Khóc... - Xuân Đài

09.05.2017

Khóc... - Xuân Đài

Nhận được điện cha ốm nặng, anh thu xếp cho cả nhà về ngay. Anh biết đợt này ông cụ khó lòng qua khỏi. Cụ ốm hết trận này đến trận khác, kéo dài gần ba năm nay. Có qua đời cũng là thọ rồi. Cụ tuổi Mậu Ngọ, năm nay đã ngoài bảy mươi... phải về cho kịp để cụ nhìn mặt con cháu lần cuối. Gần mười năm, anh chưa về quê. Gia đình anh bìu ríu, ba dòng con, đó là chưa kể đứa con riêng của vợ sau, tính cả nó là bốn dòng. Dù kinh tế eo hẹp, gia đình anh quyết định đi một chuyến máy bay để mọi người được ngắm trời ngắm đất. Mua tất cả chín vé người lớn: hai bà vợ, hai đứa con riêng với vợ trước, hai đứa con riêng với vợ sau, hai đứa nữa là hai con riêng của hai bà vợ. Rắc rối của một gia đình sau chiến tranh, dù chiến tranh đã lùi xa hơn hai mươi năm. Đáng nói là đứa con riêng vợ trước sinh năm bảy tư khi anh đang ở mặt trận Tây Nguyên. Ngày hòa bình, khoác ba lô về tới đầu làng, bà con đã xầm xì về thằng con trai này.

Làng anh nằm ở ngoại ô, cách trung tâm thị xã hơn một giờ đi bộ, xe đạp phóng vèo vèo chưa đến hai mươi phút đã tới nhà. Bố anh là cán bộ lâu năm của ngành thương nghiệp, nhưng người ta gọi ông là thợ nói. Ông nổi tiếng về khoa nói: các loại nghị quyết, các phong trào vừa phát động, những cuốn sách phổ biến cho mọi tầng lớp học tập, nhất là sách dành cho thanh niên, ông đều lên bổng xuống trầm rất hay. Theo cách nói dân gian, ông nói kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Nhờ tài nói của ông, theo như đánh giá của cấp trên và của các ban ngành trong tỉnh đã góp một phần không nhỏ dẫn đến việc tỉnh nhà suốt mấy năm liền thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người.

Làm giỏi đã khó, nói giỏi cũng không dễ dàng hơn. Hàng nghìn người, hết đợt này đến đợt khác, hễ ông nói chuyện là ngồi im re, lắng nghe từng câu, xao xuyến trong lòng. Những điều ông truyền đạt thấm vào tâm can họ, họ nhận ra chân lý, mặc cho chân lý ấy có tù mù. Anh là con trai trưởng của ông, sau anh còn ba đứa em, hai gái một trai. Anh là cán bộ trung cấp thủy lợi làm việc ngay tỉnh nhà. Năm anh đi bộ đội đã có hai con. Vợ anh sống ở quê, làm ruộng với mẹ chồng, chiều chiều tan sở anh đạp xe về nhà. Còn bố anh được cấp một ngôi nhà ở thị xã rộng thênh thang, chiều thứ bảy xe con đưa ông về làng, hú hí với vợ con, sáng thứ hai xe lại rước về tỉnh. Đều đặn như vậy. Anh không bao giờ đi ké xe của bố cả, dân làng thắc mắc, anh chỉ cười không giải thích...

Cái ngày anh tình nguyện ra trận, hỏi ý kiến bố, ông cụ thì thầm chỉ một mình anh nghe được:

- Con không nên hăng tiết vịt như vậy, bom đạn khốc liệt lắm, chín phần chết một phần sống.

Anh không ngạc nhiên trước lời khuyên của bố. Bố nói là nói với thiên hạ những điều tốt đẹp, còn với anh là ông nói thật về suy nghĩ của mình. Cái thật đáng sợ quá. Nhưng rồi không ghìm được, anh nói một câu cũng thật lòng:

- Chẳng lẽ cái chết dành cho người khác, cái sống dành cho những đứa con cán bộ như con đây...

Suốt mấy năm qua, bà con râm ran khen ngợi những thanh niên con cán bộ tỉnh hăng hái ra trận, số này rất ít và xì xầm lời qua tiếng lại về các cán bộ chạy chọt cho con trốn lính bằng cách gửi đi học, đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Anh nhất định ra trận chính vì không muốn làm nhục mình. Loại cán bộ như bố anh, không nói ra lời, từ sâu thẳm trong lòng anh khinh thường. Anh làm kỹ thuật, khác với những đồng nghiệp, rất thích văn học. Không chỉ ham đọc tiểu thuyết, anh còn viết truyện ngắn, làm thơ gửi cho các báo, mặc dù chưa được đăng bao giờ, anh vẫn không nản lòng với đam mê của mình.

