Mùa hè của tuổi thơ tôi - Vũ Ngọc Giao

02.07.2019

Ngày tôi còn nhỏ, kết thúc năm học bố tôi thường đi họp phụ huynh. Khi về, trên tay cầm quyển sổ liên lạc với kết quả không mấy tự hào của con gái, bố tôi buông một câu gọn lỏn “Cho về quê chăn bò!”.
Những lúc như vậy, trên gương mặt, tôi luôn biểu lộ sự đăm chiêu và hối hận, nhưng thật ra trong bụng tôi sướng rơn, vì đã về quê mà còn được chăn bò thì còn gì bằng...
Hè nào cũng vậy, về quê đám giỗ ông bà, bố cũng cho tôi theo. Đến quê, tôi nhanh nhẹn lắm.

Mùa hè của tuổi thơ tôi - Vũ Ngọc Giao

Để chứng tỏ cho bố thấy tôi có “triển vọng”, tôi xăng xái ra đụn rơm sau hè rút một bó bỏ vào chuồng cho bò gặm, rồi ra chum xách nước đổ vào máng cho bò uống. Tôi quanh quẩn bên chuồng bò vào mỗi buổi chiều khi chúng trở về, vuốt ve đầu từng con, bảo “Em có đôi mắt ướt thật đẹp và hiền, như chị” (ôi trời!).

Tờ mờ sáng, chú tôi đã trở dậy mở bò (quê tôi đi chăn bò gọi là mở bò) tôi cũng dậy theo, nhanh nhẹn ra chuồng bò nhấc thanh gỗ bắc ngang cửa chuồng, gõ “cộc, cộc, cộc” ba tiếng. Tôi bắt chước chú tôi, đó là ám hiệu cho bò biết, lo mà dậy ra đồng. Tôi làm thuần thục, đầy “đam mê”. Nhưng hình như bố tôi không mấy để ý, người lớn thường hay quên.

Có lẽ bố tôi quên bẵng chuyện đã “hoạch định” tương lai cho con gái. Gần đến ngày về, tôi cố tình đi qua đi lại trước mặt bố, khi ôm rơm, khi xách nước... nhưng bố tôi vẫn không nhớ. Tôi lân la lại gần nhắc khéo “Hồi nhỏ bố có đi chăn bò không hả bố?” “Có chứ con, bố học một buổi, một buổi chăn bò. Ra đồng bao giờ bố cũng mang sách theo học”.  Bố tôi vẫn có thói quen lồng ghép vấn đề bất cứ lúc nào, để dạy dỗ chị em tôi. Bố nói tiếp “Hồi đó cả làng chỉ có mỗi bố là được học trường Trần Quốc Tuấn”. Ở quê tôi, ai học giỏi mới được vào trường cấp 3 này. Tôi vẫn quyết tâm lái vấn đề “Con đố bố, muốn con bò đi qua bên phải, thì nói sao, muốn con bò đi qua bên trái, thì nói sao?” Bố chẳng buồn trả lời tôi, bảo “Chơi vài ngày thôi, chuẩn bị về, lo mà ôn Toán”. Tôi cố vớt vát “Bố nói hồi nhỏ bố giỏi Toán mà sao lớn lên bố làm thơ kìa, học Toán làm gì?”. Bố nói tiếp “Ngày trước bố giỏi Toán lắm, trên bảng thầy chép đề chưa xong, dưới này bố đã có đáp số”. Tôi gục gặc đầu ra vẻ ngưỡng mộ nhưng trong bụng thì nghi hoặc lắm, ai đời đề chép chưa xong mà bố đã có đáp số, thiệt tình!

Cái sự “lồng ghép vấn đề” luôn được bố tôi tận dụng triệt để. Ngày Quốc tế thiếu nhi, bố đưa tôi đến Đài truyền hình chơi. Ngồi dưới này nhìn lên tôi thấy quá trời anh chị lên nhận phần thưởng vì kết quả học tập xuất sắc. Bố tôi tranh thủ ngay “Đó đó, con thấy anh Lâm Tùng Giang không, ảnh thi toán quốc tế được giải, phần thưởng toàn truyện hay, con cố lên...”. Thật lòng tôi chả quan tâm, anh Giang là anh Giang, tôi là tôi, chả liên quan gì nhau. Có hôm bố về, cho tôi xem tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật nơi bố tôi sinh hoạt ngày trước “Con xem, em Hoàng Sơn Trà, con bác Sơn, nó làm thơ, mới được đăng”. Trời đất! Thằng cu Trà bé như hạt mít, thua tôi 4-5 tuổi gì đấy, có mỗi bài thơ, tinh tướng. Tôi đây, một đêm làm năm bài thơ, sáng ngủ dậy viết một lèo, còn chưa nói gì. Tôi làm thơ để cất cho riêng mình. Tôi ra hiên ngồi, kê cằm lên đầu gối, lẩm nhẩm đọc mấy câu trong bài thơ vừa làm đêm qua:

“Bố đi thực tế rồi

Chỉ còn một mình tôi

Ở nhà ngồi đọc sách...”

Vừa đọc tôi vừa nghĩ thầm: Nếu bố biết mình làm thơ hay như này, chắc bố sẽ không mang thằng cu Trà ra làm gương điển hình. Nghĩ vậy, tôi nhẩn nha đọc bài khác:

“Chiều tà dần trên núi

Len mờ xuống bóng cây

Con chợt buồn, nhớ bố

Mà nào bố có hay...”

Có lần bố kể, con của chú gì gì đó tôi không nhớ nữa, vẽ tranh đẹp tuyệt. Vậy là đêm đến, tôi xin bố tờ giấy, trải xuống nền xi măng, bắt đầu vẽ. Đầu tiên tôi vẽ nồi cơm, hai cái chén, hai đôi đũa. Tiếp đến tôi vẽ que kem, cục kẹo ú và cuối cùng là một con búp bê xinh xinh. Tôi ngắm nghía tác phẩm của mình, mỉm cười sung sướng...

Cùng với tuổi thơ, tôi lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ. Cuộc đời, đôi khi có lỡ tay chạm vào, khiến tôi lắc lư như một con lật đật, rồi lại đứng yên. Cứ thế...

V.N.G