Cái duyên với người miền biển - Trung Trung Đỉnh

04.03.2020

Cái duyên với người miền biển - Trung Trung Đỉnh

Tôi hồi học phổ thông những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước đã yêu Đà Nẵng bởi Đà Nẵng là thành - phố - cảng của miền Nam thương yêu kết nghĩa với thành phố Hải Phòng quê tôi. Bây giờ nhắc lại sự kiện này thì có vẻ bình thường, nhưng những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ thì đó là một sự kiện rất thiêng liêng đối với thế hệ 4X. Ngày ấy chưa có nhiều phương tiện  truyền thông như bây giờ. Mọi sự kiện truyền thông đều thô sơ: Lớn thì mít-tinh lớn, nhỏ thì có các cuộc nói chuyện của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà tuyên truyền về nói chuyện. Trường cấp III Ngô Quyền của chúng tôi sơ tán về nông thôn  xa tít, nhưng các thầy cô cũng  mời được chú bộ đội người Đà Nẵng về kể chuyện thành phố cảng Đà Nẵng, nơi quân Mỹ đổ bộ đầu tiên vào xâm lược nước ta. Chú ấy kể về cảnh đẹp của Non Nước, của đèo Hải Vân tiếp giáp với Thừa Thiên Huế. Chú kể cảnh đẹp của Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Rồi chú kể về Hội An, Tam Kỳ, Trà Kiệu... Nhưng ấn tượng đậm đà sâu sắc nhất đối với lớp trẻ chúng tôi là trận đánh thắng Mỹ đầu tiên của quân ta ở Núi Thành. Thành phố Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng đều được phong là thành phố TRUNG DŨNG KIÊN CƯỜNG. Hai thành phố cảng thân yêu của Tổ Quốc luôn hướng ra biển cả hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước, ấy là sự nghiệp giải phóng  miền Nam, thống nhất đất nước. Biển cả là nguồn sống, là niềm khao khát ước mơ và là định hướng cho tuổi trẻ chúng tôi. Chúng tôi lớn lên cùng với đồng lúa quê hương và cùng với biển cả. Vì lúc ấy là chiến tranh, mọi việc, mọi sự đều phải tập trung cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vì miền Nam ruột thịt. Người dậy sóng. Biển dậy sóng. Hà Nội, Hải Phòng là hai điểm nóng. Thanh niên Hải Phòng, thanh niên Hà Nội náo nức tòng quân nhập ngũ hướng vào Sài Gòn - Đà Nẵng, Huế yêu thương đánh Mỹ. Người Đà Nẵng hướng ra Hải Phòng, người Hải Phòng hướng vô Đà Nẵng.

Tôi luôn tin trong cuộc sống của chúng ta ai ai cũng có cái “duyên cái số”. Tôi khi ấy mới mười bảy mười tám đã phải đi lính. Cuộc hành quân bộ của chúng tôi ròng rã ba bốn tháng trời trên đỉnh Trường Sơn. Vào đến miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng thì bị sốt rét ác tính phải nằm lại. Chặng đầu gian nguy và khốc liệt. Sau trận bom B52 rải thảm của Mỹ chúng tôi tụ họp quanh đồng chí sĩ quan trẻ oai phong người Quảng Đà đứng trên ụ mối huơ huơ cây ba toong nói rất to rằng: Ai không thích nhặt ống bơ thì theo tôi. Từ “nhặt ống bơ” hồi ấy trên đường dây là chỉ những người yếu bóng vía tìm cách ở lại hậu phương, chờ chiến thắng rồi  chỉ còn mỗi việc “nhặt ống bơ” sau khi anh em đánh trận, trốn chạy ác liệt khó khăn tìm nơi dễ sống. Thế là toán lính thu dung chúng tôi vừa thoát chết sau trận B52 nhất loạt ùa lại theo “thủ  trưởng”. Sau một chặng hành quân cả tháng trời đói khát, chạy địch càn ác liệt “thủ trưởng” đưa chúng tôi đến một binh trạm  có cái tên là “Trạm Chín Cô”. Theo lời đồn đại của quân ra quân vào thì trạm này do 9 cô cai quản. Nhưng trạm vắng hoe! “Thủ trưởng” bảo anh em hạ ba lô nghỉ, nấu ăn, mai sẽ có giao liên đến dẫn.

Đồng chí “thủ trưởng” bảo anh phải vô Quân Khu họp, anh em cứ ở đây yên tâm. Hướng ra biển Đông những người lính trẻ chúng tôi chờ đợi những cuộc đụng đầu với lính Mỹ với các đơn vị có danh hiệu “Anh cả đỏ” với “Trâu điên” đang hoành hành...

Tối mịt hôm đó có ba chị về thật. Các chị đều vâm váp, khỏe và gùi ba gùi nặng kinh khủng. Hóa ra đó là những gùi hàng mà các chị mới đi đồng bằng mua về. Các chị rất xởi lởi mở gùi lấy ra những gói mì in hình những chú tôm đỏ lừ, những lon cá hộp mà lần đầu chúng tôi mới thấy. Rồi cả sữa “ông Thọ” mấy chị khui cho chúng tôi uống. Được ăn, được uống no nê, được “xem” các chị nấu bếp rất nhanh và các chị hút thuốc lá rất thiện nghệ. Chúng tôi được các chị cho hút thuốc, thứ thuốc quấn bằng lá nặng kinh khủng. Các chị nói rất nhiều bằng tiếng Quảng và chúng tôi nghe không được, cứ vâng dạ liên hồi. Cái chính là vì nghe giọng nói và âm thanh chưa quen. Nhưng rất vui.

Thế rồi sau này về đơn vị chiến đấu được một thời gian chúng tôi mới biết các chị đều là... những người cô đơn không ai có gia đình. Các chị đều là các chiến sĩ thi đua, các dũng sĩ gùi hàng khỏe nhất của mặt trận. Gùi gạo, gùi đạn, gùi muối, gùi thực phẩm, gùi công văn giấy tờ, thư từ, gùi đạn to đạn nhỏ, gùi và cáng cả thương bệnh binh, đủ thứ việc đến tay các chị. Gùi hàng. Gùi thứ gì các chị đều gọi là gùi hàng. Không hiểu vì sao các chị khỏe thế? Các chị rất khỏe thì đúng hơn. Cấp trên có biết không? Có biết. Cấp dưới như chúng tôi có biết không? Có biết. Nhưng ai cũng biết mà để các chị cứ sống như vậy. Các chị chỉ có mỗi việc gùi hàng và gùi hàng, đi đêm đi ngày, đi tuần nọ sang tháng kia. Hàng là đạn to súng nhỏ. Hàng là công văn giấy tờ thư từ tình cảm của mọi người, nhưng sự hy sinh của các chị thì biết đấy nhưng vẫn cứ như không biết! Tôi nói, sau này tôi mới biết mấy chị còn lại là những người sống sót, vượt qua các căn bệnh phụ nữ, vượt qua các căn bệnh ác độc của chiến tranh bằng ý chí kiên cường và bằng tình yêu quê hương lớn lao. Hồi mấy năm trước đó đơn vị các chị có hàng vài trăm người. Rồi cứ hao hụt dần, ngày chúng tôi vô đến đây thì chỉ còn chín chị. Sau Ba mươi tháng Tư, tôi là thằng lính sống sót của đơn vị, tôi về Đà Nẵng, đi tìm các chị, nhưng các chị tứ tán mỗi người một nơi. Chị thì về quê, chị đi tu, chị theo anh chị em bà con... rồi mất. Mất tích và mất tăm mất dạng...   

Hải Phòng quê hương tôi. Nhưng Đà Nẵng và tôi, tôi và Đà Nẵng và các chị như có cái duyên cái số... Anh “Thủ trưởng” dẫn toán lính trẻ bị bom B52 tan tác dọc đường về đơn vị rồi thả chúng tôi  cho trạm CHÍN CÔ. Sau ngày giải phóng tôi cũng cố tìm hoài mà không tìm được. Nghe nói anh ấy hy sinh trong một trận đánh ở vùng ven đô năm 1979. Nhưng lại cũng có tin anh chỉ bị thương nặng, gãy một chân, được chuyển ra Bắc điều trị. Anh đẹp trai, cái dáng rất thanh mảnh và lanh lợi. Anh nói giọng Quảng khi nói chuyện với các chị và nói giọng Bắc khi nói chuyện với cánh tôi. Anh nói tiếng dân tộc mỗi khi vô làng dân tộc dọc đường hành quân. Anh xin, anh đổi gạo, mì với đồng bào. Anh hát tiếng dân tộc với các  anh chị du kích và kể chuyện tiếu lâm với chúng tôi khi hành quân nặng nhọc. Vậy mà tôi thật vô tình, mãi sau này tôi vẫn bị ám ảnh vì không biết tên anh, không biết hoàn cảnh gia đình, quê anh cụ thể. Ngay từ đầu cứ gọi anh là “Thủ trưởng”. Cả cánh lính hơn hai chục thằng đều gọi anh là “Thủ trưởng” và anh cũng vui vẻ nhận cái danh ấy. Tôi vẫn thầm cầu nguyện cho anh được sống sót sau cuộc chiến và cầu mong có sự tình cờ nào đó đọc được đoạn hồi ức nhỏ nhoi này của tôi thì tôi và anh đều hạnh phúc biết bao...

Biển cả, Hải Phòng - Đà Nẵng và tôi, ấy là cái duyên cái số của tôi. Tôi là thằng lính chiến sau cái đận được “Thủ trưởng” dẫn vô trạm CHÍN CÔ, chúng tôi được Ban Quân lực của Quân Khu phân về  các đơn vị. Một số chúng tôi được phân công về Gia Lai do Tham mưu trưởng tỉnh đội Gia Lai đi họp Quân Khu về cùng “Thủ trưởng” đón. Tôi và gần hai chục đồng chí được thủ trưởng Điểm đưa về huyện đội An Túc (An Khê) mà hồi đó gọi là Khu 8. Thủ trưởng Điểm là dân Khu V, bạn của “Thủ trưởng” vì vậy mới “xin” được “Thủ trưởng” của chúng tôi cho Gia Lai hai chục tay súng trẻ toanh từ Bắc mới vô.

Tiếp tục cái duyên cái số của tôi. Chúng tôi về K8 thì người đầu tiên chúng tôi gặp là Huyện đội trưởng Hào. Ông đã khá lớn tuổi, phải đến Sáu chục hơn, nhưng quắc thước và có dáng vẻ rất hào sảng, cũng người Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông cao to và nói rất to, giọng rất khó nghe, nhưng tính ông thì ngay thẳng và quyết liệt. May mà ông Hào lại rất hiền hậu, dễ gần tuy hay vặn bẻ, ham tranh luận và hiếu động. Không thấy ông chịu ngồi yên một chỗ bao giờ.

Huyện đội K8 của chúng tôi là huyện đội trực tiếp đối đầu với Sư đoàn không vận số I của Mỹ ở An Khê. Những năm ấy, bầu trời An Khê không lúc nào ngớt tiếng cánh quạ trực thăng và tiếng gầm rít xé gió của máy bay phản lực. Có những ngày hàng đàn máy bay trực thăng vài trăm chiếc bay thành nhiều tầng, nhiều lớp xoáy nát cả những cánh rừng quanh căn cứ An Khê. Chiến thuật “Trực thăng vận” của Mỹ với lượng bom pháo dày đặc khiến các  buôn làng quanh  núi bao bọc quanh An Khê như một núi lửa. Đơn vị chúng tôi và dân làng ĐeBaNganl lẩn quất quanh khu núi Hảnh Hót và phía  dọc đèo An Khê, cả phía trong núi KanNak, núi Hòn Kong... Ông Hào là một thủ lĩnh ngoan cường. Ông thuộc cả vùng K7, K2, K8 như trong lòng bàn tay. Ông chỉ huy đơn vị cùng đội du kích làng ĐeBaNganl như một già làng lão luyện và ngoan cường. Ông nói tiếng BahNar như người BahNar. Ông nói tiếng Gia Rai như người Gia Rai. Vậy nên sau đó ông lấy được chị vợ to khỏe là chị nuôi của đơn vị chúng tôi, người BahNar. Tất cả lính huyện đội chúng tôi cùng đội du kích BahNar tác thành cho duyên số hai người trong thời chiến. Một cái đám cưới giữa hai trận chạy càn của quân Mỹ và quân PắcChungHy (Nam Triều Tiên) được chúng tôi mở ra giữa cánh rừng già có một cái tranh anh họa sĩ của đơn vị vẽ: Người biển lấy người rừng hạnh phúc.  

Ông Hào là người Đà Nẵng điển hình của tính cách Quảng: Trung Dũng Kiên Cường mà tôi may mắn được làm lính của ông.

Thêm một vài cơ duyên tôi được gặp và sống chung cùng các nhà văn Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Lưu Trùng Dương từ trên rừng Trà My, Nước Oa, Nước Ồ, Trại viết Quân Khu V về xum tụ tại 10 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng .

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 do cơ duyên, tôi một lần nữa, được đơn vị cử về Đà Nẵng dự học tại trường Văn hóa Nghệ thuật, ngành Thư viện và tôi được làm học trò của Giáo sư Hoàng Châu Ký. Ông là người mở mang cho tôi nhiều thứ về sự học hỏi tích cóp bền lâu của một trí thức và sự cần mẫn lao động của một người làm công việc sáng tạo. Ông là một nhà văn hóa của đất nước và của Đà Nẵng mà tôi tôn sùng và nhớ ơn suốt đời.

Với tôi, Đà Nẵng vừa là cơ duyên vừa là nghĩa tình. Đất và người Đà Nẵng đã là một phần của cuộc đời tôi mà tôi không thể nào sao nhãng.

 T.T.Đ