Những mặt trăng nhỏ của tôi
Cuối cùng thì tôi cũng gặp lại trăng như gặp lại cố nhân mười lăm năm xa vắng. Tôi biết trong mười lăm năm ấy, sự thiếu nhau này không mang nghĩa chia ly mà chỉ là một lời hẹn ước. Tôi đã hẹn lòng sẽ cùng trăng một ngày gặp lại, một ngày buông chạm vào nhau, một ngày khuấy đảo cho hết nỗi bồi hồi rung động, cho hết nỗi quay quắt nhớ nhung, cho hết bao nhiêu hồn nhiên lộng lẫy năm năm tháng tháng tôi âm thầm cất giấu. Nhưng, tôi chưa bao giờ ngờ tới rằng tôi có thể gặp lại quầng sáng tri âm của mình giữa đèo cao núi biếc sóng bạc hoang mơ trên cung đường hùng vĩ mang tên Hải Vân này.
Tôi liếc thấy trăng khi xe đã lên đèo được một đoạn. Dưới kia là một vùng Lăng Cô êm đềm đang chìm dần vào đêm, đường chân trời khuất hẳn trong sương, mặt vịnh lênh láng, từng mảng nước hắt sáng đuổi nhau rồi biến mất rồi lại hiện ra đây đó, chỗ này chỗ kia như trò chơi cút bắt. Hoàng hôn đẹp như nhung như lụa vắt trên những mái nhà tôi vừa bỏ lại sau lưng, cả vùng vịnh mơn mởn hơi xuân cùng trò chơi cút bắt trên những thửa nước lênh lang cũng đã nằm hẳn sau lưng. Bây giờ chỉ còn vầng trăng tri kỷ đang dõi theo tôi khi xe chậm rãi leo lên từng vạt đèo và tôi may mắn là kẻ ngồi sau nên tha hồ lơ đễnh, tha hồ mộng mơ. Đôi lần, tôi nhìn lên thấy trăng lẽo đẽo theo mình, đôi lần tôi lại thấy mình lẽo đẽo theo trăng, lại có đôi lần tôi không còn biết là ai theo ai nữa chỉ biết vầng trăng bạc trên kia đang cùng tôi trò chuyện, trăng chảy tràn, trăng phủ mềm cung đường đẹp nhất mà tôi biết. Trăng non bàng bạc, thứ ánh sáng này khiến tôi cảm thấy lạnh nhiều hơn. Và sương nữa, sương phủ dày ken lại trên từng khoảng xanh đang thẫm đi trong bóng tối. Thỉnh thoảng, khi lướt qua một vách đá hay một dòng suối rỉ từ kẽ đá tôi cảm nhận được cái lạnh đang phả ra, cái lạnh xâm lấn và quyện hòa trong không gian. Ngay cả tiếng róc rách, ngay cả cái cách những hạt nước bắt sáng chờn vờn lóng lánh trong sương cũng khiến tôi thấy mình cần thu hình hài của mình lại trong chiếc áo to sù dành để đi đường dài.
Tôi không thể phủ nhận được cái lạnh đang len lỏi vào chân tóc và cái thâm u của núi cao đèo cả đang khiến tôi thấy mình bé nhỏ mong manh, nhưng, kỳ thực tôi không thấy mình rơi vào sợ hãi. Ngược lại, sắc lạnh này, vẻ thâm u này và ý thức về sự bé nhỏ của mình khiến tôi thấy dễ chịu, tôi biết mình đang sống, đang nắm lấy một điều gì đó đặc biệt riêng tư. Cuộc đời là khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc và tôi đang trải qua những khoảnh khắc dịu dàng đến trong trẻo khi kỷ niệm như dòng suối luồn lách tràn về trong trí nhớ nhưng không làm tôi bỡ ngỡ, không làm tôi thấy tổn thương hay thấy mất mát như nhiều lần trước đây. Nỗi buồn của việc trưởng thành đó là khi chạm vào kỷ niệm và nhận ra rằng mình đã đi qua nó, đi qua những gì đẹp đẽ nhất của thời thơ ấu. Hồi tưởng về khoảng thời gian còn niên thiếu là điều vừa khiến tôi thấy dư dật vừa khiến tôi thấy mất mát. Dư dật vì một lẽ đơn sơ, đó là tôi biết mình không bao giờ đi hết kỷ niệm, nó là mạch ngầm, là nguồn năng lượng có thể tự tái sinh, tôi tự tin rằng mình sẽ không tiêu hết chúng mà ngược lại, càng chạm vào càng trở về nguyên bản con người mình bao nhiêu thì chúng càng dư dật bấy nhiêu. Đồng thời, tôi cũng thấy mất mát vì biết rằng những điều đẹp đẽ ấy đã bay đi trên đôi cánh thời gian cùng với sự luyến tiếc của tôi. Những điều đẹp đẽ phải từ bỏ chính nó và từ bỏ tôi để tôi có thể trưởng thành, chúng sẽ không bao giờ xuất hiện nữa trong thế giới vật chất của tôi, trong vùng đất hiện thực của tôi bây giờ hay của tôi sau này. Và trăng, và bạch đàn nữa, chúng là phần lớn trong những điều đẹp đẽ ấy, phần lớn của hồi ức về một tuổi thơ chín mọng thơm tho.
***
Đường đèo này có nhiều cụm bạch đàn. Tôi vừa nhìn vầng sáng cô đơn trên vòm cây vũ trụ của mình vừa quan sát cách nó rải ánh sáng vào đêm, nửa chừng hờ hững nửa chừng ân cần trải bàng bạc xuống trên từng vạt thâm u, cây và đá và suối đang ru trầm cho nhau. Tôi nghĩ mình có thể đoán được chính xác đâu là những tán bạch đàn nhờ cách chúng hứng ánh sáng, cách chúng nhún nhảy trong gió hay rũ mềm tán lá dưới sương. Và tôi thấy chúng uống trăng, uống từng ngụm vàng thơ dát bạc, uống từng ngụm lóng lánh sương sa, uống từng ngụm hải huyền thanh khiết.
Tôi đã từng nhìn chúng rất nhiều lần trước đây, nhiều đến mức tôi không thể đếm và nhiều đến mức tôi tưởng như mình đã bất động, đã thành thứ gì đó như thể cội đá khi chúng chảy vào mắt tôi, tâm thức tôi, trí tưởng tôi và chảy vào tôi. Khi ấy, chỉ có một dòng ánh sáng nhũ mềm và chỉ có một khúc trầm ca mang “hương gỗ bạch đàn vấn trong sợi nắng xuyến xao” đi thẳng vào tôi. Và đã đi như thế qua hết tháng ngày thơm như mộng của tôi. Ban đầu, những gì tôi có với trăng chỉ là những đêm hè trăng phơi ngoài ruộng, tôi sà xuống đụn rơm khi thì ai ải khô khi thì ròn hương nắng, tôi rúc vào đó chơi năm mười cùng chúng bạn. Trăng phơi mênh mông lên cánh đồng vừa gặt, tôi đã tưởng như cuộc đời không rộng quá cái mênh mông mà tôi đang có. Tôi đã tưởng như thế cho đến ngày tôi nhận ra còn biết bao dài rộng ngoài kia. Tôi bắt đầu biết im lặng nhìn trăng treo trên đọt bạch đàn, những đứa em của tôi, đến lượt chúng chạy chơi năm mười trên cánh đồng mà tôi đã chạy. Hẳn là chúng cũng thấy cái mênh mông mà tôi đã thấy và rồi cũng như tôi, chúng cũng phải mất đi một vài thứ khi lớn lên cho dù chúng có nhận thức về điều đó hay không.
Cánh đồng ấy, nhìn hướng nào cũng thấy bạch đàn bao quanh đám ruộng chạy dọc một con khe nhỏ nhưng sâu. Đến tuổi tôi không còn chạy mướt mồ hôi trên đám ruộng nữa, tôi ngồi cùng các chị, các chú ngắm trăng, trong mắt tôi bạch đàn vẽ ra những bức tranh thủy mặc trầm buồn, xa xăm và uyển chuyển. Thế đấy, tôi đã ngồi xuống bên trăng, tan chảy cùng trăng. Tôi đã vẫy vùng trong nỗi buồn của tuổi mười lăm khi nhận ra chẳng có điều gì là mãi mãi, các chú, các o tôi, chị tôi và cả tôi nữa đều phải thay đổi, tất cả những gì chúng tôi làm cùng nhau ở mùa trăng trước thì đến mùa trăng sau chúng đã cũ càng và không còn ai nói đến nữa. Có người bận rộn với những cánh thư từ phương xa, có người bận rộn với những buổi hẹn hò nơi thị trấn, có người rời quê đi làm ăn, họ trưởng thành dần theo những mùa trăng và họ rời đi bỏ lại cho tôi những mùa trăng bơ vơ nơi xóm nhỏ. Tôi biết mình cũng sẽ như họ, sẽ lớn lên và rời khỏi tuổi thơ của mình, điều khó khăn nhất, với tôi khi ấy, chính là tôi phải tự mình lớn lên, không ai có thể san sẻ với tôi một điều gì, hành trình này tôi hoàn toàn đơn độc. Tôi chỉ còn trăng. Còn trăng trong những trang nhật ký viết vội dưới bóng dừa, còn trăng trong những giấc mơ chênh chếch ô cửa, còn trăng trong từng nỗi sợ hãi âm thầm. Tôi không thể chịu được cảm giác mất mát ấy, cảm giác mình vừa bước qua một tuổi thơ, vừa mất đi một thế giới thần tiên và mất đi chính mình của tháng ngày bé dại. Tôi không chấp nhận được ý nghĩ về sự trong vắt tàn nhẫn của thời gian mà trăng, chính trăng đã khiến tôi phải luôn nhớ đến. Phải, chính thứ ánh sáng trong veo bàng bạc ấy, chính tiếng chạm hờ khe khẽ trầm ca của tán bạch đàn, chính những huyền thoại tôi đã viết dưới màu trăng lạnh, trên những thân cây nơi vòng tròn tính tuổi rộng dần lên trong lặng lẽ đã nhắc nhớ, gợi mở ám ảnh tôi về sự hiện diện của thời gian và sự thay đổi của chúng tôi. Cuối cùng, để không mắc kẹt ở tuổi thơ, tôi đã chọn cách rời xa trăng, tôi biết mình không thể từ bỏ, không thể quên đi nên tôi chọn cách rời xa cùng một lời hẹn ước mà đôi lần khi thấy mình lạc giữa thị thành tôi đã nghĩ rằng hẹn ước này xa xăm cứ như là mãi mãi…
***
Tôi đã vét cạn tâm can để nói lời từ giã cùng trăng, cũng là lời từ giã tuổi thơ ngây của mình. Ngoài kia trăng khuyết rồi tròn, tròn rồi khuyết, ngoài kia trăng mọc rồi tàn, ngoài kia những mùa trăng đến rồi đi, tôi biết nhưng tự nhủ lòng tất cả chỉ là sự vận hành của vũ trụ, trăng ở ngoài tôi, tôi ở ngoài trăng, chạm vào nhau chỉ là một ý nghĩ lãng mạn hão huyền. Thành phố không có chỗ cho những kẻ mộng mơ, và không có chỗ cho trăng. Vậy mà một dạo thành phố cũng đánh lừa tôi bằng một đêm mất điện khi ngoài kia trăng đã vào rằm. Tiếng muỗi vo ve, tiếng quạt giấy xoành xoạch, tiếng chậc lưỡi đây đó phát ra… Sự vắng mặt tạm thời của các thiết bị khiến một vùng đêm đi vào ảo diệu khi trăng chảy êm ru trên những mái nhà. Từ trong những căn phòng đang ngập tràn bóng tối, người người đổ ra hiên, ra sân, ra đường nơi trăng có thể ghé qua từng gương mặt, và trăng tưới tắm cho những tâm hồn oi bức, ngột ngạt, thiếu thốn của chúng tôi. Trăng làm tôi dịu lại. Thứ ánh sáng này không thể dẫn dụ tôi đến kiểu hành động hay cảm xúc nào cháy bùng như lửa mà ngược lại, chỉ có tĩnh dịu và êm vắng triền miên. Tôi nhìn trăng. Trăng mênh mang. Trăng lênh lang. Trăng thảng thốt. Tôi quay mặt giấu đi niềm rưng rức của mình.
