Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung Sáng

09.05.2017

Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung Sáng

Trời mưa. Từng cơn gió mạnh thổi thốc vào người nhưng ai nấy đều chạy. Họ chạy bất kể. Nước bắn văng lên tận đầu, tận mặt, họ vẫn chạy. Họ đua nhau chạy không nghỉ. Về khuya, trời càng mưa to và gió càng rét buốt, nhưng không ai thấy lạnh. Họ nhắm mắt chạy thẳng. Thỉnh thoảng, họ chỉ dừng lại để nằm úp sát xuống đất bùn khi nào có tiếng nổ. Dứt tiếng nổ, họ vùng lên chạy lại. Họ chạy, bỏ mặc tài sản. Họ chạy bỏ quên người thân. Đôi khi dù đã văng mất một phần nào đó trên thân thể, họ vẫn chạy. Họ chạy khập khiễng. Họ lê lết. Họ bò càng...

Những xác chết nằm phơi ngổn ngang trong ruộng lúa. Máu họ hòa lẫn nước mưa chảy lai láng giữa đất bùn. Một ánh sáng hỏa châu vừa lóe lên với tiếng nổ chát chúa rền tai. Tất cả đều nằm xuống. Thân xác nào không bị ném văng lên cao tất còn hy vọng chạy nữa. Thân xác nào trót bị, thì thôi, nằm đó, nằm lại đó như những người kia không kêu đòi.

Thanh niên đưa tay chặn đầu cô gái bên cạnh bảo nằm im. Những nhịp tim hồi hộp đập trong lồng ngực tựa những tiếng tích tắc của đồng hồ bảo cho cả hai biết phút tử thần đã qua. Thanh niên dìu cô gái đứng dậy, nhưng nàng lảo đảo, vết thương cách đây vài giờ ra máu nhiều quá. Anh phải bế nàng.

Chạy được một quãng đồng dài, thanh niên có cảm tưởng trời mưa làm cho tiếng súng vơi đi nhiều hơn. Anh cũng chợt thấy đôi tay thấm mỏi để tự cho phép mình nghỉ ngơi. Anh đặt cô gái ngã người nơi đôi vế mình, nhìn nàng. Bùn lầy và bóng đêm khiến họ không rõ mặt nhau, nhưng anh biết nàng đang khóc. Anh hỏi nàng:

- Em mệt lắm không, Nguyệt?

Cô gái không trả lời, nhưng nàng nắm lấy tay anh xiết mạnh. Thanh niên bồi hồi, anh nghe một niềm hạnh phúc nào đó thật nhẹ nhàng vừa lướt ngang trong cơn khốn khổ. Anh không hỏi nữa. Anh muốn cô gái nhắm mắt lại ngủ yên. Thật bình yên, trong tay anh.

Hình như để khỏi bị lạc đường, nhiều người đã men theo quốc lộ tìm tránh vùng bất an. Họ thấy đủ loại xe nằm lăn trên ruộng. Có chiếc nát bẹp. Có chiếc máy vẫn còn nổ, như đợi chờ một người nào đó đến thế kẻ xấu số. Súng đạn vẫn râm  ran,  thỉnh thoảng vài ánh hỏa châu bật lên để soi sáng nỗi chết của mọi người.

Thanh niên ôm chặt Nguyệt trong tay. Anh không muốn mảnh đạn nào đến cướp cô gái đi.  Anh lo cho nàng hơn cả thân anh. Anh nói:

- Vào trong đó được rồi, anh sẽ tìm cách lo cho Nguyệt về SG ngay. Anh không muốn để em ở gần vùng chiến tranh nữa. Hình như cô gái lơ là không chú ý đến câu nói ấy. Nàng trả lời đượm buồn:

- Em không còn ai thân thuộc nữa cả.

Thanh niên không hiểu. Anh nói:

- Anh có một bà dì trong đó. Bà không có con. Anh sẽ xin bà xem Nguyệt như con.

Cô gái vẫn lặng yên. Thanh niên không hay biết. Anh cứ thao thao bất tuyệt. Anh không thấy lạnh, anh không nghe mệt. Anh vẽ vời mọi viễn cảnh đẹp đẽ. Quên mất chiến tranh đang ở trước mặt anh. Súng đạn đang rình rập anh. Nỗi chết đang chờ đợi anh.

Thình lình, thanh niên chợt nghe bàn chân mình có ai vừa níu chụp.  Anh hốt hoảng quay lại; hình như có một bóng đen trườn dậy thì thào muốn nói gì với anh, trên tay bóng đen là một đứa trẻ.

Thanh niên rùng mình. Anh hiểu. Anh chợt hiểu. Nhưng anh hất mạnh chân mình ra khỏi sức níu kéo yếu ớt của bàn tay vô vọng. Không dám nói một lời nào, anh xiết Nguyệt chặt vào người vụt chạy.

Thôi, bé thơ, em hãy ngồi lại, hoặc đợi một người nào khác có lương tâm hơn mang em theo, hoặc đợi một trái nổ vô tư nào khác giữ em lại vĩnh viễn chốn này. Hãy xem như là không gặp anh. Hãy tha thứ cho anh. Anh đang cần sống đời anh. Anh cũng đang cần bảo vệ niềm hạnh phúc cuối cùng nằm trong tay mình. Có lẽ anh đã thật ích kỷ. Nhưng em ơi, hình như trên trần gian này đến những lúc khốn cùng mọi người mới chợt nhận ra mình xấu xa, ích kỷ. Hắn không còn gì để nghĩ khác hơn ngoài niềm hạnh phúc của hắn. Anh không thể mang theo em... Tôi không thể mang theo đứa trẻ....

Thanh niên cắm cổ chạy.

 

Cơm mưa bắt đầu yếu ớt. Đoàn người đang bỏ xa thành phố đầy tiếng nổ và máu người. Họ không còn lội dưới ruộng lúa, đất bùn. Họ đang tiến lên con dốc trên quốc lộ. Hai bên là rừng, tiếng xào xạc của lá cây chưa làm họ quên được những tiếng nổ kinh hoàng. Tuy nhiên, ai nấy đều tạm thời yên tâm. Họ chạy chậm lại chờ nhau. Tiếng gào khóc, tiếng gọi kêu, hòa lẫn trong gió hú làm những con vật nhỏ ven rừng chạy hốt hoảng.

Thanh niên ngước mắt nhìn lên trời. Bầu trời vẫn còn mù mịt, nhưng anh chắc trời đang rạng sáng. Anh hít mạnh gió rừng vào buồng phổi nghe lòng mình hớn hở. Anh không dừng lại. Anh ôm cô gái chạy gần đến đỉnh dốc cao, chẳng ngoái lui.  Biết đâu lưỡi hái của tử thần chẳng đuổi kịp anh, nó chẳng bắt anh dừng lại, nó không cho anh qua bên kia con dốc.

Cô gái hỏi khe khẽ trong tay anh:

- Mình đến đâu rồi anh?

- M.C.

- Ngang qua rừng hả anh?

-  Ừ, lát nữa xuống dốc chúng ta sẽ ngừng lại nghỉ giây lát.

Tiếng đạn nổ lùng bùng bây giờ nghe như thật xa. Trong trí óc mọi người khu rừng như một ngưỡng cửa thiên đàng. Chỉ có những kẻ vô cùng bất hạnh mới rơi lại khi đã đến ngưỡng cửa thiên đàng.

Thanh niên đỡ cô gái ngồi tựa vào một tảng đá. Trời đã hừng sáng rồi, mặc dù cơn mưa còn thưa thớt. Thanh niên hỏi:

- Em thấy như thế nào?

- .....

- Khỏe chứ?

- Một con nai kìa, anh.

- Hả?

- Con nai chạy ngang qua đường.

Thanh niên nhìn theo. Con nai nhỏ, thật nhỏ, giống như loài chó chạy lủi vào bụi cây. Anh cười. Nụ cười thật tội nghiệp.

Anh nói với Nguyệt:

- Em thích nai lắm hả?

- Dạ.

- .....

- Phải chi mình biến thành loài nai chạy nhảy trong rừng.

Thanh niên bật cười thành tiếng.  Anh cũng mơ màng theo Nguyệt. Tiếc là trong câu chuyện, trên môi không có điếu thuốc nào cho hình ảnh hai người thêm phần lãng mạn. Anh xé một cành lá thành từng mảnh nhỏ ném vào không trung. Họ có cảm tưởng đang đưa nhau bước vào khu rừng tình tự, khu rừng không có bom đạn và chiến ttranh.

 

Ngày đó, khi thanh niên đến ở trọ căn nhà bên cạnh Nguyệt, nàng đâu mới tóc còn chấm vai. Khuôn mặt trong sáng, tay ôm cặp sách, ngày hai buổi nàng đem đến trong lòng thanh niên một tình cảm thật dịu dàng và thật bâng quơ. Nhưng cái tình cảm ấy không chịu đứng yên, mà một ngày nó một lớn thêm. Thanh niên bắt đầu thấy khó chịu. Anh không còn đủ lòng cao thượng để giữ nàng ở lại trong khu vườn tuổi thơ. Anh muốn quấy phá nàng. Anh lân la sang làm quen gia đình nàng.

Ông cha Nguyệt là một người nghiêm nghị. Ban đầu, bằng tất cả sự dè dặt, ông chấp nhận anh lui tới với tư cách một người dạy kèm những đứa em Nguyệt. Nhưng dần dà thứ tình yêu trong chàng giống như một loài sâu lông lá đang ngọ ngoạy bò dần ra trong cung cách, trong cử chỉ của chàng. Ông cha tức khắc nhận ra ngay điều đó. Ông cấm hẳn không cho chàng lui tới nữa.

Thanh niên mất đi một dịp may. Hai năm liền, anh lại càng đau đớn hơn mỗi khi gặp Nguyệt. Anh hỏi, nàng không thèm trả lời. Anh trao thư, nàng không nhận. Nàng là dòng suối tuyệt vọng, anh là con vật khù khờ đi tìm tuyệt vọng.

Đôi lúc thanh niên thấy mình thật khốn nạn khi nghĩ rằng trận chiến vừa xảy ra trong thành phố đã làm hồi sinh lại niềm hy vọng trong anh. Nếu không có cái chết xảy đến với cả gia đình Nguyệt thì anh không làm gì được ôm nàng trong tay. Và vết thương kia nữa, nếu không có một mảnh đạn nào đó ghim vào, chưa chắc gì anh đã có dịp để nàng hiểu rõ  lòng mình.

Thanh niên lo âu cho vết thương của Nguyệt. Anh không biết mảnh đạn ghim vào có sâu không. Anh bước chậm lại nói:

- Nguyệt à, vào đến nơi anh sẽ đưa em đến bệnh viện ngay. Em chịu khó nằm đó tĩnh dưỡng vài ngày rồi anh tìm phương tiện đưa em đi SG mới được. Ở đây không có thành phố nào yên đâu...

Đột nhiên, thanh niên ỡm ờ.  Đứng trước tình thế hiện tại anh sợ những lời nói bây giờ sẽ làm tăng thêm những thất vọng chua xót về sau. Anh bắt sang câu chuyện khác:

- Bà dì anh tốt lắm, Nguyệt ạ. Anh chắc chắn thế nào bà cũng lo cho anh được một tấm giấy hoãn dịch. Tụi mình sẽ sống tự do. Anh sẽ đi làm.  Anh sẽ dành dụm thật nhiều tiền. Sống trên đời này phải cần tiền Nguyệt ạ. Khi người ta có thật nhiều tiền, người ta sẽ đạt được dễ dàng những gì người ta thích, tụi mình sẽ mua một căn nhà ở Đ.L.

Ở Đ.L. em biết không...

Thanh niên chưa kịp bước qua một điệp khúc khác thì trời đã sáng. Anh nghe phía trước có người reo lên:

- Gần đến nơi an toàn rồi bà con ơi!

Mặt trời lấp ló dưới những  mái rạ làng quê. Nơi đây, trời ráo tạnh hẳn. Những giọt nước mưa còn lại tụ thành những hạt tròn đậu trên các bờ cỏ. Hy vọng ứ nghẹn trong lồng ngực. Người ta phải nói ra. Người ta phải cười lên.

Thanh niên cảm thấy lòng mình nhẹ tênh. Anh tiếp tục, giọng phấn chấn:

- Ở Đ.L. em biết không, tụi mình sẽ mua một căn nhà thật xinh, căn nhà có vườn, hoa và nhiều cây cối để em trở thành con nai nhỏ. Anh sẽ ngồi hút thuốc nhìn con nai nhỏ tập viết văn. Tác phẩm đầu tay của anh sẽ viết về em. Con nai nhỏ. Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan.

Nguyệt à, anh tin rằng dù sao cũng có lúc chiến tranh phải chấm dứt chứ. Lẽ đâu súng đạn cứ đeo đuổi chúng ta hoài. Lẽ đâu trên quê hương này không còn một mảnh đất nào cho tình yêu trú ngụ. Chúng mình phải được bình yên.  Em phải được bình yên để quên đi những đớn đau vừa chịu đựng...

Nguyệt à...

 

- Thoát chết rồi, bà con ơi! Thoát chết rồi...

Không còn tiếng gào thét thất thanh nào sau một lần đạn nổ. Mặt trời lên cao.  Xa xa có những chiếc trực thăng tải thương đang chờ đợi. Mọi người hớn hở dìu nhau. Thanh niên cúi xuống nói với Nguyệt:

- Em nhìn lên kìa, trực thăng sẽ đưa em về bệnh viện đấy, em thấy chưa, Nguyệt?

Nhưng cô gái không trả lời. Mắt nàng khép lại. Môi nàng héo khô. Tay chân nàng cứng lạnh. Vết thương trên bụng đã dìu nàng khỏi trần gian vĩnh viễn tự bao giờ.

Thanh niên lay mạnh thân nàng, gào lên nức nở:

- Nguyệt, Nguyệt, Nguyệt ơi...

Qua làn nước mắt nhạt nhòa, anh có cảm tưởng cô gái đã biến thành con nai dịu hiền. Con nai đang vụt khỏi tay anh biến mất vào rừng sâu...

 

(*) Con nai nhỏ trên đoạn đường gian nan là truyện ngắn đầu tay của Trần Trung Sáng in trên tạp chí Bách Khoa (thời kỳ trước 1975) với bút danh Tần Hoa. Truyện viết về một cuộc tình bi thương xảy ra trong thời điểm Mùa hè đỏ lửa 1972.

 T.T.S

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng