Danh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn

02.06.2017

Danh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn

Ngũ Hành Sơn là danh sơn của xứ Quảng, được đề cập, phản ánh trong nhiều tập du ký, hồi ký, tranh vẽ... của những người phương Tây từng du hành đến đây vào các thế kỷ XVIII - XIX, như: Bá tước Macartney, John Barrow, William Alexander, Thomas Bowyear, James Bean, Piere Loti, Thuyền trưởng Rey, Jean-Baptiste Chaigneau... Trong số đó, đáng chú ý là tác phẩm Les Montagnes des Marbre (Ngũ Hành Sơn) của bác sĩ Albert Sallet.

1. Về tác giả Albert Sallet

Albert Sallet (1879 - 1948) là bác sĩ quân y người Pháp, phục vụ trong Binh đoàn thuộc địa tại xứ Trung Kỳ trong những năm 1903 - 1922, chủ yếu trên địa bàn Quảng Nam và Huế.

Tốt nghiệp Trường chăm sóc sức khỏe ngành Hải quân và Thuộc địa ở tỉnh Bordeaux (Pháp) và được gửi sang Đông Dương với tư cách là một bác sĩ quân y, nhưng Albert Sallet được biết đến là một học giả trong lĩnh vực khảo cổ học và nhân học, đặc biệt là lịch sử và nghệ thuật Champa, hơn là một bác sĩ và một quân nhân.

Năm 1913, cùng với linh mục Léopold Cadière, Albert Sallet là sáng lập viên của Hội những người bạn của Huế xưa (Association des Amis du Vieux Hué - A.A.V.H.), quy tụ những bậc thức giả trong hàng ngũ viên chức người Pháp ở Trung Kỳ và ở triều đình nhà Nguyễn ở Huế nhằm mục đích nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể ở xứ Trung Kỳ xưa, đặc biệt là ở kinh đô Huế. Ông là thư ký đầu tiên của A.A.V.H. từ ngày đầu mới thành lập và là một trong những cây bút chủ chốt của tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hué - B.A.V.H.) do A.A.V.H. xuất bản định kỳ ở Huế, mỗi năm 4 số, từ năm 1914 đến năm 1944.

Riêng với vùng đất Quảng Nam, Albert Sallet là một trong những học giả người Pháp xông xáo nhất trong quá trình khám phá, nghiên cứu và bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, người Chăm và các sắc dân thiểu số bản địa, cư ngụ nơi dãy Trường Sơn ở phía tây xứ Quảng. Những công trình nghiên cứu giá trị, đặc sắc của Albert Sallet về vùng đất Quảng Nam như: Lưu dấu Chàm trong truyền thống dân gian và tín ngưỡng của người An Nam tại Quảng Nam, Hội An xưa, Núi Bà Nà, Yến sào và tổ của chúng, Ngũ Hành Sơn... khiến cho những nhà nghiên cứu hậu thế kính phục và tôn vinh ông là “nhà Quảng Nam dân tộc học” xuất chúng.1

Đặc biệt, Albert Sallet là học giả nước ngoài, cũng là học giả duy nhất khảo cứu toàn diện về Ngũ Hành Sơn, từ địa danh, địa lý, cảnh quan..., đến lịch sử, dấu tích văn hóa, dấu tích tôn giáo, đời sống và sinh hoạt của tăng sĩ Phật giáo và dân cư... sinh sống trong vùng núi hoa cương lừng danh này. Tất cả đều được Albert Sallet khảo cứu và phản ánh chi tiết, sinh động, đầy cảm xúc trong tác phẩm Ngũ Hành Sơn.

2. Ngũ Hành Sơn trong tác phẩm Les Montagnes des Marbre của Albert Sallet

Thiên khảo cứu Les Montagnes des Marbre được in trong tập san Đô thành hiếu cổ (B.A.V.H, số 1, năm 1924), dài 195 trang, trong đó có 43 trang ảnh chụp về các hang động, núi non, chùa chiền, tăng sĩ ở Ngũ Hành Sơn, 6 trang sơ đồ vẽ vị trí các hòn núi, mạng lưới sông ngòi, các khu vực dân cư trong vùng Ngũ Hành Sơn và phụ cận, và 2 trang họa đồ vẽ các vị trí các chùa, động, nơi thờ tự ở núi Tam Thai và hòn Thủy Sơn.

Les Montagnes des Marbre của Albert Sallet có 8 chương: Vị trí, tên gọi, tầm quan trọng và các ảnh hưởng ý niệm đại cương (Chương 1); Địa chất, thực vật, động vật (Chương 2); Sự tích và lịch sử (Chương 3); Chi tiết (Chương 4); Cuộc sống tại núi: Các vị sư và việc thờ cúng (Chương 5); Kỹ nghệ đá hoa cương (Chương 6); Các bia bản xứ cũ (Chương 7); Chi tiết tham quan (Chương 8).

- Chương 1 miêu tả vị trí của 6 hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn là Kim Sơn (phía tây), Thổ Sơn (trung tâm), Thủy Sơn (phía bắc), Mộc Sơn (phía đông và hai hòn Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn (tây nam). Ông đã đến khảo sát thực địa, đối chiếu với ghi chép trong sử sách triều Nguyễn là Nhất thống địa dư chí (biên soạn đời Gia Long) và Đại Nam nhất thống chí (biên soạn đời Duy Tân) và khẳng định rằng: “Sách Đại Nam nhất thống chí đã sai khi nói rằng núi Ngũ Hành thuộc hai làng Hóa Quê và Quán Khái của địa phận hành chánh Diên Phước... Ngũ Hành Sơn chỉ thuộc vào thôn Đông Bắc của làng Hóa Quê, và nhất là thuộc phần đất của một ấp có tên rất đẹp là Sơn Thủy”.2

Albert Sallet cũng liệt kê tất cả những tên gọi mà sử sách, dân chúng và du khách thập phương đã đặt cho Ngũ Hành Sơn qua nhiều thời kỳ, triều đại khác nhau: Ngũ Uẩn Sơn, Phổ Đà Sơn, Tam Thai Sơn, Non Nước, les rochers du Faifoë (núi Hội An); les montagnes de Tourane (núi Đà Nẵng), les montagnes de Marbre (núi Cẩm thạch), montagnes de singes (núi Khỉ)...; giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của những tên gọi này.

Từ những mẩu chuyện thâu nhận được trong các chuyến du khảo Ngũ Hành Sơn, Albert Sallet đã kể lại giai thoại kỳ bí về Ngũ Hành Sơn, về các vị thần núi và nữ thần có tên là “Bà Ngọc” được người Chàm thờ phụng trong các hang động nơi đây, về hai nghi lễ linh thiêng mà người dân bản xứ thường xuyên tổ chức tại đây theo tục lệ và truyền thống, là serment sur le coq (lễ thề gà trống) và prière aux Tam Thế des femmes stériles (lễ cầu nguyện Tam Thế của các phụ nữ không có con).

- Chương 2 viết về địa chất của Ngũ Hành Sơn, giới thiệu hệ thực vật và các loài động vật sinh trưởng ở vùng núi này. Ông dựa vào kết quả điều tra, khảo cứu của các nhà khoa học như: G.H. Monod, Simard, M. Mansuy, Dupony, M. Colani... cùng những nghiên cứu thực địa của cá nhân để xác định cấu tạo địa chất của Ngũ Hành Sơn. Ông cho rằng: “Núi này có lẽ đã phát triển trong khối nước của vùng biển san hô mênh mông trải ra trên vùng nam nước Tàu, bắc Bắc Kỳ và đông Bắc Kỳ; do đó nên xếp núi đá này cùng loại với các núi đá vôi của vịnh Hạ Long, của Lạng Sơn và nam nước Tàu”.3 Albert Sallet cho biết hai loại đá hoa cương (marbre) được tìm thấy nhiều nhất ở Ngũ Hành Sơn là loại đá màu hồng và loại đá màu xám sáng, là những thứ đá có thể dùng trong kỹ nghệ, nhưng “vì dễ vỡ cho nên không tiện dùng trong các hoa văn trang trí quan trọng”.4

Albert Sallet dành 2 trang trong chương này để giới thiệu về các loài dây leo, cây họ đậu, các loài dứa dại, cỏ gà... là những thực vật hoang dã đặc trưng ở Ngũ Hành Sơn; các loài cây có nguồn gốc từ nơi khác như hoa sứ, hoa lan, hồng tứ quý, và những loại rau củ được các tăng sĩ tu hành trong các chùa ở đây trồng và chăm sóc, vừa để tạo cảnh quan, vừa là nguồn cung cấp rau ăn để họ ăn chay trường trai.

Về động vật, ông cho biết Ngũ Hành Sơn là nơi cư ngụ của khỉ (tương tự như loài khỉ ở núi Sơn Trà nhưng ít hơn), rái cá, các loài bò sát, các loài chim (đặc biệt là chim yến), các loài bướm và nhiều nhất là dơi, lên đến hàng triệu con sống trong các đường hầm có mái cao hoặc nơi các vực thẳm trong lòng Ngũ Hành Sơn.

- Chương 3 là chương hấp dẫn nhất của thiên khảo cứu này, viết về các sự tích và lịch sử của Ngũ Hành Sơn. Dựa vào lời kể của một vị tăng cang trù trì chùa Linh Ứng tọa lạc trên hòn Thủy Sơn, Albert Sallet đã giải thích nguồn gốc tên gọi Ngũ Chỉ Sơn (núi 5 ngón tay), liên quan đến huyền thoại về Tề Thiên Đại Thánh bị Phật Thích Ca nhốt trong lòng 5 ngọn núi là 5 ngón tay của Phật ở Trung Quốc. Ông cũng dựa vào cách giải thích của Ricquebourg trong truyền thuyết kể về một con rắn biển khổng lồ đẻ trứng trên bãi cát ven biển Đà Nẵng; một con rùa thần ban cho ông lão đánh cá nghèo một cái móng thần kỳ làm bảo bối và ra lệnh cho ông chăm sóc, bảo vệ quả trứng này. Đến ngày trứng nở, một bé gái xinh xắn xuất hiện, vỏ trứng vỡ biến thành núi đá và hang động Ngũ Hành Sơn. Bé gái lớn lên chính là công chúa Huyền Trân, con gái vua nước Nam, và đã kết hôn với vua Champa, còn ông lão đánh cá làm xong nhiệm vụ nên đã cưỡi lên lưng rùa bay về trời.

Nội dung quan trọng nhất của chương 3 là miêu tả về hệ thống đền thờ và chùa chiền cùng các sinh hoạt của tăng chúng Phật giáo đang tu hành và cư ngụ ở Ngũ Hành Sơn. Theo Albert Sallet, người Chăm đã phát hiện ra Ngũ Hành Sơn và hệ thống hang động ở đó. Họ đã biến nơi này thành một địa điểm linh thiêng bằng cách xây đắp đền thờ, gọt đẽo đá núi, chạm khắc vào vách hang động hình tượng các vị thần linh của người Chăm, thực hành các nghi thức thờ tự, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Về sau, khi người Việt chiếm vùng đất cũ của người Chăm, một mặt họ đã phá hủy những đền thờ của người Chăm trong Ngũ Hành Sơn, mặt khác họ cho xây dựng nơi đây hệ thống chùa miếu của người Việt và Việt hóa nhiều vị thần linh mà người Chăm đã từng thờ phụng, thành những vị thần “cốt Chàm, bì Việt” để thờ cúng. Đó cũng là lý do xuất hiện các ngôi chùa: Phổ Đà, Bình An, Thái Bình, Ứng Chơn, Tam Thai... trong các vách núi và hang động của Ngũ Hành Sơn; cũng là lý do vì sao nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Champa, song tồn với di sản văn hóa và tôn giáo của người Việt.

Albert Sallet dành phần lớn số trang trong chương 3 để kể về các chuyến tuần du của vua Minh Mạng đến Ngũ Hành Sơn trong các năm 1825, 1827 và 1837; về sự quan tâm của vua Minh Mạng đối với danh sơn này; những ứng xử và ưu đãi của vua đối với cảnh vật, di tích và con người nơi đây, như: làm thơ vịnh cảnh, cấp tiền của để trùng tu các ngôi chùa trong núi đã bị hư hại do thời gian và chiến tranh, xây cất thêm chùa mới; tu bổ các hang động, dựng điện Đông Thiên Phước Địa ở gần chùa Tam Thai để làm nơi trú tất mỗi khi vua viếng thăm Ngũ Hành Sơn, đúc chuông, tạc tượng và ban nhiều tặng phẩm quý giá cho các chùa và đền thờ thần linh ở nơi đây, ban nhiều đặc ân cho các tăng sĩ tu hành nơi các ngôi chùa tọa lạc ở Ngũ Hành Sơn.

Ông cũng đề cập chính sách ngăn cản người nước ngoài viếng thăm Ngũ Hành Sơn của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, cũng như những nỗ lực vượt qua lệnh cấm trên để tham quan và du khảo Ngũ Hành Sơn của những vị khách nước ngoài. Theo Albert Sallet, quan binh sở tại cũng nhiều lần du di cho các vị khách ngoại quốc được viếng thăm Ngũ Hành Sơn trong sự kiểm soát gắt gao, hoặc trong sự ngăn chặn lấy lệ của họ. Nhờ vậy mà đã có nhiều người phương Tây đã đến được Ngũ Hành Sơn và đã để lại những ghi chép giá trị về danh sơn này trong các thế kỷ XVII - XIX.

- Chương 4 miêu tả chi tiết vị trí của 6 hòn núi: Kim Sơn, Thổ Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn, Mộc Sơn và Thủy Sơn theo một lộ trình đặc biệt, tiếp cận bằng đường thủy, theo sông Trường Giang nối liền Đà Nẵng với Hội An chảy vào mạn tây của Kim Sơn, từ đó thâm nhập quần thể núi non này. Kết hợp thông tin từ nhiều nguồn sử liệu Việt Nam và phương Tây về Ngũ Hành Sơn, với óc quan sát của một nhà dân tộc học và sự phân tích khoa học của một bác sĩ, Albert Sallet đã miêu tả ngắn gọn nhưng đầy đủ về lai lịch, cảnh quan, vị trí của từng hòn núi. Ông đặc biệt chú ý đến thảm thực vật, sự bài trí tự nhiên của núi non và hang động; những phế tích văn hóa và tôn giáo Champa, các chùa chiền, miếu thờ đương đại tọa lạc trong các núi cùng với hệ thống thần, Phật được thờ tự nơi đây.

Albert Sallet tôn Thủy Sơn là núi Thánh và nhận xét: “So với các núi khác thì núi này là của nhà nước, cho nên chùa miếu, hang động và thờ cúng đều được đúc kết lại trong cái tên dân gian duy nhất là “chùa Non Nước”.5 “Thủy Sơn xưa kia là địa điểm hành hương của vua chúa, của dân chúng mộ đạo, là địa điểm của các lời thề thốt hơn thua long trọng, cũng như của các lời cầu xin cho gia đình giàu có vinh hạnh”.6

Ông đã dành 38 trang viết và 12 hình ảnh minh họa trong chương này để miêu tả cảnh quan tự nhiên, hệ thống chùa miếu, thần Phật, di sản văn hóa, đời sống và sinh hoạt tôn giáo, hoạt động du lịch diễn ra trong hòn Thủy Sơn. Lai lịch, gốc tích và sự biến đổi từ tên gọi đến diện mạo kiến trúc, bài trí thờ tự của các ngôi chùa và các hang động trong hòn núi này, gồm: chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, động Linh Chơn, động Tam Thanh, huyệt Âm Phủ, hang Vân Căn Nguyệt, động Thiên Phước Địa, động Linh Nham, động Hoa Nghiêm7, động Huyền Không, chùa Tam Thế, chùa Tam Thai, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, đài Vọng Hải... , đều được Albert Sallet miêu tả và diễn giải chi tiết, cặn kẽ. Đi kèm với thông tin thực tế là những câu chuyện huyền bí liên quan đến những di tích này và hệ thống thần Phật thờ tự ở đó đã được Albert Sallet kể lại chi tiết, tường tận cùng với những lời bình luận sâu sắc, thú vị.

- Chương 5 kể về cuộc sống và việc thờ cúng của các tăng sĩ Phật giáo tu hành tại Ngũ Hành Sơn. Albert Sallet trân trọng và đánh giá cao đời sống tu hành của các vị sư nơi đây, “phải có tấm lòng sùng kính đối với sự huyền nhiệm cao sâu, cũng như ý tưởng dứt khoát từ bỏ mọi điều trần giới thì mới có thể dấn thân vào cái lam chướng của các hòn núi, và vào cái u buồn hoang dại, của một sự yên lặng gần như tuyệt đối giữa thế giới loài người”.8

Albert Sallet cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), triều đình đã cử các vị Trần Văn Trừng từ chùa Thiên Mụ, và Nguyễn Văn Như từ chùa Long Quang ở Thuận Hóa đến đảm nhận chức vụ trụ trì tại các chùa tọa lạc trong hòn Thủy Sơn. Cùng đi với họ còn có các thầy tu: Nguyễn Văn Khánh, Kiều Văn Bửu, Võ Văn Niên và Phan Văn Đinh. Tất cả đều nhận sắc lệnh từ triều đình. Dưới triều Minh Mạng, chùa Tam Thai có 1 trú trì, 2 đại sư, 7 tăng chúng; chùa Ứng Chơn (tên cũ của chùa Linh Ứng) có 1 trú trì, 2 đại sư và 4 tăng chúng. Tất cả là 17 người, lo việc tu hành và cúng tế trong hai ngôi chùa này. Sallet cũng dựa vào nội dung các sắc lệnh của triều Minh Mạng và triều Duy Tân (1907 - 1916) sau này, cho biết quy định của triều đình về bổng lộc hàng tháng cho các vị sư sãi tu hành ở 2 chùa này. Theo đó, dưới triều Minh Mạng, mỗi tăng cang được lãnh 1 vuông lúa9 và 3 lạng bạc, mỗi trú trì được lãnh 1 vuông lúa và 2 lạng bạc, mỗi tăng chúng được lãnh 1 vuông lúa và 2 lạng bạc; sang triều Duy Tân, mỗi tăng cang được lãnh 1,66 đồng bạc Đông Dương, mỗi trú trì được lãnh 1,58 đồng và mỗi tăng chúng được lãnh 1,26 đồng. Với số bổng lộc ít ỏi như vậy nên cuộc sống của các sư sãi trong các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn rất đạm bạc, nghèo nàn. Họ phải canh tác nơi các mảnh đất hẹp hiếm hoi ở dưới chân núi để có nguồn lương thực và rau củ sinh sống, và nhờ vào sự cúng dường của các đệ tử trong vùng.

Dựa vào tư liệu và lời kể của một vị sư tên là Lữ ở chùa Tam Thai, cùng với sự quan sát cá nhân, Albert Sallet đã miêu tả các nghi lễ Phật giáo diễn ra tại các chùa ở Thủy Sơn và trong các hang động, nơi thờ các vị thần gốc Chăm đã được Việt hóa.

- Chương 6 viết về kỹ nghệ khai thác và chế tác đá hoa cương của cư dân cư ngụ ở Ngũ Hành Sơn. Theo Albert Sallet, khi người Chăm làm chủ vùng đất này, họ rất tôn trọng các núi đá ở Ngũ Hành Sơn nên họ không khai thác và chế tác đá như một nghề mưu sinh. Họ chỉ đẽo gọt, sửa sang một số mỏm đá, nhũ đá thành tượng thần linh, hoặc khắc vào vách núi hình thù các vị thần để thờ phụng, còn “người dân hiền lành của Hóa Quê và Quán Khai sống gắn bó gần núi mà làm ra được nhiều đồ vật thủ công đơn sơ, mộc mạc, nhưng chỉ lượm lấy các hòn đá mà cây cối và thời gian đã xô xuống trên các bãi cát mà thôi”.10

Tuy nhiên, do nhu cầu mới xuất hiện sau này, nhiều tay thợ đá từ vùng khác đến khai thác đá hoa cương ở Ngũ Hành Sơn để chế tác với số lượng lớn, khiến cho người dân trong vùng đã quên mất truyền thống tốt đẹp của tổ tiên là phải bảo vệ các hòn núi đá này, nên đã ồ ạt khai thác đá ở đây, thậm chí nổ mìn để lấy đá khiến cho Ngũ Hành Sơn bị đe dọa nghiêm trọng.

Albert Sallet cũng dẫn ra những sử liệu cho thấy dân cư hai làng Hóa Quê và Quán Khai đã được hưởng đặc ân của triều Nguyễn trong việc khai thác và chế tác đá hoa cương nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và có sự kiểm soát của chính quyền sở tại. Ông cũng dẫn ra các chỉ dụ về việc cấm khai thác đá hoa cương ở Ngũ Hành Sơn do các vua Nguyễn ban hành vào các năm: 1802 (triều Gia Long), 1822 (triều Minh Mạng), 1853 (triều Tự Đức), 1888 (triều Đồng Khánh), 1893 (triều Thành Thái) và 1920 (triều Khải Định).

Đáng chú ý là chỉ dụ ngày 28 tháng Tư năm Khải Định thứ 4 (1920): “Từ thời Gia Long, một đạo luật đã được ban hành và trao cho quốc gia độc quyền khai thác đá Ngũ Hành Sơn tại tỉnh Quảng Nam. Luật này luôn phải được tôn trọng. Do đó nay một lần nữa, cấm tất cả mọi tư nhân, mọi thôn làng tiến hành khai thác đá. Tuy nhiên với ân huệ đặc biệt nên hai làng Hóa Quê Đông và Hóa Quê Bắc là nơi tọa lạc của núi được quyền làm các đồ vật với đá Ngũ Hành Sơn. Quyền này không thể sang nhượng cho tư nhân hay cho các làng khác. Mọi sự sang nhượng như vậy đều không được công nhận bởi quốc gia. Mọi vi phạm đối với chỉ dụ này đều bị xử phạt. Hãy tuân lệnh”.11

Chỉ dụ này cho thấy triều Nguyễn rất quan tâm bảo vệ các núi đá hoa cương ở Ngũ Hành Sơn nhằm hạn chế việc khai thác quá đà dẫn đến việc triệt phá các hòn núi này. Tuy nhiên, triều Nguyễn vẫn ban cho dân làng Hóa Quê quyền chế tác các sản phẩm gia dụng và mỹ nghệ từ đá núi Ngũ Hành Sơn, trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của triều đình.

- Chương 7 giới thiệu nội dung 2 văn bia được khắc trong hang động ở Ngũ Hành Sơn, 1 văn bia của chùa Thái Bình và 1 bức hoành của chùa Vân Long, hai cổ tự ở Ngũ Hành Sơn nhưng đã bị phá hủy bởi nhà Tây Sơn. Tất cả đều được khắc bằng chữ Hán.

Văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc ở động Vân Thông là văn bia cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn, nói về việc Thiền sư Huệ Đạo Minh người gốc Dư Sơn, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, sau khi hoàn thành việc trùng hưng chùa chiền nơi đây đã lập bia để ca ngợi công đức chư Phật và nguyện sẽ hành trì Phật pháp để đi đến cõi linh thiêng. Văn bia này cũng ghi tên Phật tử Trần Thị Thế ở Cẩm Phổ, pháp danh Từ Lễ, cúng 50 lạng bạc để đúc tượng.

Văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm, cũng do Thiền sư Huệ Đạo Minh, trú trì chùa Phổ Đà biên soạn và cho khắc lên vách động, ghi lại công đức của những Phật tử người Việt, người Hoa và người Nhật ở trong vùng và ở Hội An cúng dường tiền bạc, tài vật để tu sửa chùa Phổ Đà trên núi và xây dựng ngôi chùa Bình An nơi đất bằng. Văn bia đã liệt kê tên và địa chỉ, quê quán của 52 gia đình và cá nhân cúng dường công đức nói trên, cùng lời cảm tạ của Thiền sư Huệ Đạo Minh.

Bia Thái Bình tự thạch bia, khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 17 (1721), trước dựng ở chùa Thái Bình, sau chùa này bị phá hủy nên được dân chúng đưa về cất giữ ở làng Quán Khái Đông gần đó. Nội dung văn bia cho biết vị đại sư trú trì chùa Thái Bình là người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến giảng dạy đạo Phật ở An Nam, rồi quy tụ đệ tử, dựng chùa, và được tôn vinh là Nam đại hòa thượng (Vị hòa thượng truyền đạo lớn lao ở phương Nam). Cuối văn bia có khắc danh sách các đám ruộng của chùa và tài sản do chùa được cúng dường.

Hoành phi Vân Long tự, nguyên của chùa Vân Long ở phía tây hòn Thủy Sơn. Chùa này bị nhà Tây Sơn triệt phá, bức hoành phi được đưa về lưu giữ trong một ngôi chùa ở thôn Nam thuộc làng Hóa Quê. Bức hoành phi có 3 chữ Hán là Vân Long tự ở giữa và các dòng lạc khoản cho biết chùa được xây dựng vào mùa xuân năm Canh Thân (?) và người viết các chữ Hán này là tu sĩ của chùa. Tất cả các chữ đều thếp vàng và bức hoành có chạm hình 6 con rồng để trang trí.

- Chương 8 giới thiệu các tuyến đường đến tham quan Ngũ Hành Sơn. Albert Sallet cho biết trước đó, du khách đến thăm nơi này có thể đi xe lửa tuyến Đà Nẵng - Hội An, dừng ở một trạm nhỏ phía nam Mộc Sơn, để ghé thăm Ngũ Hành Sơn.

Về sau, tuyến đường sắt bị bãi bỏ, nên chỉ còn 2 tuyến đường dẫn đến Ngũ Hành Sơn là đường thủy và đường bộ. Từ Đà Nẵng đi thuyền theo sông Trường Giang đến bến đò ở phía trước Kim Sơn thì lên bờ, dùng cáng đi thăm Thủy Sơn. Nếu có thời gian thì ghé thăm Thổ Sơn trước khi đến thăm các danh lam thắng tích tọa lạc trong hòn Thủy Sơn. Nếu đi bằng đường bộ thì từ Đà Nẵng có thể đi đò ngang vượt sông Hàn, đến bãi cát Mỹ Khê, rồi thuê xe kéo từ Mỹ Khê đi đến thẳng Thủy Sơn.

Albert Sallet cũng vạch một lộ trình tham quan 1 ngày ở Ngũ Hành Sơn và cung cấp giá tiền chuyên chở bằng thuyền, xe kéo hay khiêng cáng cho người bản xứ làm dịch vụ chuyên chở du khách đi thăm Ngũ Hành Sơn. Đồng thời cũng cho biết các thầy tu là những người tốt bụng, sẵn sàng hướng dẫn du khách tham quan trên núi, và khuyên du khách châu Âu nên nhờ các thầy tu hướng dẫn tham quan, thay vì thuê hướng dẫn du lịch là người địa phương, “để khỏi thi ân không đúng chỗ, và nên dành tiền thù lao để bồi dưỡng cho các nhà tu hành, là những người mà ta phải công nhận là thật sự đón tiếp và giúp đỡ cho du khách trong sự tham quan”.12

Như vậy, thông qua tác phẩm Les Montagnes des Marbre của Albert Sallet, danh thắng Ngũ Hành Sơn được miêu tả rất sinh động và chi tiết. Tác phẩm này không chỉ vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về Ngũ Hành Sơn mà còn cho thấy danh sơn này là một vùng đất thiêng của Phật giáo Đàng Trong, nơi phát tích nhiều ngôi cổ tự danh tiếng, có ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Đàng Trong nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, trước khi trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong suốt mấy trăm năm qua.

Chú thích

1 Nguyễn Sinh Duy, “Albert Sallet - Nhà dân tộc học của xứ Trung Kỳ”, Hồn Việt, Số tháng 8/2010, http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/2566-albet-sallet-nh-dn-tc-hc-ca-x-trung-k.aspx.

2, 3, 4, 5, 6 Albert Sallet, “Les Montagnes des Marbre”, B.A.V.H., No.1/1924, in trong: Những người bạn của cố đô Huế, Tập XI, 1924 (Phan Xưng dịch), Nxb Thuận Hóa, 2002, tr. 9, tr. 27, tr. 31, tr. 81, tr. 81.

7 Trong bản gốc tiếng Pháp in trên B.A.V.H., Albert Sallet ghi tên động này bằng chữ quốc ngữ là Hoa Nghiêm Động, bên cạnh có chua chữ Hán là 化嚴峒. Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể Albert Sallet hoặc nhà in đã sắp chữ sai chỗ này. Vì tên của động này là Hoa Nghiêm Động (花嚴峒), được ghi nhận bởi Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự, và trong nhiều thư tịch Hán văn khác của triều Nguyễn, chẳng hạn như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục...

8 Albert Sallet, “Sách đã dẫn, tr. 123.

9 Theo Albert Sallet, mỗi vuông có dung tích tương đương 40 lít.

10, 11, 12 Albert Sallet, “Sách đã dẫn, tr. 138, tr. 143, tr. 157.

T.Đ.A.S 

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn