Nghi án 700 năm - Trần Quang Lộc

04.03.2020

Nghi án 700 năm - Trần Quang Lộc

Truyện lấy cảm hứng từ nghi án Điểm Bích - Huyền Quang thời nhà Trần. Nghi án kéo dài gần bảy thế kỷ, đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Truyện không phê phán thú chơi quái ác của giới phong kiến thời xưa, cụ thể là vua Trần Anh Tông dùng mỹ nhân kế để đo lường đạo hạnh của bậc chân tu Huyền Quang tôn giả; chuyện không khai thác về cuộc đời nhiều huyền thoại của vị trạng nguyên Lý Đạo Tái thông minh tài giỏi từng làm cho sứ thần phương bắc phải bái phục. Xuyên suốt mạch truyện, người viết dồn tất cả tình cảm của riêng mình dành cho nàng cung nữ Điểm Bích tài hoa nhưng phận mỏng, từng bị nghi oan là dựng chuyện bôi bẩn bậc chân tu.                                                                        

dân làng Hoạch Trạch bỗng phát hiện ra một ngôi mộ cổ bị chôn vùi dưới lớp đất sâu khi họ đào con kênh dẫn thủy băng ngang qua khu bãi bồi tận phía cuối làng. Ngôi mộ được xây bằng đá hoa cương vuông vức, chung quanh có chạm hoa văn tinh xảo. Đầu ngôi mộ có tấm bia bằng đá cẩm thạch hình chữ nhật, bốn góc bể nát. Trên tấm bia có khắc Hán tự, phần lớn đã bị thời gian bào mòn lại vừa bị cuốc xẻng làm hỏng nên chỉ còn ba chữ tương đối nguyên vẹn. 

Được tin cấp báo, ông Chủ tịch xã đến tận nơi xem xét tình hình rồi cho người lên Ủy ban nhân dân huyện Hồng Châu tường trình lại sự việc. Ngay buổi sáng hôm đó, ông Phó Chủ tịch huyện và một cán bộ phòng Văn hóa Thông tin phóng xe về làng Hoạch Trạch xem xét ngôi mộ cổ tồn tại gần ngàn năm. Quan sát một lúc, cả hai lắc đầu. Ông Phó chủ tịch huyện lên tiếng:

- Chịu thôi, mình không thông Hán tự!

Một dân làng đang đứng lóng ngóng cạnh đó sốt sắng mách bảo:

- Ông giáo dạy sử ở làng mình rất thông thạo chữ nho.

Chợt nhớ ra giáo Khương nổi tiếng học thức uyên thâm, thông kim bác cổ, đang ở cách đây không xa, ông Chủ tịch xã vội cho người triệu giáo Khương đến.

Vốn tốt nghiệp khoa sử chính trị loại ưu, thông thạo Hán tự và đọc nhiều thư tịch cổ nên sau khi quan sát các họa tiết hoa văn trên ngôi mộ, đọc ba chữ mờ nhạt trên tấm bia, giáo Khương nói giọng tự tin:

- Mặc dù trên tấm bia chỉ còn ba chữ “...Cung Nữ Điểm...” nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ chứng minh rằng, đây chính là ngôi mộ của Điểm Bích, một cung nữ nổi tiếng sắc nước hương trời, thơ hay, đàn giỏi, rất được vua Trần Anh Tông sủng ái. Chỉ tiếc một điều là đời nàng rất ngắn ngủi và vướng vào một nghi án kéo dài gần bảy thế kỷ!

Ông Chủ tịch xã mắt sáng rỡ, hăm hở cắt lời ông giáo:

- Nếu quả là mộ của một cung nữ đời Trần, được vua yêu quý, chắc trong lớp áo quan đó có chứa nhiều vàng bạc châu báu?

Đoán biết ý đồ của vị lãnh đạo xã, giáo Khương xua tay:

- Theo tôi được biết, trong đó không có vàng bạc châu báu gì cả. Thấy ông Chủ tịch nhìn mình bằng ánh mắt nghi ngờ, giáo Khương tiếp tục giải thích - Căn cứ tài liệu của một danh sĩ thời Tây Sơn để lại thì Điểm Bích mất khi còn rất trẻ, do buồn phiền thân phận, do thất vọng vì yêu đã để lại niềm xót thương cho người đời sau. Nhất là giới cung nhân của các triều đại kế tiếp thường nhắc đến tên nàng với sự nể phục và lòng cảm thông sâu sắc. Nhà thơ Phạm Đình Hổ có kể lại rằng, thời Cảnh Hưng, có một số cung nữ được trả tự do. Trên đường trở về quê quán, họ ghé lại làng Hoạch Trạch để viếng mộ Điểm Bích. Thấy mộ hoang tàn đổ nát, động lòng trắc ẩn, họ thuê người cho di chuyển hài cốt người xưa đến chỗ cao ráo thoáng mát. Khi khai quật mộ, thấy quan tài vẫn còn mới nguyên nhưng thi thể nàng cung nữ tài sắc một thời đã tan thành thứ nước trong suốt, thơm ngát mùi hoa hồng. Ngoài thứ nước cốt ấy ra, không có vàng bạc châu báu gì cả.

Ông cán bộ văn hóa thông tin nãy giờ im lặng, bỗng lên tiếng:

- Thầy có thể cho biết, nguyên nhân nào mà thi thể của một cung nữ rất được vua yêu lại đưa về mai táng tại cái làng nghèo, xa xôi, hẻo lánh này? Tại sao một người con gái tài sắc nhường ấy mà đời sống tình cảm lại có nhiều uẩn khúc?

Giáo Khương lấy thuốc ra đốt, rít một hơi dài nhả nhói, rồi lôi tất cả những hiểu biết của mình được tích lũy trong quá trình tìm tòi nghiên cứu trong các thư viện quốc gia, trên giảng đường đại học, ông đưa mọi người ngược dòng lịch sử để trở lại một triều đại phong kiến huy hoàng, rực rỡ đôi lúc lãng đãng sương mù bằng chất giọng trầm, đầy thuyết phục của ông...

Dưới triều đại Trần Thánh Tông, làng Hoạch Trạch bị mất mùa ba năm liên tiếp. Dân làng đói khổ nên phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mạnh ai nấy đi tha phương cầu thực. Trong số những người rời làng có cô gái trẻ họ Nguyễn nổi tiếng xinh đẹp, thông minh. Vào một đêm mưa gió, người con gái quê lưu lạc ấy phải ngủ nhờ dưới mái tam quan chùa Quỳnh Lâm. Tại đây, tình cờ nàng gặp một chàng trai cũng đang trên đường phiêu bạt. Hai con người cùng chung số phận lại gặp nhau trong đêm mưa gió bão bùng dưới mái tam quan vắng vẻ. Người con gái tội nghiệp không ngần ngại trao cho chàng quả mọng đầu mùa rồi chia tay nhau không ngờ là vĩnh viễn, để lại một Điểm Bích xinh đẹp, tài hoa sau này. Năm Điểm Bích lên sáu tuổi, người thiếu phụ họ Nguyễn mắc bệnh hiểm nghèo. Biết mình không sống được bao lâu nữa, nàng bế con về làng Hoạch Trạch để được chết trên chính mảnh đất quê hương. Thấy hoàn cảnh mẹ con họ Nguyễn rất đáng thương, một phú hộ trong làng nhận nuôi Điểm Bích và lo chôn cất tử tế người mẹ bất hạnh. Điểm Bích càng lớn càng xinh đẹp, thông minh, sắc sảo. Người phú hộ rước thầy về dạy cầm, kỳ, thi, phú cho Điểm Bích, hy vọng sau này sẽ tiến cung hưởng vinh hoa phú quý. Năm mười hai tuổi, quả nhiên Điểm Bích được tuyển vào cung cấm. Vua Trần Anh Tông rất yêu quý Điểm Bích không những vì tài sắc mà còn cách ăn nói dịu dàng quyến rũ nữa.

Càng được vua yêu, Điểm Bích càng chán nản cảnh chim lồng cá chậu và khao khát trở về làng quê nghèo mang đầy kỷ niệm buồn vui của thời thơ ấu để sống thanh thản bình yên như những thảo dân mộc mạc. Nhưng đó chỉ là ước mơ của một ai đã lọt vào chốn thâm cung.

Là một ông vua tài giỏi, đức độ của triều nhà Trần, ngoài việc triều chính, Anh Tông thích giao du với các nhà sư đạo hạnh cao vời, học thức uyên thâm trên núi Yên Tử. Vua thường mời nhà sư Huyền Quang, tức trạng nguyên, nhà thơ nổi tiếng Lý Đạo Tái về cung để bàn quốc sự, luận văn chương thi phú hoặc giảng giải thuyết lý của Thiền phái Trúc Lâm, một giáo phải chủ trương nhập thế rất được dân chúng thời bấy giờ tôn sùng, ngưỡng mộ. Thấy sư Huyền Quang khí lực sung mãn, tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, Anh Tông không tin nổi ông ta có thể trì trai giữ giới để đạt đến bậc chân tu. Vua đem việc này bàn với trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Vị trạng nguyên họ Mạc khuyên vua không được đánh giá con người ở hình thức bên ngoài. Muốn biết rõ đạo hạnh của Huyền Quang phải dùng mỹ nhân kế. Anh Tông khen phải rồi chọn Điểm Bích làm miếng mồi thử lòng Huyền Quang.

Một buổi chiều cuối thu, Yên Tử sơn đắm chìm trong làn sương lãng đãng. Trước cổng tam quan của ngôi cổ tự Yên Hoa, nằm giữa lưng chừng đồi, một người con gái nghèo vai mang tay nải đang khẽ khàng kéo chuông gõ cửa từ bi. Một lúc sau, cửa thiền mở rộng, một nhà sư xuất hiện, cất giọng như chuông ngân :

- Mô Phật, nữ thí chủ cần gì mà lặn lội đến chốn thâm sơn cùng cốc vào giờ này?

Điểm Bích bỗng thấy lòng mình xao xuyến trước một nhà sư tài hoa mà trước đây đã từng nghe tiếng. Nàng cố nén xúc động nói giọng dịu dàng:

- Bạch sư thầy, thiếp người xứ Kinh bắc vì chán cảnh đời nên quyết tâm gởi thân nương nhờ cửa Phật. Xin sư thầy mở lượng từ bi để thiếp được như sở nguyện.

Nói xong, Điểm Bích đứng khép nép vào cánh cổng tam quan, cúi đầu e ấp. Trước vẻ đẹp thanh thoát và lời nói ngọt ngào của người con gái mới đến, sư ngẫm nghĩ giây lát, bảo:

- Cửa chùa luôn rộng mở để đón người có thiện tâm. Riêng nữ thí chủ tuổi còn quá trẻ, nợ trần chưa dứt, hà cớ gì sớm vội xuất gia? Thí chủ phải có thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ kỹ trước khi quyết định số phận mình.

Nói xong, Huyền Quang đi thẳng xuống núi. Nhà sư đi khuất, Điểm Bích đứng thẫn thờ trước cổng tam quan. Thật tình, nàng rất ghét trò tiêu khiển “giăng lưới bắt chim” của vua Anh Tông. Đã từ lâu, nàng ao ước được sống tự do, được hòa nhập vào cảnh sắc thiên nhiên thoáng đãng và nhất là có dịp được hội kiến với nhà thơ nổi tiếng tài hoa, từng làm cho sứ thần phương Bắc phải nể phục. Vì vậy, việc xuất cung là cơ hội tốt giúp nàng thỏa lòng mong ước. Quả thật tiếng đồn không sai, chỉ tiếc là bậc tài hoa nhường ấy mà đã sớm từ bỏ quyền cao chức trọng, phú quí vinh hoa để khoác áo nâu sồng, sống khổ hạnh trên Yên Tử sơn u tịch.

Một lúc sau, Huyền Quang trở lại. Điểm Bích nhìn sư bằng đôi mắt buồn vời vợi. Sư ngạc nhiên hỏi:

- Mô Phật, điều gì còn vướng mắc mà giờ này thí chủ vẫn chưa rời khỏi sơn môn?

Giọng nàng thỏ thẻ:

- Thiếp không còn ai thân thích, không còn chỗ nương thân nên đến ăn mày cửa Phật. Xin sư thầy cho thiếp được theo làm đệ tử. Nếu sư thầy quyết khước từ, thiếp không biết phải về đâu!

Là nhà sư có tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng nên dễ mềm lòng trước hoàn cảnh đáng thương của cô gái. Sư trầm ngâm giây lát rồi thong thả lên tiếng:

- Nếu quả thực nữ thí chủ có thiện tâm thiện ý thì nhà chùa đâu có hẹp hòi gì.

Huyền Quang đưa Điểm Bích vào nhà ngang, nói với bà Hộ, người làm công quả cho nhà chùa:

- Người này có thiện tâm, xin nương nhờ cửa Phật, bà hết lòng giúp đỡ.

Từ đó, Điểm Bích được bà Hộ giao nhiệm vụ mang cơm nước cho Huyền Quang, thời gian còn lại nàng học kinh và lo nhang khói trong chùa. Thế là đôi trai tài gái sắc có dịp được gần gũi nhau giữa chốn thiền môn tĩnh mịch. Lúc đầu, Điểm Bích chỉ nghĩ đơn giản là làm tròn mệnh lệnh của Anh Tông giao phó, dùng sắc đẹp và tài ăn nói quyến rũ của mình để đo mức độ trì trai giữ giới của Huyền Quang. Không ngờ càng về sau, Điểm Bích càng thấy yêu đắm đuối vị sư thầy tài hoa lỗi lạc này. Cứ mỗi lần tiếp cận với Huyền Quang, Điểm Bích thấy lòng xao xuyến, một thứ cảm giác vừa mãnh liệt, vừa dịu dàng mà trước đây nàng chưa hề có mỗi khi gần gũi Anh Tông. Điểm Bích chờ cơ hội thuận lợi để bày tỏ chân tình. Nhưng Điểm Bích thấy lo lắng băn khoăn vì Huyền Quang luôn tỏ ra là bậc chân tu, khó lòng chinh phục. Những lúc nàng lân la hỏi về việc đạo, Huyềng Quang sẵn lòng đem đạo pháp uyên thâm của Thiền phái Trúc Lâm ra khai hóa. Nhưng khi đề cập đến việc đời, về tôn chỉ nhập thế của môn phái thì Huyền Quang tỏ vẻ lơ là, có khi lẩn tránh. Nhiều đêm, Điểm Bích cứ day dứt trăn trở và ghen thầm với đức Phật từ bi vì ngài đã chiếm trọn trái tim người nàng yêu dấu. Có lẽ đức Phật cũng tha thứ cho nàng, bởi dù sao Điểm Bích cũng chỉ là một cô gái đến tuổi yêu và tha thiết được yêu. Đây là lĩnh vực tình cảm hết sức thiêng liêng mà chính ngài đã ban phát cho mỗi con người.

Một hôm, Huyền Quang tình cờ đi ngang qua phòng Điểm Bích, thấy nàng đang ngồi thêu bên song cửa, nét mặt trầm tư. Tức cảnh sinh tình, Huyền Quang ngẫu hứng đọc bốn câu thơ:

Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả liên vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì.

“Người con gái mười sáu trăng tròn xinh đẹp đang ngồi thêu chầm chậm. Con hoàng anh đang nhảy nhót hót líu lo dưới giàn kinh tía. Mùa xuân cứ lặng lẽ trôi đi để lại lòng nàng nỗi niềm thương tiếc. Bỗng nàng dừng lại đường kim rồi yên lặng thẫn thờ”.

Nghe mấy câu thơ trữ tình của Huyền Quang, Điểm Bích vô cùng sung sướng. Hóa ra Huyền Quang vẫn đang chú ý đến mình! Tâm hồn vẫn lãng mạn yêu đời, vẫn phóng khoáng nhân văn của một nhà thơ lớn mà người đương thời thường ca ngợi.

Ngay buổi tối hôm đó, khi ngang qua khu hoa viên, tình cờ bắt gặp Huyền Quang đang đứng ngắm trăng. Điểm Bích ứng khẩu đọc mấy câu thơ:

Vằng vặc trăng soi đáy nước

Hiu hiu gió trúc ngâm sênh

Người hòa tươi tốt, cảnh hòa lạ

Mâu thích ca nào thử hữu tình.

Nghe nội dung bài thơ, Huyền Quang biết, đây là lời tỏ tình của Điểm Bích, Sư cố đè nén sóng lòng đang dâng cuộn và vội vã đi thẳng về chánh điện. Từ đó, Huyền Quang ngày càng tìm cách tránh xa Điểm Bích. Suốt ngày, sư tự giam mình trong thư phòng để đọc kinh, viết sách. Có khi Sư đi thăm đạo hữu đến mười ngày, nửa tháng mới quay về. Sự thay đổi đột ngột của Huyền Quang làm cho Điểm Bích thêm tủi thân và oán trách đấng tối cao đã trót sản sinh ra nàng, mà không ban cho nàng một cuộc sống bình yên hạnh phúc như bao người bình thường khác.

Vào lúc nửa khuya của một đêm hè trăng sáng, Huyền Quang trở về chùa sau chuyến thăm bạn bè ở chốn kinh kỳ. Khi đi ngang qua khu hoa viên, Huyền Quang định ghé lại giếng lấy nước rửa mặt, bỗng có tiếng nước dội ào ào. Huyền Quang dừng lại ngẩng mặt nhìn lên. Hỡi ơi! Trước mặt sư là một thân hình thon thả, nõn nà săn chắc, phơi bày những đường cong tuyệt mỹ dưới ánh trăng trong! Huyền Quang lặng người trước tác phẩm toàn mỹ toàn bích của đấng tạo hóa... Đang chơi vơi hụt hẫng trước sức mạnh của sự cám dỗ, bỗng có tiếng chuông thong thả ngân nga, tiếng chuông của bà Hộ kết thúc bài kinh A Di Đà đã kéo Huyền Quang thoát khỏi vòng xoáy sâu hun hút của sự đam mê. Sư vội chạy ù lên chánh điện đọc bài kinh sám hối rồi khấn lớn:

- Đệ tử là Lý Đạo Tái, pháp danh Huyền Quang, đã từ bỏ phú quý vinh hoa, quyết chí tu hành. Nhưng tâm chưa tịnh, đạo hạnh còn non nên đôi lúc cũng mềm lòng trước người con gái đầy sức quyến rũ. Nếu không có phép màu nhiệm của đức Phật hỗ trợ kịp thời thì đệ tử có thể rơi vào vòng tục lụy. Đêm nay, đệ tử tạm rời sơn môn, đến chay tịnh tại một ngôi chùa trên miền sơn cước để xa lánh lưới tình khó lòng tránh khỏi. Mong Đức Phật từ bi xá tội cho người con gái tội nghiệp và giúp nàng vượt qua nỗi khổ đau trần thế.

Khấn xong, Huyền Quang đứng lên đi thẳng vào phòng riêng, chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa thì bắt gặp Điểm Bích đang đứng khép nép trước phòng văn và nhìn sư bằng đôi mắt buồn thăm thẳm. Huyền Quang đang luống cuống bởi sự xuất hiện bất ngờ của Điểm Bích, giọng nàng run rẩy :

- Xin sư thầy xá tội bởi thiếp vô tình đã làm động tâm bậc chân tu. Xin sư thầy đừng rời bỏ sơn môn...

Tiếp đó, Điểm Bích nói rõ tông tích của mình và thú nhận đã dành cho Huyền Quang một tình yêu sâu nặng. Nàng sẵn sàng từ bỏ cung vàng điện ngọc để cùng sư sống bình yên hạnh phúc như người dân nghèo thôn mạc. Giọng nói đầy quyến rũ của người con gái thông minh, sắc nước hương trời đã khiến lòng Huyền Quang cuộn lên một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa đời và đạo...

Giáo Khương ngừng kể, lục tìm trong túi lấy ra bao thuốc rỗng. Ông Phó Chủ tịch huyện mời thầy một điếu rồi háo hức hỏi:

- Rồi chuyện gì đã xảy ra giữa hai con người tài sắc trong đêm trăng thơ mộng đó ?

Giáo Khương mỉm cười:

- Chịu! Chỉ có trời mới biết. Do vậy mà cho đến ngày nay, gần bảy trăm năm vẫn còn nhiều người tranh cãi nhau quyết liệt về vấn đề này. Nếu cho Huyền Quang là bậc Thánh Tăng, là vị La hán tái thế thì đêm trăng hôm ấy vẫn là đêm trăng tĩnh lặng như của hàng ngàn vạn năm trước trên Yên Tử sơn. Còn bảo sư Huyền Quang vẫn là nhà thơ Lý Đạo Tái có tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, nhân văn, là đệ tử của phái Trúc Lâm chủ trương nhập thế thì câu chuyện sẽ rẽ sang hướng khác! Chỉ biết rằng, vào năm Khai Hựu thứ hai (1330), sư Pháp Loa trước khi viên tịch, ngài đã chọn Huyền Quang làm vị sư tổ đời thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm.

Giáo Khương thong thả rít một hơi thuốc dài nhả khói rồi trở lại câu chuyện bị bỏ dở:

- Khoảng nửa tháng sau, Điểm Bích bị triệu về hoàng cung đột ngột. Nàng cho Anh Tông biết, Huyền Quang là bậc chân tu, không thể dùng sắc đẹp trần tục để lung lạc ý chí. Vua Anh Tông rất hài lòng và nể phục đạo hạnh tột cùng của sư Huyền Quang.

Nhưng có một điều rất lạ là từ ngày trở lại hoàng cung, Điểm Bích lúc nào cũng buồn vời vợi, đôi mắt thẳm sâu hướng về một chốn xa nào đó. Tiếng đàn của nàng cũng trở nên ai oán, sâu lắng. Nàng thường làm thơ, những bài thơ thấm đẫm tình yêu. Những cuộc ái ân cũng không sôi nổi cuồng nhiệt như trước. Anh Tông đâm ra nghi ngờ, tự hỏi : “Đôi trai tài gái sắc nửa năm sống kề bên nhau giữa thiên nhiên u tịch lẽ nào không xảy ra chuyện ân ái gió trăng?” Một hôm, Anh Tông tình cờ bắt gặp bài thơ Giai nhân tức sự của Điểm Bích, trong đó có câu “Mâu thích ca nào thử hữu tình”. Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, Anh Tông nổi cơn thịnh nộ vội rút kiếm thượng phương định chém đầu Điểm Bích về tội khi quân, phản bội. Nhưng nhìn thấy một trang quốc sắc đang quỳ rũ rượi dưới chân mình, Anh Tông ném thượng phương bảo kiếm rồi giáng Điểm Bích xuống làm thị nữ quét dọn chùa ở cung Cẩm Linh. Chưa hả giận, Anh Tông cho mở hội Vô gia rồi sai người lên Yên Tử sơn triệu Huyền Quang về triều làm lễ. Để làm nhục Huyền Quang, nhà vua cố ý cho người bày những thức ăn mặn xen kẽ với hương hoa trà quả.  Trong lúc Huyền Quang đang làm lễ, bỗng giông tố nổi lên cuốn theo mọi thức ăn mặn. Có người cho rằng, Huyền Quang là bậc chân tu nên đã cảm đến trời đất. Từ đó, Anh Tông không còn nghi ngờ đạo hạnh của Sư Huyền Quang. Sự kiện lạ lùng này được ghi trong sách “Tam tổ thực lục”. Biết có đúng không?

Riêng Điểm Bích làm thị nữ ở chùa Cảnh Linh chưa được hai tháng thì bị bệnh nặng. Lúc lâm chung, Anh Tông có đến thăm. Thấy nàng cung nữ một thời xuân sắc tài hoa giờ đây như một chiếc lá khô, Anh Tông vô cùng hối hận. Nhà vua bùi ngùi nắm lấy bàn tay xương xẩu, lạnh buốt của Điểm Bích:

- Ta có lỗi với khanh. Nếu việc đó xảy ra là cũng do ta chơi trò “giăng câu bắt cá”. Nàng cứ thanh thản ra đi. Ta sẽ tổ chức tang lễ của nàng trọng thể theo bậc vương phi.

Giọng Điểm Bích nhẹ như cơn gió thoảng:

- Thần thiếp đội ơn bệ hạ, nếu còn thương tưởng đến phận hèn này, xin bệ hạ cho đưa hài cốt của thiếp về mai táng trên quê cha đất tổ. Không cần phải tổ chức trọng thể, làm kinh động bá tánh.

Theo lời yêu cầu, sau khi Điểm Bích mất, Anh Tông cho người mang hài cốt của nàng về mai táng trên làng Hoạch Trạch, cho xây bia mộ tử tế.

Điểm Bích mất đi để lại niềm thương tiếc cho người đời sau. Thơ văn của nàng thất lạc gần hết, chỉ còn lưu lại vài bài cho hậu thế. Nhiều nhà thơ lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sỹ, Lê Quí Đôn,... đã dành cho nàng những bài thơ dạt dào tình cảm. Đặc biệt, tiến sĩ Ninh Tốn từng làm đến chức binh bộ thượng thư khi đi chơi núi Yên Tử đã ghi lại bài thơ, thể hiện niềm tiếc thương người con gái tài hoa nhưng phận mỏng:

Bích Nương từ thuở biệt sơn môn

Muôn thuở còn ghi nỗi tủi hờn

Muốn mượn xạ lan xông cửa Phật

Đâu ngờ cây đá khóa thiền quan

Giai nhân không sức gây nên pháp

Nước tịnh hiềm chi giải sắc oan

Du khách bồi hồi tìm dấu cũ

Gió từ chẳng giữ chút hương tàn.                                  

Giáo Khương ngừng kể rồi quay sang ông Phó Chủ tịch huyện:

- Điểm Bích quả là con người tài hoa nhưng mệnh bạc. Không ngờ mộ nàng tồn tại trên làng ta gần bảy trăm năm. Các anh nên tổ chức cải táng trọng thể nơi thoáng mát, lập miếu thờ phụng. Biết đâu sau này sẽ được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa?

Ông Phó Chủ tịch Huyện sốt sắng gật đầu. Riêng ông Chủ tịch xã tự trách mình lú lẫn nên không khai quật mộ trước rồi báo cáo sau.

Ba ngày sau, giáo Khương gởi một loạt bài viết về cung nữ Điểm Bích lên tòa soạn các báo Trung ương, đồng thời cũng công bố cho bàn dân thiên hạ biết, ngôi mộ của nàng vừa được tìm thấy trên làng Hoạch Trạch.

Nghi án Điểm Bích - Huyền Quang chìm sâu dưới lớp bụi thời gian gần bảy trăm năm bỗng được khơi dậy gây nên những cuộc tranh cãi sôi nổi, ầm ĩ trên văn đàn hiện đại. Các nhà sư cũng chia thành hai phe công kích nhau quyết liệt.

Cãi nhau cũng nhàm, họ lại lũ lượt kéo nhau về làng Hoạch Trạch vừa để viếng mộ Điểm Bích, vừa tận hưởng không khí tươi mát trong lành của một miền quê yên bình, cảnh sắc nên thơ...

Bên cạnh mộ Điểm Bích, chính quyền xã cho xây một ngôi chùa lớn theo kiểu cổ xưa: vòm cong, mái cuốn, lợp ngói âm dương, chạm rồng trổ phượng để thờ cung nữ Điểm Bích và lấy ngày phát hiện ra ngôi mộ làm ngày tổ chức lễ hội hàng năm, gọi là lễ hội Chùa Điểm. Ngày thường, khách tham quan đã đông, ngày lễ hội đông vô kể. Dân làng Hoạch Trạch nghèo kiết từ thời cụ kỵ bỗng phất lên như diều gặp gió: nhà tranh vách đất thành nhà cấp bốn, nhà cấp bốn biến thành ba bốn tầng, tiện nghi xe cộ đầy đủ. Chẳng bao lâu, làng Hoạch Trạch trở thành thị trấn sầm uất nhộn nhịp, kinh tế phát triển. Các cụ trong làng kháo nhau rằng, làng ta ăn nên làm ra là nhờ âm đức của cô Điểm.

Chuyện gì đã xảy ra giữa đôi trai tài gái sắc giữa đêm trăng trên Yên tử sơn u tịch cách nay gần 700 năm nay vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi!

T.Q.L