Cuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn Thắng

09.05.2017

Cuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn Thắng

Trong đời sống đô thị, con người đang dần lãng quên thiên nhiên. Ý thức thẩm mỹ với tự nhiên dần mai một. Vì không biết gìn giữ ý thức sinh thái, coi sông biển như là những đối tượng để bóc lột nên không nhận thấy chiều sâu sự gắn với nó như là cội nguồn, là gốc rễ. Nghệ thuật phải khơi dậy mỹ cảm sinh thái miền sông biển để từ đó nuôi dưỡng tình yêu với từng sinh vật biển, từng rạn san hô, từng góc biển, từng dòng sông. Xứ Quảng với địa hình miền sông biển, nơi giao cắt của đường thủy nội địa và thương cảng quốc tế, vậy nên hình ảnh sông biển đã đi sâu vào tâm thức cộng đồng như nhịp chèo tay khua, như biển như thuyền để từ đó ta bắt gặp những điệu hò khoan, điệu hò mái dài, hò kéo lưới... với những ngư dân làm việc trên bến dưới thuyền qua nhiều thế kỷ. Cũng chính vì sống cùng sông biển nên từ công việc làm lụng hằng ngày đến tính cách cứ mặn mòi, thẳng thắn, quyết liệt như cuộc mưu sinh trên sông nước. Những điệu dân ca ấy thôi thúc lao động sản xuất, khắc họa bức chân dung ngư dân yêu lao động, gắn bó với sông nước bằng một tình yêu sâu nặng.

1.         Nhọc nhằn mưu sinh miền sông biển

Đất Quảng Nam - Đà Nẵng là một “khu vực địa lý đa sinh thái, gồm vùng sinh thái đồng bằng ven biển, vùng sinh thái đồng bằng chân núi, vùng sinh thái rừng phía sau lưng và vùng sinh thái biển ở phía trước”1. Vùng sinh thái biển với nhiều vịnh hẹp: Nam Ô, Tiên Sa, Cửa Đại, Kỳ Hà... Đặc trưng địa hình biển Trung Bộ với bờ biển lồi ra, nước biển sâu. Sông ngòi vùng này cũng có đặc điểm ngắn và dốc. Khác với bờ biển Nam bộ nhận lượng phù sa từ các con sông đổ xuống tạo thành các cánh rừng ngập mặn ven biển, do vậy, các sản vật cá tôm của vùng này phong phú hơn, dễ đánh bắt hơn. Địa hình ấy tạo nên tính cách phóng khoáng, hào hiệp, vô tư của người Nam Bộ. Trong khi đó, với địa hình sông nước khắc nghiệt, người dân miền sông biển Trung Bộ đã vật lộn với thiên nhiên để tồn tại.

Những điều kiện tự nhiên ấy ánh xạ vào những bài ca xứ Quảng, tạo nên những làn điệu dân ca độc đáo. Điệu hò ấy trên sông với hoạt động nhẹ hay thể hiện tâm tư thì miên man, vang vọng bao trùm không gian (Hò chèo thuyền (đò dọc), Hò chèo thuyền (Trên sông lớn), Hò mái dài (Trên sông dài)... Có khi là sự mênh mang của dòng sông lớn như tâm trạng tủi hờn, than thân của người phụ nữ (Hò chèo thuyền (trên sông lớn), hay đôi lúc là kể cái hờn cái trách ai vô tình trọng vẻ bề ngoài của thành thị để rồi quên đi cái thủy chung sâu sắc (Hò chèo thuyền Quảng Nam). Lắm lúc là khí thế hừng hực vui tươi khỏe mạnh của việc kéo lưới liền tay của thanh niên trai tráng (Hò giựt chì). Nét nhanh mạnh hồ hởi phấn khởi “khoan hố rị - khoan hố rị...”. Hò Khoan xứ Quảng biến ảo khôn lường theo nội dung, tâm trạng. Những câu hò xuất phát từ lao động hăng say hay, từ chính tâm trạng của người lao động miền biển, giản dị, gần gũi nhưng những làn điệu ấy lại ăn sâu vào lòng người nghe qua bao thế hệ.

