Nỗi niềm của nhớ - Phạm Thị Hải Dương

27.11.2017

Nỗi niềm của nhớ - Phạm Thị Hải Dương

Má kể ngày xưa mỗi lần ba có việc phải đi đâu vài ngày, má thấy nhớ nhiều lắm. Con hỏi, nhớ sao má, cả đời đi ra đi vào chạm mặt tối ngày, má không thấy chán. Cả năm trời mới có mấy ngày ba xa nhà, có năm không đi ra khỏi huyện, làm gì đi thường xuyên chồng con mà má bày đặt ra chuyện nhớ thương. Đâu, má kể coi má nhớ ba sao, coi có giống con như con nhớ ba bé Mây không má.

Má đang nằm trên võng, thả một chân chống xuống đất đung đưa trong khi mắt nhìn mông lung lên trần nhà. Má kể, mấy lần ba đi, má ra sau hè đứng kéo gàu nước cũng thấy ba đang lúi húi đứng chặt tre phía rặng xa. Chỗ nhà mình trồng bụi tre có hơn mười năm để ba má chặt tre, đan thúng bán. Má tới nhà trước lỡ va phải cánh cửa là liền thấy ba bận quần đùi, áo may ô ngồi xếp bằng ngay đấy, vót nan cho má chằm thúng. Ngay hàng ba hai người ngồi cho đến đêm cạn mới chịu ngả lưng. Ba hút thuốc, tàn thuốc hăng hắc khắp nhà, má ghét quạu quọ dấm dẳng. Nhưng vắng ba mấy ngày, má đâm thắc thẻo, tay chân không lanh lẹ như mọi khi. Ráng lắm tới chiều, má không ngồi nổi bèn đứng dậy cầm chổi quét lá sau vườn. Hễ không thì thôi, lỡ thấy tàn thuốc lẫn trong đám lá khô rào rạc, má lại thở dài mong ngày ba về tới sớm.

Má hỏi, vậy chứ bây thấy nhớ ba nó chưa, sao về đây lâu dữ. Rồi trong đó nó mong, nhớ hai mẹ con bây làm sao chịu được. Con cười giễu má. Tụi con nhớ nhau ấy chứ, nhưng nhớ lúc nào thì điện thoại lúc đó, có khi điện thoại cũng không mất một đồng lẻ. Nhà mình còn có cả wifi, con dùng ứng dụng của mấy mạng xã hội, gọi ảnh cả ngày cũng không hề gì. Má nhìn coi, còn nhìn thấy được mặt mày, cười khóc của chồng con. Má muốn nói chuyện với ảnh, dù cách nửa vòng trái đất cũng không có trúc trắc gì cả.

Má nhìn điện thoại dậm dừ, ngày xưa nhớ ba bây, tao toàn nhìn mấy đứa bây mà ráng. Không có món này (má chỉ điện thoại) để nhìn mặt ổng cho nguôi. Tôi nghe má nói mà giật mình đánh thọt. Tôi cũng nhớ chồng nhưng nỗi niềm sao sai khác với má nhiều quá. Coi kìa, tôi và má, hai thế hệ gần nhau sát rạt mà khác nhau một trời một vực. Cũng tình nghĩa chồng vợ như nhau, đang sống với nhau, có con cái mà hai niềm nhớ dường như không dây dính.

Tôi có những tuần anh đi công tác xa, trong căn nhà chỉ còn lại tôi và Mây con. Hai mẹ con về nhà sau một ngày “con đi trường học, mẹ đi trường đời.” Tôi nấu cơm trong lúc Mây nghịch đồ chơi. Chỉ là mùi dầu và tiếng lào xào từ tiếng đũa tôi đảo thức ăn. Thỉnh thoảng Mây có nói chuyện với em búp bê. Hôm nào thênh thang quá, tôi bật tivi ở nhà trên và chui xuống bếp nấu ăn. Trống trải vì không có anh chơi đùa với Mây con, căn nhà rơi mất một phần sống. Sau bữa tối, tôi thường mở wifi, video call cho anh. Hai mẹ con nói với anh năm bảy câu, hoặc nhiều hơn nếu anh đã về phòng nghỉ mà không phải tiếp khách, đãi đằng bè bạn. Trong lúc hai ba con nói chuyện, tôi thường len lén quan sát sắc mặt, âm sắc giọng nói của anh, đoán anh uống bao nhiêu và sau cùng là nhắc anh uống Naturenz. Tôi đòi bằng chứng mỗi lần anh uống thuốc. Anh ngoan ngoãn gật đầu và hôn hai mẹ con qua màn hình điện thoại. Đâu đó, tôi dỗ bé Mây ngủ và làm nốt vài việc lở dở của ban ngày, tranh thủ nhắn tin cho chồng. Trong lúc chờ chồng trả lời, tôi đọc vài trang tin để xem báo mình có sót vụ nào trong ngày để cuối tuần còn báo cáo.

Tôi chưa bao giờ nhớ anh đến mức phải nhìn Mây con để nguôi ngoai như má nhìn chúng tôi ngày ba xa vắng. Tôi đã thử mường tượng, tôi ngồi ở mé giường khi con đi ngủ dưới ánh đèn ngủ đang tụ lại một đốm sáng, soi rõ một bên mặt của con. Tôi khẽ vuốt tóc và hôn đôi tay bé xíu của con. Nhìn cánh mũi này, là dáng mũi của chồng. Kiểu ngủ này hệt như anh lúc say rượu. Tôi sẽ nhớ anh như thế. Nhưng thật sự tôi chưa bao giờ phải làm vậy để thôi nhớ anh.

Vợ chồng tôi và nhiều cặp vợ chồng bây giờ đang có đủ phương tiện để áp chế nỗi nhớ. Nỗi nhớ không thể nở ra, lan rộng và khiến lòng buốt nhói, nó chỉ thoang thoảng như ta chạy bộ buổi sáng, ngang một cây hoa sữa mới vào mùa. Nỗi nhớ giống như con thú ngô nghê sau song sắt, chỉ cần đủ no, nó sẽ nằm im không buồn quẫy đạp. Nhưng nỗi nhớ của má tôi và những người phụ nữ thời trước dường xâm lấn và ăn mòn họ như vết dầu loang trên mặt biển. Vết dầu cứ loang ra, loang ra mãi làm cả trời chiều tím lại. Mâm cơm chiều lạt lẽo với dăm ba đứa con dưới ánh sáng đang cạn dần của ngày tàn. Và khi đêm đổ xuống, năm canh như dài ra quay quắt cồn cào, dẫu đang tháng Năm âm lịch đêm chỉ đo dài bằng gang tay người lớn.

Khác ba má, vợ chồng tôi không có nhiều thời giờ bên cạnh nhau. Mỗi người một cơ quan, nội dung và tính chất không việc không hàng họ gì với nhau. Nhiều lắm cũng chỉ chia sẻ, động viên nhau nếu đối phương rơi vào tình huống công việc phức tạp. Tháo gỡ, vẫn là bản thân đóng vai trò chính yếu. Năm thuở mười thì mới có cuối tuần không bị công việc vây dí, hai vợ chồng đưa con vào trung tâm thương mại hay ra công viên. Thời gian đó chủ yếu canh con không chạy lăng xăng, không rơi xuống hồ nước hay đập đầu vào gốc cây nào đó. Hai người thay nhau nghĩ chiêu từ chối mỗi lần con đòi quá nhiều đồ chơi hoặc đồ ngọt, dõi mắt theo xem có người lạ nào muốn lại gần con. Thời gian chuyện trò không có nói chi đến tâm tình, bày giãi nhau nghe phiền muộn của mấy tuần, hay cả tháng ngập lút trong công việc.

Nghĩ ba má, vác cái cày ra đồng cũng có nhau, trưa không về nhà thì mở cà mèn, ăn cơm với nhau bên mé đường. Ba cắt lá, kiếm chỗ mát cho má nghỉ lưng, nhường cho má cái nón để che mặt, vì biết nắng chiếu trực diện là má không nghỉ ngơi được. Hết lem nhem đồng áng, ba hạ tre, má đỡ tuốt ngọn. Một cái mẹt, cái nia bất kỳ đều có vết dấu của bốn bàn tay. Ở mỗi góc nhà, thớ đất mái nhà cũ đều in hằn vết chân tay và dáng đứng ngồi của hai người. Hàng thiên lí trước ngõ là ba chặt cây, má cột từng nút với nhau suốt mấy ngày mới thành. Ba trèo lên thang cột dây thiên lý vào giàn là má đứng dưới đất vịn thang. Má mới đội thúng mướp lên đầu, định đi bộ ra chợ thì ba dắt xe đạp tẽn tò chạy theo rồi đỡ thúng mướp bỏ lên yên sau, cột chặt bằng dây ba ga rồi dắt bộ, bảo má đi bên cạnh. Hỏi thế sao không xốn xang, bồn chồn, mong ngóng mỗi lần xa cách. Ăn đời ở kiếp bao dung được cho nhau, lẽ cũng từ đó.

Tôi thương cái nhớ của ba má cho nhau. Nó dồn dập, đay nghiến nhưng lại dịu ngọt. Nó rấm rứt như vết kiến cắn, nhưng cảm giác sum họp, đoàn viên vì nhớ nhung ấy mà trở nên ý nghĩa nhiều lần. Chắc má đã thao thức đêm trước ngày ba về. Đã băn khoăn xe ba chạy tới đâu, ba đói hay no, đang ngủ hay thao thức như má. Chắc má nấu đồ ăn nhiều hơn, nấu sẵn nước sôi dành cho châm trà. Lúc đó tôi còn nhỏ, tôi không có đủ hiểu biết để quan sát má, xem má ngóng ba ra sao. Tôi chỉ có thể tưởng tượng không gian mà nỗi nhớ ấy từng sống để thêm trân quý cuộc đời đã quyện vào nhau của ba má. Trân trọng tình cảm gia đình mà tôi hằng vun đắp.

HD