Một lần đến Melbourne - Văn Khoa

05.03.2020

Một lần đến Melbourne - Văn Khoa

Mùa xuân trên thành phố Melbourne

Nằm phía Đông Nam lục địa châu Úc, Melbourne là thủ phủ, thành phố lớn nhất bang Victoria, thành phố lớn thứ hai của Úc. Địa danh “Melbourne” dùng để gọi tên toàn bộ vùng đô thị rộng hơn 9.900 km² gồm nhiều khu dân cư khác nhau, đồng thời cũng là tên gọi của trung tâm thành phố. Đại dương mênh mông, ngăn cách Úc với châu Á bởi biển Arafura và biển Timor. Chính vì thế, khí hậu ở Melbourne chịu ảnh hưởng bởi các dòng hải lưu với bốn mùa phân hóa rõ rệt trong một ngày, có nhiều nét rất tương đồng với Đà Lạt của Việt Nam. Do vị trí ở bán cầu Nam nên các mùa ở Melbourne không giống với một nửa trái đất còn lại, mùa xuân (tháng 9 - tháng 11), mùa hè (tháng 12 - tháng 2), mùa thu (tháng 3 - tháng 5) và mùa đông (tháng 6 - tháng 8).

Tôi đến Melbourne một ngày đầu xuân. Nhịp sống bình yên, thanh thản đến lạ thường. Dường như nơi đây rất khó để chúng ta tìm thấy sự ồn ào, náo nhiệt của một Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật) hoặc Las Vegas (Mỹ). Khác với Sydney, Melbourne là một thành phố xưa cũ với nhiều những con phố dài bình yên và cổ kính nằm ven theo dòng sông Yara thơ mộng. Dọc những con đường, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những tán cây to khoác lên mình chiếc áo mới non tơ, quyến rũ. Hoa lê trắng tinh khôi, hoa đào khoe sắc hồng tươi thắm khiến tôi ngỡ ngàng như lạc vào xứ sở của thần tiên. Lễ hội hoa tulip Tesselaar cũng bắt đầu rộn ràng trên khắp bang Victoria để cho người dân và du khách thưởng thức vẻ đẹp của hàng triệu bông hoa uất kim hương được trồng thành từng luống dài ngút mắt.

Ngoài môi trường sống tốt nhất thế giới, Melbourne có nền kinh tế phát triển bền vững, cơ sở vật chất hiện đại và hệ thống y tế, giáo dục hàng đầu. Từ 2010 đến 2017, Melbourne liên tục được vinh danh là thành phố đáng sống nhất thế giới. Năm 2019, theo Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU), Melbourne tiếp tục giữ những thứ hạng cao trong danh sách đó, trên cả Sydney. Là “thủ đô văn hóa của Úc”, Melbourne nổi tiếng với những hoạt động nghệ thuật sôi động, thu hút nhiều người định cư nhất nước Úc từ

hơn 140 có nền văn hóa khác nhau. Melbourne được Chính phủ Úc lựa chọn để phát triển thành thành phố lớn nhất nước Úc vào năm 2030. Để phục vụ kế hoạch này, bang Victoria đang tập trung đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Melbourne. Bên cạnh đó, Chính phủ bang cũng sẽ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mục đích là để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, duy trì sự thịnh vượng của toàn bang nói chung và thành phố Melbourne nói riêng.

Nói đến Melbourne là nói đến thành phố của những khu vườn hoàng gia. Từ những năm 1850, Melbourne đã nổi tiếng với nhiều tòa nhà lộng lẫy uy nghi cùng những khu vườn thượng uyển xanh mướt mang phong cách hoàng gia. Quy hoạch công viên tại đây chiếm khoảng 25% diện tích trung tâm Melbourne khiến không gian thành phố thoáng đãng, đầy cây xanh và trong lành. Tản bộ khoảng 15 phút, tôi đến khu vườn Hoàng gia Carleton, một trong những vườn cây đẹp nhất Australia, nằm ở phía đông của trung tâm thành phố. Nơi đây, du khách cũng có thể tìm thấy Captain Cook's Cottage, một trong những tòa nhà lịch sử nhất ở Úc, được xây dựng tại Anh, sau đó di chuyển đến Melbournevào đầu thế kỷ 20. Có lẽ vì thế mà người ta gọi Melbourne là “Melbourne mỹ lệ” hay “thành phố nữ hoàng của miền Nam Australia”.

Giao thông tại Melbourne

Melbourne có một hệ thống giao thông phong phú, bao gồm tàu hỏa, tàu điện, xe buýt và đặc biệt là xe đạp (không thấy xuất hiện xe honda). Từ trung tâm thành phố, một mạng lưới đường sắt nội đô rộng lớn, các vùng nông thôn và tiểu bang kết nối với nhau tại nhà ga Southern Cross bận rộn ngày đêm.

Mua chiếc thẻ “myki” với giá 159 AUD (dùng cho 1 tháng), tôi vội vàng lên một tàu hỏa để trải nghiệm một chuyến đi ngắn từ ngoại ô Sunshine North về trung tâm thành phố, chuyến tàu lao vun vút qua Tottenham, Footcray, nơi có trường đại học Victoria và North Melbourne. Ngồi bên cạnh tôi là một cô gái người Úc, khoảng 25 tuổi, nhân viên siêu thị của Shopping Center Plaza ở Sunshine. Chia sẻ về hệ thống giao thông công cộng, cô nói rằng, khi sống tại bang Victoria (Úc), việc đi đến trường, đi làm, thăm bạn bè hay thăm quan, bạn sẽ tìm được đường một cách nhanh chóng, thuận tiện với giá cả hợp lý. Tất cả hành khách thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, người trong độ tuổi từ 05 đến 18 tuổi (dưới 19 tuổi) được ưu tiên thẻ Child myki với mức giá ưu đãi. Quy định này áp dụng cho tất cả hành khách từ 18 tuổi trở xuống (bao gồm học sinh quốc tế và khách du lịch) với điều kiện hành khách phải chứng minh được mình thuộc nhóm người này.

Tại Úc, những ngã tư hoặc những điểm giao nhau của đường phố, khách du lịch thường thấy rất nhiều loại xe đạp công cộng. Người dân có thể sử dụng để đạp xe dạo quanh thành phố. Mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp an toàn và rộng khắp của Úc vì đây phương tiện phù hợp, mọi người có thể mang xe đạp lên tàu hỏa. Sử dụng xe đạp công cộng sẽ giúp cho sinh viên và người dân nơi đây tiết kiệm được chi phí, bảo vệ môi trường và có nhiều ưu đãi. Xe đạp có thể đi chung đường cùng với nhiều phương tiện khác tại nhiều khu vực khác nhau. Khi mở bản đồ dành cho người đi xe đạp, tôi phát hiện nhiều điều thú vị khi có 3 loại đường dành cho người đi xe đạp. Trước hết là đường biệt lập dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ (Shared Off- Road Bike Path). Đường này có chiều ngang  gần 3 mét, ở giữa có vạch sơn trắng dành cho hai chiều lên xuống, chạy song song, cách đường xe hơi từ 4 - 5 mét hoặc dài hơn, thỉnh thoảng trên mặt đường có in sơn hình xe đạp và hình người đi bộ. Thứ hai, đường xe đạp chung với đường xe ô tô (On Road Bike Lane), xe ô tô lưu thông bên ngoài, xe đạp bên trong. Chiều ngang của đường xe đạp khoảng 1 mét, loại đường này thường có hai chiều lên và xuống biệt lập nhau, có sơn hình xe đạp trên mặt đường. Cuối cùng là đường xe đạp có thể sử dụng một cách không chính thức (Informai Bike Route), chỉ dành riêng cho người đi xe đạp, thường đi lẫn vào trong khu dân cư, khu thương mại hoặc nối liền với các đường nhỏ trong thành phố, không có in sơn hình xe đạp trên mặt đường. Di chuyển bằng xe đạp trong các khu vực này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí khá nhiều so với các phương tiện khác khi đi qua những con đường tắt, các khu thương mại liền kề hoặc các chợ trung tâm.

Để khám phá trung tâm thành phố Melbourne, tôi lên tàu điện (còn gọi là City Circle). City Circle là hệ thống tàu điện đặc trưng ở Melbourne, giữ nguyên thiết kế cổ, nhận diện bên ngoài là màu đỏ, nâu vàng và xanh lá. Nội thất bên trong tàu điện khiến tôi liên tưởng tới những chuyến tàu từ những thế kỷ trước. Dường như thành phố quyết tâm giữ lại hệ thống giao thông này như một biểu tượng nhằm thu hút khách du lịch. Trong hệ thống tàu điện City Circle ở Melbourne, nổi tiếng nhất là tuyến số 35 (tram 35) với hành trình khoảng 30 phút, tuyến đường hoàn toàn miễn phí, chủ yếu phục vụ du khách du lịch đi qua các địa điểm mua sắm, tham quan (có thuyết minh) như tòa nhà kho bạc cũ, tòa nhà Quốc hội, nhà hát Princess,... Ngoài tàu điện, xe bus miễn phí cũng chạy qua nhiều điểm du lịch chính của trung tâm, trong đó có bảo tàng Melbourne, vườn Carlton, chợ Nữ

hoàng Victoria, Trung tâm hải dương Melbourne, bảo tàng nhập cư, vườn thực vật hoàng gia, phố người Hoa,...

Dòng sông Yarra

Nếu sông Seine của Paris (Pháp) ẩn chứa nhiều câu chuyện tình lãng mạn cùng những giai điệu tình tứ, thì Yarra là một dòng sông cổ kính, thanh bình, lững lờ trôi giữa thành phố, linh hồn của Melbourne hoa lệ.

Chiều buông chậm, tôi dạo bước dọc bờ sông Yarra, ánh nắng vàng ươm trải dài trên lối đi, từng cánh chim bay về ríu rít trên những bãi cỏ xanh mướt. Hai bên bờ, một vài đôi tình nhân mơ màng nhìn về khơi xa, một nhóm du khách đang ngồi trên ghế đá chờ đợi du thuyền. Dường như các thành phố trên thế giới khi mới hình thành đều bắt đầu bên những dòng sông, nơi cung cấp nước cho các hoạt động của con người. Không ngoại lệ, năm 1835, những người thổ dân đã chọn những vùng thấp nhất của dòng sông này để định cư. Sông Yarra bắt nguồn từ dãy núi Yarra, chảy dài 242 km, qua thung lũng Yarra đến đồng bằng, đổ vào vịnh Hobsons ở cực Bắc cảng Phillip. Con sông từng nuôi dưỡng thổ dân Wurundjeri từ thời tiền sử đã bị người Anh xâm lược khiến họ phải bỏ đi để đến những miền đất xa xôi.

Cùng với một nhóm khách du lịch người Mỹ, tôi mua vé, bước xuống du thuyền. Giá vé tương đối rẻ, 45 AUD cho 1 giờ, muốn đi xa hơn, đến tận cửa biển, khách phải mua vé 75 AUD trong 2 giờ. Thuyền rộng, thoáng, có thể nhìn thấy toàn bộ các công trình kiến trúc hai bên bờ sông. Chừng 15 phút, khi thấy tôi chăm chú nhìn về một tòa nhà lớn, một người Úc ngồi bên giới thiệu, đó là Crown Casino, một sòng bạc nổi tiếng, lớn nhất Australia, nằm ở bờ Nam sông Yarra. Đây là một công trình được Daryl Jackson, một kiến trúc sư nổi tiếng cùng cộng sự thiết kế. Diện tích Crown lên tới 510.000m2, nơi diễn ra các buổi trình diễn pháo hoa, phun nước với hệ thống ánh sáng hiện đại kết hợp tương ứng. Bên trong sòng bài là 400 bàn chơi trực tiếp, 2.500 máy tự động cho những loại phổ biến như roulette, baccarat, blackjack, xúc xắc, Pai Gow poker.

Cuối hành trình là cảng Melbourne, nằm ngay cửa sông. Đây là cảng container lớn nhất Australia, có diện tích rộng 143.000m², được Tổng công ty cảng Melbourne xây dựng vào năm 1889, chiếm gần 37% của tổng số lượng container thương mại trên toàn nước Úc. Trước khi quay về bến, ngang qua một khu đô thị, thuyền trưởng giới thiệu một khu đô thị ven sông, bao gồm các ngôi biệt thự (800 - 1.000m2) vừa được xây dựng với giá 5 triệu AUD, tương đương 80 tỷ đồng. Thật ra, với mức thu nhập cao của người dân, môi trường sống văn minh và hiện đại, giá bất động sản tại thành phố này rẻ hơn nhiều so với một biệt thự ở Đà Nẵng, điển hình tại khu Euro Village hiện nay, một căn biệt thự tương đương có bình quân trên dưới 60 tỷ đồng.

Bãi biển Kilda

Từ nhà ga cổ Flinders, tôi đi tàu điện đến St Kilda. Con đường dài, thật đẹp băng qua khu ngoại ô yên tĩnh của thành phố Melbourne. St Kilda là một bãi biển tuyệt đẹp, dài 700 m, được phát hiện vào năm 1900, cách trung tâm thành phố Melbourne khoảng 6 km về phía Nam. St Kilda nằm giữa 2 con đường St Kilda Marina và St Kilda Harbor, chạy dọc theo đại lộ Jacka và St Kilda Esplanade, được bao quanh bởi cảng Phillip nên không bị ảnh hưởng của sóng biển. Đến nơi đây, du khách ngỡ ngàng với những con đường lát gỗ tự nhiên rợp bóng dừa, dọc dài giữa công viên, quán cà phê, bar, khách sạn và nhà hàng cao cấp.

Trước đây, St Kilda là vùng đất Euroe Yroke, thuộc quyền sở hữu của bộ lạc Boon Wurrung (dân tộc Kulin). Họ thường tụ họp dưới gốc cây sồi đỏ nghìn tuổi (gọi là “Corroboree”) ngay giao lộ St Kilda. Tên St Kilda, được đặt bởi người cai quản La Trobe vào năm 1841 khi ông này nhìn thấy cảnh chiếc thuyền có tên 'quý cô của St Kilda' nhổ neo ra khơi. Suốt thế kỉ 19, St Kilda được giới quý tộc Melbourne yêu thích, di chuyển đến đây sinh sống, nhiều biệt thự nguy nga, tráng lệ được xây dựng dọc theo những đồi dốc và ven sông.

Năm 1912, công viên Luna trên bãi biển được xây dựng, trở thành trung tâm giải trí lớn, hiện đại nhất thế giới. Sau thế chiến thứ II, St Kilda trở thành khu vực 'đèn đỏ' của Melbourne. Những năm 60 sau đó, nó được biết đến rộng rãi bởi phong cách “bohemian”, thu hút một số lượng lớn các họa sĩ và nhạc sĩ trẻ tuổi đến sinh sống và tác nghiệp bởi vào thời điểm đó, giá nhà ở và cho thuê rất rẻ. Cho đến tận bây giờ, phong cách đặc biệt và vô cùng độc đáo này vẫn được duy trì và gìn giữ tại nơi đây.

Trời lạnh, khoảng 12 độ, gió từ biển thổi vào lạnh buốt. Tôi cố gắng dọc theo cầu cảng để đến bến tàu St Kilda. Nơi đây, có một nhà hàng nhỏ để du khách nhâm nhi tách café nóng, ăn bánh ngọt và ngắm biển. Cô chủ quán cho biết, khi hoàng hôn buông xuống, mọi người sẽ thấy chim cánh cụt với bộ lông đen trắng lang thang trên những tảng đá của đê chắn sóng cạnh bến tàu. Chim cánh cụt ở St Kilda là loài chim nhỏ (Eudyptula minor), dài 33 cm, thường xuất hiện ở khu vực Nam bán cầu như Úc và New Zealand. Để bảo vệ loài sinh vật đáng yêu này, chính quyền bang Victoria đang có kế hoạch xây dựng lại bến tàu vào năm 2020, đồng thời chỉnh sửa lại đê chắn sóng phù hợp hơn, trở thành khu vực bảo tồn, thân thiện để chim cánh cụt có thể cư trú và sinh sống. Cách làm này chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách khi họ sẽ được tận mắt nhìn thấy loài chim cánh cụt nhỏ bé, nhút nhát đang trú ẩn ngay tại thành phố Melbourne nhộn nhịp này.

Chiều muộn. Tôi quay trở về trung tâm thành phố. Nhịp sống dường như hối hả hơn của một ngày sắp tắt. Melbourne dường như lung linh, quyến rũ hơn như một cô gái kiêu sa, lộng lẫy, níu chân lữ khách bởi lối kiến trúc cổ điển, sự phong phú về văn hóa cùng những viện bảo tàng mang đậm niềm tiếc nuối của quá khứ. Miền đất xa vắng, thoảng chút gió lạnh từ dòng sông Yarra thổi về. Ngày mai, tôi lại chia tay xứ sở kangaroo, để lại đằng sau thành phố Melbourne xinh đẹp vừa rũ mình khỏi mùa đông lạnh giá, đang hân hoan đón chào một mùa xuân ấm áp trên khắp nẻo đường.

 V.K