Huyền thoại một trận đánh và câu chuyện hòa bình hôm nay
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 “R20” tham gia giáo dục truyền thống tại di tích Gò Hà. Ảnh TL.
Cách đây tròn 60 năm (1965-2025), một tiểu đoàn non trẻ vừa được thành lập trên chiến trường Quảng Đà đã tạo nên một chiến công oanh liệt, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến: Chiến thắng Gò Hà. Từ chiến công ấy, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” đã lan rộng khắp nơi trên chiến trường Quảng Đà nói riêng và Khu 5 nói chung, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và 60 năm sau, những người lính của tiểu đoàn anh hùng ấy, vẫn đang viết tiếp câu chuyện của hòa bình hôm nay.
Trong ký ức của nhiều người dân Đà Nẵng, ngày 08/03/1965 là một ngày không thể nào quên khi tại bãi biển Xuân Thiều, Nam Ô, Phú Lộc quân Mỹ với vũ khí hiện đại đã trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng với số lượng khoảng 13.500 tên thuộc Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ, đây là một trong những đội quân thiện chiến nhất của quân Mỹ lúc bấy giờ. Như vậy lịch sử đã lặp lại, khi một lần nữa kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ đã nối gót thực dân Pháp, chọn Đà Nẵng làm nơi đổ bộ đầu tiên xâm lược nước ta.
Lúc bấy giờ trên địa bàn tỉnh Quảng Đà, lực lượng vũ trang tỉnh chỉ có 2 đại đội chủ lực. Nhận thấy việc hiệp đồng tác chiến ở cấp đại đội sẽ khó đánh lại đội quân xâm lược hùng hậu của địch, nên vào đêm 19/5/1965, nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại bãi cát bên bờ sông Thu Bồn thuộc thôn Giáng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc. Tỉnh ủy và Ban Chấp hành tỉnh đội Quảng Đà quyết định thành lập Tiểu đoàn 1 - Mật danh “R20”, xác định đây sẽ là đội quân chủ lực của ta cùng với du kích địa phương trở thành lực lượng tiên phong chống Mỹ trong giai đoạn đầu trên địa bàn tỉnh.
Chiến công đột phá
Nhắc đến Tiểu đoàn 1 - R20 là nhắc đến những chiến công vang dội ở chiến trường Quảng Đà như: Văn Quật, Gò Hà, Xuân Diệm, Kiểm Bền, Bầu Hưng, cầu Ông Nở, Cây Da Lý, Xuân Mậu Thân, Non Nước, Đức Dục, Đá Đen, sân bay Đà Nẵng và nhiều trận đánh khác, làm nức lòng nhân dân và lực lượng vũ trang Khu 5. Tiểu đoàn 1 “R20” cũng là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên tiến vào giải phóng và tiếp quản thành phố Đà Nẵng trong ngày 29/3/1975. Trong số những chiến công oanh liệt ấy, “Chiến thắng Gò Hà được xem là một mốc, đánh dấu khả năng tiêu diệt lớn quân Mỹ trong công sự kiên cố của quân và dân ta” (Trích Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Đà tại Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 8 năm 1971).
Sau khi đổ quân vào Đà Nẵng, quân Mỹ nhanh chóng thành lập nhiều cứ điểm quân sự kiên cố nhằm để bảo vệ căn cứ Đà Nẵng, đồng thời từ đó làm bàn đạp để đánh chiếm nhiều vùng khác trên địa bàn tỉnh hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Với sự yểm trợ của pháo binh từ các cứ điểm, hải quân ở ngoài biển và không quân từ sân bay Đà Nẵng, quân Mỹ - ngụy nhanh chóng tổ chức những trận càn lớn như ở Văn Quật (Duy Xuyên), Xuân Diệm (Điện Bàn)… đi đến đâu chúng gây ra tội ác đến đó, liên tục bắn giết, bắt bớ chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội, đốt phá nhà cửa, làng mạc tiêu điều, những cánh đồng lúa cháy rụi giữa mùa thu hoạch, hoa màu bị cày xới tung sau những trận bom càn. Tại Gò Hà (Hòa Vang), vị trí cao có giá trị về chiến lược quân sự, có khả năng khống chế khu Tây Hòa Vang và Tây - Bắc Điện Bàn, quân Mỹ xây dựng một cứ điểm phòng thủ kiên cố, do một đại đội lính thủy đánh bộ đóng giữ, trang bị hai xe bọc thép M.113 và nhiều loại vũ khí khác. Bên trong căn cứ là hàng chục lô cốt, hệ thống giao thông hào và trận địa hỏa lực. Bên ngoài có hai lớp rào, bố trí nhiều lựu đạn, mìn các loại. Để hỗ trợ cho căn cứ Gò Hà, địch thiết lập một hệ thống cứ điểm gồm quận lỵ Hiếu Đức, thị trấn Túy Loan, Miếu Trắng, Gò Cà, An Trạch cùng các trận địa pháo ở Hòa Cầm, Cẩm Hà, Ái Nghĩa luôn sẵn sàng chi viện khi bị tấn công. Làng Gò Hà lúc bấy giờ có khoảng 40 hộ dân, phần lớn là những gia đình có con em thoát ly theo cách mạng nên phải chịu nhiều đau khổ, mất mát, người dân nơi đây phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm vẫn cố gắng bám trụ để sản xuất, làm cơ sở cho cách mạng. Sự tàn bạo của địch không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà làm cho nỗi căm hờn thêm sâu sắc. Trước tội ác đó của quân thù, quyết tâm đấu tranh cách mạng của người dân và quân dân Quảng Đà sôi sục hơn bao giờ hết. Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Đà ra quyết tâm phải tiêu diệt cứ điểm Gò Hà trong năm 1965, nhiệm vụ được giao cho tiểu đoàn bộ binh R20 của tỉnh phối hợp với một trung đội bộ đội địa phương huyện Điện Bàn, một tiểu đội đặc công của huyện đội Hòa Vang, cùng với du kích, dân công các xã Hòa Lương, Hòa Hưng, Điện Tiến, Điện Hòa.
Sau khi nhận nhiệm vụ, với sự hỗ trợ của du kích và nhân dân địa phương, Ban chỉ huy tiểu đoàn 1 tổ chức trinh sát, nghiên cứu tình hình, nắm chắc từng ụ súng, lô cốt, hỏa điểm của địch. Sau đó đơn vị xây dựng thao trường, tổ chức luyện tập ở vùng B Đại Lộc. Những người lính tiểu đoàn từ khắp nơi được điều về tăng cường, có người chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi như các chiến sĩ Trần Văn Sang, Nguyễn Thanh Tùng, nhưng tình yêu quê hương, đất nước đã thôi thúc họ vững vàng tay súng trước kẻ thù.
Khoảng một tháng chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng và chiến thuật, đúng 2 giờ sáng ngày 30/10/1965, đồng chí Lê Lan Chi, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Võ Xuân Lâm, Tiểu đoàn phó đã ra lệnh tấn công cứ điểm Gò Hà. Quân ta chia ra bốn mũi bao vây toàn bộ cứ điểm, một loạt tiểu liên vang lên, bộc phá phát nổ. Tổ xung kích do đồng chí Huỳnh Dạn chỉ huy đánh vào lô cốt đầu cầu, rồi nhanh chóng thọc sâu trung tâm, cắt đường thông tin của địch. Hỏa lực tiểu đoàn bắn tấp nập vào khu vực chỉ huy, xe bọc thép và các cửa mở. Hỏa lực của tiểu đoàn bắn chế áp vào các lô cốt ở tiền duyên, chi viện cho bộc phá viên mở cửa. Đại đội trưởng Lại Nam Dương và Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Mua dẫn đầu các phân đội chiến đấu xông thẳng vào trận địa tiêu diệt các mục tiêu. Trung đội địa phương huyện Điện Bàn do đồng chí Thân Đức Liên chỉ huy cũng tiến vào trận địa.
Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ phải gọi chi viện, các máy bay H41A, CH14 từ trung tâm Đà Nẵng lên thả đèn sáng và bắn rốc két vào khu vực quanh cứ điểm, pháo từ ngoài biển bắn vào tới tấp. Tuy nhiên, do bị mất liên lạc, khi máy bay địch không liên lạc được mặt đất nên chúng bắn loạn xạ vào trận địa khiến lính Mỹ hoảng loạn chạy ra ngoài thì gặp ngay phục kích của quân ta tiêu diệt... Sau 30 phút chiến đấu quyết liệt, giành giật từng mét hào công sự, thậm chí đánh xáp lá cà bằng lưỡi lê... quân ta đã tiêu diệt một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, thu giữ nhiều vũ khí, bọn tàn quân còn lại phải tan tác tháo chạy về trung tâm Đà Nẵng trong hoảng loạn tột cùng. Cứ điểm Gò Hà hoàn toàn bị xóa sổ.
Chiến thắng Gò Hà là trận đánh xuất sắc, đánh dấu sự trưởng thành của Tiểu đoàn 1 “R20”. Đây là trận đánh thắng quân Mỹ đầu tiên trong công sự vững chắc của tỉnh Quảng Đà, có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra phong trào tìm Mỹ mà đánh ở chiến trường Quảng Đà nói chung và Khu V nói riêng với câu ca còn truyền mãi: “Trên trời có phản lực cơ/ Dưới đất có R20 đánh càn”.
Sau trận đánh Gò Hà, một đoàn nhà báo của Cuba, Trung Quốc đã đến thăm và tìm hiểu về chiến công của đoàn, đặc biệt là tìm hiểu cách đánh quân Mỹ của ta về mặt tâm lý và chiến thuật. Cả hai đoàn đều khá bất ngờ và khâm phục cách đánh thông minh mà tiểu đoàn 1 đã áp dụng khi lần đầu tiên đánh một đội hình quân sự lớn của địch được trang bị hiện đại ở trong cứ điểm kiên cố. Sau chuyến thăm, tiểu đoàn đã tặng cho đoàn nhà báo Cuba và Trung Quốc mỗi đoàn một súng cối cá nhân M79 thu được của Mỹ ở trận Gò Hà.
Tiếp tục tham gia xây dựng Đảng và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
60 năm đã trôi qua, những người lính của Tiểu đoàn 1 - R20 năm xưa nay đều đã ở độ tuổi trên 70. Thời gian có thể cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng những ký ức về một thời oanh liệt chiến đấu kiên cường vẫn luôn hiện hữu trong trái tim họ. Các cựu chiến binh giờ đây không còn nhắc đến chiến tranh bằng sự thù hận, mà bằng sự tự hào sâu sắc về truyền thống anh hùng của cha anh. Họ đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ biết phát huy truyền thống anh hùng mà luôn ra sức học tập, dang rộng vòng tay đoàn kết, thân ái với bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhưng họ cũng không quên nhắc nhở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thế hệ hôm nay phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ nền hòa bình và độc lập mà bao thế hệ đã đánh đổi bằng máu xương để giành lại.
Cùng với sự quan tâm trong công tác đền ơn đáp nghĩa của lãnh đạo thành phố, huyện Hòa Vang, xã Hòa Khương và các cựu chiến binh của Tiểu đoàn 1, năm 2022, bia chiến tích Gò Hà đã được xây dựng với quy mô khang trang, hoành tráng. Công trình này không chỉ nhằm ghi nhớ chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 1 và các lực lượng quân sự địa phương trong trận đánh Gò Hà, mà còn để tri ân, tưởng niệm và hương khói cho những chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trên vùng đất lịch sử này. Nơi đây cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố với tên gọi: “Chiến thắng Gò Hà”. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí: “Đây là niềm tự hào, kiêu hãnh của bao thế hệ cha ông đã dựng nên từ máu và nước mắt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc”.
