Đò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn Học

09.05.2017

Đò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn Học

Dòng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng ngày ấy còn được gọi là sông Bạch Đằng, chảy từ phía thượng nguồn của sông Yên, Cẩm Lệ vươn mình ra ôm ấp một vùng đất còn mang dáng dấp hoang sơ gọi là bán đảo Sơn Trà. Bờ đông sông Hàn ngày ấy nghèo lắm. Cư dân thưa thớt. Dọc bờ sông một số ngôi nhà chồ dựng lên tạm bợ trên mặt nước. Cuộc sống của họ lênh đênh như sóng nước sông Hàn. Còn bên này sông, phía tây sông Hàn mang dáng dấp một phố thị bán buôn sầm uất. Để qua sông, phương tiện đi lại chủ yếu là phải qua đò gọi là Đò Ngang. Người dân Đà Nẵng quê tôi, ai cũng có ít nhất vài lần qua sông trên những chiếc Đò Ngang ngày ấy - con đò một thời mang nặng ân tình của người dân đôi bờ.

Với tôi, Đò Ngang sông Hàn, một hình ảnh rất đỗi thân thương, gắn bó về một thời cắp sách đến trường mà  suốt đời tôi chẳng thể nào quên. Cái tình cảm sâu nặng ấy bắt đầu từ những ngày tôi còn là một cậu học sinh Trung học. Hồi ấy, phía bên kia Hà Thân muốn qua bên này học phải sang bằng đò. Đò thì nhiều nhưng người ta thích đi nhất chiếc đò lớn (gọi là phà) vừa an toàn vừa rẻ tiền mà đặc biệt là đối với học sinh. Quy luật vận động của đò rất nhịp nhàng, bên này vừa rời bến thì chiếc đò bên kia cũng thế. Cả hai gặp nhau khoảng giữa dòng sông và dường như cùng cập bến một lần.

Những chuyến đò vô tư qua lại hằng ngày ấy đã làm nên trong tôi một tình yêu thời áo trắng. Và người yêu đầu đời của tôi là Thảo, cô gái bên bờ đông sông Hàn. Chung lớp với tôi ngày ấy có nhiều nữ sinh sang bên này đi học. Những tà áo trắng thướt tha trong nắng chiều trên những chiếc Đò Ngang thật duyên dáng, gợi cảm. Với tôi hình ảnh của Thảo, cô nữ sinh ít nói cùng với mái tóc dài mượt mà cứ mãi vấn vương trong tôi. Tôi đã yêu thầm, nhớ trộm Thảo mất rồi. Tình yêu ấy thôi thúc tôi ngày nào đi học cũng ra bờ sông ngóng về phía bên kia khi đò rời bến để chờ, để đợi... Và khi Thảo với tà áo trắng cùng chiếc cặp ôm ngang ngực bước lên bờ bên này, tôi lẻn vào dòng người để kịp đến lớp. Không biết bao đêm ngồi học bài, tôi đã viết thư cho nàng nhưng tôi chẳng đủ dũng khí để trao. Tình yêu đơn phương làm cho tôi trở nên lãng mạn và không biết khi nào lại thuộc lòng những vần thơ của thi nhân viết về tình yêu để ngâm nga một mình. Những hôm lũ về phía thượng nguồn, dòng sông mở rộng ra, nước chảy xiết, những chiếc đò không dám sang sông, lòng tôi xốn xang, bồi hồi một cảm giác khó tả. Lớp học hôm ấy vắng bóng Thảo, một khoảng trống mênh mông tràn ngập lòng tôi. Tôi khắc khoải, bồn chồn, trông mong nàng đi học lại để được gần nàng. Và cơ hội đã đến.

Chiều hôm ấy, thầy giáo ốm đột xuất, chúng tôi được nghỉ hai tiết cuối. Một số trong lớp rủ qua Cổ Viện Chàm (Nơi trưng bày những bức tượng điêu khắc của người Chàm), trong đó có Thảo. Thấy Thảo đứng một mình dưới gốc cây sứ, tôi hồi hộp, trống ngực đập thình thịch... và rồi lấy hết dũng khí đến bên Thảo. Thảo đứng đó, với tà áo dài trắng, mái tóc buông xõa ngang vai, đôi mắt hướng lên những bông hoa sứ. Trông Thảo thánh thiện đến lạ. Thấy tôi. Thảo cười. Nụ cười ấy như động viên tôi. Sau vài câu hỏi bâng quơ, nhìn vào mắt Thảo, tôi khẽ nói: Thảo cho mình làm quen với nhé! Thảo cúi xuống lí nhí: Tui không biết. Vừa lúc ấy lũ bạn ập tới, tôi bối rối quay mặt bước đi. Câu trả lời của Thảo làm cho đêm ấy tôi ngủ không được. Tôi cố đặt ra nhiều giả thiết để giải mã cho câu trả lời. Có thể nàng không thích làm bạn với tôi? Có thể nàng đã bằng lòng? Tại sao “Tui không biết?”...

Tôi đem câu trả lời này tâm sự với Dũng - một thằng bạn rất mạnh miệng và là thằng bạn thân nhất. “Hắn thích mi rồi đó. Nếu không thích thì sẽ chẳng trả lời vì con gái ai lại nói thẳng là thích với con trai bao giờ” - Dũng nói như đinh đóng cột,  rồi hắn còn thêm vào “Nhiều lần tao thấy Thảo  hay nhìn mi đó”. Nghe lời ấy, tôi thấy nhẹ cả người như đi trên mây. Những ngày sau đó, tôi thấy thằng Dũng nói đúng. Thảo có lén nhìn tôi. Có thể chưa bao giờ tôi thấy vui như vậy. Tôi đã gửi thư cho nàng thông qua thằng Dũng. Cứ thế tình yêu giữa tôi và Thảo lớn dần theo năm tháng. Cuối năm ấy, Thảo nghỉ học vì theo gia đình vào miền Nam còn tôi ở lại học hết năm cuối cấp. Ngày Thảo đi, sau khi chia tay, chúng tôi chỉ dám nắm lấy tay nhau. Thảo khóc. Tôi xót xa và hứa sẽ giữ liên lạc với nhau. Con Đò Ngang từ từ rời bến và Thảo đưa tay vẫy để sang bờ. Nào ngờ cái vẫy tay đó là cái vẫy tay cuối cùng đặt dấu chấm hết cho mối tình đầu đời của tôi.

Dòng sông Hàn sau đó không còn bóng dáng của nàng, tôi buồn rười rượi. Chiều chiều đưa mắt nhìn sang sông và khóe mắt cay cay. Giờ đây Đò Ngang ngày ấy không còn nữa. Thay vào đó là một chiếc cầu đẹp, hiện đại dang tay nối lấy đôi bờ. Về đêm trên chiếc cầu lấp lánh ánh điện, lung linh huyền ảo ấy là nơi để những chàng trai cô gái tìm đến với  nhau. Còn tôi, cứ sao mãi nhớ về những chuyến đò, chuyến đò mang kỷ niệm một cuộc tình thời áo trắng...

N.V.H 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng