Ghen - Nguyễn Ngọc Chiến

02.06.2017

Ghen - Nguyễn Ngọc Chiến

Có lẽ tôi sẽ bỏ làm thơ thôi anh Thành ạ!

Phương Thảo nói và ngước cặp mắt đen lay láy nhìn về phía biển. Bấy giờ đang là buổi chiều của một ngày giữa hè. Một ngày biển lặng như chưa từng có bao giờ. Mặt biển trải dài, mênh mông, bát ngát. Gió nhè nhẹ tạo nên những đợt sóng lăn tăn, vô hồi trên mặt nước xanh thẫm. Càng ra xa, biển càng trở nên hiền hòa, phẳng lặng. Tôi nhìn Phương Thảo và có cảm giác sau câu nói, chị cố nén một tiếng thở dài. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe Phương Thảo thổ lộ với tôi điều này. Mà đã lâu rồi, có lẽ từ cách đây vài ba năm về trước, Phương Thảo cũng đã mấy lần nói với tôi về điều ấy. Lần đầu khi nghe Phương Thảo nói, tôi cứ ngỡ là chị đùa. Ai thì tôi còn tin, chứ với chị, một người đam mê văn chương, lại có tài, sao nỡ lòng dứt bỏ một cách dễ dàng thế được. Nhưng rồi khi biết đó là nỗi lòng rất thật của chị, tôi lại nghĩ chắc là bởi chị bận công tác, bận việc gia đình nên muốn đoạn tuyệt cho đỡ nhọc lòng. Bẵng đi một thời gian, không thấy chị nhắc tới điều này. Lại thấy gần đây, chị vẫn làm thơ rất đều, thơ in trên các báo rất đều, nên tôi đã phần nào an tâm cho là chị đã sắp xếp được thời gian để theo đuổi niềm đam mê của mình. Nào ngờ, hôm nay, gặp Phương Thảo trong một trại viết, tôi rất ngạc nhiên khi nghe chị lại thốt ra điều này.

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Phương Thảo đã lại tiếp:

- Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi tham gia trại viết... Tôi... tôi không còn có cơ hội để... để... tiếp tục nữa anh à...

Câu sau cùng Phương Thảo nói trong chứa chan nước mắt. Người chị khẽ run lên. Là người quen biết Phương Thảo từ nhiều năm nay, tuy rất ít khi gặp nhau, nhưng chúng tôi vẫn thường đọc tác phẩm của nhau, động viên, chia sẻ cùng nhau mọi niềm vui, nỗi buồn qua từng trang viết. Bây giờ nghe Phương Thảo nói vậy, tôi thực sự bàng hoàng, cảm thấy buồn bã, tiếc nuối như bản thân vừa đánh mất một cái gì đó hết sức quý giá.

- Nhưng tại làm sao? Tại làm sao chị phải làm thế? - Tôi hỏi gần như quát mà quên đi rằng trước mặt tôi là một người phụ nữ, một người chẳng họ hàng ruột thịt gì. Phương Thảo không nói gì thêm, cùng tôi quay trở lại khách sạn, nơi đang diễn ra trại viết. Mãi tới chiều hôm sau, khi lễ bế mạc kết thúc để ngày mai chia tay, Phương Thảo mới rủ tôi ra một quán cà phê, dốc bầu tâm sự. Có lẽ phải quý tôi và tin tưởng tôi lắm, chị mới bộc bạch hết tất cả mọi nỗi niềm riêng tư thầm kín bấy lâu ngủ yên trong lòng mình...

Cũng như tôi, Phương Thảo là một người làm thơ, là hội viên văn học của một tỉnh. Nói là “hội viên của một tỉnh” nghe có vẻ “thấp bé nhẹ cân”, chứ thơ chị, công bằng mà nói, nếu đem so sánh, chắc không thua kém, thậm chí ngang ngửa với thơ của nhiều nhà thơ chuyên nghiệp. Đó không chỉ là nhận xét của riêng cá nhân tôi mà còn của nhiều người khác. Tôi gặp và quen Phương Thảo cách đây hơn chục năm, trong một lần cả hai cùng được mời tham dự một trại sáng tác văn học ở Tây Nguyên. Hồi đó, Phương Thảo mới chỉ ngoài hai mươi tuổi, chưa chồng con, chưa vướng bận gì với gánh nặng gia đình. Hồi đó, chị mới chỉ là một sinh viên mới ra trường đang chuẩn bị học tiếp hai năm nữa để lấy bằng thạc sĩ văn chương. Và hồi đó, trông chị hồn nhiên, vô tư, cười nói suốt ngày. Hơn chục ngày ở trại viết, được đi thực tế ở các buôn làng của đồng bào Bana, Êđê, Giarai... được đắm mình trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, với những dòng sông, con thác, giữa tiếng cồng chiêng, ánh lửa đêm lễ hội... Phương Thảo đã làm được mấy bài thơ rất hay về vùng đất này. Chính ông nhà thơ phụ trách trại viết đã hết lời ngợi khen thơ Phương Thảo và cũng chính ông đã đích thân gửi đăng những bài thơ ấy của chị trên một tạp chí văn nghệ có uy tín ở Hà Nội.

Sau kết thúc trại viết ở Tây Nguyên, phải sáu, bảy năm, tôi không gặp lại Phương Thảo một lần nào nữa. Nhưng đọc báo, tôi vẫn thường thấy thơ chị. Và  qua bạn bè, tôi được biết chị đã lấy chồng, đã có con, đang sống với nhau rất hạnh phúc. Gần đây, tôi tình cờ gặp lại Phương Thảo mấy lần nữa cũng trong những lần đi dự trại viết. Phải nói rằng, trong mắt tôi, dù thời gian đã trôi qua, con người ai cũng già đi, thay đổi đi ít nhiều, nhưng với Phương Thảo, chị vẫn là một phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và đầy quyến rũ. Hình như tuổi tác, thanh xuân vẫn ở lại cùng chị, chưa chịu chia tay. Chị đẹp ở khuôn mặt trái xoan, ở làn da trắng, ở mái tóc dài. Đặc biệt là chiếc mũi dọc dừa thanh tú của chị thì ai cũng phải mê. Và đặc biệt hơn nữa là đôi mắt chị, một đôi mắt đen lay láy, một đôi mắt hình lá răm, một đôi mắt lúc nào cũng long lanh như đang có những vì sao lấp lánh trong đó. Những lần gặp gỡ sau này, tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về Phương Thảo. Bởi, tôi đang có ý định viết về thơ chị. Tôi đang muốn giới thiệu một chân dung văn học mà ít nhiều đã làm tôi ngưỡng mộ. Vẫn biết rằng, trước tôi, đã có nhiều người viết về thơ chị.

Phải công nhận, Phương Thảo là người có duyên với văn chương. Đường thơ của chị không mấy khúc khuỷu, gập ghềnh, tưởng như đã đặt chân lên, đã bước đi là đến. Tôi lại nghĩ đến có rất nhiều những người làm thơ, viết văn mà cứ phải trầy trật mãi, ba chìm bảy nổi mãi, mới có được chút thành công. Có người bỗng nhiên tỏa sáng như những vì sao được một thời gian rồi cũng bỗng nhiên vụt tắt, chìm nghỉm giữa lớp lớp mây đen. Có người lận đận với thơ như là duyên nợ nhưng vẫn không sao gặp được chút may mắn, đành coi đó như là một sự đã rồi và cứ vậy đeo đẳng cho đến hết đời. Con đường thơ của Phương Thảo không thế, dù chưa nhiều hoa thơm, quả ngọt, nhưng lúc nào cũng phẳng lặng, êm ả. Phương Thảo yêu thơ và làm thơ từ rất sớm, nghe đâu lúc mới chỉ mười bốn, mười lăm tuổi chị đã có thơ in báo, và cho đến nay, khi đã xấp xỉ tuổi bốn mươi chị đã có cả một gia tài thơ đáng nể. Chị đã xuất bản mấy tập thơ. Tập nào cũng được giới phê bình văn học và bạn bè yêu thơ ngợi khen. Thơ Phương Thảo cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ ở cả trung ương lẫn địa phương trong cả nước. Chị cũng đã mấy lần đoạt giải thưởng trong các cuộc thi thơ. Thơ Phương Thảo mềm mại, đắm đuối, giàu nữ tính và có một phong cách riêng không thể lẫn với ai. Nhiều nhà thơ và nhất là những người yêu thơ trong cả nước đã biết đến chị và thơ chị. Tuy nhiên, dù có mặn mà với thơ đến đâu, tài năng với thơ đến đâu, thì thơ đối với chị vẫn mãi mãi chỉ là nghề tay trái, vẫn mãi mãi chỉ là niềm đam mê cháy bỏng mà thôi. Nghề chính của Phương Thảo là dạy học. Hơn mười năm nay chị là giảng viên của một trường đại học. Vừa là nhà giáo vừa là nhà thơ, vừa là người vợ đảm, người mẹ hiền như chị có lẽ không phải là hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong xã hội hiện nay. Và nếu như chỉ có thế thôi thì cuộc đời chị và cả thơ chị nữa đã có thể trôi đi một cách yên ả, còn có gì để mà tôi phải kể ra đây. Nhưng tại sao một phụ nữ yêu thơ như Phương Thảo lại đang có ý định bỏ thơ?

Hồi ấy, khi nghe Phương Thảo nói xa nói gần về điều này, rằng chị sẽ vĩnh viễn từ bỏ con đường văn chương, rằng chị sẽ không bao giờ làm thơ nữa... Quả thật lúc đó, tôi không mấy tin điều chị nói. Nhưng bây giờ thì tôi đã dần dần hiểu ra. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, câu nói ấy giờ tôi mới nghiệm ra thật ý nghĩa với hoàn cảnh của chị lúc này. Khác với Phương Thảo, Trần Thái, chồng chị là một doanh nhân thành đạt. Anh xuất thân từ một người làm thuê, trải nhiều vất vả, cơ cực. Do chịu thương chịu khó, ham học hỏi, đặc biệt là ý chí và khát vọng làm giàu đã giúp anh táo bạo mở một cơ sở xây dựng nhỏ tự túc làm ăn. Chỉ sau khoảng hơn chục năm, từ chỗ gần như không tên tuổi, cơ sở của Trần Thái đã “phất” lên như diều gặp gió, trở thành một công ty xây dựng tiếng tăm thuộc vào hàng “ăn nên làm ra” trong tỉnh. Đến khi xây dựng gia đình với Phương Thảo thì anh đã là một “ông chủ”, một người giàu có, thuộc vào hàng mà cánh ăn chơi thường nói vui là “tiêu tiền không cần đếm”. Công ty của anh hiện có tài sản, vốn liếng lên đến hàng chục tỷ đồng. Không chỉ biết cách “hái ra tiền”, anh còn là người hết lòng với vợ con. Đối với Phương Thảo thì anh chiều chuộng không để đâu cho hết. Vì chiều vợ mà mỗi lần Phương Thảo cần sắm sửa gì là anh chìa cho cả cục tiền, có khi vài chục triệu là chuyện thường. “Đấy, em cứ cầm cả mà sắm gì tùy thích, nhưng nhớ là nên chọn mua những loại áo quần có chất liệu vải hợp với sở thích của anh đấy!”. Cũng có lúc anh còn tự tay mua cho chị những bộ váy áo đắt tiền, thậm chí anh còn mua cả cho chị những bộ đồ lót có màu sắc mà anh thích, hay cả các loại bông băng vệ sinh. Anh cũng thường đưa Phương Thảo đi chơi đây đó, “để cả hai vợ chồng cùng được tiêu tiền cho sướng”, anh vẫn nói vui vậy. Có thể nói, anh rất chiều vợ và biết vun vén xây đắp cuộc sống gia đình. Chỉ có điều anh là người rất hay ghen và không thích văn thơ, những thứ mà anh cho là phù phiếm, những thứ mà anh cho là chả mang lại lợi ích gì lắm. “Báu gì mấy đồng nhuận bút mà em phải vò đầu bứt tai cho khổ thân. Em làm thơ cả đời có nuôi sống được em không? Còn đam mê, sự nghiệp ư? Thơ bây giờ đầy ra đấy, ở đâu chả có thơ, ở đâu chả có người làm thơ. Đấy, em xem, các làng quê, các khu phố, khóm phố, nơi nào chẳng có câu lạc bộ thơ!”. Trần Thái thường nói với Phương Thảo với một giọng mỉa mai như vậy. Vì hay ghen mà ngay cả chuyện ăn mặc của vợ, anh cũng “can thiệp” vào. Anh làm cứ như cách ăn mặc của vợ cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của vợ chồng anh không bằng. Ví như khi Phương Thảo đi ra ngoài, anh thường bảo chị mặc những loại áo quần vải càng dày càng tốt và anh gọi đó là để “đối ngoại”. Còn những lúc Phương Thảo ở nhà bên anh thì anh lại khuyên chị mặc những loại áo quần vải thật mỏng, càng mỏng càng tốt, và anh cũng nói vui với chị mặc như thế là để “đối nội”. Lại do không thích văn thơ, nghệ thuật, nên anh cấm tiệt vợ anh không được làm thơ, không được giao du, gặp gỡ với những người làm thơ, viết văn ngay từ ngày anh và chị mới cưới nhau.

Thực ra, Trần Thái không thích Phương Thảo làm thơ không hẳn vì thơ không mang lại lợi ích thiết thực như anh nói, mà cái chính là vì tính hay ghen của anh. Phụ nữ chồng con rồi mà không ý tứ gì cả, không tâm lý gì cả. Ai đời làm thơ chỉ làm toàn thơ tình, mà nào có đả động gì tới chồng con. Nghe cứ như là làm thơ cho bồ bịch không bằng. Đã thế bài nào cũng ướt át, cũng sướt mướt. Lại còn “anh anh, em em”, “chàng chàng, nàng nàng” ngọt xớt nữa mới chết chứ! Như thế đâu đã hết. Có khi còn thề non hẹn biển với “thằng cha” nào đó như là muốn bỏ ngay chồng, bỏ ngay con mà đi. Thơ như thế thì thằng đàn ông nào đọc mà nó chẳng chết mê chết mệt, chẳng lăn đùng, lăn quay ra! Thơ như thế thì thằng chồng nào mà nó chịu cho được, thằng chồng nào mà nó chẳng “ba máu sáu cơn”, nổi cơn “tam bành”, nổi máu “Hoạn Thư”! Đã thế lại còn ra vẻ ta đây “đi thực tế”, mở trại viết này, mở trại viết kia, kéo nhau ra tận Nhật Lệ, Cửa Lò, vào tận Hội An, Tam Kỳ…có khi cả nửa tháng trời. Về nhà thì chúi mũi vào mà viết, nhăn mặt lại mà viết. Nhiều lúc nhìn bộ dạng ngô ngô, nghê nghê cứ như người từ trên trời sa xuống. Lại có đêm đang ngủ thì ngồi bật ngay dậy, hỏi thì bảo em vừa phát hiện ra tứ thơ hay phải ghi lại không quên mất. Rồi thì tụ tập nhau lại “sinh hoạt”, đọc thơ của nhau, bá vai bá cổ nhau, cười cười nói nói, cứ như là vớ được vàng. Nhất là có lần, một “thằng cha” nhà thơ tóc thì bạc trắng như cước, răng thì rụng móm mém cả mà mồm miệng cứ ngoen ngoẻn ngọt xớt đủ chuyện trên trời dưới đất với mấy cô chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu. Được đằng chân thể nào chẳng lân đằng đầu…Nhiều lúc nhìn mà ngứa cả mắt! Đã có lần Trần Thái xa xôi bóng gió ý nghĩ của mình với vợ. Trong thâm tâm, anh không muốn vợ mình phải chia sẻ với bất cứ ai, nhất là cánh mày râu, một tí ti tình cảm nào, dù chỉ là trong ý nghĩ. Anh chỉ muốn Phương Thảo, người vợ xinh đẹp, vô vàn yêu quý của anh, ngoài thời gian dạy học, thì về nhà chăm con, lo cho anh bữa cơm, và tối đến, sau một ngày anh vất vả kiếm tiền, thì chị, bao giờ cũng phải là chiếc gối bông mềm mại, thơm tho, để anh gối đầu thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành!

Một phụ nữ yêu thơ và có tài làm thơ, lẽ dĩ nhiên là ban đầu khi bị chồng ngăn cản, cấm đoán, dù biết đó là một sự ngăn cản, cấm đoán vô lý, Phương Thảo cũng đã rất buồn. Và dù không muốn tranh cãi, đôi co với chồng, chị cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Bằng một thái độ bình tĩnh, có vẻ rất tự tin, chị phân trần, giảng giải với chồng như lúc chị đang đứng trên bục giảng. Rằng, thơ là nỗi niềm đam mê của tất cả mọi người, thơ làm cho người ta cảm thấy mình trẻ ra, vui vẻ hơn, thư thái hơn sau mỗi ngày làm việc căng thẳng. Rằng, chị làm thơ mục đích không phải để kiếm tiền mà đó chỉ là nỗi niềm đam mê của chị. Rằng, chưa bao giờ chị làm thơ mà có ý định thế này thế kia để ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình... Trần Thái không những không chấp nhận mà còn để ngoài tai tất cả những tâm tư, giãi bày của Phương Thảo. Đã thế thì Phương Thảo càng được dịp lấn tới. Chị gân cổ lên mà cãi lại chồng, để rồi cuối cùng không kiềm chế được, đã buông một câu “em cứ làm thơ đấy, anh muốn làm gì thì làm”. Chưa bao giờ, kể từ ngày lấy nhau hai người lại lời qua tiếng lại nặng nề như thế. Trần Thái giận lắm! Vốn tính điềm đạm, rất ít khi nổi nóng, đặc biệt là chưa bao giờ anh nặng lời với vợ, vậy mà hôm ấy, chẳng biết “ma xui quỷ khiến” thế nào, anh đã chồm tới đập vỡ tan tành cái máy tính xách tay của Phương Thảo. Và cũng để rồi đêm hôm ấy, đã rất khuya, cả hai người vẫn thao thức, trằn trọc không sao ngủ được. Nước mắt Phương Thảo hình như đã thấm ướt cả gối. Còn Trần Thái thì cứ phải đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Cuối cùng thì họ cũng đã làm lành với nhau trên cái giường “chuông vuông mỗi bề hai mét” êm ái ấy bằng thái độ ăn năn của người chồng và lời hứa từ nay sẽ thôi không làm thơ của người vợ. Có lẽ Phương Thảo quá yêu chồng, thương con, quá khát khao một cuộc sống hạnh phúc gia đình, không muốn xảy ra những va chạm, dù rất nhỏ, có thể làm tổn thương đến tình cảm của vợ chồng chị chăng?

Mới chỉ hứa với chồng thế thôi mà Phương Thảo cảm thấy buồn kinh khủng. Mấy ngày liền, mặt chị cứ thần ra như người mất hồn. Nếu mai này thực sự bỏ hẳn thơ như đã hứa thì mình sẽ sao đây? Con người ta, mỗi khi đã đam mê điều gì đó thì khó lòng mà dứt ra được. Huống hồ chị, người đã từng coi thơ là duyên nợ, là người bạn tri âm tri kỷ từ thuở ấu thơ, nguyện một đời sống chết với thơ, sao chị lại có thể dễ dàng vứt bỏ như thế được? Chị hứa với chồng bỏ thơ nhưng liệu chị có thực hiện được không? Chị có thể sống mà thiếu thơ, thiếu đi niềm đam mê đã từng ngấm sâu vào từng tế bào trên cơ thể chị không? Thơ từ lâu đã là một phần máu thịt của chị, một phần cuộc đời chị. Mỗi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu thiếu thơ, chị sẽ lấy ai đây tâm sự, giãi bày? Không! Chị sẽ không bỏ thơ, không bao giờ chị bỏ thơ! Và cũng không ai, kể cả chồng chị, lại có thể dành cho mình cái quyền được tước đi một phần máu thịt ấy của chị!

Nhưng làm thế nào đấy để vừa giữ được hạnh phúc gia đình lại vừa được làm thơ? Không còn cách nào hơn, Phương Thảo buộc phải thay đổi bút danh. Phải thay đổi một bút danh quen thuộc, một bút danh đã từng được bạn đọc ngưỡng mộ và yêu mến qua từng bài thơ, qua bao năm tháng là điều không phải dễ dàng gì. Nhưng với chị thì đó là cách duy nhất. Từ đấy, thơ Phương Thảo xuất hiện đều trên các báo, tạp chí. Độc giả, khi đọc thơ chị dưới một bút danh khác, không hiếm người cứ ngờ ngợ khi bắt gặp một giọng thơ, một phong cách thơ quen quen như đã từng được đọc rất nhiều ở đâu đó rồi. Còn các nhà phê bình, các nhà thơ, thuộc hàng “cây đa cây đề”, vốn quan tâm đến lớp trẻ, bấy nay để ý theo dõi từng bước đi của thơ Phương Thảo, thì bỗng nhiên cảm thấy hụt hẫng, buồn phiền vì đã lâu rồi không thấy chị xuất hiện. Nay được đọc một giọng thơ đắm đuối, trữ tình, có sức hấp dẫn, cuốn hút lạ lùng của một cái tên lạ hoắc thì ai cũng phải nhăn trán suy nghĩ đến một điều gì đó.

Thấy Phương Thảo bỏ thơ, Trần Thái mừng lắm! Anh yên tâm thế là từ nay vợ anh không phải nhọc lòng với những chuyện vớ vẩn. Anh cũng không còn phải canh cánh nỗi lo vợ mình san sẻ tình cảm cho ai nữa. Bỏ được thơ vợ anh sẽ có điều kiện chăm chút thêm cho chồng con và cũng chăm chút thêm cho bản thân. Phương Thảo sẽ mãi mãi trẻ trung, mãi mãi xinh đẹp như ngày nào. Anh chiều chuộng, chăm bẵm vợ từng ly từng tí chả khác gì ngày mới cưới. Anh đâu ngờ được rằng vợ anh vẫn làm thơ đều đều. Và những tờ báo, tạp chí khắp nơi vẫn thường in thơ chị, vẫn thường gửi báo biếu cho chị qua địa chỉ ở trường đại học. Phương Thảo vẫn mang những ấn phẩm ấy về nhà và chồng chị vẫn thỉnh thoảng mở ra đọc để kiểm tra nhưng anh không phát hiện thấy gì. Các trại sáng tác hay các cuộc hội họp có liên quan đến văn học nghệ thuật, người ta mời chị, thì một là chị biện lý do rồi không đi, và hai là nếu có đi thì bao giờ chị cũng nhìn trước ngó sau rồi nhanh nhanh đến đó một lát, rồi cũng nhanh nhanh ra về ngay. Gần đây, Phương Thảo đã xuất bản thêm hai tập thơ nữa. Đó là những sáng tác miệt mài của chị trong nhiều năm qua mà chị muốn tập hợp lại, vừa là để không bị thất lạc, vừa là để có điều kiện gửi tặng bạn bè văn chương. Cả hai tập thơ lần này, cũng như hai tập thơ lần trước, ngay từ khi mới ra mắt đã đón nhận được niềm hân hoan chào đón của đông đảo bạn đọc. Người ta viết bài phê bình khen chê ở nhiều góc độ khác nhau càng khiến cho thơ chị như được chắp thêm cánh bay cao, bay xa hơn.

Nhưng Phương Thảo thì lại buồn, rất buồn! Bởi chị nghĩ rằng, trong khi niềm vui của chị thì ai ai cũng chia vui với chị, mừng cho chị, vậy mà với người thân yêu nhất của đời mình, thì chị lại phải dối lừa, phải giấu diếm. Càng buồn Phương Thảo lại càng lo. Lo là sau này nếu như Trần Thái phát hiện ra rằng, bao nhiêu năm qua chung sống với anh, chị đã lừa dối anh, thì liệu lúc ấy anh sẽ đối xử với chị thế nào? Và nhất là những bài thơ về tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, hút hồn người đọc, một mảng thơ mà chị thành công nhất trong sáng tác, có làm anh hiểu sai như đã từng hiểu sai về chị không? Đến lúc ấy hạnh phúc của đời chị sẽ ra sao? Liệu có được còn nguyên vẹn như bây giờ không? Rồi cả niềm khát khao, ước vọng cháy bỏng được đi đến tận cùng với thơ, được suốt đời chung thủy với thơ sẽ thế nào đây? Phương Thảo nghĩ mà buồn và lo cho mình lắm!

Câu chuyện của Phương Thảo cứ làm tôi phải suy nghĩ mãi. Tôi thầm tiếc cho một tài năng vừa hé nở như bông hoa hàm tiếu đã sớm gặp ngay cảnh gió mưa tầm tã, khiến cho những cánh hoa mỏng manh kia không sao nở bung ra giữa đất trời như bản thân nó vốn có. Tôi thầm trách anh chồng của chị mới chỉ đánh giá vợ mình từ một phía mà không thấy cả một bầu trời xán lạn, tươi đẹp đang mở dần ra trong mỗi ước mơ, đam mê của chị. Tự nhiên tôi thấy buồn cho Phương Thảo như chính đó là nỗi buồn của mình. Rồi chẳng biết sau lần tâm sự với tôi, khi trở về nhà, Phương Thảo đã xử sự ra sao với tình cảnh của mình. Chỉ biết rằng, sau ngày chia tay ở trại viết không lâu, trong những lần đọc báo tôi lại thấy xuất hiện cái tên Phương Thảo bên cạnh những bài thơ. Tôi gần như reo lên vì sung sướng. Đúng là Phương Thảo và thơ chị thật rồi. Một giọng thơ đắm đuối, trữ tình, không thể lẫn với ai. Tôi mừng cho chị đã trở lại với tên thật của mình, trở lại với chỗ đứng của mình trong lòng người yêu thơ. Chưa hết mừng thì liền đó, vào một buổi chiều, khi đang sửa soạn cho một chuyến đi dự trại sáng tác, tôi nhận được điện thoại của Phương Thảo cho biết chị cũng được mời dự trại sáng tác ấy. Trại sáng tác lại ở ngay bãi biển quê chị, một bãi biển rất đẹp và nên thơ. Qua giọng nói, tôi biết Phương Thảo rất vui. Bởi, ngay từ lúc mới trò chuyện, chị đã trả lời tôi bằng một câu gọn lỏn nghe rất hài hước “Chồng em không ghen nữa”, khi tôi hỏi về chồng chị. Tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên. Không rõ cô nhà thơ này đã thuyết phục chồng bằng cách nào, nhưng xem ra rất nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, có những việc còn phức tạp hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều mà người ta còn giải quyết ổn thỏa, huống hồ chỉ là cái việc bé tẹo teo như ngón tay kia. Người chồng của Phương Thảo ngày ấy chắc là chưa hiểu được vợ và niềm đam mê của vợ. Chứ khi đã hiểu, nhất định anh ta sẽ không thế. Như bất cứ người đàn ông nào, rồi anh ta cũng sẽ cảm thông cho vợ, thậm chí anh ta còn là chỗ dựa, là niềm an ủi, động viên trên mỗi bước đường thơ đầy chông gai của người bạn đời. Buổi chiều hôm đó, trên bãi biển, khi nghe Phương Thảo tâm sự chuyện buồn, tôi cũng đã khẳng định với chị như thế.

Thì đúng thế thật! Tôi đã gặp lại Phương Thảo. Và hơn thế, tôi còn được gặp cả Trần Thái, chồng chị. Suốt thời gian trại viết kéo dài hơn nửa tháng, Trần Thái đã có mặt nhiều lần, tham gia rất nhiệt tình tất cả các hoạt động của trại viết. Anh còn là người tài trợ chính cho trại viết với tư cách là một doanh nhân làm ăn thành đạt. Không biết câu chuyện “ghen tuông” của vợ chồng anh có ai biết không, và không rõ anh có biết tôi là người đã biết được ngọn ngành câu chuyện ấy không, mà hôm bế mạc trại viết, tự nhiên anh kể ra như một lời thanh minh. Rằng, hồi ấy, khi biết vợ làm thơ, say mê với thơ, anh đã không thích và tìm mọi cách để cản ngăn...Nói đến đây, anh tự nhận anh là một người...lạc hậu trong suy nghĩ. Và chỉ chút nữa thôi, những suy nghĩ có phần hẹp hòi, ích kỷ ấy ở anh đã có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình anh. Anh còn nói rằng, anh là một người chồng tốt, rất yêu vợ. Và khi đã là người chồng tốt, rất yêu vợ, thì anh phải biết yêu những gì mà vợ mình yêu. Vợ chồng đầu gối tay ấp. Nhưng vợ chồng còn phải hòa hợp cả con tim lẫn tâm hồn. Anh rất hạnh phúc khi biết vợ mình làm thơ hay và đã rất... nổi tiếng với thơ!

Ngồi ở cuối phòng, thỉnh thoảng nhìn về phía Phương Thảo, tôi bắt gặp chị tủm tỉm cười. Nụ cười bừng sáng cả khuôn mặt như những vần thơ của chị...

N.N.C 

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn