cánh diều, bên đám mè hoa tim tím, lòng tôi cũng đã vui lây. Ít ra, chút thú quê trẻ thơ vẫn còn được giữ, lưu và truyền đi, cho những ngày hè tràn về thân thương hơn, hiền hòa hơn.

N.T.G 

Bài viết khác cùng số

Bóng xuân xanh - Lương Hoàng HạcNgười đàn bà không sinh ra ở làng Ngát - Lam PhươngNhững mặt giấy in thừa của bố - Lê Thị XuyênMầm chữ nghĩa - Phụng TúHoa mè gọi những chiều bình yên - Nguyễn Thành GiangNhớ những ngày làm thầy giáo - Nguyễn PhinTản văn của Phạm Thị Hải DươngThơ Ngân VịnhKhuyết một vầng trăng - Lê Huy HạnhChơi miền sim, lau - Lê Anh DũngNgày lạnh - Đinh Thị Như ThúyMẹ - Nguyễn Hải LýThị trấn cũ - Vũ DySự hiểu biết của tôi - Huỳnh Minh TâmTừng ngụm heo may - Đỗ Thượng ThếVấp dấu chân mình - Nguyễn Hoàng SaNắng tháng mười - Tăng Tấn TàiCõng - Huỳnh Thị Kim HiệpPhấn trắng bảng đen - Nguyễn Vân ThiênLời xin lỗi ban mai - Nguyễn Kim HuyĐô thị hóa và đô thị hóa bền vững ở Đà Nẵng - Thực trạng và những vấn đề đặt ra hiện nay - Nguyễn Đăng MạnhTrường Đốc Thanh Chiêm - Đại học đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng - Châu Yến LoanĐịa danh trong ca dao xứ Quảng - Phạm Tuấn VũĐổi mới loại hình nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 - Nguyễn Văn HùngNhững cung bậc tình yêu trong thơ H. Man - Huỳnh Minh TâmNhững bài hát cách mạng, kháng chiến ban đầu trên quê hương ta - Trương Đình QuangQuan hệ triều Nguyễn với phương Tây trong sự đối sánh với các nước Xiêm, Trung Quốc, Nhật Bản - Nguyễn Văn Toàn