Nghệ thuật sau này, khi mô tả sông nước xứ Quảng thường gắn với những hình ảnh mỹ lệ, đẹp đẽ, ngợi ca phong cảnh hữu tình (như là “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” (Đà Nẵng tình người, Đình Thậm). “Anh về nơi xứ Quảng/ Thăm người em phố Hội/ Sông Thu Bồn, con nước lững lờ trôi... / Đường Chùa Cầu mưa buồn giăng ngập lối... / Bờ mi cong nhấp nhô thuyền Cửa Đại.../ Mắt em xanh như dòng nước Hàn Giang...”, (Tình em xứ Quảng, Trần Ngọc - Hoàng Lâm...) mà đôi khi quên mất sự thật đầy nhọc nhằn, cực khổ, vất vả của cuộc sống lao động ngư nghiệp. Các tác phẩm văn học dân gian, ngược lại, không có cách nhìn mang tính “thẩm mỹ hóa” mà thực sự chân thực “bước vào lao động” (“into the labour”), do đó nó quan tâm đến những diễn ngôn miêu tả không gian như là nơi con người cư trú, làm việc chứ không phải là không gian ngắm nghía, thưởng ngoạn, “bước ra khỏi những cảnh quan để giải trí nghỉ dưỡng, đến với địa hạt gồ ghề của lao động thực tế”2. Thiên nhiên dù đẹp nó vẫn chứa nhiều bất trắc mà con người phải đối mặt:

Lụt nguồn trôi cái bòn bon

Chèo thuyền thiếp vớt, nuôi con

thay chàng.

Bòn bon ruột trắng da vàng

Bao mùa trái rụng, tin chàng biệt tăm

Bòn bon thiếp nhặt bao năm

Thiếp chờ thiếp đợi, lệ tuôn hai hàng.

(Ngủ (Ngũ Dụm),

Bài chòi Quảng Nam)

Người nghe cũng nhận thấy những nhọc nhằn của người lao động trong các điều kiện sinh thái khắc nghiệt:

Con còng nằm bực biển con còng co

Con sóng xô, con còng chạy,

ngọn gió lò, con còng lui

Lòng ta thương bạn chưa nguôi

Bạn ở sao cho nước chảy xuôi

không ngừng3

Khi mô tả những vất vả mưu sinh, dân ca xứ Quảng cũng cho thấy cảm hứng “phản lãng mạn” về một miền không gian thơ mộng đẹp đẽ mà nhấn mạnh đến những góc cạnh hiện thực xù xì của đời sống, với những nhọc nhằn, nhiều âu lo: Nghề hến không đói mà lo4; “Bìm bịp kêu, nước lớn anh ơi/ Bán buôn không lời chèo chống làm chi/ Sáng ngày quảy gánh ra đi/ Tối về đếm lại vẫn còn y sáu tiền” (Sáu tiền, Bài chòi Quảng Nam)... Đó cũng là lý do câu mở đầu thường gặp trong các bài ca xứ Quảng là “Kể từ ngày chàng bước xuống ghe”, bởi vì hoàn cảnh sống sông nước, nay đây mai đó là những nguồn cơn của chia xa, lỡ làng, trông ngóng... Là những đợi chờ phấp phỏng “Mãn mùa tu hú kêu nhanh/ Cá chuồn đã vãn, sao anh chưa về?”

Chỉ những người vật lộn với sông sâu, nước cả mới có thể thấu hiểu được không gian sống của họ, mới hiểu được kiếp đời vất vả, cay cực, nhọc nhằn của ngư dân:

Gánh một gánh cá trích

Leo lên hòn núi bích

Nó rớt cái bịch

Nghèo mà nó mất một con

Uổng công mình trèo núi lội non

Trốn cho hết cực, cực còn chạy theo5

Trong các bài ca xứ Quảng, vì hoàn cảnh mưu sinh trên sông nước, người chồng ra biển, theo sông xa nhà đi dài ngày, lại sóng to gió lớn, người vợ ở nhà vừa đợi trông vừa phấp phỏng “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”. Bài hát ru thể hiện tâm trạng ngóng trông mòn mỏi:  

Chiều chiều ra đứng bờ sông

Nhìn ghe rồi lại não nùng anh ơi

 Trông anh dạ thấy vắng tanh

Thấy người đông đúc, bóng anh

xa vời

Trông sông rồi lại trông trời

Ngọn gió mô bay tới nhắn lời

cho anh6

Hành động lặp đi lặp lại (chiều chiều), nhìn ghe, nhìn dòng người trở về bến thuyền đông đúc, tấp nập mà không thấy người mình ngóng đợi, thui thủi đi về với nỗi phấp phỏng không yên trong dạ. Tất cả tình cảnh ấy của người vợ, phải ở trong hoàn cảnh của những người đi biển mới thấu cảm được. Đó cũng là lý do vì sao trong hát ru, những câu hát thể hiện nỗi trông ngóng của người phụ nữ với người đi xa khá nhiều, bởi lẽ khi người mẹ ru con, nhìn đứa bé thơ dại ngủ, lòng dễ cồn lên nỗi trống trải, phấp phỏng.

Bài Hò chèo thuyền (đò dọc) mang nặng tâm sự của người phụ nữ miền sông nước với cách hát miên man phóng khoáng như sự mênh mang của dòng sông lớn:

Bởi em chèo thuyền ra sông Cái,

em ngó lại quê mình

Chim trên cành còn đủ cặp

Huống chi mình lại lẻ đôi

Vì đâu mà đây với đó hai nơi

Chuyến đò ngang bằng chiếc đũa

Không một lời nhắn đưa!

Cây đa bến cũ con đò xưa

Người thương có nghĩa,

thì nắng với mưa ta vẫn chờ!

Khi vắng người đàn ông, tất cả công việc nặng nhọc của người đàn ông đều dồn về đôi vai gầy của người phụ nữ “bởi em chèo thuyền ra sông Cái, em ngó lại quê mình”... Sông cái - sông lớn chứ không phải là con sông bình thường, lái con đò ấy lênh đênh trên dòng sông lớn, em ngó lại quê hương. Chữ “bởi” như hàm ý nhấn mạnh, bởi vì người phụ nữ gắn với con đò ngang, chèo thuyền đưa khách sang sông ở một con sông nhỏ, ở đây là một người phụ nữ với mái chèo lênh đênh trên sông nước than thở về cái nhọc nhằn vất vả của người trụ cột gia đình đang nằm trên đôi vai gầy, một tay chèo chống công việc giữa phong ba, mênh mông sông nước lớn thật thấm thía nỗi đơn độc. Nhịp điệu khoan thai nhưng chứa đựng bao nỗi tâm sự của người con gái đơn bóng, lẻ đôi với các hình ảnh như “Chim trên cành còn đủ cặp/ Huống chi mình lại lẻ đôi”. Chèo con thuyền ra ngoài sông lớn vất vả có, tủi hờn có, nàng ngó lại quê hương với cây đa với bến nước - những hình ảnh quen thuộc về một làng quê, về một mái ấm mà nàng khát khao... Nhưng người phụ nữ ấy với lời hứa hẹn “nắng mưa em vẫn chờ” thể hiện một lòng chung thủy sắt son. Cách hát miên man của tiếng hò (Ơ...) như độ dài độ rộng của sông, với sự khoan thai nhẹ nhàng như nhịp chèo khua trên sóng vừa tạo nên nét đặc sắc đầy đặn cảm xúc cho hò chèo thuyền vừa truyền tải được nỗi niềm tâm sự của người phụ nữ miền sông biển cực khổ khi một mình chèo chống với sông sâu sóng cả...

3. Vẻ đẹp đầy chất thơ cất lên từ lao động

Cuộc sống đối diện với những khó khăn nhưng cũng vì thế toát lên niềm yêu lao động, nhọc nhằn và đầy chất thơ ví như bài Hò giựt chì (Hò kéo lưới) - một trong những làn điệu đậm chất sông biển của người dân xứ Quảng. Gọi là giựt chì bởi lẽ lưới được buộc chì để lưới nặng chìm nhanh xuống dưới biển để cá không thoát được. Hò giựt chì có 1 câu thơ lục bát:

Ra đi sóng biển mịt mù

Trời cho lưới nặng, dô hò (ta) kéo lên

Câu thơ lục bát nói lên tình cảnh người dân biển, biển cả mênh mông không biết chỗ nào có cá nhiều mà thả lưới, họ chờ vào sự may rủi và kinh nghiệm xem nơi nào có luồng cá để thả. Họ ra đi từ chiều hôm trước, ra biển khơi vật lộn với sóng biển và sau đó kéo lưới vào bờ. Bạn hàng cá và gia đình sáng đã dậy sớm ra bãi cát ngồi chờ. Khi người chủ nhìn thấy thuyền vào từ xa ông bắt đầu hô hò “hô hò giàn nậu vô”... người trong bờ chạy ra và bắt đầu kéo lưới vào, từ đó, nảy sinh ra bài hò này.

Mỗi làn điệu, mỗi câu hò là tâm tư tình cảm, là tâm sự của chính người nông dân nên nó chân chất, mộc mạc như chính con người họ. Các phách, nhịp luôn đi theo trạng huống tâm hồn và gột tả lại những hành động lao động. Ban đầu chỉ là cách hò nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai như đang kể lại chuyện ra đi đánh bắt cá, lướt lưới nhẹ để cho cá không động và dồn tới.

Đoạn I

Kể :  Ra đi (mà) sóng biển

Xô:  Là hò hỡi lơ

Kể :  Sóng biển mịt mùng

Xô : Là hò hỡi lơ

Kể:  Trời cho (mà) lưới nặng

Xô:  Là hò hỡi lơ

Kể : Dô hò (ta) kéo lên

Xô:  Là hò hỡi lơ

Nhưng đến đoạn hai sắc thái đã chắc nhịp hơn, thôi thúc hơn như chính động tác buông lưới bắt cá của họ, nhanh và chắc chắn. Đoạn ba cao trào của điệu hò này lên đỉnh điểm nhanh, mạnh, gấp... càng nhanh càng tốt, là đoạn cuối diễn tả khung cảnh thanh niên trai tráng đang kéo mẻ cá đầy vào bờ để kịp bán cho dân buôn, nhịp nhanh nảy như chính động tác kéo vui khỏe theo nhịp của người dân lao động đánh bắt cá, “hô rị... hô rị” như hiệu lệnh để họ thực hiện cùng nhau đồng đều và chắc chắn hơn đến gần cuối thì “rị rị rị...” như báo hiệu mẻ cá đã gần vào đến bờ và nhanh lên thôi để bán cho bà con những mẻ lưới đầy cá tươi sống. Tác giả dân gian - những ngư dân vô cùng tài tình và rất thông minh khi dùng những điệu thức, thang âm của âm nhạc miêu tả công việc lao động hăng say của mình đi theo từng nhịp độ, thời gian công việc khác nhau trong hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi xa và kéo những mẻ lưới chì nặng trĩu cá tươi lên bờ... Dùng âm nhạc để vừa diễn tả quá trình sản xuất vừa kết nối sức mạnh tập thể vừa xua tan mệt mỏi trong lao động. Miêu tả một quang cảnh lao động mệt nhọc nhưng đầy chất thơ, hào hùng và khỏe khoắn.

Trong những câu hò khoan đối đáp, trai gái cũng thể hiện sự nhanh trí, thông minh bằng những kiến thức của nghề sông biển, lời thách thức của cô gái được chàng trai trả lời thật tài tình:

Nữ:

Em biểu anh về cột giã đừng phao

Chạy ghe đừng lái lại đây thiếp

trao ân tình

Nam: 

Này ới em ơi, có chì thời lại có phao

Em là thân con gái lẽ mô

không chồng

Thuyền anh chèo chốn biển Đông

Có lao có lái, chớ có không bao giờ

Lâm cơ anh phải tùy cơ

Lơi buồm xuống lái bao giờ chiếc

thuyền quay

Thuở xưa ai khéo đặt bày

Chì kia có sát đất cũng chầu rày

bộ phao7

Khi mà ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, giới trẻ đang chạy theo những ảo vọng đô thành phù phiếm, rời xa ngư nghiệp, những bài ca ngợi ca niềm yêu lao động tuyệt vời như vậy cần được cất lên để tự hào.

Đó cũng là nỗi niềm đau đáu từ xưa mà cha ông đã gửi gắm qua câu hò khoan xứ Quảng:

Sông tôi chẳng có thuyền

bóng thuyền

Mong gì (là gì) hứng gió những

miền biển khơi

Tủi lòng sông lắm thuyền ơi...

Đừng chê (là chê) thôn nhỏ ham (ờ)

nơi phố phường”8

(Chèo thuyền Quảng Nam, Hò khoan Quảng Nam)

Tâm sự ấy bây giờ vẫn còn giữ nguyên tính thời sự, bởi những âu lo khắc khoải trước những mai một với các giá trị truyền thống bao giờ cũng cất lên từ những người có tình yêu sâu đậm đã bắt rễ sâu xa vào tâm hồn đất nước mình.

Thiết nghĩ, ngày nay, khi phong trào đô thị hóa phát triển, giới trẻ đang xa dần những công việc gắn bó với sông nước, điều đó đôi khi gây ra những hệ lụy về mặt xã hội, lâu dần, những nghề truyền thống gắn với sông biển sẽ mai một (nghề đóng thuyền, đan lưới, làm ngư cụ, làm mắm, làm nước mắm...). Thêm vào đó, thế giới ngày một “phẳng”, những công cụ giải trí ngày một nhiều, luồng âm nhạc Tây phương: Rock, Pop... thịnh hành, giới trẻ đang ngày càng rời xa những câu dân ca truyền thống. Nếu không gìn giữ mối liên hệ ngàn đời, con người sẽ đánh mất quá khứ, đánh mất ký ức và đánh mất cả tâm hồn thuần Việt... Chủ nghĩa nhân văn sinh thái do các trào lưu sinh thái đề xuất nối lại mạch sống ngàn đời của con người với tự nhiên, coi con người là một phần cộng sinh của tạo hóa. Những câu hát vang lên trên sông nước, biển khơi thời nào cũng thể hiện niềm yêu sâu sắc với quê hương, với không gian đã lớn lên, trưởng thành và gắn bó với nó. Do vậy, trở về với những câu hát đậm cảm hứng sông biển để thông qua âm nhạc dân gian thức tỉnh niềm yêu với không gian sống ấy. Vậy nên văn học dân gian cần neo lại trong tâm hồn người hiện đại tình yêu với quê hương sông biển bằng cách bảo tồn và phát huy những câu hát dân ca để "văn hóa văn nghệ dân gian vẫn đủ sức cùng đi trên đường phố với con người đương đại"9.

 

1, 3, 4, 5, 6, 7. Nguyễn Văn Bổn (2001), Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam,

Tr 25, 341, 407, 345, 417.

2. Garrard G. (2004), Ecocriticism (The New Critical Idiom), Massachusetts, Routledge, Tr 135.

8. Trần Hồng sưu tầm và biên soạn (2004), Những điệu hò xứ Quảng, Nxb Đà Nẵng, Tr  57.

9. Bùi Văn Tiếng (2006), "Tư duy văn hóa biển trong ca dao đất Quảng", Văn hóa sông nước miền Trung, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, [tr 163 - 169].

T.T.A.N, L.V.T

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng