Quán Đa – Truyện Võ Lê Thục Nhàn

05.07.2013
Cái quán nước nhỏ, lụp xụp, được dựng lên với vài chiếc ghế gỗ, đôi chiếc bàn cộc dưới một mái lều tranh nằm khép nép dưới bóng cây đa bên đường. Chủ quán, một người đàn bà đã gần bảy mươi tuổi, luôn hào hiệp chia sẻ những ngụm nước mát lành cho những người đi đường có “nhã hứng” ghé vào. Những trưa hè oi ả, nắng chói một màu đỏ rừng rực như hoa gạo và nóng đến gai người, những người đi làm đồng hay đi công chuyện ở làng tôi, đều tạt vào quán nước, thư thái ngồi dưới gốc đa làng già cỗi mấy trăm năm tuổi để cùng nhau trò chuyện nhấm nháp ngụm nước chè cho đỡ khát hay rít từng hơi thuốc lào.

Quán Đa – Truyện Võ Lê Thục Nhàn

Đối với những con người suốt ngày lam lũ với cái cuốc cái cày trên những cánh đồng khô cằn nứt nẻ, giờ nghỉ trưa được ngồi trong quán nước, trong cái nhìn âu yếm dịu dàng che bọc của những tán lá đa xanh um là những phút thư giãn quý báu đầy vui vẻ. Người ta không biết tên bà chủ quán nên chỉ thân mật gọi cái quán nước ấy là “quán đa”. Và nếu như, đối với người lớn, quán đa là nơi trò chuyện, tán dóc với nhau thì đối với lũ trẻ con chúng tôi, nó chính là nơi mở ra bao thế giới kỳ thú và mới mẻ đến lạ kỳ.

1. Ngôi miếu hoang

Làng tôi có một ngôi miếu bỏ hoang từ lâu đời. Nó nằm chình ình trên cái gò đất nhô cao cạnh nghĩa địa dành để chôn cất những người đã sinh ra, lớn lên và sinh sống ở làng tôi. Đây còn là nơi dành cho những người đã từng bỏ làng tôi đi, đến cuối đời, khi công danh đã toại hay tay trắng vẫn hoàn trắng tay, họ lại trở về yên nghỉ trên mảnh đất sinh thành mà mình đã từng rời bỏ. Mảnh đất nghèo khó ấy luôn mở lòng đón những đứa con trở về, không một lời khiển trách. Nhưng thôi, đó lại là một chuyện khác, chuyện mà tôi muốn nói ở đây là về cái ngôi miếu bỏ hoang thờ một ông tướng thất trận đã tự vẫn ở làng tôi kìa. Làng tôi nghèo lắm, những chuyện huyền bí, những câu chuyện nửa thật, nửa bịa cứ thế được rỉ tai kể cho nhau nghe. Thường thì lũ trẻ con bọn tôi không được nghe kể về những câu chuyện “đáng sợ" ấy. Nhưng như tôi đã nói, ở cái quán đa này không có chuyện gì là không biết cả. Trong một lần ngồi nghe những câu chuyện của người qua đường nơi quán đa, chúng tôi biết được một tin khá thú vị. Ngôi miếu hoang có ma. Trẻ con vốn rất tò mò và ưa khám phá, đặc biệt là những gì đã gieo vào đầu óc chúng sự kỳ bí đến mê hoặc. Thế là tối hôm đó, chúng tôi hè nhau trốn nhà đi xem “con ma bập bùng” trong ngôi miếu hoang. Trời không trăng, tối hun hút, tiếng ve ngân rạo rực khắp đêm hè, gieo vào lòng tôi cái cảm giác rờn rợn đến đáng sợ. Những cây cỏ may ban ngày hiền lành là thế bỗng bao trùm lên một vẻ huyền hoặc âm u. Gió sè sẹ thổi. Ngôi miếu hoang loang lổ cổ kính hiện lên đầy kì bí trước mắt chúng tôi. Càng đến gần, chúng tôi càng sợ. Tôi nghe rõ cả tiếng nhịp tim từng đứa đập thình thịch. Không khí chung quanh loãng ra rồi tự nhiên quánh đặc lại. Tôi nghe chân tay run lên lẩy bẩy.

Rắc! một tiếng động lạ! Chúng tôi hét lên quay đầu bỏ chạy. Sáng sớm hôm sau, tụ họp đầy đủ anh em chiến hữu, tụi tôi rút ra kết luận vô cùng chính xác:

- Ngôi miếu hoang ấy chẳng có ma gì cả. Chỉ có muỗi và những chiếc roi mây của bố mẹ thôi, vì thế chớ có dại mà bén mảng đến đó về đêm lần thứ hai.

Chúng tôi tự hứa với nhau không bao giờ liều lĩnh trốn nhà thám hiểm ngôi miếu ấy lần thứ hai nữa. Còn tôi, tôi lại nghĩ khác: “Ừ, biết đâu miếu hoang có đốm lửa ma trơi kia thật nhưng có lẽ nó đã bị tiếng hét đêm qua của tụi tôi đuổi mất đi rồi”. Vài ngày sau đó, ngôi miếu được dân làng trùng tu lại vì nghe đâu ông tướng ấy linh lắm, báo mộng cho làng phải thờ kính cẩn thận nếu không sẽ có tai họa giáng xuống cả làng. Thế là từ đó ngày nào, tôi cũng thấy người ta đem hương giấy, hoa quả đến cúng bái quá trời ở cái nơi mà có thời họ đã gọi là “đống đổ nát đáng ghê tởm cần bỏ đi”. Cả chuyện ngôi miếu ấy có ma cùng chẳng được ai nhắc đến nữa.

2. Hoa cỏ may

Cỏ may mọc rất nhiều ở làng tôi. Trên đường đất, ven triền đê, những gò đồi nhấp nhô to nhỏ và nhiều nhất là đối diện bên kia đường của quán đa. Những bông cỏ may mảnh dẻ, líu xíu mọc chen chúc nhau đầy cả một vùng, im lìm, tẻ nhạt. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi gọi đó là “vùng đất cổ tích”. Những trò chơi trốn tìm, đuổi bắt, đánh trận, công chúa-hoàng tử…, những tiếng cười, tiếng khóc, những lần giận dỗi cãi nhau của chúng tôi…, vương đầy những cánh cỏ may. Cái loài hoa dại ấy nhỏ bé là thế, ham vui là thế cứ thích bám víu lấy những mái đầu rong ruổi khắp làng, khét lẹt mùi nắng. Nó lanh lảnh hòa bay theo làn gió, đuổi trên nụ cười trong veo của tuổi thơ. Một khoảng trời thơ ấu của tôi, trải dài theo những cánh hoa dại vô tư ấy - với những đứa bạn đầu trần chân đất, cùng nhau nô đùa vô âu vô lo. Để rồi, sau này, khi lớn lên, ở những chân trời xa lơ xa lắc, tôi vẫn mơ về những cánh hoa yếu ớt mỏng manh với cả một niềm tiếc nuối thân thương.

Thuở ấy, chúng tôi thường nhờ bà quán đa kết cho những vòng hoa cỏ may để “công chúa” đội đầu. Mỗi lần, bà quán đa chỉ kết một vòng cỏ thôi và chúng tôi cũng chỉ cần có một chiếc vương miện, thế là đủ. Tuổi thơ thường lắm những trò nghịch ngợm và quậy phá. Công chúa của chúng tôi xinh nhất làng. Mỗi lần lũ “tùy tùng” tuân lệnh chạy đi hái những thứ theo lệnh là công chúa lại cười thật tươi để lộ mấy cái răng vừa nhổ chưa kịp mọc trông đến là dễ thương. Lũ tôi, những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” không chút âu lo muộn phiền về cái ăn cái mặc và cả những toan tính của cuộc đời, cùng nhau nô đùa, chạy nhảy, lăn lộn trên bãi cỏ để tiếng cười của tuổi thơ lại làm trong thêm một khoảng trời rười rượi. Ngày ấy, tôi thường nhìn trộm chiếc vòng cỏ may đội đầu của công chúa và hơn một lần ao ước được đội thử. Cái con nhóc mới lên sáu tôi thường tưởng tượng ra sau này khi lớn lên sẽ trở thành một nàng công chúa thật xinh đẹp với chiếc vương miện cỏ may trên đầu. Thế nhưng tưởng tượng thì… cứ kệ mà tưởng tượng, còn bấy giờ, tôi vẫn cứ mãi nô đùa với tuổi ấu thơ của mình đến khi nắng chỉ còn là những vệt yếu ớt cuối chân trời mới chịu ra về. Và chiếc vòng cỏ may - sau một ngày làm tròn nhiệm vụ của mình - lăn lông lốc dưới bãi cỏ, héo úa rũ rời.

3. Bà quán đa

Như tôi đã nói, không ai trong làng tôi biết bà chủ quán đa ấy tên gì, ở đâu, trước đây đã làm gì… người ta chỉ vui miệng gọi bà là bà quán đa. Bà quán đa là một người đàn bà đôn hậu. Cứ nhìn cái cách bà chế nước chè vào chén cho khách, ngồi chăm chú lắng nghe và thỉnh thoảng lại góp vài lời vào những câu chuyện của các cô, các chị trong làng tôi thì biết. Có người bảo trước đây bà là vợ của một nhà nho có tiếng nhưng do chiến tranh loạn lạc nên mới đến đây. Có người lại bảo bà là vợ của một ông lính ngụy nào đó sau giải phóng phải trốn đến làng tôi. Có người lại bảo khác nữa, nhưng dù thế nào thì bà quán đa cũng có cái gì đó trong cách ăn nói từ tốn dịu dàng khác những bà ở làng tôi lắm lắm. Mỗi lần có ai cãi nhau, bà chỉ nói người này vài lời, người kia vài tiếng thế là họ lại hòa nhau. Vậy nên những người làng tôi nể phục và quý bà quán đa vô cùng. Mà đâu phải chỉ có người lớn mới quý bà chứ, lũ nhóc tôi cùng “ghiền” bà quán đa lắm kia. Bà quán đa hiền, đó là một lẽ, bà hay cho chúng tôi quà bánh, kể chuyện cho chúng tôi nghe và bày cho chúng tôi những trò chơi thật hấp dẫn nữa. Bà là một pho sách khổng lồ vĩ đại. Những câu chuyện của bà nhiều vô số. Nó không giống những câu chuyện cổ tích với những cô công chúa, những chàng hoàng tử. Bà thường kể cho chúng tôi nghe về những năm chiến tranh đói khổ, về các chú bộ đội, và về một thằng nhóc tên Hòa nào đó. Bà bảo thằng Hòa hư lắm, chẳng chịu nghe lời bà như chúng tôi lại rất hay nghịch nữa chứ. Thằng Hòa hay ăn vụng, thằng Hòa hay làm đổ cơm, thằng Hòa hay bỏ bữa, thằng Hòa hay trốn nhà đi chơi. Nói tóm lại so với chúng tôi cái thằng Hòa ấy thua xa. Cũng từ đó, có đứa nào hư, lũ tụi tôi lại chọc: “mày hư như thằng Hòa”. Chúng tôi hỏi bà quán đa thằng Hòa bây giờ ở đâu, bà bảo trong một đợt bộ đội về quê bà, nó lén trốn đi theo rồi. Thế là từ đó chúng tôi không nghe bà nhắc nhiều về những thói hư của thằng Hòa nữa nhưng bù lại, bà lại kể những chuyện khác mà lúc ấy đối với lũ nhóc tôi còn hấp dẫn hơn nhiều. Những câu chuyện của bà quán đa làm lũ trẻ chúng tôi say mê, yêu quý bà. Tôi còn nhớ khuôn mặt bà những lúc bà kể chuyện cho chúng tôi. Đôi mắt nhăn nheo hằn từng vết chân thời gian ánh lên cái nhìn dịu dàng âu yếm, hai gò má nhô cao, gầy gò lấm tấm những vết đồi mồi, cái miệng xương xẩu húp từng ngụm nước chè. Không hiểu sao, nhiều khi, tôi thấy bà ngắm nhìn chúng tôi, rồi lại mỉm cười đầy hạnh phúc. Trong cái trí óc non nớt của tôi bấy giờ, cứ tưởng mình… dễ thương quá nên bà quán đa mới nhìn hoài như thế.

Ngày bà quán đa của tụi tôi mất, trời nổi cơn mưa giông. Những cụm mây bỗng trở nên đen nhòm vụn xỉn trông xấu vô cùng. Người dân làng tôi chôn cất bà ở nghĩa địa làng, và như vậy, dù không sinh ra ở làng nhưng mọi người cũng đã coi bà là người làng rồi. Người lớn lặng thinh không lời, có những chị xúc động thút thít khóc, còn lũ con nít chúng tôi, không biết gì vẫn cứ òa lên mà nức nở. Lúc ấy chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu thế nào là “chết”, để thấy rõ cái đau đớn khi mãi phải chia tay một người mà mình vô cùng yêu quí. Những giọt nước mắt ấy, chúng tôi khóc vì nghe người ta nói bà quán đa sẽ không còn kể chuyện, không còn bày cho chúng tôi chơi những trò thật thú vị và cũng không thể kết những vòng hoa cỏ may để chúng tôi đội đầu nữa. Chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng bà không thèm chơi với tụi tôi nữa mà như vậy sẽ rất buồn, vậy là khóc, thế thôi! Những giọt nước mắt ấy, sau này tôi không còn khóc vô tư như thế nữa, bởi càng lớn, khi để mất đi một thứ gì đó quý giá của bản thân, tôi lại càng đau đớn mà khóc nhiều hơn. Từ ngày bà quán đa mất, chúng tôi ít ra quán đa chơi nữa và những người làng tôi cũng vậy.

4. Ra đi

Ngày tôi chào quê hương, chào ngôi miếu hoang có ma, chào những cánh đồng cỏ may bay phất phơ theo gió, chào ngôi nhà thân thuộc, chào quán đa và một khoảng trời thơ ấu tựa như cụm mây trắng mỏng manh trôi mãi theo cơn gió nghìn năm trước đến tận nghìn năm sau, vẫn giữ mãi cái màu trắng trinh nguyên trong suốt như pha lê. Con đường làng bụi bay mù mịt, hừng hực hơi đất quê nhà, dáng mẹ tôi gầy gò với bộ áo bà ba nhạt thếch, đôi mắt trông theo bóng tôi khuất xa dần. Tôi đi ngang qua quán đa đầu làng. Nó vẫn im lìm nằm nép mình dưới bóng mát của cây đa mấy trăm năm tuổi. Lũ bạn nhìn tôi cười, nụ cười như thầm khích lệ động viên và của sự chia ly, tạm biệt. Tôi không nhớ lúc đó mình có cười lại với chúng nữa không, chỉ biết sau này, tôi cũng đã cười với nhiều người những nụ cười như thế.

Thấm thoắt ấy vậy mà đã mười năm, tôi lớn lên, say sưa trong cái thế giới hiện đại của thành phố và hơn một lần quên mất bóng dáng quê nhà. Trong mười năm ấy, tôi cứ học, lao đầu vào học mãi. Những lúc mệt mỏi, tôi vẫn thường nhớ đến làng tôi, đến người mẹ dãi dầu mưa nắng, đến thời thơ ấu gắn với quán đa bên đường như để vơi bớt những lo toan muộn phiền trải qua mỗi ngày. Nhiều lúc, nhớ da diết đến xé lòng cái hương vị dìu dịu của cơn gió thổi ào ào trên cánh đồng hoa cỏ may, cái vị chát xít đắng ngắt của những ngụm chè ở quán đa, những kỉ niệm ngày thơ như trang giấy trắng tinh khiết đẹp đẽ đến nao lòng. Những giấc mơ đầy ắp tiếng cười gọi của quê hương, chập chùng những ánh lửa ma trơi huyền bí và đằng đẵng nỗi mong chờ.

5. Ký ức

Ngày hôm nay, sau mười năm xa cách, tôi về lại với ngôi làng lam lũ. Đứng trên con đường đổ nhựa nghe hăng hắc cái khí nóng bức đến cháy da. Mười năm xa cách, mười năm đổi thay. Đô thị hóa đến làng, những con đường nhựa, nhũng ngôi nhà mới, những tiếng xe máy xe tải, đời sống dân làng đỡ vất vả hơn, hiện đại hơn nhưng sao trong lòng tôi cứ thấy vấn vương xót xa? Tôi mừng cho cuộc sống mới của làng nhưng vẫn trống trải như vừa đánh rơi một cái gì đó thiêng liêng lắm.

Tôi nhìn khoảng trời nắng chang chang trước mắt, trước đây, có một quán nước nhỏ nằm nép mình bên gốc đa già mấy trăm năm tuổi. Người làng tôi có còn nhớ đến quán đa? Nhớ những trưa hè nóng nực được ngồi dưới tán lá xanh um dịu mát? Và những đứa trẻ như tôi thuở ấy, có còn nhớ đến bà quán đa, nhớ đến những trò chơi, câu chuyện năm nào? Cuộc sống vô tình xô đẩy, dòng người lặng lẽ bước đi, vội vã không kịp một lần ngoái nhìn quá khứ.

Chiếc vòng cỏ may lăn lông lốc dưới chân tôi, héo úa, rũ rời.

 

V.L.T.N

Rút từ tập: Chong chóng gió