Hành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải Giang

02.06.2017

Hành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải Giang

BBT: Vừa qua, Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi: “Viết về người bạn đồng hành”. Cuộc thi được sự tài trợ của Quỹ ICRC MoveAbility, nhằm mục đích tôn vinh người khuyết tật; nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người khuyết tật về tầm quan trọng của dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng đối với người khuyết tật.

Đối tượng dự thi chỉ dành cho người khuyết tật đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi được sự tham gia của nhiều người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Trong số 20 tác phẩm vào vòng chung khảo, có 9 tác phẩm được trao giải thưởng. Lễ trao giải tổ chức vào ngày 30/5/2017.

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài đoạt giải Nhất

của Nguyễn Thị Hải Giang và 2 bài đoạt giải Nhì của Nguyễn Hữu Minh và Lê Thị Diệu Châu.
 

Hành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải Giang
 

Cuộc sống con người chúng ta thật hạnh phúc khi có những thứ tình cảm cao đẹp và thiêng liêng. Đó là tình yêu thương, tình bạn bè... Và có lẽ trong mỗi người chúng ta ai cũng có những kỷ niệm về tình bạn đẹp. Nó sẽ là những kỷ niệm theo suốt cuộc đời mỗi người.

Bạn không nhất thiết phải giống ta, mà nó cũng có thể là những vật vô tri, vô giác, nó không lung linh huyền ảo, không ồn ào náo nhiệt, không màu, không sắc. Nhưng nó là “niềm tin ánh sáng”, đã âm thầm giúp ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này.

“Cảm ơn bạn đã đi cùng tôi, ngay cả khi con đường đó gập ghềnh”.

Nghe Mẹ kể rằng: Trong cái lạnh mùa đông năm ấy, gia đình như được sưởi ấm hơn, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi tôi cất tiếng khóc chào đời chẳng khác gì bao đứa trẻ. Rồi nó được nhân lên khi tôi bi bô những tiếng ê a, những bước đi chập chững đầu đời. Nhưng vào một buổi sáng thức dậy, không thể đứng vững trên đôi chân mình, tôi khóc thét và bò lê khắp nhà với đôi chân đau buốt. Vậy là niềm vui, niềm hạnh phúc không được trọn vẹn. Gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng cũng chỉ giúp tôi có được những bước đi khập khễnh, người nghiêng hẳn qua một bên. Và để có được điều đó, tôi phải dùng cánh tay tì vào chân làm điểm tựa mới có thể bước được. Chính vì thế, mà cột sống của tôi bị xiêu vẹo và việc di chuyển của tôi cũng khó nhọc hơn.

Không đầu hàng trước số phận, ngày ngày tôi vẫn cắp sách đến trường, vẫn rong chơi, rượt đuổi cùng lũ bạn với đôi chân “chấm, phẩy” của mình. Nhớ năm 14 tuổi, người thân giới thiệu tôi đến Trung tâm Phục hồi chức năng để làm nẹp cho đôi chân. Nhưng thời đó không hình dung được về tầm quan trọng của chiếc nẹp, thêm vào đó bác sĩ tư vấn nếu mang nẹp thì khi di chuyển chân sẽ thẳng, không co duỗi được. Thiết nghĩ nó sẽ vướng víu, mang vào sẽ không được đạp xe đi học cùng lũ bạn. Thế là tôi từ bỏ ý định đó, đành ra về với tâm trạng buồn và dáng đi như thuở ban đầu. Rồi cứ thế tôi phó mặc cho thời gian trôi qua mà không hề nghĩ đến nó. Nhưng may mắn thay cơ duyên lại đến một lần nữa - đó là lúc tôi đến Trung tâm chờ chụp phim để phẫu thuật cho chân được thẳng, bởi theo thời gian giờ xương đã cong vênh hơn rồi. Trong khi chờ đợi, thấy có đoàn bác sĩ người nước ngoài khám và tư vấn miễn phí cho các bệnh nhân tại Trung tâm. Tò mò, lúc phòng trống người tôi liền bước vào và nhờ bác sĩ khám giúp. Bất ngờ thay vị bác sĩ khám, tư vấn cho tôi là không nên mổ. Bởi chân vốn bị yếu cơ, nếu mổ sẽ càng yếu thêm, và khuyên nên mang nẹp vào sẽ tốt hơn. Lúc này, đã có chút kiến thức về nẹp nên tôi đồng ý với tư vấn của vị bác sĩ ấy. Một hồi sau, ông lấy ra 2 chiếc nẹp gỗ bó vào chân, quấn băng lại và bảo tôi bước thử. Ôi! Cảm giác đó sẽ không bao giờ quên và hạnh phúc không thể nói bằng lời khi tôi bước đi mà không cần nhờ đến cánh tay tì vào chân làm điểm tựa nữa. Tôi bước đi như đứa trẻ mới chập chững tập đi. Và giọt nước mắt hạnh phúc đã chợt lăn trên đôi gò má. Thế rồi, tôi quyết định làm nẹp - đó là lúc “bạn ấy” đồng hành cùng tôi.

Ngày ngày, tôi chỉ mong sớm được gặp “bạn ấy” và ước mơ đó đã thành hiện thực. Khi “bạn ấy” ôm trọn đôi chân nhỏ bé của mình, tôi vô cùng hạnh phúc. Gia đình ai cũng vui và đùa rằng: “Bữa ni nhìn con Giang cao hơn và ra dáng người mẫu rồi đó bây”. Nghe như vậy tôi vui lắm, vui vì không chỉ bởi lời khen, mà chính là tôi đã “giải phóng” được cho đôi tay. Tôi có thể làm việc, bưng bê mọi thứ trở nên dễ dàng hơn - điều đó chưa bao giờ được hoàn thành trong hơn 25 năm qua. Từ đó, tôi chăm chỉ luyện tập, bởi mới đầu không quen nó cấn và đau lắm. Nhưng nghĩ đến sức khỏe và cả về sự tự tin - vì “bạn ấy” đã cải thiện một phần ngoại hình cho mình mà, nên tôi kiên nhẫn và rồi sớm thích nghi. Đúng vậy, từ lúc song hành cùng “bạn ấy” tôi thấy mình tự tin hẳn lên, nói thế không có nghĩa là lúc trước tôi thiếu điều đó, nhưng thật sự “bạn ấy” đã giúp tôi yêu cuộc đời này hơn. Từ đó, cột sống của tôi đỡ đau hơn hẳn, ống quần không còn hằn những nếp nhăn và rách khi mà nó phải mãi ma sát giữa tay và chân như thuở nào. Điều quan trọng là với dáng đi như xưa tôi luôn bị phồng rộp, rỉ máu ở kẻ tay và bắp chân, những lúc như thế đau và buồn tủi lắm. Bởi thiết nghĩ, đôi chân vốn đã yếu ớt vậy mà phải luôn mang theo những vết nứt đau như thế nữa thì... Trời cũng không phụ người có công, khi đã quen với “bạn ấy” rồi, tôi thấy công việc làm của mình cũng tốt hơn. Tôi có thể đi bộ với đoạn đường xa mà không mỏi, có thể đi xe máy 2 bánh và làm mọi thứ như bao người từ đi chợ, nấu ăn, bưng bê, quét dọn,... có khi còn tốt hơn nhiều người đó chứ (cười). Nói chung mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Xưa kia, ông bà ta thường nói: “Trai lớn dựng vợ, gái lớn gã chồng”, điều đó quả thật không sai. Bởi tôi tin rằng ai lớn lên mà không một lần nghĩ đến điều đó. Nhưng lúc trước tôi lại ít nghĩ đến, hay nói đúng hơn là hay né tránh. Né tránh vì sợ những lời dèm pha của thiên hạ. Nói từ lúc lớn lên mình không có ai thầm thương trộm nhớ thì cũng không phải, bởi thiết nghĩ mình cũng không đến nỗi nào mà (cười). Vậy mà tôi lại ít mở lòng với ai. Bởi tôi sợ, không phải sợ người ấy không thật lòng, mà sợ mình có thể làm tròn trách nhiệm của người vợ không? Và rồi, cứ thế tôi lại để cho tuổi thanh xuân trôi qua với thời gian, như nó đã trôi qua với duyên làm nẹp năm ấy.

Thế rồi, tình cờ tôi được gặp anh, âu đó cũng là duyên phận. Nhưng chính nhờ một phần tự tin về bản thân mình, nên tôi đã mở lòng với anh. Nhớ lại hôm ấy, tôi tự tin giao tiếp mà không một chút tự ti về ngoại hình của mình. Điều đó đã góp phần thành công cho buổi gặp đầu tiên của chúng tôi. Và tôi cũng chẳng thấy e ngại hay run sợ gì khi anh giới thiệu tôi với gia đình. Bởi tôi nghĩ, mình cũng có thể làm được những việc giống mọi người mà, nên không việc gì phải lo cả, có khác chăng là dáng đi hơi khập khễnh chút thôi (cười). Thì đã sao nào! Đó cũng là buổi gặp nhau vui vẻ như tôi thầm mong vậy. Rồi chúng tôi tìm hiểu thêm và nên duyên.

Ngày cưới, nếu không nhờ “bạn ấy” thì tôi khó có thể di chuyển được trong hội trường. Tôi tự tin sánh bước cùng anh tiến đến bục sân khấu trong tràng pháo tay hân hoan chúc phúc của mọi người. Một lần nữa, “bạn ấy” đã góp phần giúp tôi hạnh phúc hơn trong ngày trọng đại của đời mình.Và rồi, cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng có trái ngọt - trái ngọt đầu tiên đó là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Thế nhưng, trong tôi lại không giấu nổi nỗi lo lắng. Bởi tôi nghĩ, người lành lặn không dễ gì mang thai 9 tháng 10 ngày, huống chi là mình. Vậy mà trong suốt thai kỳ tôi đều khỏe mạnh, đi làm đến cận ngày sinh mới nghỉ.Tôi đón nhận ngày hạnh phúc với thiên chức làm mẹ - nó thiêng liêng lắm bạn ơi. Hạnh phúc như được nhân lên gấp bội khi những lúc con khóc, tôi có thể bế và ầu ơ cùng con đi khắp nhà trên chính đôi chân tật nguyền của mình. Điều đó, nếu không nhờ “bạn ấy” thì nó sẽ khó xảy ra. Vì thế, tôi có thể chăm sóc con như bao người mẹ khác. Thấy mình cũng không khó khăn gì trong việc mang thai và nuôi dạy con nên tôi tiếp tục sinh thêm cháu nữa. Lúc này, cuộc sống của tôi cũng vất vả hơn, nhưng bù lại nó cũng nhân đôi tiếng cười và nhân đôi niềm hạnh phúc.

Để cuộc sống của mình thêm sắc màu, tôi còn tham gia các hoạt động thể thao như đánh cầu lông, tham gia văn nghệ của các Hội, Câu lạc bộ Người khuyết tật như ca hát, biểu diễn thời trang... Và đó cũng không ngoài nhờ sự hỗ trợ từ “bạn ấy”. Nhưng không phải lúc nào “bạn ấy” cũng giúp đỡ tôi, có lúc cũng nũng nịu, hờn dỗi lắm chứ. Lúc như thế tôi lại gặp khó khăn và càng thấy cần, yêu quý “bạn ấy” hơn. Tôi cũng đã quan tâm chăm sóc, để “bạn ấy” luôn đồng hành cùng mình. Bởi hạnh phúc đâu phải chỉ có nhận, mà ta cần phải biết cho đi. “Nếu như... thì” - từ này thường hay xảy ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tôi nói vậy là bởi nếu như biết “bạn ấy” sớm hơn thì bây giờ cột sống của tôi cũng đỡ bị xiêu vẹo. Chứ giờ những lúc ngồi lâu, hay lúc trái gió trở trời lưng tôi thường đau lắm.

Tôi đọc đâu đó có câu: “Có bạn đồng hành tốt trên đường khiến đường đi dường như ngắn hơn”. Đúng vậy, “bạn ấy” đã, đang và sẽ cùng tôi đi suốt quãng đường còn lại của cuộc đời này.

N.T.H.G 

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn