Tản mạn về một câu chuyện văn chương

07.11.2024
Đỗ Trọng Khơi
Là nhà thơ, lúc này đây, nếu ai hỏi tôi khi sáng tác có mơ đến giải thưởng nọ kia không thì câu trả lời là tùy từng văn cảnh, khi có, khi không. Ví như, trong một lúc bâng quơ bất chợt, thậm chí trong giấc ngủ mơ gặp ý thơ, cốt truyện, bèn ngồi dậy lấy giấy bút ghi lại để sau đó một bài thơ, một truyện ngắn được ra đời…

Tản mạn về một câu chuyện văn chương

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn tại Hội nghị những người viết trẻ năm 2024 “Đồng hành khát vọng phương Nam” tháng 10.2024. Ảnh chụp màn hình.

Ngày 18.10.2024, báo Pháp luật TPHCM đăng bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về công việc sáng tác và mục đích của văn chương với các nhà văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, nhân nhà văn Hàn Quốc – Han Kang vừa đoạt giải Nobel Văn học.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ, và câu trả lời của ông đã được dư luận quan tâm: “Tôi cũng muốn nói với họ rằng giải Nobel không phải là đích đến của một nhà văn. Nhà văn trẻ không nên viết văn vì giải Nobel. Chúng ta viết văn vì đích đến mà chỉ chúng ta mới biết nó cần ở đâu…”.

Tôi thấy điều nêu ra thú vị, nên xin góp đôi dòng tản mạn bàn thêm:

1. Chắc hẳn thường khi đặt bút viết tác phẩm nhà văn không ai nghĩ đến giải thưởng. Sáng tác là một nhu cầu, một công việc tự thân, tự nhiên như mọi công việc khác trên đời, không có gì quan trọng, đặc biệt. Mọi công việc chỉ trở nên đặc biệt khi sản phẩm – tác phẩm viết xong, được xuất bản và đón đợi của bạn đọc. Sự đón đợi của bạn đọc mới là mục đích của nhà văn, bởi có nghĩa lúc đó tác phẩm do nhà văn tạo ra đã thành một giá trị xã hội. Bởi vậy nói giải thưởng không phải là mục đích của nhà văn, mà giải thưởng chỉ đến/chỉ là tiếng hồi âm của thế giới bạn đọc do một nhóm bạn đọc có trình độ thẩm định văn học được bầu làm đại diện.

2. Khi cầm bút nhà văn bị cuộc sống thôi miên, ám ảnh, dằn vặt hối thúc anh phải chia sẻ một dải thái sơn tư tưởng xã hội nặng trĩu đang đè nặng tâm tư, hoặc có khi chỉ là đòi được bày tỏ về một làn hương mang niềm yêu kỳ lạ cứ vấn vương nơi tâm thức, tiềm thức. Mục đích – giải thưởng dường luôn ở ngoại biên mọi giả định, là vì thế chăng?

Ai là người biết được kết quả để định đoạt mục đích cho giấc mơ, hay tiềm thức? Không ai cả! Chủ thể – nhà văn khi cầm bút chỉ có lòng yêu thương và đau thương trong đơn độc!

3. Có liên hệ vui vui. Câu chuyện nhà văn viết văn hao hao chuyện người gái/trai lúc mơ mộng xa xôi tới một tấm chồng/vợ có học thức lại nết na, xinh đẹp, song khi cưới vợ/chồng thì đa số các chàng/nàng chỉ lấy được hạng hình dong… nghĩ cũng thường thường bậc trung, mà tình vẫn cứ mặn nồng, rồi sinh con đàn con quý với nhau. Đã có cuốn truyện miêu tả một nhân vật nam cùng cô người tình đi tìm ngọn linh sơn. Đi. Đi miết, rút cục đâu có thấy ngọn linh sơn ở phương nào? Không thấy, song việc đi tìm cũng không hề dừng. Dừng thì dứt mơ. Dứt mơ cầm bằng dứt khí, chết luôn. Trong hành trình yêu thương và mơ mộng ấy, nhân vật truyện dù chưa tìm thấy đích, nhưng tác giả truyện đã đạt được đỉnh cao văn nghiệp: Giải Nobel! Ấy là nhà văn Cao Hành Kiện (sinh năm 1940, định cư tại Pháp từ năm 1988) với tiểu thuyết “Linh sơn” (Nobel Văn học năm 2000).

Mới hay, một nhà văn có lúc mơ mộng tới giải thưởng cao sang mà rốt cục chỉ viết được tác phẩm tầm tầm, và ngược lại, đến hay không đến, chưa đến, đã đi thì cứ nên tiếp tục hành trình! Yêu và sống, vô sở trú, vô sở cầu, cứ vậy và chỉ vậy mới cho hy vọng viết được tác phẩm đỉnh cao.

4. Là nhà thơ, lúc này đây, nếu ai hỏi tôi khi sáng tác có mơ đến giải thưởng nọ kia không thì câu trả lời là tùy từng văn cảnh, khi có, khi không. Ví như, trong một lúc bâng quơ bất chợt, thậm chí trong giấc ngủ mơ gặp ý thơ, cốt truyện, bèn ngồi dậy lấy giấy bút ghi lại để sau đó một bài thơ, một truyện ngắn được ra đời. Và sự thật đã đôi lần tôi bất chợt vớ được một tác phẩm khá lấy làm tâm đắc trong tâm cảnh đó. Trong trường hợp đó, ngoài “cơn mơ ngủ” thật, chẳng có giấc mộng nào khác; lại khi có cuộc thi thơ văn đang diễn ra và mình nảy ý định viết tác phẩm dự thi. Hiển nhiên mục đích thi cử là hướng tới giải thưởng rồi (gần đây tôi có viết được một tập thơ với động cơ này…). Được giải, nghề nghiệp được tôn vinh, lại có thêm chút tiền thưởng dùng chi tiêu việc gia đình. Chẳng thú vị lắm sao!

5. Ôi là là… Lại chạm tới chữ “tiền” và “danh” ư? Hai con chữ mà văn đàn Việt vốn lấy làm điều húy kỵ. Ai mà lỡ chạm đến thì kẻ đó coi như đồ bỏ! Cụ Tam nguyên Yên Đổ – người hay chữ bậc nhất xứ Bắc một thời từng buông lời giễu vọng: Tham tiền cột mỡ lắm anh leo! Kha kha kha…

(Báo Pháp Luật TP HCM)