Nghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy Anh

02.06.2017

Nghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy Anh

Nguyễn Quang Vinh là nhà văn, nhà viết kịch, nhà đạo diễn. Ông đã xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết như Người và dã thú, Dòng sông vàng, Người thất bại trở về, Phía Mặt trời lặn, Đêm thức... Và gần đây nhất là cuốn tiểu thuyết “Cát trọc đầu” do NXB Trẻ ấn hành, quý I/2013 đã đoạt giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ V (2011-2015). Có thể nói, “Cát trọc đầu” là cuốn sách gây ấn tượng mạnh với chúng tôi về cách xây dựng, nhìn nhận, lột tả những mặt còn khuất lấp của con người trong chiến tranh. Nguyễn Hữu Bá, nhân vật chính trong “Cát trọc đầu”, là điển hình cho mẫu người cơ hội, lợi dụng người khác để bươn xa trên con đường danh vọng.

Các nhà văn khi viết về chiến tranh trong thời kỳ hậu chiến đều có cách nhìn riêng, bút pháp riêng. Phải chăng cái tĩnh của giai đoạn sau chiến tranh càng thôi thúc con người ta tìm lại quá khứ, lật lại đau thương mà chiêm nghiệm mặt trái mặt phải? Cùng phản ánh hiện thực, nếu “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh khúc xạ hiện thực chiến tranh qua tâm trạng của nhân vật, bằng kỹ thuật dòng ý thức, thì “Cát trọc đầu” của Nguyễn Quang Vinh lại tiếp cận chiến tranh, phản chiếu chiến tranh qua cách mô tả trực diện nhân vật, qua bút pháp của nhà kịch bản, nhà đạo diễn, từ đó đặt ra những suy ngẫm về bản chất, nhân tính của con người. Có thể xem nghệ thuật tương phản và xu hướng sân khấu - điện ảnh là chiến lược của tiểu thuyết “Cát trọc đầu”. Nhờ các thủ pháp này mà những mặt trái được bóc tách, rồi đưa lên bàn cân đong đếm hết sức trụi trần. Kết cấu 25 phần lồng quyện, dồn nén, đẩy tính cách và bản chất của nhân vật Bá đến tận cùng của sự xảo trá, bỉ ổi.

Chiến tranh lột tả hết vẻ đẹp của người anh hùng trong Nụ, Xuân, An,... nhưng mặt khác lại bóc trần bản chất hèn hạ, đê tiện của Bá đến kiệt cùng. Bản chất và tham vọng của Bá xuất hiện từ khi Bá làm con nuôi của một ông chủ tịch huyện. Bá từ chối đấng sinh thành của mình và cả với người cho mình bú mớm. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, Bá viết thư bằng máu - của người khác - xin ra trận để thể hiện tình yêu Tổ quốc. Bá lấy chiến tích của người khác đổi trắng thay đen thành chiến tích của mình, được tuyên dương là anh hùng xả thân cứu cả đoàn xe vượt qua bom đạn. Bá thiết đãi một bữa thịt chó để lấy lòng Chính ủy mặt trận mà không hề xót đau trước sự hy sinh của hai người lính. Bá nói dối đã làm thủ tục ly dị vợ để quan hệ với Kim Anh, với Hà,... Ngoài cái khôn khéo, tài ăn tài nói, biết lấy lòng cấp trên, biết tận dụng triệt để mọi thời cơ, lường gạt, lọc lừa, Bá còn là hiện thân của kẻ điển trai háo sắc. Nụ, Kim Anh, Hà,... đều là những cô gái bị Bá lừa bịp, chiếm đoạt để thỏa mãn thú tính của một con đực dâm đãng và thực hiện tham vọng của mình. Nụ, một cô gái 18 tuổi chân chất, hồn nhiên, thông minh, lần này đến lần khác nói với Xuân, với An, với những người trong tiểu đội của mình về con người thực của Bá, nhưng đứng trước Bá, một kẻ quá mưu mô, quá xảo quyệt, cô cũng chẳng làm được gì. Kim Anh và Hà cũng thế, trong bộ ba tình ái này, Bá dàn dựng, chỉ đạo, tung hoành xoay trái xoay phải, đảo lộn thật giả liên tục trong nháy mắt, tùy theo ý đồ của mình. Trên đòn cân tình ái, Bá chiến thắng một cách ngoạn mục. Cả hai đều trở thành bàn đạp để Bá tiến thân và thỏa mãn bản năng tính dục. Hà trao thân cho Bá, bày kế để Bá ra Bắc nhưng Bá lại lật mặt báo cho thủ trưởng An, rồi tiếp tục tráo trở với An để Bá và Hà thoát khỏi khói lửa, dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc, bởi Hà là con của đồng chí Cục trưởng. Mà con của đồng chí Cục trưởng thì tất nhiên chả ai dại mà đụng vào. Trong tình cảm, Bá còn bộc lộ là kẻ trơ trẽn, bẩn thỉu, bệnh hoạn. Hắn luôn giữ lại những chiếc quần lót của các cô gái lỡ trao thân cho hắn. Ngay giữa chốn bom vùi đạn dập, cận kề cái chết, thú tính của Bá vẫn trỗi dậy. Hai bàn tay điêu luyện “nhớ nghề”, Bá “thoăn thoắt lột áo cô gái ra” (tr.49). Chỉ đến khi biết cô gái đã chết, bản chất dâm dục vụt tắt nhường chỗ cho sự xuất hiện của kẻ hèn nhát. Như thế, trong tiểu thuyết, Nụ, Kim Anh, Hà,... đều có những phản ứng trước hành động của Bá nhưng các lớp chắn mà họ giăng ra không đủ ngăn chặn Bá, thậm chí, họ còn trở thành con rối bị giật dây trong tay Bá. Có chăng chỉ dừng lại ở những cảm giác “chờn chợn”, “sờ sợ”,... và mạnh hơn chút là những câu nói lên án như “Anh ta vô đạo đức, là thằng Sở Khanh” (tr.170), “Đéo mẹ, thằng cu chuồn, lúc nào cũng mang cháu gái chính ủy ra dọa” (tr.152),...

Tại sao Nguyễn Quang Vinh lại xây dựng một nhân vật quá xảo quyệt giữa vòng vây những con người hết lòng vì tiền tuyến, một nhân vật vừa dâm đãng vừa nhát gan, sợ chết, thấy bom đạn là xanh mặt, tè ra cả quần như thế? Giữa chiến trận, “Mánh khóe, giảo hoạt liệu có qua nổi một trận bom tọa độ. Cái hành động anh hùng rơm được toan tính cẩn thận trở nên vô nghĩa giữa chiến trường” (tr.44). Ấy vậy mà Bá lần này đến lần khác đều thoát tội, tính chất lừa lọc, mưu mẹo ngày một dày thêm. Nguyễn Quang Vinh đặt ra nhiều thử thách cho Bá, nhưng lần thử thách nào Bá cũng dễ dàng vượt qua. Và lại càng tinh vi hơn. Bá xoay chuyển tình thế rất nhanh, khiến người trong cuộc đôi khi ngỡ ngàng, đứng họng không nói gì được. Bởi thế, qua tay Bá, việc chuyển dịch từ tốt sang xấu, thiện sang ác và ngược lại chỉ trong tích tắc. Đúng như lời của Kim Anh dành cho Bá: “Miệng anh như sợi dây chun” (tr.145), kéo ra co lại khéo léo, không lộ một vết rạn nào. Chúng ta cảm thấy khiếp sợ trước những thủ đoạn, âm mưu của Bá: “Lì lợm chấp nhận mọi lời chửi bới, mọi hình phạt, với Bá, chuyện ấy không khó. Cái khó là làm sao từ những thất bại ê chề này, Bá vẫn gây được tiếng vang, gây được ấn tượng tốt đẹp với chính những người đang có cơ hội thù ghét mình và lại tiếp tục ủng hộ Bá, thúc đẩy Bá tiến nhanh hơn đường công danh” (tr.208). Mánh khóe đó nhanh chóng trở thành phương châm sống của riêng Bá: “Kể ra sống trên đời, đôi khi cũng nên tự bôi nhọ mình trước khi bị người khác bôi nhọ thì vẫn tốt hơn” (tr.213). Bá luôn ghi nhớ và biết đúc rút kinh nghiệm từ lời dạy của bố để tung chiêu giữa cuộc đời còn nhiều tổn thương bom đạn này: “cuộc đời như cái chợ, cũng buôn buôn bán bán cả thôi, ra quái gì... nên làm gì cũng phải biết giữ mối, không chửi ai hết câu, không đuổi ai hết đường, không thù ai hết gốc” (tr.213). Bom đạn quần đảo, Bá vẫn sống. Chui lủi, trốn tránh, sợ chết, trở thành “chuột chữ”, “thằng cu chuồn”. Vẫn vượt qua các trạm barie của Nụ, Xuân, Kim Anh, Hà, An,... một cách ngoạn mục. Vẫn có được chiến lợi phẩm hoàn hảo: “Anh ấy là một tài năng của đất trước” (tr.40), “là con chim đầu đàn cho thế hệ thanh niên lên đường hôm nay” (tr.41), “anh hùng của chúng ta đây” (tr.51), “Cậu là một con hổ trẻ của chúng tôi. Cậu đã làm được một việc đáng kính trọng. Cậu xứng đáng để toàn mặt trận phải nêu gương học tập” (tr.134)...

Chiến tranh dù phía nào, ta hay địch, đều chịu sự mất mát, đớn đau, đều khát khao được sống, trở về. Ở đó, kẻ hèn hay anh hùng “cùng đội bom đội đạn, cùng bị cái chết rình rập, cùng chịu đói, chịu khát như nhau” (tr.43), chỉ khác nhau về mục đích: “thằng hèn tìm cơ hội sống, người anh hùng tìm cơ hội cứu nguy cho Tổ quốc” (tr.43). Những người lính thanh niên xung phong không quản khó khăn, cái chết để góp phần thông đường cho xe ra trận, phục vụ tiền tuyến, còn Bá tham gia cuộc chiến vì mục đích cá nhân, vì sự sống còn của bản thân, ấp ủ du học nước ngoài. Nhân vật Bá điển hình cho kiểu con người vụ lợi, đểu cáng, hèn hạ, tham sống sợ chết trong chiến tranh. Hắn giăng đủ mưu mô, sẵn sàng chà đạp bất cứ ai để tiến thân, để giữ mạng sống. Từ cách xây dựng nhân vật Bá của Nguyễn Quang Vinh, chúng ta thấy có hai kết cấu trong “Cát trọc đầu”. Kết cấu nổi là trận chiến chiến đấu với kẻ thù, với bom đạn dày đặc, quyết giữ tuyến giao liên thông suốt. Kết cấu chìm là trận chiến chống lại “sự thoái hóa nhân cách”. Cuộc chiến nào cũng khó khăn. Cuộc chiến chống kẻ thù trên cao đổi biết bao máu, nước mắt và để lại những chứng tích khó quên. Cuộc chiến chống lại “sự thoái hóa nhân cách” cũng thế, nhưng nó không tồn tại ở dạng chứng tích mà luôn biến đổi, chưa lúc nào ngưng, bởi lẽ, những tráo trở của con người là muôn hình vạn trạng. Vậy, đọc tiểu thuyết của Nguyễn Quang Vinh, phải nói rằng chúng ta đều có cảm giác rợn rợn trước một kẻ không chừa thủ đoạn nào để thăng tiến này. Cái cảm giác mà Nguyễn Quang Vinh tạo ra ấy chính là hiệu ứng đặc sắc giúp chúng ta biết phản ứng lại và tự đúc rút cho mình bài học về sự chống lại “sự thoái hóa nhân cách” (Phạm Xuân Nguyên) trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cái tài của nhà văn Nguyễn Quang Vinh là xây dựng nhân vật Bá sống ký sinh trên máu của đồng loại, dựa vào chiến tranh để mượn danh trục lợi, Các tình tiết, chi tiết được phối hợp, đan cài một cách khéo léo tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn. Người đọc không rời được từng trang sách bởi lối kể chuyện “tưng tửng” mà rất đời. Chúng ta không quên được các thủ đoạn, sự tráo trở của Bá, luôn có cảm giác muốn tẩy chay về con người này. Khi đắc thắng, Bá thường có hành động “búng điếu thuốc qua mặt” người đối diện. Khi xổ sở đoản ăn nói, Bá thường lấn tới, chặn họng người khác. Đọc “Cát trọc đầu” của Nguyễn Quang Vinh, chúng ta thấy chiến tranh và số phận, tâm tư tình cảm của con người hiện lên một cách trần trụi, không một chút điểm tô, hay giấu diếm nào, kể cả đời sống tình dục đều được viết một cách mạnh bạo, đúng như bản năng của con đực vồ con cái. Đấy là cái khác của nhà văn Nguyễn Quang Vinh so với các nhà văn khác khi viết về đề tài chiến tranh. Nhưng nếu không nhắc đến cái riêng trong cách kể chuyện của tác giả thì chưa đủ để nắm bắt cái “tưng tửng” độc nhất vô nhị của tác giả. Để xây dựng nhân vật Bá, nhà văn rất chú ý đến ngôn ngữ của Bá, khi Bá trong thế cầm đằng chuôi, lời lẽ của Bá được thúc đẩy nhanh, tấn công đối phương dồn dập:  “-Tôi có ép cô phải ngủ với tôi, phải cho tôi trinh tiết đâu? Tôi ép cô không? Không. Tôi có ép cô yêu tôi đâu? Ép không? Không. Tôi có một hai năm mười ép cô phải sống chết với tôi đâu. Ép không? Không. Tôi có nằng nặc ép cô phải làm vợ tôi đâu. Ép không? Không. Chính là cô tha thiết yêu tôi đấy chứ? Đúng không? Đúng. Chính là cô gào lên trong nước mắt nói rằng, anh ơi, em muốn làm vợ anh, em muốn sống bên anh trọn đời đấy chứ. Đúng không? Đúng...” (tr.141). Bá đúng là kẻ hoạt ngôn. Lời lẽ đưa ra sắc và nhanh không để một sơ hở nào cho đối phương. Trong tiểu thuyết, còn rất nhiều đoạn văn xây dựng theo lối kể này. Theo chúng tôi, cách kể mang đậm yếu tố kịch này thường súc tích, dễ hiểu, tự nhiên, gần với ngôn ngữ đời sống hằng ngày, tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn với người đọc. Ngôn ngữ đời thường, giàu tính đối thoại, đậm chất kịch còn là một thủ pháp nghệ thuật, bộc lộ rõ thêm bản chất háo thắng của Bá, sẵn sàng chèn ép người khác đến cùng vì mục tiêu của mình. Nguyễn Quang Vinh không sa vào phân tích hay tra vấn mà để nhân vật Bá tự bộc lộ toàn diện bản chất. Vì thế, nhât vật Bá hiện lên một cách sống động, tự nhiên.

Đúng như cách đặt nhan đề “Cát trọc đầu”, Nguyễn Quang Vinh đã vẽ nên cảnh bom đạn hết sức sắc nét, chân thực trên tuyến lửa Trường Sơn một thời của những con người trầm mình trong gió Lào cát trắng. Nổi bật trên nền khói bom là cuộc sống tràn đầy yêu thương, hồn nhiên, tinh nghịch, đùm bọc, sẻ chia của các nữ thanh niên xung phong. Họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng phơi mình giữa bom đạn đảm bảo thông suốt con đường giao thông. Trên tuyến đường, không tấc đất nào không nhuộm máu. “Nếu xếp các liệt sĩ dọc tuyến đường này thì tuyến đường dài bao nhiêu, thi thể các liệt sĩ cũng nối nhau dài bấy nhiêu” (tr.250). Nhưng có phải ai nằm xuống cũng được ấm êm trong quan tài. Rất nhiều chiến sĩ phải cuộn mình trong bao ni lông. Biết bao nhiêu chiến sĩ bị bom đạn xé tả tơi, máu thịt hòa lẫn trong đất đai. Tang thương bao trùm. Nhưng niềm tin và tình yêu trong trái tim những người chiến sĩ vẫn mãi mãi bất tử. Những ánh mắt, nụ cười, lời nói trao nhau,... là động lực, là niềm tin để họ tiếp tục chiến đấu. Giữa làn mưa bom đạn tàn khốc, mọi con đường dẫu bị băm nát ngàn lần vẫn trở lại hình hài cũ. Người ta ước tính mỗi mét vuông đường Trường Sơn phải gánh hơn 5 quả bom và loạt đạn rốc két trong một năm. Một thực tế quá ác liệt, khắc nghiệt. Ngày nào cũng có người chết. Đôi khi cả tiểu đội bị gạch tên ngay trong một ngày. Đau thương chồng chất đau thương: “Mỗi ngày trọng điểm này hy sinh vài chục chiến sĩ. Cứ vài ngày thì lại bổ sung một đợt quân. Bổ sung xong, vài ngày sau hy sinh, lại bổ sung, lại hy sinh. Ai ra mặt đường đều phải làm lễ truy điệu sống (tr.62). Ngay như tiểu đội 4 của Xuân, của Nụ không biết bao nhiêu lần bị bom đạn xóa phiên hiệu. Thế nhưng, những người lính thanh niên xung phong vẫn xẻ rừng, phá bom, san lấp hố bom đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ chi viện cho miền Nam. Các tuyến đường bị phá hủy lại tiếp tục được vá bằng chính tình yêu Tổ quốc, bằng nước mắt và máu: “Bom xối xuống mặt đường như bàn tay một kẻ say, thô bạo xé áo, xé nát từng mảnh áo trên cơ thể một phần đất nước, còn cái cuốc, cái xẻng của thanh niên xung phong mong manh, bé nhỏ, như cái kim của mẹ già khâu mãi cái áo cũ rách. Nham nhở trên những cung đường ra trận, muôn vạn mũi vá bằng xẻng cuốc, bằng máu, bằng tuổi 20. Tuổi 20 xuyên qua những cung đường, xuyên qua cái chết, nối nhau trăm ngàn tuổi 20 thành những sợi chỉ, vá đường, nối đường, buộc đường” (tr.94). Trong cuộc đấu gan đấu trí ấy, các chàng trai cô gái không quản ngại gian khổ, cái đói, cái khát bao vây, “sẵn sàng dùng máu của mình hiến dâng cho Tổ quốc” (tr.44). Họ quây quần bên nhau, thương nhau, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, chuyện gia đình, tình yêu, khát vọng,... Đấy là động lực là niềm tin để họ chiến đấu. Đôi khi chỉ là cái cầm tay, là câu hỏi ơi ới hỏi thăm nhau tiếng được tiếng mất vun vút theo bom đạn, là những cánh tay vẫy chào tiễn lên đường,... thôi cũng đủ tiếp thêm niềm tin cho những người lính trên túi bom này.

Tổ quốc! Hai tiếng quá đỗi thân thương và tự hào đối với mỗi người dân Việt. Nhưng tình yêu và cách thể hiện tình yêu Tổ quốc như thế nào mới là điều cốt lõi. Nguyễn Quang Vinh không phô trương cờ biểu mà đặt tình yêu ấy trước những thử thách bom đạn: “Đừng đặt hai tiếng Tổ quốc trên giấy màu cắt dán ở phông vải treo hội trường. Hãy đặt trước mặt mỗi người hai tiếng Tổ quốc cạnh những hố bom, cạnh những cung đường dày đặc tiếng bom rơi đạn nổ, bên những lỗ huyệt đào vội, bên những miếng gỗ đẽo vạt vội vàng ghi tên liệt sĩ, bên cạnh quả bom nổ chậm” (tr.42). Tình yêu Tổ quốc không ở đâu xa, nó nằm ngay trên cung đường Trường Sơn bom đạn dày xéo ngày đêm với ước mơ bình dị, thân thương: “Chúng tôi chịu đói, chịu khát, chịu bom đạn là mong đất nước mau thống nhất, được về với mẹ” (tr.272). Khi để họ nói lên ước mơ, khát khao này, theo chúng tôi, Nguyễn Quang Vinh đã phản ánh đúng, phản ánh khách quan thực tế. Ra trận là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng ra trận, đối mặt với cái chết trong từng giây từng phút, ai ai cũng sợ hãi. Thậm chí, hệ lụy, là những sang chấn tinh thần vĩnh viễn. Lời của Xuân, một đội trưởng gan dạ, anh dũng, không quản bom đạn dày xéo là một minh chứng: “tiểu đội của tôi, cô nào cũng xứng đáng anh hùng hết, đồng chí hiểu chưa, chị em bảo ban nhau thôi, rằng, phải thông đường cho xe vào mặt trận, bảo ban làm thôi, thế thôi, nhưng thực ai cũng sợ mình chết, ai cũng sợ cụt chân, cụt tay sau này không lấy chồng được (tr.273). Miền Trung, vùng đất của cát trắng khắc nghiệt. Con người hòa mình trong cát. Sinh ra và lớn lên từ cát. Đất cát là “nơi ấp ủ tuổi thơ, làm nơi ẩn náu bom đạn, vừa là nơi ôm ấp mãi mãi thân phận của người xấu số” (tr.87). Ẩn trong cát cháy, cát bỏng là những con người trắng trong, kiên gan, đồng cam cộng khổ. Có thể khẳng định, mỗi tiểu vũ trụ của người lính thanh niên xung phong được “thử lửa” trong bom rung đạn réo đã tái hiện lại vẻ đẹp bất tử một thời của một vùng đất “khét nồng mùi thuốc súng và thấm đẫm máu của đồng đội. Màu đỏ của đất và màu đỏ của máu không còn phân biệt được” (tr.90). Những người lính ấy đối lập hoàn toàn với Bá. Bá,“thử lửa” để tráp lên đó kiểu người tha hóa, tham sinh úy tử.

Âm thanh và hình ảnh là một trong những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật sân khấu điện ảnh. “Cát trọc đầu” sử dụng thành công hai đặc trưng này. Nguyễn Quang Vinh bố trí hẳn từng phần. Ví dụ như phần 7 dành cho âm thanh Tiếng kẻng, phần 10 là hình ảnh Những bàn tay, phần 11 là hình ảnh Ánh trăng,... Đó là cách nhà văn tạo được ấn tượng mạnh đối với người đọc, giúp họ lưu lại những khoảnh khắc khó quên, khó phai. 

Những cánh tay hậu phương vẫy chào người ra trận và những cánh tay vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường trong phần 10 của tiểu thuyết chất chứa nhiều cảm xúc. Những cánh tay hậu phương vừa chan chứa tự hào, yêu thương, ấm áp xen lẫn nước mắt, lo âu, vừa thức dậy lòng yêu nước, là động lực, là niềm tin đối với người ra đi. Những cánh tay trận chiến là ký ức khó quên đối với những người sống sót trở về, bị bom đạn băm nát vẫn “còn nóng da nóng thịt, vẫn còn đâm thẳng dưới đất lên” (tr.109) như chưa muốn đoạn tuyệt với trần gian, như thách thức kẻ thù. Hay hình ảnh ánh trăng được nói kỹ ở phần 11. Ánh trăng có lúc yên bình, khúc xạ, làm lộ vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong “soi rõ cái bắp chân con gái trắng ngời, sức lực” (tr.121), “Bóng Xuân và Nụ chao nghiêng trong ánh trăng, lấp lánh như bóng những thiên thần”; có lúc hiện hữu một cách đớn đau “những vệt máu đỏ của đồng đội vương lại trên đất, sóng sánh trong ánh trăng sáng” (tr.120); có lúc là nguồn an ủi “ánh trăng vá víu mọi vết thương của đất, của rừng, phủ tràn lên đấy cái ánh sáng ngọt ngào, yêu thương và làm dịu bớt nỗi nhớ nhung” (tr.122). Sự vận động, chuyển dịch của các hình ảnh ở nhiều góc độ đã gây ấn tượng mạnh đến tâm thức của người đọc. Những hình ảnh ấy là biểu tượng rõ nét về chiến tranh, về nỗi xé đau, mất mát xuyên suốt cõi nhân gian này.

Tiếng kẻng là âm thanh quen thuộc, gần gũi. Nếu tiếng kẻng quê nhà vang vọng, trong veo, gợi sự yên bình, một ngày mới, một niềm vui mới, vụ mùa bội thu,... thì tiếng kẻng mặt trận lại khốc liệt, nhức xót, buốt đau vô cùng. Nơi máu hòa với đất, tiếng kẻng là thứ âm thanh mà khi “vang lên thấy sợ” (tr.74), khi “im lặng thấy sợ hơn” (tr.74). Ma lực tiếng kẻng ấy như một vết sẹo vô hình ray rứt neo mãi trong tim, bám víu suốt cuộc đời sau này của người lính. Hoặc như âm thanh chiếu phim ở cuối thiên truyện. Đấy là những âm thanh đầy ám ảnh, ma mị. Ở đó, khán giả là những liệt sĩ. Đội trưởng An là nhà đạo diễn, nhà kịch bản, chỉ đạo, phân cảnh, chọn khán giả, bố trí khán phòng trong hang đá: “Ánh sáng từ máy chiếu phim loang loáng lên màn vải, khói hương từ những chiếc quan tài khán giả bay lên, lẫn trong ánh sáng chiếu phim, nhập nhòa với những hình ảnh trên màn vải, thực thực, hư hư. Có tiếng cười rộn ràng của các nữ thanh niên xung phong, không biết tiếng cười bật vang lên từ trong phim hay từ trong các quan tài” (tr.270). Mọi thứ đều nhòe mờ. Âm thanh hư ảo. Hình ảnh hư ảo. Chỉ có nỗi đau là thực. Buốt nhói. Tê tái. Sống không đủ cái ăn cái mặc đã đành. Chết cũng chịu cảnh chết lạnh. Lời của An nói với những chiến sĩ đã khuất, găm vào lòng chúng ta nỗi đau khôn nguôi: “Anh em trong quan tài kia thế cũng là thỏa mãn, hy sinh rồi còn được xem phim, nhiều anh em khác đến lúc chết không biết gì hết ngoài bom đạn” (tr.271). Phần Khán giả này đã thể hiện đậm nét tính lai tạo sân khấu điện ảnh khi Nguyễn Quang Vinh kết hợp hai yếu tố âm thanh - hình ảnh, đảm bảo phần nghe và phần nhìn. Nếu âm thanh tiếng kẻng thực đến tê tái lòng thì âm thanh của buổi chiếu phim lại càng ray rứt hơn nhiều. Nó như là chủ âm của nỗi đau. Trong tiếng bom đạn rít liên hồi, âm thanh của phim hay âm hồn của những con người vĩnh viễn xa rời nhân thế vẫn nhập nhòa vút lên. Nỗi đau như được đẩy đến tận cùng.

Tiểu thuyết “Cát trọc đầu” còn có sự bện xoắn giữa hai không gian. Không gian chiến tranh và không gian tâm tưởng. Không gian chiến tranh ngày đêm đội mưa bom bão đạn. Trên cái nền ấy, không gian tâm trạng của mỗi con người làm nên những bản vị sống động, góp phần khắc họa rõ bộ mặt dữ dội, ác liệt của chiến tranh, cũng như vẻ đẹp của những người lính trên mặt trận lửa, điển hình trong đó là Nụ, Xuân, An, Loan,…Cũng trên cái nền ấy, Bá đứng ở vị trí độc lập, chiếm lĩnh một không gian riêng, không gian phản diện của những kẻ hèn, sợ chết, trục lợi, cá nhân.

“Cát trọc đầu” cũng đan xen hai thời gian: thời gian lịch sử và thời gian tâm trạng. Thời gian lịch sử về con đường của lửa và máu, tập trung mọi lực lượng chi viện cho miền Nam, ngày đêm đối mặt với cam go, gian khổ. Sống trong thời gian đó, tâm trạng dù có phần riêng tư của những người lính thanh niên xung phong nhưng không nằm ngoài tâm trạng chung của cả dân tộc. Họ không né tránh cuộc chiến, sẵn sàng đón nhận cái chết bất cứ lúc nào. Chính cách viết không tô vẽ, không lãng mạn hóa, Nguyễn Quang Vinh đã làm sống lại khát vọng của tuổi trẻ cũng như những cảm nhận riêng về tình yêu, về gia đình, về đất nước. Ra trận với ước mong trở về lành lặn bên mẹ hiền, được lấy chồng sinh con đẻ cái. Do vậy, thời gian ngóng trông hòa bình bao trùm cả tiểu thuyết. Bá lại khác. Đồng hiện với thời gian lịch sử, thời gian ngóng trông của Nụ, Xuân, An,... là một nhân vật Bá giả tạo vừa khát khao ràng buộc vừa khát khao thoát khỏi ràng buộc của cuộc chiến để thực hiện tiếng gọi của danh vọng, chức quyền. Tâm trạng Bá đối nghịch với tâm trạng các thanh niên xung phong bởi động cơ mà Bá đặt ra trên mặt trận này là thực hiện cuộc đào tẩu một cách danh dự, rời khỏi trọng điểm, ra Bắc du học.

Sự góp mặt của chất liệu sân khấu điện ảnh cũng như lối viết nói thẳng nói thật, không phân tích, không lý giải, không lý tưởng hóa, đã giúp nhà văn Nguyễn Quang Vinh có một hướng đi riêng khác cho “Cát trọc đầu”, góp phần đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến. “Cát trọc đầu” không đi sâu vào khai thác kiểu nhân vật bị chấn thương như nhà văn Bảo Ninh, như nhà văn Chu Lai mà trực diện phơi trần tính cách nhân vật giữa môi trường bạo lực. Cho nên, chúng ta vừa bị chấn động bởi sự tàn khốc, sự hủy diệt của chiến tranh vừa cảm thấy nổi gai ốc trước kiểu nhân vật “không biết đâu mà lần” như Nguyễn Hữu Bá. Nguyễn Quang Vinh đã giúp người đọc nhận ra kẻ mang tên “di họa” của chiến tranh, từ đó có thái độ sống thích hợp. Dù ở thời chiến hay thời bình, cuộc chiến chống lại cái xấu xa, cái giả dối không bao giờ hết nhức nhối và gay cấn.

H.T.A 

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn