Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói về sự đổi mới thi ca

06.11.2023
Nguyễn Việt Chiến
Nếu nói về sự tìm tòi, đổi mới trong thơ Việt Nam thời chiến tranh và giai đoạn đầu thời hậu chiến, chắc chắn nhà thơ Phạm Tiến Duật là một gương mặt nổi trội, thậm chí có nhà phê bình tên tuổi từng đánh giá: “Thời ấy một mình Phạm Tiến Duật làm nên một trường phái thơ chiến tranh” mà bài thơ “Lửa đèn” là một đỉnh cao khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969-1970.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói về sự đổi mới thi ca

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Thơ của Phạm Tiến Duật, nhất là thơ viết về chiến tranh, có một giọng điệu riêng và khác biệt, không thể lẫn với thơ của người khác và ông đã có công mở đầu cho một trường phái thơ chiến tranh hằn in dấu ấn nhọc nhằn, lấm láp và hồn nhiên của người lính trận mạc thuở ấy. Sự đóng góp của Phạm Tiến Duật cho nền thơ kháng chiến đã được ghi nhận kể cả về mặt đổi mới thi pháp và đổi mới nội dung phản ánh những năm tháng hào hùng cả dân tộc ra trận.

Những năm nhà thơ Phạm Tiến Duật về công tác ở Báo Văn nghệ rồi làm Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, tôi có một số lần được chuyện trò, đàm đạo với nhà thơ. Tôi thấy ông là một tài năng thi ca đặc biệt thông minh và rất giầu kiến văn. Bàn về giá trị của vần trong thơ ca, nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng: Đã từ lâu rồi trên phạm vi toàn cầu, người ta chẳng coi vần là gì cả. Những câu định nghĩa theo kiểu: “Thơ là một loại hình văn học sử dụng hình ảnh, vần điệu, nhịp điệu để biểu đạt một tư tưởng, tình cảm nào đó”, xem ra quá lạc hậu rồi. Tuyển tập thơ tình Pháp thế kỷ XX có một bài rất ngắn, chẳng những không có vần mà hình ảnh cũng không: “Cao hơn sự đói là sự rét/ Cao hơn sự rét là sự ốm/ Cao hơn sự ốm là sự chết/ Cao hơn sự chết là sự bị bỏ quên”. Đa số người làm thơ không vần ngày một đông lên nhưng không vì thế mà thơ vần điệu ở ta và ở Tây nữa mất đi.

“Vần là một hiện tượng ngôn ngữ kỳ diệu. Vần là quầng sáng chói lọi của tiếng nói và trong sự cuốn đi của dòng âm thanh, vần đọng lại trong trí nhớ con người một cách mạnh mẽ. Về mặt ý nghĩa, vần không chỉ tham gia vào thơ như một yếu tố hình thức và còn tham gia trực tiếp vào tôn vinh nội dung nữa. Vần tồn tại trong điệu và do vậy vần tạo nên nhạc. Có lẽ, đến một ngày nào đó, nhân loại tuyên bố sẽ tiêu diệt hoàn toàn câu thơ có vần thì người ngồi ngẩn ngơ buồn trước nhất là ông nhạc sĩ viết ca khúc. Có phải thế không?”, Phạm Tiến Duật đặt câu hỏi.

Với tôi, tôi muốn dùng hình ảnh “Con đại bàng” của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật, những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom B52 rải thảm, đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần. Có thể nói, thời điểm những năm đầu 1970, thơ của Phạm Tiến Duật đã mở ra một cái nhìn mới rất hiện đại và rất sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những bài thơ như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, “Tiếng bom ở Seng Phan…”. Thơ của ông những năm tháng ấy đã có mặt trong hành trang tinh thần của những người lính ra trận để động viên, chia sẻ và cổ vũ tinh thần chiến đấu của họ, thơ ông được phổ nhạc và hát khắp các nẻo đường chiến tranh.

Thời điểm chiến tranh ấy, Phạm Tiến Duật kể lại, có dịp ở Trường Sơn ra Hà Nội, ông tìm ngay đến các ông thầy lớn về văn chương để học hỏi. Ông đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên để tìm hiểu cung cách làm việc. Hỏi thẳng thì cụ Chế không nói, nhưng bằng cách này cách khác, Phạm Tiến Duật đã học được một số kỹ năng trong sáng tạo thi ca của cụ Chế.

Là một nhà thơ đàn anh có nhiều thành tựu trong thi ca nhưng Phạm Tiến Duật rất gần gũi, chia sẻ và đồng hành với các nhà thơ lớp sau như thế hệ chúng tôi. Sau khi tôi được trao giải Nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1989-1990, nhà thơ Phạm Tiến Duật (Ban chung khảo) thân mật chia vui với tôi: “Vậy là chú được phong Bảng nhỡn trong cuộc thi thơ cả nước rồi nhé! Vinh dự lắm đấy, cho đến phút cuối cùng của cuộc thi, thơ chú mới xuất hiện và đoạt ngay giải cao. Giải thơ này có thể coi như “Tao đàn nhị thập bát tú” thời vua Lê Thánh Tông với 28 tác giả đoạt giải. Bài thơ “Mưa phố vào tranh” của chú được chấm điểm rất cao, mấy đoạn thơ có chút màu sắc siêu thực như: “Mưa bay chéo mặt tranh mờ xóa/ Cả vòm trời loang chảy màu sơn/ Những ngôi nhà như đang trượt ngã/ Gọi dìu nhau ở phía bên đường”.

Tôi thú thật: “Dạ, lúc viết bài này, em không nghĩ tới thi pháp siêu thực đâu ạ!”. Phạm Tiến Duật cười, chơi chữ: “Chú không nghĩ tới thì thơ mới thành siêu thực, còn nếu chú mà chủ ý thì nó thành siêu vẹo ngay! Vì Siêu thực tồn tại khách quan bên cạnh Hiện thực như cái Say tồn tại khách quan bên cạnh cái Tỉnh. Về bút pháp Siêu thực thì thời nào cũng có, câu ca dao: “Gió đưa cây cải lên trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” là câu có màu sắc Siêu thực đấy! Phải truy tìm cái mới. Thơ gì cũng được, thơ siêu đẳng, thơ siêu việt, thơ siêu thực… cốt đừng thành thơ siêu vẹo là được”.

Bàn tiếp về tính siêu thực trong thơ, Phạm Tiến Duật phân tích hóm hỉnh: “Thơ của nhóm Xuân thu nhã tập thường được bảo rằng đó là thơ siêu thực nhưng lại rất ít chất siêu thực. Câu “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” là câu chuyện kể hết mùa ổi đến mùa táo, có gì mà siêu thực. Câu “Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm” là câu văn tả thực, đẹp, nõn. Thế thôi. Tuy không phải siêu thực mà nó cũng không sa vào siêu vẹo. Cứ như Chế Lan Viên lại là người có nhiều câu siêu thực kỳ lạ. Mười sáu tuổi ông đã viết “Ý của ai trú ẩn ở đầu ta” và câu này ở chặng đường sau: “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”. Không thể sâu sắc hơn được mà cũng không thể giản dị hơn được”.

Trao đổi về công cuộc đổi mới thơ ngày hôm nay khi không ít nhà thơ đã cho ra đời một số công trình có tính thử nghiệm nhưng chưa đạt hiệu quả, Phạm Tiến Duật thận trọng khi cho rằng: Nếu suy ngẫm kỹ, thấy đòi hỏi thơ cần “lột xác” nhanh chóng là đòi hỏi quá đáng. Chỉ vì một lẽ giản dị: văn học là bộ phận trừu tượng nhất trong tất cả các bộ môn văn nghệ. Hội họa còn là vật chất của hình học và hạt Proton của ánh sáng. Âm nhạc còn là vật chất của các bước sóng âm thanh. Tiếng nói và chữ viết là đỉnh cao của khả năng trừu tượng. Vậy nên các nhà thơ cần đổi mới nhưng đừng quá nôn nóng kẻo tự làm hỏng sản phẩm tinh túy của chính mình.

Không chỉ làm thơ và viết bình luận về thơ, Phạm Tiến Duật còn rất tài hoa và sắc sảo trong các ghi chép, tùy bút văn học. Năm 2003, NXB Văn học đã xuất bản tập “Vừa làm vừa nghĩ” tập hợp các bài viết ngắn của ông trên Báo Văn nghệ, được coi như một tập tiểu luận mini về văn chương và những suy nghĩ về công việc của nhà văn trong đời sống sáng tạo.

Trong bài viết “Đạo và đời, lý tưởng và cuộc sống”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bàn luận như sau: “Có lẽ, cái phương châm cầm bút “Văn dĩ tải đạo” không chỉ của các nhà nho và của đa số các cây bút phương Đông mà xem ra có ở hầu hết các đại danh ở mọi vùng đất. Tại sao thế? Có lẽ đó là những chớp lóe va chạm của sự mở rộng cái tôi trên con đường đi tìm cái đẹp, cái kỳ diệu, cái đáng sống. Nó vừa là quá trình hướng nội, vừa là quá trình hướng ngoại. Kinh Phật viết: “Dẫu như mắt người có như cánh hoa sen xanh đặt trên mặt Phật, thì khi người mở mắt ra là lúc người nhìn vào thiên hạ và khi người nhắm mắt lại là khi người nhìn vào chính thân thể người vậy”. Công cuộc tự khám phá ấy mới nhọc nhằn làm sao. Chế Lan Viên đã từng viết: “Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình/ Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt/ Ta là ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc/ Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”.

Phạm Tiến Duật kết luận một cách rất tinh tế và chính xác: “Trong đời sống thường nhật, một người luôn có hoài bão, luôn có ước mơ thì trong văn học của anh ta thế nào cũng tìm thấy chất lý tưởng. Một trong những lý do thành công của trùng điệp các thế hệ nhà văn Việt Nam là nhiệt độ của lòng yêu nước đã làm nên sự nồng nàn trên mỗi trang văn”.

(vnca.cand.com.vn)