Noah - Lê Thị Thúy Ái

28.11.2017

Noah - Lê Thị Thúy Ái

Con người mang tội lỗi từ khi sinh ra...

Adam và Eva, hai con người đầu tiên bị đuổi khỏi thiên đàng. Cain và Abel, con trai họ, một trở thành kẻ sát nhân đầu tiên, người còn lại trở thành nạn nhân đầu tiên. Những hạt mầm đầu tiên ấy của giống người trên mặt đất cứ thế, cứ thế trổ thành vô số cánh rừng.

Một ngày tôi đứng lặng nhìn người ta đốn hạ cái cây mình yêu quý. Nó vẫn xanh tươi, tràn đầy nhựa sống, đặc ruột và bám rễ sâu vào lòng đất. Nhưng ai cần quan tâm đến điều đó khi quyết định lia lưỡi cưa máy ngang thân gỗ? Tôi nghe tiếng người xầm xì lẫn trong tiếng động cơ ồn ã, cái cây chết vì mảnh đất nó bám rễ. Và tôi nhớ đến lời gã họa sĩ, đến những cánh rừng mà gã ví von. Chẳng hiểu sao những cánh rừng ấy giờ co lại chỉ bằng đúng cái thân gỗ còn đương ứa nhựa tươi trước mặt.

Tôi muốn kể cho gã nghe về cái cây tội nghiệp. Đúng rồi, cái gã họa sĩ mà tôi quen.

Gã là một họa sĩ. Vô danh và tài hoa. Tôi biết gã trong một lần lang thang quanh công viên. Chuyện trò vài lần, chia sẻ mồi lửa châm thuốc và thế là chúng tôi trở thành bạn.

“Con người mang tội lỗi từ khi sinh ra”. Dạo gần đây, gã thường nói với tôi như thế.

Gã là người sùng đạo, hoặc giả là một tay bị ám ảnh bởi đức tin. Dù tôi chẳng rõ chính xác gã tin vào điều gì. Ngày hôm nay gã có thể nói liên tục về Chúa Trời, ngày mai lại giảng giải về luân hồi - nghiệp báo, ngày sau nữa thì chỉ cho tôi rõ về Thánh Allah. Tuy nhiên, tựu chung lại gã luôn đi đến những kết luận vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi. Có đôi lúc, như hôm nay chẳng hạn, gã quyết định tạo ra ngoại lệ khi bàn thêm về cả ý tưởng sáng tác của mình.

“Tao nghĩ tao sẽ vẽ một bức tranh mới. Mấy ngày nay tao luôn nghĩ về nó trong đầu. Ừ, có lẽ chính là cái tao đang tìm kiếm”.

Tôi lắng nghe gã mà kỳ thực như một kẻ vô hình, bởi gã chỉ mượn tôi để tự thoại với chính mình. Rồi những ngày sau đó gã mất hút khỏi công viên.

 

Gã họa sĩ đã quay trở lại. Vừa nhìn thấy tôi, gã sốt sắng nói về bức tranh còn dang dở. Gã nói rằng gã không thể hoàn thành được nó, dường như còn thiếu một điều gì đó. Một cách vụng về, gã bắt đầu cố gắng diễn đạt nó bằng lời cho tôi hiểu, nhưng vô ích. Thế là gã ngồi gục xuống và rầu rĩ.

“Có lẽ tao sẽ phải bỏ ngang và quay trở về trường đại học”. Gã thở dài. "Hoặc tệ hơn, tao quay về với cửa tiệm cầm đồ của ông bà già, rồi ngày ngày đi xiết nợ với đòi tiền”.

Trước khi trở thành một họa sĩ có vẻ bề ngoài nghèo kiết xác, gã từng là cậu ấm nhà giàu. Gã kể với tôi như vậy. Ông bà già của gã nắm trong tay ba bốn cái tiệm cầm đồ có số má ở cái thành phố này, đấy là còn chưa kể đến đường dây cho vay nặng lãi, ngày ngồi không cũng bỏ túi cả bao tiền. Cả cái cơ ngơi đồ sộ của nả đó, theo như gã thuật lại lời hai ông bà, chắc chỉ để dành cho thằng con độc đinh. Gã sống sướng từ tấm bé, thích gì được đó, đòi một được một trăm.

Và đáng lẽ gã cứ sống nhàn nhã như thế, nếu một ngày gã không nổi hứng muốn trở thành họa sĩ “cho đời bớt nhạt nhẽo”. Tất nhiên, ai cũng bảo gã điên, kể cả bố mẹ gã. Thế là gã bỏ học, vật vờ theo nghiệp vẽ vời.

“Ngày hôm qua, ông già tao vừa cho người đánh gãy chân con nợ đấy, rồi siết luôn cái sổ đỏ. Nhà đấy hình như còn nheo nhóc một đàn con...”

Gã nói trong lúc khề khà điếu thuốc. Tôi nhìn gã họa sĩ, nom cái bộ râu lởm chởm, cái đuôi tóc buộc vổng phía sau với áo quần đen thui, cắt xẻ vài chỗ theo mốt thì đố ai ngờ được gã đang nghĩ đến những chuyện rầu lòng đến thế. Nhưng tôi chắc gã đang buồn. Hẳn cũng giống như lúc tôi buồn cho cái cây bị chặt. Nghệ sĩ thì thường đa cảm, mà nghệ sĩ có đức tin mãnh liệt như gã thì còn đeo thêm cái sầu.

 

Gã họa sĩ đã kể cho tôi nghe một mẩu truyện trong Kinh Thánh, về ông Noah. Ngày hôm nay, gã có điều gì đó khang khác. Gã vui vẻ và phấn khích chứ không còn rầu rĩ như những ngày trước. Hẳn nhiên đấy là vì gã đã bắt đầu vẽ bức tranh mới và có lẽ sẽ xong trong một vài ngày tới. Khi đó, như lời hứa chắc nịch của gã, tôi sẽ là người đầu tiên được xem nó. Rồi gã lại mất hút, một lần nữa.

Lần đầu tiên kể từ khi biết nhau, gã họa sĩ chủ động gọi điện cho tôi. Giọng gã như trẻ con mếu máo, gã chỉ lặp đi lặp lại một câu duy nhất suốt mấy phút trước lúc cúp máy.

“Mất hết rồi, mất hết rồi, mất hết rồi...”

Gã khiến tôi lo lắng. Phải rất khó khăn tôi mới hẹn được gã ra công viên để chắc rằng gã vẫn ổn. Mà không, gã không ổn chút nào khi tôi đến nơi. Gã họa sĩ ấy ngồi thẫn thờ trên băng ghế đá, phì phèo điếu thuốc mà không buồn nhìn tôi một lần. Dáng vẻ gã hôm nay trông chỉnh tề hơn hẳn mọi khi, tựa như gã chuẩn bị đi vào nhà hàng sang trọng nào đó để dùng bữa vậy.

“Ông già đốt hết tranh của tao”. Vừa thấy tôi, gã thông báo bằng giọng nhạt nhẽo. "Chẳng còn gì nữa mày ạ”.

Hình như bố mẹ gã đã hết kiên nhẫn trong việc khuyên nhủ thằng quý tử bỏ nghề họa sĩ, và giờ họ quyết định làm gì đó mạnh mẽ hơn. Gã họa sĩ nom thản nhiên, nhưng tôi hiểu trong lòng gã hẳn cũng đang cháy bùng cùng những bức tranh kia. Gã đã dồn hết tâm tư vào đó, nâng niu chúng như người ta nâng niu con trẻ.

“Thấy không? Giờ tao làm thằng con ngoan cho ông bà già hài lòng”. Gã họa sĩ, à mà có lẽ giờ gã chẳng phải gã họa sĩ tôi quen, chỉ vào bộ quần áo bảnh bao đang vận trên người và nói.

Câu chuyện của gã ngày hôm nay mới thật ảm đạm làm sao, lại có thêm những con nợ bị siết nợ hoặc thậm chí bị chặt tay khi không còn gì để siết. Gã phải chứng kiến tất cả để học cách đi từ thằng-ất-ơ thành người-tử-tế. Và giờ thì gã đang trên đường đến buổi họp mặt của xã-hội-tử-tế cùng ông bà già. Sau đó gã chào tôi theo cách-những-người-tử-tế-chào-nhau rồi leo lên một cái taxi rồi mất hút. Chớp nhoáng và tử-tế như thế, gã họa sĩ vài hôm trước còn hớn hở khoe với tôi về bức tranh tâm đắc đã lặn mất dạng.

 

Vào một ngày, tôi nhận được bưu phẩm từ gã họa sĩ, dù chẳng rõ gã tìm đâu ra địa chỉ. Đấy một bức tranh rất đẹp. Tôi để nó ở phòng khách, trong căn hộ chung cư xuống cấp của mình. Dĩ nhiên, tôi nghĩ nó xứng đáng để trưng ở vị trí trang trọng nhất. Mẹ tôi, một nữ công nhân về hưu, cũng thích bức tranh đó và hỏi tôi về người họa sĩ tài hoa.

“Đời lắm người khổ nhỉ”. Mẹ tôi chép miệng. “Nghe bảo sáng nay con trai nhà nào cầm đồ vừa tự tử đấy. Thấy các bà trong tổ hưu kể, trước lúc chết nó còn đi đốt sạch giấy tờ ghi nợ, tính ra cũng ngót tiền tỉ”.

Nói rồi mẹ tôi lại lẩy lại hai câu Kiều rồi vào bếp nấu cơm. Chỉ còn lại tôi thẫn thờ nhìn bức tranh được lồng kính cẩn thận vừa được treo lên. Linh tính bảo tôi rằng đứa con trai trong câu chuyện truyền miệng kia là gã họa sĩ. Tôi đã nhầm. Nhầm một cách tai hại. Gã họa sĩ chưa bao giờ đi mất, gã vẫn ngụ trong hình hài tử - tế kia, nguyên vẹn như khi chúng tôi quen biết nhau.

Tôi cứ nhìn xoáy vào bức tranh, vào con thuyền to nằm chông chênh trên một đỉnh núi cao, vào người đàn ông đứng trên đó và cả biển nước mênh mông đang tung sóng dưới bầu trời xám xịt mưa bão. Đấy có lẽ là Noah mà gã đã kể cho tôi nghe. Noah, Noah, con người tử tế duy nhất còn sót lại sau cơn đại hồng thủy gột rửa lại thế gian của Chúa Trời. Gã họa sĩ tôi quen đã nghĩ gì khi vẽ lại một điển tích xưa cũ như thế nhỉ? Tôi không biết, vì tôi chưa bao giờ có thể hiểu được gã. Nhưng khi gỡ cặp kính trắng để lau đi hai con mắt ướt nhòe, cái thị lực đáng chán của tôi lần đầu tiên trở nên tinh tường. Tôi nhìn thấy thấp thoáng khuôn mặt gã họa sĩ lồng vào gương mặt Noah.

 

Con người mang tội lỗi từ khi sinh ra. Lớn dần lên rồi phủ đầy nơi mặt đất.

Từ chốn thiên đàng, Chúa Trời buộc phải thanh tẩy lại nhân gian. Nhưng giữa những hạt giống hư hỏng, vẫn còn ít nhất một hạt mầm chắc khỏe và Ngài quyết định giữ lại hạt giống ấy cho thế giới tinh sạch ngày sau. Vậy là Người cất tiếng mặc khải cho Noah.

Tôi trồng một cái cây cùng cháu gái mình. Cái cây ấy tôi thầm nghĩ là dành cho gã. Gã họa sĩ vô danh và tài hoa, một người bạn mà tôi chẳng hề biết tên. Thỉnh thoảng tôi vẫn đứng trước bức tranh cuối cùng của gã, nhìn Noah đứng trên con thuyền và thử tưởng tượng ông lão ấy đã nghĩ gì sau 157 ngày lênh đênh trên biển nước mênh mông, khi chẳng còn cái xấu xa tồn tại trên mặt đất. Rồi tôi lại nghĩ, có lẽ gã họa sĩ cũng đã tìm được một con thuyền cho riêng mình, giống như Noah.

L.T.T.A