Những trang văn sống mãi

01.07.2025
Khuê Mỹ

Những trang văn sống mãi

Chân dung họa sĩ Hà Xuân Phong

Hằng năm, vào dịp đón Tết và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức đi thăm và thắp hương mộ các văn nghệ sĩ - liệt sĩ ở các nghĩa trang tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tôi may mắn đọc được các tập sách và các bài viết của nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Hồ Duy Lệ… viết về họa sĩ Hà Xuân Phong, nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Mỹ, nhà thơ Ngọc Anh, nhạc sĩ Văn Cận… Nhờ đó tôi đã biết được một phần cuộc đời và sáng tác của các anh chị trong những ngày chiến tranh khói lửa. Mỗi lần đọc lại khó cầm nước mắt, khi thấy tất cả các nhà văn, nghệ sĩ ấy đều nằm lại ở chiến trường - nằm lại trong lòng đất mẹ thiêng liêng.

Từ trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, chúng tôi về quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, chuyến xe chầm chậm trên đường Lê Văn Hiến, gần đến núi Ngũ Hành Sơn, chúng tôi rẽ trái vào con đường nhỏ, nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Hải hiện lên trước mắt. Nơi đây, một họa sĩ chiến sĩ đã yên nghỉ từ hơn nửa thế kỷ trước: Hà Xuân Phong - người mang cây bút sắt đi giữa chiến trường, ghi lại từng khoảnh khắc của máu và lửa, của tình yêu quê hương.

Nghĩa trang nhỏ nhưng trang nghiêm và yên tĩnh lạ lùng. Chúng tôi tìm đến phần mộ anh - tấm bia đá sậm màu rêu, khắc tên: Hà Xuân Phong… Trước mộ anh, trời xanh bỗng như chậm lại, và những bức ký họa trong trí nhớ hiện về - không khung, không kính, chỉ là giấy nâu, bút than, và cảm xúc thô mộc.

Hà Xuân Phong sinh năm 1937, quê ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sau đó tiếp tục sang học tại Trường Đại học Nghệ thuật Ukraina. Về nước năm 1968, ông xin về chiến trường Khu V, công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V. Người chiến sĩ, họa sĩ tài hoa này đã hy sinh vào cuối năm 1974 trong một chuyến công tác tại Quảng Nam, để lại hàng trăm bức ký họa chiến trường.

Tranh ký họa của anh là chứng nhân sống động cho chiến tranh - là những phác thảo thô ráp, ngắn gọn, chính xác đến từng cái nhìn, từng dáng ngồi, từng lần cựa quậy của một người lính đang nằm chờ mệnh lệnh. Anh vẽ nhiều về các chiến sĩ giải phóng, các nữ dân công tải đạn, các căn cứ bí mật, các trận địa pháo... Có những bức tranh anh không kịp đặt tên, chỉ ghi ngày tháng, đơn vị, và người được vẽ...

Anh ra đi khi chưa đầy 40 tuổi, để lại hàng trăm bản phác thảo, phần lớn chưa từng triển lãm, chưa từng được biết đến rộng rãi, nhưng mỗi bức là một phần máu, một phần hồn của cuộc kháng chiến.

Tranh Hà Xuân Phong

Chúng tôi thắp hương trước mộ họa sĩ Hà Xuân Phong, lòng thương tiếc vô vàn. Tranh của anh giờ đây được trưng bày tại một số phòng lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu V, và trong sưu tập cá nhân. Không ít bức trong số đó đã được dùng làm tư liệu cho phim tài liệu, triển lãm lịch sử, và gần đây, trong các đồ án nghiên cứu mỹ thuật kháng chiến.

Ngày nay, giữa thế giới của  đồ họa kỹ thuật số, của máy ảnh sắc nét, chúng ta vẫn không thể quên được những đường nét chân phương như của Hà Xuân Phong. Bởi đó không chỉ là tranh - đó là ký ức được vẽ bằng trái tim và nước mắt, là sự sống được giữ lại trên từng mặt giấy.

CHU CẨM PHONGNGƯỜI VIẾT GIỮA LÀN ĐẠN VÀ ÁNH SÁNG

Khi chúng tôi dừng chân trước mộ phần  nhà  văn  Chu  Cẩm  Phong trong Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hội An, nén hương chợt run rẩy trong tay tôi. Giữa vô vàn bia đá, hiện lên dòng tên Trần Tiến - Chu Cẩm Phong như một ngọn đèn âm ỉ cháy trong ký ức văn học cách mạng Khu V.

Anh ra đi ở tuổi 30, mang theo một cuốn sổ tay chằng chịt chữ - đó chính là Nhật ký chiến tranh - bản di cảo được phát hiện sau ngày giải phóng, khiến giới văn nghệ và bạn đọc sửng sốt như thể vừa tìm lại một viên ngọc bị vùi sâu trong đất đỏ bom đạn.

Chân dung nhà văn - liệt sĩ - anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong

Chu Cẩm Phong, sinh năm 1941 tại làng Minh Hương, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, từng là phóng viên chiến trường của Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Tác phẩm của anh không nhiều, nhưng mỗi trang viết là một phần máu thịt. Anh không viết bằng tâm thế của người quan sát, mà là của người trong cuộc.

Cuốn Nhật ký chiến tranh của anh được viết từ năm 1965 đến 1971 - năm anh hy sinh - là một chứng tích sinh động về cuộc chiến khốc liệt ở chiến trường Quảng Nam. Nhưng hơn cả những dòng tư liệu, ở đó là linh hồn của một người viết chưa từng buông bút, dù tiếng bom nổ sát bên tai, dù cái chết luôn rình rập ở mỗi bước đi.

Anh viết trong đêm hành quân, dưới gốc cây rừng, giữa những trận đói triền miên và tiếng gào của trọng pháo. Những trang nhật ký không chỉ ghi lại chiến sự, mà còn là những đoạn trữ tình sâu lắng: nhớ mẹ, nhớ quê, yêu tha thiết mảnh đất Quảng đầy gió và nắng, xót thương đồng đội nằm lại bên triền suối, triền sông.

Anh viết giản dị, không một câu trau chuốt, không một lời khoa trương. Nhưng chính sự giản dị đó lại chứa đựng chiều sâu nhân văn  hiếm  có. Từ giữa khói lửa chiến tranh, Nhật ký chiến tranh vang lên như một bản nhạc buồn nhưng đầy kiêu hãnh của tuổi trẻ yêu nước. Đó là bản hùng ca không cờ hoa, không khải hoàn, nhưng lặng lẽ và cảm động đến thắt lòng.

Sau ngày đất nước thống nhất, cuốn nhật ký được in ra, rồi truyền tay nhau như một báu vật. Qua nhật ký, chiến tranh diễn ra như nó vốn có: đau đớn, mất mát, nhưng cao cả và sâu sắc đến vô ngần.

Hôm nay, đứng bên mộ anh, tôi bỗng thấy những trang nhật ký như đang thì thầm trở lại, tiếng bút nghiến vào giấy thô, giọng văn khản đặc vì bụi đỏ chiến trường và cái nhìn trong veo về con người, về đồng đội, về lý tưởng không bao giờ lụi tắt.

Chu Cẩm Phong - nhà văn liệt sĩ - đã nằm lại cùng trang viết của mình, như thể cả cuộc đời anh chỉ để viết một cuốn sách duy nhất. Nhưng chính cuốn sách ấy đã đưa anh vào vĩnh cửu, vào trong trái tim của những người cầm bút sau này, để ghi nhớ những gì chúng ta không bao giờ được phép quên.

DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝMỘT ĐỜI VIẾT VÀ LẶNG LẼ HY SINH

Chân dung nhà văn Dương Thị Xuân Quý

Từ nghĩa trang Hội An, chúng tôi lên Quốc lộ 1 theo ngã Vĩnh Điện và vào Duy Xuyên. Từ ngã tư Nam Phước đoàn chúng tôi về xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên: chúng tôi về thăm nơi tưởng niệm và mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý.

Không như những nghĩa trang trang nghiêm với bia đá xếp hàng thẳng tắp, nơi đây là một phần đất vườn dân dã, do anh Võ Bắc - một người dân địa phương tự nguyện hiến tặng để gìn giữ một ký ức thiêng liêng. Nơi đây nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã ngã xuống, thân xác chị đã bị vùi lấp không còn tìm thấy nữa “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên…” (Dương Hương Ly). Ngôi mộ và tấm bia đá tưởng nhớ chị đã được người thân, đồng đội và gia đình anh Võ Bắc dựng lên, để dành cho chúng ta hôm nay ghi nhớ.

Trên khoảnh đất yên bình ấy, giữa hàng cau, rặng chuối, và vài luống rau thơm còn đẫm sương sớm, bia tưởng niệm nhỏ của chị nằm cạnh một tấm bia đá khắc rõ từng dòng tiểu sử, và bức phù điêu chân dung chị, khuôn mặt thanh tú, cương nghị, ánh mắt sáng, dáng hình như còn phảng phất đâu đây giữa tĩnh lặng miền quê.

Dương Thị Xuân Quý sinh năm 1941 tại Hà Nội, chị tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở thành phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, và sau đó là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam.

Chị là vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Năm 1968, khi con gái mới mười sáu tháng tuổi, chị vẫn tình nguyện vào chiến trường B, một quyết định mà sau này, những người viết lại lịch sử văn học và báo chí đều nhắc đến với sự khâm phục và xót xa.

Ngày 8/2/1969, trong một trận càn lớn của Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn và chị đã hy sinh.

Chúng tôi ngồi lại bên bia mộ chị, đọc lại những dòng trích từ các bài viết của chị trước lúc hy sinh. Dẫu chưa kịp để lại một tác  phẩm  văn học dài hơi nào, nhưng từng bài ký, từng trang phóng sự, từng đoạn nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý đều thấm đẫm tinh thần nhân văn, lạc quan, và đầy tính phát hiện đời sống.

Giọng văn của chị mộc mạc, chân thành nhưng cũng đầy chất thơ. Không màu mè, không sáo rỗng, chị viết như thở, như nói chuyện cùng đồng đội, cùng quê hương:

“Đêm trăng muộn. Đi trên đường cát thẫm ướt sương lạnh giữa những tiếng nổ phá rối của ca-nông giặc, tôi vẫn nghe tiếng bầy heo ụt ịt trong chuồng và tiếng đàn vịt rúc rích dậy ăn đêm.

Một cơn gió thoảng đến. Phảng phất đâu đây mùi hành hẹ, mùi húng bạc hà và có cả mùi khoai nướng thơm lừng. À, tôi đang đi trong vườn rau. Trước mặt tôi, một hàng dương liễu bị pháo phạt ngọn nhưng cành đã đâm ngang, lá non xanh mướt dưới trăng. Dương liễu đang hát. Tiếng hát chan hòa trong tiếng sóng biển vọng vào miên man.…” (Trích bút ký “Gương mặt thách thức”).

Buổi chiều buông nhẹ trên vùng quê Duy Xuyên. Những tiếng gà trưa gáy râm ran, mùi khói bếp vương đâu đó, những cơn gió từ sông Thu Bồn thổi qua nhẹ như lời ru. Chúng tôi rời khu mộ chị, lòng trĩu nặng và biết ơn.

Chị không có tượng đài cao, không có tập sách dày in tên mình. Nhưng cuộc đời chị - chọn cầm bút, chọn ra trận, chọn hy sinh - chính là một tác phẩm vĩ đại nhất.

Chúng tôi, những người đi sau, luôn giữ lấy ngọn lửa ấy trong từng con chữ mình viết - để văn chương không bao giờ trở nên vô cảm trước cuộc sống hôm nay.

TRONG NGHĨA TRANG ĐIỆN BÀN

 Từ Duy Xuyên, chúng tôi ngược về Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn, nơi có nhiều mộ phần của các văn nghệ sĩ đã hy sinh trong kháng chiến.

Ngọc Anh - Người thổi hồn Tây Nguyên vào thơ kháng chiến

Tôi ngồi xuống bên mộ phần của Ngọc Anh, người viết nên bài thơ nổi tiếng Bóng cây Kơ-nia. “Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây kơ-nia”… lời thơ ấy, dường như mỗi người miền Trung đều thuộc nằm lòng, bởi trong đó là hình ảnh cha con, đất nước, là bóng dáng núi rừng Tây Nguyên, là nỗi nhớ đến cháy lòng.

Cây Kơ-nia ở Tây Nguyên và gia đình nhà thơ Ngọc Anh

Nhà thơ, nhà báo Ngọc Anh, tên thật Nguyễn Ngọc Anh (1932-1964) sinh tại Đại Lộc, Quảng Nam. Anh tham gia chiến đấu chống Mỹ từ năm 1957 tại chiến trường Tây Nguyên và mất vào năm 1964 tại Kon Tum.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngọc Anh là bài thơ “Bóng cây Kơ-nia”, viết khi anh đang hoạt động ở Tây Nguyên. Bài thơ chỉ vỏn vẹn vài khổ, nhưng đủ sức làm rung động lòng người, bởi chất thơ mộc mạc, đậm bản sắc vùng cao, và chất chứa nghĩa tình sâu đậm con người Tây Nguyên:

“Trời sáng em lên rẫy Thấy bóng cây Kơ nia Bóng ngả che ngực em

Về nhớ anh, không ngủ…”

 Bài thơ đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, trở thành một ca khúc nổi tiếng, sống mãi trong lòng công chúng. Cả bài thơ và bài hát đều toát lên vẻ đẹp thầm lặng, bền bỉ, của tình yêu quê hương,  sự  chịu  đựng và hy sinh trong âm thầm - hình ảnh cây Kơ-nia cũng từ đó trở thành biểu tượng giàu chất sử thi trong thơ ca kháng chiến.

Ngọc Anh không chỉ là một nhà thơ, mà là một người kể chuyện của núi rừng, mang giọng nói của Tây Nguyên về với cả nước. Tuy để lại tác phẩm không nhiều, nhưng sự đóng góp của anh được ghi nhận như một tiếng nói riêng biệt, lặng thầm mà sâu sắc trong dòng văn học chống Mỹ.

VĂN CẬN - GIAI ĐIỆU CÒN NGÂN GIỮA LÒNG DÂN

Nhạc sĩ Văn Cận, tên thật là Võ Văn Hòa, sinh năm 1928 tại Đà Nẵng, hy sinh năm 1968 tại Gò Nổi, Quảng Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu, thành viên sáng lập Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V. Từ nhỏ, ông đã say mê dân ca Quảng Nam, chất liệu dân gian ấy đã thấm đẫm trong hầu hết các tác phẩm của ông.

 

Nhạc sĩ Văn Cận

Bắt đầu hoạt động cách mạng từ những năm 1950, Văn Cận gia nhập Đoàn văn công Quảng Nam, đi khắp chiến trường biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Tác phẩm của ông mộc mạc, thấm đẫm tinh thần yêu nước, tiêu biểu như: Hò dân công, Đánh giặc tăng gia, Giữ trọn tình quê. Câu hát giản dị nhưng đầy ý nghĩa “Nếu tăng gia mà không đánh giặc/ Thì thằng giặc nó cướp của ta…” thể hiện phong cách sáng tác gắn liền với đời sống và chiến đấu.

Tập kết ra Bắc năm 1955, ông mang nỗi nhớ quê nhà để thành nguồn cảm hứng học tập và sáng tác. Ông học tại Học viện Âm nhạc Bắc Kinh (Trung Quốc) từ 1960-1964, rồi xin trở lại miền Nam chiến đấu. Trong giai đoạn ác liệt ở Khu V, ông tiếp tục hoạt động trong Hội Văn nghệ giải phóng, sáng tác và huấn luyện văn công.

Ông hy sinh trong một trận bom tọa độ ngày 24/1/1968 tại xã Điện Quang, khi đang huấn luyện văn công. Sau này, vợ ông - bà Trần Thị Xang - vì đau đớn mà lâm bệnh và mất năm 1980.

Nhạc sĩ Văn Cận là biểu tượng của người nghệ sĩ chiến sĩ, sống và sáng tác hết mình vì quê hương, để lại dấu ấn sâu sắc trong âm nhạc cách mạng miền Trung và cả nước.

Đôi tay cầm nén nhang, tôi  đi dọc theo các hàng bia mộ. Tôi rưng rưng cúi xuống thắp nén nhang trước phần mộ của nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà văn Nguyễn Hồng, nhà văn Khương Xương - người con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng - những người đã ngã xuống khi còn rất trẻ. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Trọng Định cũng nằm đây, với những bài thơ trên mặt báo như vết khắc khôn nguôi của chiến tranh.

Mỗi một nén hương thắp lên là một niềm xót xa. Những tài năng, những trái tim nghệ sĩ đã ra đi ở tuổi còn đầy đặn ước mơ. Có lẽ, khi viết những dòng cuối cùng, họ không ngờ rằng tác phẩm của mình sẽ sống tiếp và chính cuộc đời họ cũng trở thành một áng văn sáng chói.

Chiều xuống. Chúng tôi lên xe, quay về Đà Nẵng trong ánh hoàng hôn lặng lẽ. Mỗi người, mỗi khuôn mặt trầm ngâm như giữ lại trong lòng ngọn lửa của những gì vừa đi qua. Ngày hôm nay chúng tôi tìm về, không phải là một chuyến đi, mà là một cuộc gặp gỡ linh thiêng với các văn nghệ sĩ quê hương.

K.M