Những nước chân đã chậm đi, trí óc cũng không còn minh mẫn như trước, những vết thương trên thịt da dẫu có lành bên ngoài theo năm tháng thì bên trong vẫn âm ỉ đau. Tuy nhiên, truyền thống anh hùng ấy thì vẫn còn mãi, nhiều cựu chiến binh của Tiểu đoàn 1 đã không quản ngại khó khăn, tiếp tục thực hiện nhiều công trình, phần việc trong cuộc sống hôm nay, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động nghĩa tình đồng đội và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Các cựu chiến binh của tiểu đoàn như Bùi Hồng Khanh, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Mạnh Thắng, Nguyễn Ngọc Hùng, Vũ Trọng Thể… sau thời gian công tác trong quân đội về nghỉ hưu hoặc xuất ngũ trở về địa phương đều tham gia công tác Đảng, đoàn thể tại đơn vị công tác mới. Phần lớn trong số họ đảm nhiệm vai trò Bí thư chi bộ ở cơ sở. Đây đều là những đồng chí thấm nhuần tư tưởng chính trị, được đào tạo bài bản trong quân đội, có bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ, có uy tín trong mắt nhân dân ở khu dân cư nên là nhân tố then chốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh từ trong cơ sở. Họ dám phê bình, tự phê bình những suy thói đạo đức, chuyển biến tư tưởng của một bộ phận đảng viên hiện nay, gương mẫu đi đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đều ở tuổi xưa nay hiếm, những chuyến đi dài ngày về những chiến trường xưa vẫn không làm khó được những người lính cụ Hồ ấy, họ làm sao có thể vui vẻ được khi mà đồng đội vẫn còn nằm lại đâu đó giữa những cánh rừng thiêng của Tổ quốc. Với họ đây không chỉ là nghĩa tình đồng đội mà còn là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, bằng mọi giá họ phải hoàn thành. Với quyết tâm lớn lao đó, trong suốt hơn 50 năm qua, hài cốt của hàng trăm chiến sĩ Tiểu đoàn 1 và các đơn vị khác hy sinh ở mặt trận Quảng Đà đã về với đất mẹ ở nhiều địa phương trong cả nước. Và không chỉ chăm lo cho người đã khuất, quỹ nghĩa tình của tiểu đoàn luôn được các cựu chiến binh vận động và tự nguyện đóng góp để hỗ trợ cho những đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống và đặc biệt là hỗ trợ cho các con của cựu chiến binh có điều kiện học tập hôm nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi mà truyền thống yêu nước cần được phát huy hơn bao giờ hết, thì những cựu chiến binh của Tiểu đoàn 1 “R20” luôn sẵn sàng góp sức mình trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn cũng như khắp mọi miền Tổ quốc.
Hằng năm, tại di tích Gò Hà, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động “Thăm lại chiến trường xưa”, “Hướng về cội nguồn” của các thế hệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Dẫu có mưa, có nắng cháy, là ngày hay đêm thì các cựu chiến binh như Bùi Hồng Khanh (Trưởng ban liên lạc tiểu đoàn 1, hội viên Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Tùng (Phó ban liên lạc, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố), Lê Công Thạnh cũng như nhiều cựu chiến binh khác vẫn luôn có mặt tại di tích Gò Hà để kể, để nói, để truyền lại cho con cháu những ý chí kiên cường, những truyền thống tốt đẹp mà cha anh đã tạo dựng và gìn giữ đến hôm nay. Họ không thể nhớ hết đã có bao nhiêu đoàn học sinh và người dân đến nghe họ nói chuyện, nhưng chắc chắn đây là những bài học lịch sử thực tế nhất, sống động nhất mà các cháu, các em được học từ chính cha anh của mình trong thực tế chiến đấu. Để rồi khi rời Gò Hà, hành trang thế hệ trẻ mang theo là lòng biết ơn, sự trân trọng quá khứ, tất cả đã thôi thúc, khơi dậy trong lòng các em các cháu tình yêu quê hương đất nước và sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh hôm nay.
Sau ngày đất nước thống nhất tròn 50 năm, và cũng tròn 60 năm chiến thắng Gò Hà, từ vùng đất hoang sơ, khô cằn của sỏi đá, đầy nắng gió, và đầy rẫy bom mìn, thôn Gò Hà hôm nay với hơn 300 hộ dân đã vươn mình phát triển cùng thành phố với tư thế vững chãi, khẳng định một sức sống mới. Màu xanh sự sống đã ngập tràn khắp nơi, trong đó có sự đóng góp to lớn của những người lính Tiểu đoàn 1 “R20” anh hùng - đơn vị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.
T.N.Đ