Nhưng bây giờ, khi nhìn trăng rót mật trên những khoảng đèo vi vu tiếng gió, tôi thấy mình trở lại trong veo như thuở lên năm lên bảy, khi trăng chảy tràn trên phiến tuổi thơ, cọng cỏ gà ngậm sương lóng lánh và dế giun râm ran cổ tích dưới lớp đất tơi. Thật, tôi chỉ còn một nỗi trong veo để cạn cùng trăng. Là mười lăm năm, hay một năm, hay một ngày, là tôi thuở lên năm lên mười, tôi của nỗi buồn mười sáu hay là tôi của hiện tại giờ đây không còn quan trọng nữa. Giờ đây thời gian chỉ còn là một khái niệm mơ hồ, mọi ranh giới, mọi khoảng cách, mọi xung đột đã không còn hiện hữu. Giờ đây chỉ còn tôi và trăng, và mối tương giao hằng hữu của chúng tôi. Tôi không có cách gì để định nghĩa mối tương giao này ngoài rung cảm của con tim. Và hiện thực này, hiện thực của con tim sẽ là điều còn lại sau cuối cho tôi.
Trăng rót mênh mông xuống những khoảng đèo tráng lệ nhô ra, trăng len lỏi vào những khoảng đèo hõm tối, trăng mướt mát trên tảng đá lừng lững giữa trời và trăng soi bóng chúng tôi trên mặt đường lặng lẽ. Thỉnh thoảng tôi la lên khe khẽ khi gặp trăng lồng trong bóng của những cây cô đơn bên đường. Tôi ước chi mình có thể bắt lấy bóng trăng, bắt lấy bóng cây, bắt lấy khoảnh khắc ngọt ngào này để nhốt vào một nơi nào đó như thể một giấc mơ, một giấc mơ hiện hữu ngay cả khi tôi thức.
Hải Vân chon von giữa lưng chừng trăng bạc. Đường đèo càng lên cao càng lạnh. Trăng càng vào đêm càng dịu càng trong. Chúng tôi đến lên đến đỉnh đèo khi gió rát bên tai, tiếng nói phát ra truyền đến tai nhau nghe như đã loãng ra cùng không khí.
“Trăng thật rồi. Trăng của em đây rồi. Em sẽ hái mặt trăng này treo vào một giấc mơ...”.
Tôi ngửa cổ lên uống trọn từng giọt trăng vào đôi mắt. Trăng này có phải là trăng của những ngày tháng cũ? Cố nhân ơi, sao bây giờ tôi thấy câu hỏi này thật là điều ngớ ngẩn. Tri kỷ là gì nếu chẳng thể cho nhau phút hồn nhiên trong trẻo. Đã chạm vào nhau tận cùng rung cảm, một lần và mãi mãi, tôi biết mình sẽ còn sống trong những mặt trăng nhỏ của riêng tôi.
L.H