Nhà thơ Thanh Thảo: Thơ không thể nửa vời
* Có ý kiến cho rằng, không nên phân biệt thơ già – thơ trẻ, chỉ có thơ hay và thơ dở mà thôi. Liệu có nên xem đây là một quan niệm đem lại công bằng trong đánh giá về người làm thơ trẻ hôm nay hay không, thưa ông?
– Đúng là cuối cùng, chỉ có thơ hay và thơ dở. Nhưng thế nào là thơ hay và thế nào là thơ dở, thì thoạt nhìn có vẻ dễ phân biệt, nhưng đi sâu vào lại không đơn giản. Và sẽ đến cái điểm, khi trước một bài thơ, người này cho là hay, người kia chê là dở, thì lúc ấy người ta lại phải phân biệt thơ già và thơ trẻ. Và “già” đây chưa hẳn là già tuổi, còn “trẻ” kia cũng chưa hẳn đã là “trẻ người”. Sẽ có những quan niệm khác nhau về thơ. Trong đó già – trẻ cũng là sự phân biệt quan trọng. Nhưng cuối cùng thì, vẫn sẽ chỉ có thơ hay và thơ dở, có điều, sự phân định phải qua thời gian, không thể sốt ruột.
* Sau chuyến đi Pháp dự Fetival thơ hồi cuối năm 2003, quan niệm về thơ của ông có gì “mới” hơn ? Ông có nghĩ rằng phương Tây luôn đi trước chúng ta, trước đây và bây giờ, trong địa hạt của thơ?
Sang xứ người chỉ để nghe thơ và đọc thơ, vậy điều lớn nhất ông thu nhận được ở chuyến đi là gì?
– Quan niệm của tôi về thơ vẫn thế, chẳng có gì mới hoặc cũ hơn. Người ta có thể thay đổi hẳn quan niệm của mình, có thể “ngộ” sau khi đọc chỉ một bài thơ. Nhưng cũng có thể chỉ khẳng định thêm những gì mình đã nghĩ, sau một Liên hoan thơ. Với tôi, thơ phải hiện đại, bởi chúng ta đang sống thời hiện đại, nhưng muôn đời, thơ vẫn là chuyện rút ruột rút gan mình ra mà thơ. Thơ phải chính là số phận của người làm thơ. Về điểm này thì tôi tán thành quan điểm của một nhà văn: Frank Kafka. Ông nói: “Tôi không thích sự điêu luyện, tài khéo léo theo kiểu nghệ sĩ tung hứng… Nhà thơ là tù nhân của thế giới anh nhìn thấy và biểu hiện… Để tự giải thoát, nhà thơ chiết xuất thế giới ấy tự chính mình. Đó không phải là kỳ tích của sự kỳ tài, mà là một sự sinh nở…”. Nếu đã là hành động sinh nở, thì thơ gồm cả sự đau đớn cùng nỗi mừng vui, và bình thản như chính… sự sinh nở, bình thản như chính cuộc đời.
* Thơ của chúng ta từ đầu thế kỷ trước đã bắt đầu có sự du nhập, cách tân. Cho đến bây giờ, vẫn có nhiều người làm thơ “nhập khẩu thơ”, làm thơ theo phong cách “Tây”, và bị chê là lai căng, là mất bản sắc… Theo ông đây có phải là một khuôn mặt của thơ hiện đại?
Thơ dịch của chúng ta hiện nay khá khiêm tốn trong mảng văn học dịch nói chung. Như thế, bằng những “kênh” nào để chúng ta có thể tiếp cận, nhận biết được chính xác về diện mạo của thơ ca thế giới hôm nay, thưa ông?
– Thơ không chỉ “du nhập” vào ta từ đầu thế kỷ trước, nếu ta nói về ảnh hưởng thì thơ ta ảnh hưởng thơ Tàu từ hàng nghìn năm nay. Và mới chịu ảnh hưởng của thơ Phương Tây chưa được 100 năm nay. Nhưng ảnh hưởng cũng chỉ là ảnh hưởng, còn hồn cốt thơ Việt thì vẫn lặng lẽ chìm dưới tất cả những hình thức, dù cổ điển hay cách tân. Chính vì thế, thơ Việt mới tồn tại. Đã có bao thế hệ thơ của chúng ta làm thơ theo phong cách thơ Đường, thơ Tống, hà cớ gì không có những thế hệ làm thơ theo phong cách thơ Tây. Cái quyết định cuối cùng vẫn là hồn cốt Việt, là dấu ấn cá nhân, là chính tài năng và số phận của từng nhà thơ hiện rõ trong thơ họ. Với thơ Việt hiện đại, tính hiện đại không chỉ đến từ những kỹ thuật thơ Phương Tây, mà còn đến từ sự phối hợp tự nhiên và bất ngờ của thơ Phương Tây với khả năng dồn nén, tích chứa, u mặc, phẳng lặng mà sâu thẳm của thơ Phương Đông, của tâm hồn thơ Việt. Và cái chính, là phải qua ngôn ngữ riêng biệt của từng nhà thơ.
* Đã sang thế kỷ 21, thơ của thế kỷ 21 phải như thế nào mới cập nhật được với đối tượng độc giả của khoa học công nghệ hiện đại, thưa ông?
Trong cuộc sống hàng ngày, đã xuất hiện cụm từ “sản xuất… thơ”,”công nghệ làm… thơ” mà trước đây không có ! Ông có tin thơ cũng như tình yêu, chỉ thuộc về tâm hồn con người, những cỗ máy dù siêu việt đến mấy cũng chỉ có thể chơi trò “xếp chữ”?
– Thơ luôn luôn phải đi trước, không thể đến thế kỷ hai mốt thì thơ mới vội vàng chạy theo để thích ứng với thế kỷ này. Nhiểu khi, thơ hay ở thế kỷ 21 phải là thơ thích ứng với thế kỷ… 22 cơ. Nhưng trong khi “đi tắt đón đầu” như thế, thơ đồng thời lại vẫn giữ cái gì mà ngay ở thế kỷ thứ 7, thứ 8 đã có rồi. Cái cảm thức vũ trụ chẳng hạn. Nỗi đau khổ của con người, của kiếp người, chẳng hạn. Niểm hân hoan của cuộc sống, chẳng hạn. Bây giờ là thời của công nghệ cao, của trí tuệ nhân tạo(AI), nhiều người cũng nói bây giờ AI có thể làm thơ, tôi cũng tin điều ấy có thật, nhưng không bao giờ tôi tin thơ ấy lại là thơ còn lại với đời. Nó cũng cho vui thôi, cho lạ một chút thôi.
* Nhà thơ, đi đến tận cùng cảm xúc trên đôi cánh của ngôn từ, để sáng tạo ra thơ. Không có cảm xúc nửa vời, ngôn từ nửa túi mà có tác phẩm thơ hoàn chỉnh. Ông có đồng ý với nhận xét đó?
Chúng ta thường đặt vấn đề rất nghiêm túc về sự trung thực của người viết. Trong thơ, sự trung thực đó, được hiểu như thế nào, thưa ông?
– Giống như tình yêu và sự sinh nở, thơ không thể nửa vời. Nửa vời là… toi, là chết. Nhưng để có được sự “hết cỡ” của cảm xúc, điều không dễ và không thể định trước, vì thế thơ không thể sản xuất hàng loạt, không thể viết theo đơn đặt hàng. Những “đơn đặt hàng” nếu có và nếu có tác dụng, cũng chỉ là cái cớ để nhà thơ tích chứa năng lượng và cảm xúc, hầu có thể bật ra một lúc nào đó. Còn ngôn từ ? Đó một phần do trời cho nhà thơ (thiên bẩm), một phần lớn do nhà thơ tự tích chứa trong suốt đời mình. Không ai mới sinh đã có ngôn từ, nhưng quả thật, có những người đặc biệt nhạy cảm với ngôn từ. Và người ta gọi họ là nhà thơ. Còn sự trung thực, thì ở tất cả các lĩnh vực của đời sống đều không thể thiếu điều này. Nhưng với thơ, nó là điều tuyệt đối bắt buộc phải có.
* Nhà thơ trung thực với nhận thức thế giới và cảm xúc sáng tạo của mình, đó là một đòi hỏi tuyệt đối của thơ. Thế nhưng, chúng ta, và cả người đọc, cũng luôn đòi hỏi một sự “làm đẹp” cho thơ. Thơ thì phải thật và đẹp; nếu chỉ thật mà không đẹp thì không phải là thơ. Ông có tán đồng quan niệm này không?
Gần đây, đường đi của thơ có vẻ phóng túng hơn, thơ nói được nhiều điều hơn, kể cả những điều “cấm kỵ”, thơ đi vào cả những ngõ ngách riêng tư nhất của đời sống con người và diễn đạt nó một cách không nương né, thậm chí trần trụi… Nhiều người làm thơ và độc giả của thơ “dị ứng” với thơ vì thế, nhưng cũng rất nhiều người khác lại ủng hộ sự đổi mới đó của thơ. Ông đứng về phía nào ?
Cá nhân ông, cũng không gắn bó với những khuôn khổ, hình thức thơ truyền thống mà bền bỉ, thủy chung với lối viết thơ không vần. Thơ không vần kén chọn người đọc và không dễ được tiếp nhận ở xứ sở của ca dao dân ca, nhất là với những người lao động. Ông có bao giờ bận tâm về sự lan tỏa của thơ có vần và không vần mỗi khi đặt bút?
– Chị hiểu sự “làm đẹp” cho thơ, trong thơ là thế nào đây? Về mặt này, quả thật không đơn giản để đi tới sự thống nhất ý kiến và quan niệm. Nhất là quan niệm thế nào là “thơ đẹp”. Cái đẹp của thơ bây giờ phải khác thôi, không giống hệt như cái đẹp của thơ những thế kỷ trước, thơ của những thế hệ trước đâu. Thơ hiện đại bây giờ có thể “tục” (vulgarism), có thể “bẩn” (dirty) mà vẫn “đẹp” đấy. Bởi, chí có Đức Mẹ Đổng Trinh mới sinh con mà hoàn toàn sạch sẽ, tinh khiết thôi. Các cuộc sinh nở bình thường khác, những cuộc sinh nở của con người, đều có phẩn “vulgar” và “dirty” như chị đã biết. Thơ cũng vậy thôi. Có điều, cái cuối cùng là “đứa con”, là “bài thơ” như một sản phẩm tự nhiên, sống.
* Vấn đề tuyển chọn, cập nhật thơ vào sách giáo khoa hiện nay đang có những bất cập. Với tư cách một nhà thơ và một Ủy viên Hội đồng thơ của HNVVN, ý kiến của ông?
– Thú thật, tôi cũng chưa có thời gian để đọc hết sách giáo khoa mà biết được cách chọn thơ vào sách giáo khoa như thế nào. Nhưng theo chỗ tôi biết, ở nhiều nước, người ta chỉ chọn các nhà thơ đã trở thành “cổ điển” vào sách giáo khoa, còn các nhà thơ hiện đại thì được chọn vào các chương trình đọc thêm. Vì học sinh trung học cũng chỉ nên học những kiến thức đã được công nhận, đã rõ ràng. Mọi sự lựa chọn tùy tiện thơ để đưa vào sách giáo khoa đều có hại cho cảm thụ thẩm mỹ của học sinh.
* Khi xuất hiện những cuộc tranh luận về thơ hoặc “nhân danh thơ” trên văn đàn, báo chí như trong thời gian gần đây, Thanh Thảo đứng ở đâu và nghĩ gì? Ông có phải là một người “biết kiềm chế” ?
– Tôi vẫn đứng ở chỗ mà… tôi thường đứng, nghĩa là đứng ngoài, ở bên lề. Đó cũng chẳng phải là thái độ “kiềm chế” gì, kể cả khi có người chửi tôi vô cớ do tôi đã “khen” thơ của một nhà thơ trẻ nào đó. Tôi không thích tranh luận, nhất là khi những cuộc tranh luận vừa nổ ra đã có mùi… tà khí. Dĩ nhiên, thơ cũng cần có tranh luận để phát triển, nhưng nhiều khi, không cần ồn ào gì cả thơ vẫn phát triển. Với thơ, có tuyên ngôn cũng tốt nhưng không tuyên ngôn còn tốt hơn.
* Thanh Thảo sẽ là ai, nếu không làm thơ hoặc làm thơ có… vần?
Tết Nguyên Tiêu năm nay, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức khá chu đáo. 365 ngày để có một ngày thơ thấy mình được trọng vọng! Bây giờ ngoài đời thơ xuất bản nhiều lắm và giá trị thực của thơ cũng lẫn lộn lắm, nên thơ ít nhiều cũng bị xem thường. Là một trong những người “có gậy trong tay” của làng thơ, ông có nghĩ 364 ngày còn lại chúng ta phải làm gì cho thơ?
Hiện nay, thơ xuất bản nhiều, nhưng số lượng bản in của mỗi cuốn thì giảm sút đến độ các tác giả chỉ in vài trăm cuốn cho tập thơ ấp ủ mấy năm liền của mình… Là người làm thơ, ông nghĩ thế nào về việc này?
– Thì cũng vẫn là tôi thôi. Nhiều lúc tôi đâu có làm được thơ, nhưng vẫn sống bình thường. Có điều, như thế tự mình cũng thấy thiêu thiếu thế nào. Còn thơ có hoặc không có vần? Tôi thỉnh thoảng vẫn làm thơ có vần, nhưng đã có vần thì phải đúng… vần, tôi không thích làm thơ lục bát mà … trật vần. Có điều, nếu cứ làm thơ có vần mãi thì với tôi, quả là sự mỏi mệt. Tôi chỉ thích làm cái gì tôi thích. Trong thơ càng như vậy. Ngày Thơ hàng năm ở Việt Nam là một hoạt động rất hay, nên duy trì. Nhưng cũng không ai quá tin rằng sau mỗi Ngày Thơ như vậy thơ Việt Nam sẽ hay hơn.
* Chỉ có những nhà thơ trẻ mới có những thần tượng của mình? Điều này có đúng với ông?
Các nhà thơ có tên tuổi thường có những “đệ tử” của mình. Còn ông?
– Tôi vẫn có những thần tượng của mình, ngay khi tôi không còn trẻ. Tôi sung sướng mỗi khi bắt được “kênh” giao cảm với những nhà thơ là thần tượng của mình. Tôi ngưỡng mộ những nhà thơ lớn mà tôi yêu thích. Vì sao ư ? Vì tôi yêu thơ họ. Họ tiếp lửa cho tôi. Họ kích thích tôi sáng tác. Và khi tôi đọc họ, tôi nghĩ họ cũng đang đọc tôi, đang “soi” tôi, ngay khi họ không còn trên cõi đời này. Những thần tượng luôn sống một cách tích cực trong tôi.
* Ai cũng bảo “thơ là người”, nhưng nếu người cứ như thơ thì làm sao Thanh Thảo có thể viết báo hơn 30 năm nay không ngừng, không nghỉ, viết đủ mọi lĩnh vực từ thể thao đến ẩm thực, viết khỏe đến độ các nhà báo sung sức nhất cũng phải phát ghen? Nhìn lại đời thơ của bản thân, ông thấy thơ đã “chọn” ông hay ông đã “chọn” thơ ?
– Tôi viết báo được như vậy suốt ba mươi năm qua, chính là nhờ… thơ. Tôi mang ơn thơ suốt đời. Đừng bao giờ nghĩ người ta chỉ có thể chết vì thơ. Người ta cũng có thể sống được nhờ thơ đấy. Dù thơ không bán được một đồng, không làm nên danh phận gì cho anh. Thơ chẳng là gì nhưng cũng có thể là tất cả.
(vanvn.vn)