Ngày anh về quê, đứa con hoang của vợ không làm nhức nhối tâm can anh. Anh hiểu nỗi đau chiến tranh không chỉ có trong tiểu thuyết nước ngoài mà đã ập vào nhiều gia đình Việt Nam, cả hai phía, gia đình anh nằm trong số này, anh chấp nhận và gánh chịu. Quá mệt mỏi, anh cũng không muốn tò mò cha đứa con trai của riêng vợ là ai. Lời an ủi mang tính huyền thoại của ông cả Hợp, tộc trưởng dòng họ Hứa của anh: cháu thấy không, thằng bé rất giống bố là cháu đấy. Chắc lúc ăn nằm với ai đó và cả lúc có thai cô ấy nghĩ nhiều về cháu. Kể cũng tội. Còn thằng bạn cùng sở thủy lợi với anh ngày trước thì hài hước: chắc cô ấy không tằng tịu với ai, lúc nào cũng nằm mơ thấy cậu rồi đậu thai, sinh ra thằng bé mới giống cậu như hai giọt nước, cậu lại rất giống ông cụ. Cổ tích thời hiện đại mà...

Anh li dị vợ và mang hai đứa con vào thành phố nơi anh được chuyển công tác. Ở thành phố biển này, anh góp gạo thổi cơm chung với cô giáo dạy vật lý, góa chồng, có một con riêng bằng tuổi đứa con gái thứ hai của anh. Chồng cô là sĩ quan cộng hòa. Có lần anh nghĩ vẩn vơ trong đầu, ai bắn chết anh ấy, hay chính là mình trong trận đánh giáp lá cà ở Bắc Buôn Mê Thuột. Anh cười một mình trước suy nghĩ vớ vẩn của mình. Vợ anh là người công giáo, quê tận Nam Định, theo bố mẹ di cư vào Nam lúc còn nhỏ xíu. Chính cô là người nói với anh rước vợ cũ và đứa con riêng của cô ấy vào đây sinh sống. Ban đầu anh ngạc nhiên, sau hiểu ra, anh biết đàn bà với nhau họ thương nhau. Cô không đứng trong số đông đàn bà ích kỷ, nhỏ mọn, thù ghét người cùng giới không đâu vào đâu. Trước lúc người vợ cũ bế con riêng vào, vợ anh đã mua sẵn một ngôi nhà trong hẻm, dạo đó giá nhà chỉ bằng giá một cái tủ lạnh đời mới, lại chính vợ anh xuất tiền cho người vợ cũ làm vốn buôn bán rồi chạy chọt xin cho cháu bé con riêng chị vào học gần nhà.

Trên đường về quê, anh nghĩ lan man chuyện của hai bố con. Có lần anh nói với bố:

- Miền Bắc bị bom đạn Mỹ hủy diệt, miền Nam cũng vậy, so với miền Bắc, miền Nam tan hoang nhiều hơn. Có một điều hai miền đều giống nhau là sự băng hoại về văn hóa. Trong Nam có câu hát buồn cười đến nhức nhối: rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con... Miền Bắc cũng vô vàn những câu hát đồng dao, người lớn dạy cho trẻ con về việc chồng đi bộ đội các bà vợ ở nhà chửa hoang. Theo con, cái mất mát tình nghĩa ở cả hai miền lớn hơn, nhức nhối hơn sự mất mát về vật chất. Vật chất có thể được bù đắp nhanh chóng, còn văn hóa rách nát từng mảng, cố gắng vá víu lại nó vẫn không giấu được những vết nham nhở...

Bố anh chậm rãi:

- Anh muốn nói về thân phận của anh và vợ anh chứ gì. Các anh phải biết tha thứ và căm giận đúng đối tượng.

- Chúng con là nạn nhân của chiến tranh, suy nghĩ về chiến tranh và căm giận nó, dù chúng con ở về phía những người chiến thắng.

Ông cụ nổi cáu:

- Chiến tranh chung chung, theo như cách nói của anh, rất giống với luận điệu của bọn xét lại. Chiến tranh ở Việt Nam là chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mọi tội ác là do Mỹ gây ra.

Giọng buồn buồn, anh đặt một câu hỏi với bố mà cũng như tự nói với mình:

- Đứa con hoang trong gia đình này, theo bố cũng là tội ác của đế quốc Mỹ. Và mọi sự xuống cấp về văn hóa như tệ tham nhũng, tệ điếm đàng, không chỉ có ở các thành phố lớn, các cô gái nông thôn ra thị xã đứng đường là tội của ai...?

Bố anh ú ớ, cà lăm một chút, rồi trấn tĩnh, quắc mắt dằn giọng:

- Tất cả là tội ác của đế quốc Mỹ!

Nghe ông lý sự, anh thấy bố mình chẳng khác gì ngày xưa, đầu óc ông, theo anh là đã đá vôi hóa. Hay là trong lòng ông nghĩ khác nhưng lại nói với giọng của một thời giáo điều cho nó... an toàn. Dù vậy anh cũng gợi một câu xem sao:

- Cuộc chiến tranh này, phía chúng ta với tư cách một bên tham chiến, chẳng lẽ chúng ta không có một chút trách nhiệm nào?

Ông nổi đóa:

- Sao anh lại ngu si đến như vậy, không phân biệt giữa chiến tranh xâm lược của thằng Mỹ và chiến tranh chính nghĩa, tự vệ của chúng ta. Bây giờ tôi mới rõ, vì sao anh đi bộ đội chừng ấy năm mà vẫn là thằng bạch vệ.(1)

Anh quay mặt vào tường, giấu cái nhếch mép cười nhạt, vì biết mình không thể... tự vệ được. Anh quay sang chủ đề chính về mục đích của chuyến đi phép này:

- Vợ chồng con về đây là để đón cô ấy (vợ cũ) và cháu bé (con riêng) vào Nam làm ăn sinh sống, đỡ gánh nặng cho gia đình ta. Ý bố mẹ thế nào, cho chúng con biết.

Ông cụ thở dài, cái thở dài không não ruột mà là trút được gánh nặng về vật chất và cả về ám khí nặng nề, u uẩn trong ngôi nhà từ khi con dâu sinh thêm đứa con không cha. Ông ới một tiếng gọi bà cụ đang ngồi trong bếp lên bàn chuyện. Ông nói lại ý định của vợ chồng con trai cho bà cụ nghe. Bà cụ ngồi ở thềm cửa ra vào vừa nghe ông nói vừa khóc tức tưởi. Cuối cùng bà cụ lau nước mắt hỏi một câu nhẹ nhàng:

- Liệu anh chị có cưu mang được mẹ con nhà nó chu toàn không?

Vợ anh cấu nhẹ vào đùi chồng, đứng dậy đẩy chén nước về phía bà cụ lúc này đã ngồi vào bàn, chị nói:

- Thưa bố mẹ, chúng con đã sắp xếp nhà cửa, công ăn việc làm cho chị và chỗ học cho cháu. Bây giờ chỉ chờ chị có bằng lòng vào trong ấy và bố mẹ có ưng thuận cho chị bế cháu đi không. Bố mẹ đừng ngại là tính toán của chúng con nông nổi, bồng bột, rồi hư bột hư đường. Nói thật, anh ấy và con sắp xếp mấy năm nay đâu vào đấy rồi mới ra đây thưa chuyện. Con là người có đạo, việc này là con làm theo lời răn của Chúa.

- Thôi em - chồng chị nhẹ nhàng - em không cần đưa Chúa ra để chứng minh tấm lòng của chúng ta với đại gia đình.

Bà cụ đột nhiên chắp tay vái cô con dâu. Chị đỡ tay bà, mẹ ơi đừng làm vậy, rồi đáp lễ bằng ba vái kính cẩn như khi chị đứng trước tượng Đức Mẹ.

Từ đó vợ cũ và đứa con riêng là một gia đình nhỏ sống cùng thành phố biển với vợ chồng anh, không thể gọi là lối xóm vì ở hai con phố cách xa nhau hàng chục cây số. Vợ cũ anh buôn bán, tần tảo nuôi con và chị cũng đã gá nghĩa với một ông Trung úy Việt Nam Cộng hòa. Họ sắp sửa sang Mỹ theo diện H.O hay ODP gì đó... Trong chiến tranh, chắc chẳng ai nghĩ ra điều kỳ lạ này.

Hứa Quang Tuấn, “con hoang” học giỏi đã tốt nghiệp đại học. Suốt những năm xa quê, anh là chỗ dựa tinh thần của nó. “Thằng bé” vẫn gọi anh bằng bác, mặc dù vợ anh đã nhiều lần bảo nó gọi bằng bố cho thân tình, vợ chồng anh không bao giờ phân biệt đối xử với nó nhưng nó vẫn quen mồm gọi bằng bác. Từ nhỏ Tuấn rất ít nói, bây giờ là chàng trai ngoài hai mươi, tính tình chẳng có gì thay đổi, kiệm lời tới mức tối đa...

Từ ngày rời quê, đây là lần đầu tiên Tuấn về thăm làng, lại thăm vào lúc được tin ông cụ hấp hối. Lúc đi qua chợ huyện, gặp người làng, mọi người đều đã biết ông cụ qua đời từ tối hôm qua. Chín mạng người, được bà con trong dòng tộc phủ khăn tang lên đầu. Vợ anh nhào vô ôm lấy quan tài khóc bố. Vợ cũ đứng tựa cột nhà nấc lên từng hồi. Anh ngồi đừ ra bên thành giường như một thằng lính thất trận. Những đứa con anh, kể cả những đứa không phải là con anh đều khóc ông. Đám trẻ đã lớn, biết cách khóc của người thành phố, nức nở nhưng không kể ra thành lời. Từ nãy đến giờ, Tuấn khoanh tay đứng dựa cột nhà gần mẹ, nước mắt chảy vòng quanh, lúc này bước đến sờ sẫm quan tài, đi quanh một vòng nhìn vào tấm gương trên nắp, bình tĩnh, từ tốn ngắm nhìn khuôn mặt người quá cố. Ngồi lặng phía chân quan tài, Tuấn nức nở:

- Bố ơi, bố ơi, bố ơi...! Con thương bố lắm! Rồi bỏ vào buồng của mẹ ngày xưa, lăn ra giường khóc tức tưởi, đúng như câu của ông bà mình nói: khóc như cha chết.

Những người già trong làng không ai ngạc nhiên về tiếng kêu “bố ơi” của Tuấn, chỉ có bọn trẻ là ngơ ngác không hiểu gì cả. Và chỉ một lúc sau chúng nó hiểu ra đầu đuôi câu chuyện do bà con dân làng xúm đông xúm đỏ ngoài sân, quanh vườn bàn tán, kể lại rành rọt.

Không chuyện gì ông thợ nói đã làm có thể giấu được thiên hạ, đến thằng cu Tuấn nó cũng biết.

Mẹ Tuấn khẽ mắng con:

- Sao con lại khóc như thế. Phải giữ thể diện cho gia đình chứ. Còn danh dự của dòng họ Hứa nữa.

- Còn một thứ danh dự nữa, sao mẹ không nói nốt ra đi!

- Con quá lắm.

- Mẹ ơi. Con thích sống trung thực. Ông ấy là bố con thì con khóc bố. Dối lòng là đê tiện. Con không thể làm thằng đê tiện, đạo đức giả!

 

Bạn tôi, người viết nhiều chuyện ngắn, viết xong, gửi các báo chẳng mấy khi được đăng. Anh kể với tôi: Hứa Quang Vinh, bạn hưu trí của anh, đang viết hồi ký đời mình. Vinh cho anh xem mấy chương. Anh thích. Vinh dựng lại rất hay về thân phận con người thời bao cấp, có buồn có vui, đầy ắp tình người. Anh hỏi Vinh có viết thật về đứa con hoang của vợ cũ là con của chính bố đẻ anh không. Vinh lắc đầu:

- Đau quá ông ạ. Tôi lờ đi. Việc này đụng vào vùng nhạy cảm.

Anh đọc Vinh nghe truyện ngắn “Khóc...”. Vinh lặng im, nghe chăm chú từ câu đầu đến câu cuối. Tợp một ngụm rượu quê, anh hỏi:

- Sao, ông thấy thế nào? Có bằng lòng cho tôi gửi đăng báo không?

Hứa Quang Vinh nói rành rọt từng chữ.

- Người ta vẫn khuyên những người cầm bút nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật... Có gì mà ông phải ngại. Chỉ sợ là không báo nào chịu đăng.

Anh đẩy ly rượu sang cho Vinh, hạ giọng:

- Tôi tin là người ta đăng. Tôi gửi cho tạp chí Văn Học Mới, ông thấy được chứ?

 

Chờ mãi không thấy tạp chí Văn Học Mới đăng truyện Khóc... của anh, anh lại đến chơi với tôi, tợp một ngụm bia, anh bùi ngùi: chắc họ quẳng vào sọt rác rồi ông ạ!

Tôi lặp lại câu nói của một nhà văn nào đó, tình cờ đọc được: chờ đợi là một nghệ thuật, ông ơi.

Tôi nhen cho anh một chút hy vọng.

X.Đ 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng