Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam Kha

08.10.2019

Đà Nẵng là trung tâm văn hóa, kinh tế của khu vực miền Trung. Một thành phố trẻ năng động, sáng tạo đang trên đà phát triển từng ngày, từng giờ... Để theo đà phát triển chung của thành phố văn học nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng phải làm sao xứng tầm phát triển của thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng... Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong những hội có số lượng hội viên đông chỉ sau Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế.

Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp nối thế hệ - Hồ Đình Nam Kha

Mỹ thuật Đà Nẵng có tổng số 76 hội viên, trong đó có 29 là hội viên Trung ương, là đội ngũ sáng tác chủ lực nhiều năm qua của mỹ thuật thành phố. Các anh chị họa sĩ và những nhà điêu khắc, đã đem về cho mỹ thuật thành phố nhiều giải thưởng khu vực, quốc gia và quốc tế, nhiều họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi của mình như họa sĩ: Vũ Dương, Duy Ninh, Hoàng Đặng, Tường Vinh, Nguyễn Trọng Dũng, Dư Dư,...  về điêu khắc có nhà điêu khắc: Phạm Hồng, Đinh Gia Thắng, Lê Huy Hạnh, Nguyễn Quang, Lê Công Dũng... mỹ thuật Đà Nẵng có khuynh hướng, phong cách sáng tác riêng, đã định hướng được năng lực sáng tác cho từng cá nhân .

Mỹ thuật Đà Nẵng có nhiều tên tuổi của lớp đàn anh, đàn chị vang bóng một thời như: Nguyễn Thị Phi, Lê Đợi, Phan Ngọc Minh, Trần Như Ái, Võ Thanh Tịnh... và hơn 40 tác giả trẻ thế hệ 7x, 8x, 9x đã đem lại mỹ thuật Đà Nẵng một cách nhìn riêng, phong phú, đa dạng. Nhiều nhà phê bình, lý luận, đánh giá: Nhờ cái nóng, cái gió, quanh năm mưa nắng của dãi đất miền Trung, đã đem lại nơi đây những con người (họa sĩ) có màu sắc riêng biệt, sâu lắng mà mộc mạc chân chất, vừa mạnh mẻ lại khoan dung, mỗi người một phong cách, không ai giống ai đó là cái riêng của họa sĩ Đà Nẵng.

Trong 5 năm qua, mỹ thuật Đà Nẵng có nhiều khởi sắc, mỗi năm có 5 đến 6 cuộc triển lãm của Hội tổ chức, hoặc nhiều cuộc Hội phối hợp tổ chức như phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, tinh thần anh chị em hội viên phấn chấn, nhiều tác phẩm ra đời, được quảng bá rộng rãi, đến những người yêu mến nghệ thuật thị giác thưởng lãm. Điều đáng nói là Bảo tàng Mỹ thuật ra đời, nâng cánh cho mỹ thuật Đà Nẵng phát triển bay cao, bay xa hơn nữa. Nhiều câu lạc bộ  được thành lập: Câu lạc bộ Trúc Văn, Câu lạc bộ Đồ họa cộng với Câu lạc bộ Nữ và nhóm họa sĩ  Trẻ, đây là đội ngũ sáng tác mới của anh chị em họa sĩ Đà Nẵng. Nếu bảo CLB Trúc Văn hoạt động phong trào cho mỹ thuật Đà Nẵng, thì CLB Đồ họa thiên về chất lượng tác phẩm, bằng chứng là nhiều họa sĩ Đồ họa có giải thưởng cao khu vực và quốc gia, như họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, họa sĩ Trương Nguyễn Nguyên Kha...         

Thế hệ kế cận trong lĩnh vực mỹ thuật Đà Nẵng khá đông đảo, quy tụ được những  anh chị em có nghề, được đào tạo bài bản thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x. Có thể thấy, những sáng tác mới của lớp họa sĩ trẻ không chỉ góp phần kế thừa mà còn đưa mỹ thuật thành phố uyển chuyển, tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Một số họa sĩ trẻ  tạo được phong cách, bút pháp và trường phái riêng, về trường phái cực thực có các họa sĩ: Nguyễn Hữu Đức, Trần Huy Tuân, Lê Ngân Thủy... Bán trừu tượng có Ngô Thanh Hùng, Phan Văn Thành, Nguyễn Vinh Trung... Những cái tên không thể không nhắc đến về phong cách hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa như: Đặng Thị Phượng, Phan Thanh Hải, Đặng Công Tuấn, Trần Hải, Nguyễn Tấn Kiệt, Huỳnh Thị Thắng, Đỗ Thanh, Trần Hữu Cân... Họ đa dạng về xu hướng và phong cách sáng tác, lớp họa sĩ trẻ của Đà Nẵng đã và đang thể hiện được dấu ấn cá nhân khá đậm nét. Đây là một thế hệ trưởng thành với góc nhìn mới cùng sự phá cách, sáng tạo trong nghệ thuật. Họ có niềm đam mê và luôn khát khao tìm đến cái  “đích” cái  “chân thiện mỹ” của nghệ thuật để gửi gắm những tư tưởng, suy nghĩ về cuộc sống và con người chân thực. Theo nhận xét của nhiều họa sĩ đàn anh, thế hệ họa sĩ trẻ hiện nay được đào tạo bài bản, có cách nhìn mới, bắt nhịp được trào lưu, xu hướng hội nhập của mỹ thuật đương đại. Do đó, nhiều họa sĩ trẻ thành phố đạt giải thưởng cao tại các triển lãm khu vực và quốc tế (Đặng Thị Phượng Huy chương Bạc “Tiểu vùng sông Mê Kông”, Trương Nguyễn Nguyên Kha giải C khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 23 tại tỉnh Phú Yên). Họ yêu nghề, say mê sáng tạo và luôn tự tìm tòi cái mới. Về kinh nghiệm sáng tác có thể họ chưa thật sự chín muồi nhưng bản thân tôi và giới Mỹ thuật Đà Nẵng, rất tin tưởng vào tài năng của lớp họa sĩ kế cận hiện nay.

Thực tế mà nói, gần đây, các họa sĩ và nhà điêu khắc ngoài học hỏi từ trường lớp còn có nhiều cơ hội tiếp cận những khuynh hướng nghệ thuật và kỹ năng sáng tạo mới, được tự do chia sẻ, bày tỏ quan điểm nghệ thuật thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm và môi trường thế giới số. Người trẻ đến với nghệ thuật tự tin, tự tôn, không lệ thuộc, tìm cách xuất hiện, giao lưu mà lớp trước không có được. Điều đáng nói là có nhiều họa sĩ trẻ Đà Nẵng đang sống được và sống tốt bằng nghề, họ sáng tác theo đơn đặt hàng, buôn bán tranh trên mạng xã hội, hoặc vẽ tranh resort, khách sạn, hay nghệ thuật cộng đồng...

Bên cạnh đó, đội ngũ họa sĩ thế hệ kế cận của Đà Nẵng hiện nay đang tạo được dấu ấn với nhiều thể nghiệm mới, bắt kịp thời đại. Bên cạnh những chất liệu truyền thống như sơn mài, sơn dầu, lụa... cũng xuất hiện những tác phẩm mới với chất liệu mới như đồ họa độc bản, phá bản, khắc gỗ, in kẽm, khắc mica, collograph, tổng hợp... Sự thể hiện sáng tạo trong nghệ thuật của giới trẻ cũng sâu rộng hơn, bao la hơn.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển không ngừng nghỉ của Văn học -Nghệ thuật thành phố, 9 Hội chuyên ngành thường xuyên hơn, trong việc giao lưu, hợp tác học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tích cực tham gia các trại sáng tác chuyên đề, hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Hội Mỹ thuật thường xuyên tổ chức, tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật trong và ngoài thành phố cũng như những cuộc triển lãm nhóm, tập thể tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Huế, Quảng Nam... Trong các cuộc triển lãm đó luôn luôn đồng hành nhiều tác giả trẻ, họ là nguồn động lực phát triển phong trào mỹ thuật. Bằng niềm đam mê sáng tạo, có tư duy và quan điểm nghệ thuật trẻ trung, hiện đại, người trẻ luôn tìm ra cách chuyển tải những thông điệp cuộc sống mới với khát vọng về cái đẹp, sự văn minh qua các sáng tác của mình. Cũng theo nhiều họa sĩ, ngoài tài năng, các họa sĩ trẻ cần nắm giữ trong tay thời gian, sức khỏe, nhiệt huyết sáng tạo và cơ hội của thời đại. Vì vậy, sứ mệnh phát triển của mỹ thuật  được đặt lên vai của những họa sĩ thế hệ 7x, 8x, 9x... Mỹ thuật Đà Nẵng hy vọng, mong muốn rất nhiều vào sự thăng hoa, bứt phá của giới trẻ để mỹ thuật bước sang trang mới, giữ vững được phong độ, có chiều sâu và sắc thái riêng mỹ thuật Đà Nẵng...

H.Đ.N.K