Dốc núi cao cao... - Y Nguyên

09.05.2017

Dốc núi cao cao... - Y Nguyên

Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi

Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù…

 

(Hò kéo pháo - Hoàng Vân)

 

1.

Lên dốc, lên dốc và lên dốc.

Cúi đầu, gò lưng, móng bấu chặt. Từng bước, từng bước, cơ bắp nổi vồng cuồn cuộn, da nâu, da đen, da vàng lung linh bốc khói. Đuôi quật trái, quật phải, quyết chiến không ngừng cùng lũ mòng bé mòng to à à bay theo chực kiếm chác trên lưng. Những tấm lưng gầy trơ, đếm đủ mười hai đôi xương sườn đang co duỗi nhịp nhàng, đồng bộ cùng chuyển động của những hàng đốt sống gồ cao, oặn oẹo như con rắn to vặn mình trườn lên đỉnh dốc. Dốc dài, cao. Trên ngó xuống hẳm sằm; dưới ngước lên trật ót. Vậy nhưng bầy bò hai mươi con sắp hàng một cũng đủ rồng rắn vắt xuôi quá phần ba. Hai mươi con, vừa quân số tối thiểu cho một “trung đội”.  Đi đầu là con Nâu đầu đàn cổ leng keng lục lạc; một con bò đực lai Sind thế hệ F3 trông vẫn còn dáng. Gầy có gầy; nhưng khung xương cao đến mét rưỡi, cổ bạnh đầu to, sừng vút nhọn cong đều lừng lững như sừng trâu mộng “chiến binh”. Mà đúng “chiến binh”; bởi Nâu luôn đi đầu trong các cuộc giao tranh cùng lũ trâu bò khác bầy, chực dở lý kẻ mạnh mà thò cái lưỡi bò điêu toa toan... liếm ẩu vào phần giang sơn xưa giờ vẫn thuộc quyền “trung đội” của Nâu! Không ít lần ông Hưng phải tập tễnh vác roi xông vào can những cuộc đối đầu lăm le quyết chiến mà - mới nhìn qua - đã thấy phần thắng nghiêng sang phía đối phương tới tám phần mười. Vậy nhưng có chịu thua đâu; “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”; Nâu ta luôn hành xử rất lính - thà chết không chịu hàng mấy tên “ngoại bang xâm lược” 4 chân! Coi vậy; nhưng lắm phen cũng hiệu quả: không ít đối thủ yếu vía thấy bộ dạng “quyết tử” của Nâu đâm hãi, bỏ chạy có cờ cho dù to khỏe hơn Nâu. Khá lắm con! Lính tráng hơn nhau ở cái lì... - ông Hưng không ít lần lo can gián mệt phờ vẫn phải ngoác cười, tấm tắc. Đối ngoại kiên cường là vậy; đương nhiên nơi sân nhà Nâu ta đối nội cũng chẳng kém uy phong. Nâu mà giận dữ vằn mắt, nghểnh cổ, hếch mũi rống ò là cả bầy cứ gọi... im lem lép, cấm dám ho he! Ngày mới nhận bò ông Hưng đã nhìn ngay ra cái cốt cách “phi phàm” của Nâu mà phong ngay cho nó chức “trung đội trưởng” không chút đắn đo. Chẳng biết có thấy vinh dự gì với cái chức vừa được ông chủ “tấn phong” không; nhưng - từ ngày về với ông Hưng - Nâu ta luôn chứng minh mình là một thủ lĩnh mẫu mực hết chê;  dẫn dắt, quản lý các binh sĩ... bốn chân dưới quyền hết sức chỉn chu, trách nhiệm!

Đi sau Nâu là thằng Sứt Tai phó đàn; một con đực cỏ(*) lông vàng có cái tai bên phải bị sứt mất chỏm tai - nghe nói lúc nhỏ bị... beo vồ hụt! Chuyện ấy chẳng lạ với lũ trâu bò hộ khẩu thường trú ven xóm núi; nhất là đối với những con đực tơ bắng nhắng, táo tợn, quen ăn lẻ đàn như Sứt Tai. Kém cái dòng máu lai Sind nên nhỏ người hơn Nâu; nhưng - so với các con đực còn lại trong bầy - Sứt Tai vẫn lực lưỡng hơn hẳn. Và lại hiếu chiến. Mặt xẻ lằn 3 vệt móng beo cào không mọc nổi lông - cộng với cái tai sứt chỏm, vành rách te tua - tạo cho Sứt Tai một bộ dạng đầy vẻ “anh chị”. Nó bắt nạt tuốt; chỉ trừ mỗi đầu đàn Nâu là không dám giỡn mặt. Được cái cũng biết phải trái, lạ quen; “người nhà” thì chỉ... hù chơi cho vui chứ đám lạ mặt mà lảng vảng định “mưu đồ bất minh” là chết với nó! Nóng nảy chút; nhưng quả cảm thì cũng chẳng kém cạnh anh Nâu là bao. Ông Hưng phong nó chức “trung đội phó” là nằm trong cái kế hoạch sắp xếp “lực lượng trù bị”, lỡ con Nâu có bề gì (không phải trù ẻo; chuyện hoàn toàn có khả năng) thì “trung đội” còn có Sứt Tai thay thế mà đảm đương! Ấy là nói chuyện của thì tương lai (chưa biết sao); chớ hiện giờ có nó đầu đàn Nâu còn mệt hơn; bởi cứ phải lo dàn xếp, vãn hồi trật tự ba cái vụ “đại náo võ lâm” do Sứt gây ra. Đánh nhau với “ngoại bang” thì hăng lắm; nhưng ông Hưng đời nào cho phép chúng tùy tiện đánh nhau. Lâu lâu ông lại phải nạt thằng Sứt Tai kèm một roi cảnh cáo vào vai hoặc mông: Lính đúng lính là giỏi đánh chớ hổng phải... ham đánh; nghe chưa, thằng Sứt??? Nói vậy; nhưng ông vẫn hy vọng nhiều ở Sứt Tai; nó trẻ, hơi nóng đầu chút nhưng quả cảm có thừa. Lính phải vậy...

Ông Hưng đang đưa “trung đội” của mình vượt dốc hòn Ngang; con dốc lừng danh trong pho du ký... khẩu truyền của dân sơn tràng làm ăn xuôi ngược khu Tam Sơn. Dài, cao đã đành; nhưng khiếp nhất là nhiều đoạn tức ngược đến 40 - 45 độ. Lên: phải huy động cả tay lẫn chân mà bíu, mà đu, mà trèo chẳng khác khỉ trèo cây. Xuống: cũng phải dọ dẫm từng bước một, ngoài chân tay còn phải hỗ trợ thêm cái mông, trườn lết như con tắc kè! Ai khớp gối yếu, có vấn đề thử leo chút là “biết lễ độ” ngay. Chẳng trách nó được gọi bằng một cái tên nôm na mà y chang cấm trật: dốc Lết! Có thể hiểu: vượt dốc xong là... lết, hết đi nổi. Mà cũng có thể hiểu: lên - xuống dốc đừng hòng đi bằng chân; chỉ có mỗi đường... bò lết!

Nói chuyện bò lết, người còn khả dĩ chứ bò thì sao có thể? Bò không thể bò; chắc chắn; cho dù ai cũng biết: trên đỉnh hòn Ngang là một lòng chảo mênh mông có con suối chảy ngang bốn bề mươn mướt cỏ xanh. Ai cũng biết: bò được nuôi bằng cỏ ấy thì chẳng khác chi cắm ống thổi, chẳng mấy chốc mà hốt bạc. Vấn đề ở chỗ: không lẽ... thuê trực thăng cõng bò?

Không ai điên đến mức thuê trực thăng đi cõng bò. Ông Hưng cũng vậy. Nhưng ông không phải loại người dễ thua cuộc. Ông đang thử làm cái điều xưa nay chưa ai làm nổi: đưa bò vượt dốc hòn Ngang! Liều mạng! Khùng! Trận mạc bom đạn quá giờ bị... thần kinh! Mười người hết chín bĩu môi, thậm chí còn lỗ mãng văng thẳng mặt khi nghe cái dự án cổ - kim - chưa - từng - tiền - lệ của ông Hưng. Kệ; ông Hưng chỉ cười. Kinh nghiệm người lính, khi cần cũng phải biết liều. Trận này, nếu thắng, xem như được cả thế giới. Còn thua: bất quá mất... cái mạng lính già là cùng! Chết ư? Chuyện nhỏ! Lính mà...

2.

Nhà bán. Đất bán. Vợ con không có. Không lên đỉnh hòn Ngang đóng chốt với “trung đội” bò của mình thì còn biết làm gì. Gần một đời làm lính quen rày đây mai đó, chỉ chiếc võng dù đa năng (cả mùng, cả chăn) mắc hai đầu cột và một mái lá che mưa là xong; quan trọng gì đâu. Không gạo cơm đói mới chết; chưa ai chết vì... không nhà. Tôi, người lính cựu ngót năm mươi tuổi đầu, giỏi đánh giặc hơn kiếm tiền. Vậy nên, rời quân ngũ cái về hậu phương - một cái hậu phương đang sùng sục cơn lốc tiền đâu thời kinh tế thị trường -  tôi hệt như con cá trê quăng mình khỏi ao. Không chết, nhưng... ngất ngư; mệt nhoài bò lê vô vọng bao năm đi tìm kiếm cho mình một “cái ao” khác mà không ra. Nàng bảo: thì ra cái đầu anh chỉ tới vậy... Đau; nhưng mà đúng! Thời thực dụng, mang cái túi rỗng không đi cao đàm khoát luận chuyện vĩ mô đâu đó trên trời thì quả đúng... trời ơi, nói cuội nói nhăng! Nói “túi rỗng” cũng hơi quá; lương hưu cựu sĩ quan thương binh cấp úy như tôi - gom hết mọi khoản - tháng cũng tròm trèm vài triệu. Vài triệu trên tháng cho sinh hoạt phí của một cặp đôi chồng vợ (không con) cũng không đến nỗi. Ý là không quá tệ; nhưng hơi nghèo! Tôi không sao. Lính tráng quen rồi. Đời lính chiến ăn bụi ngủ bờ lăn lộn hầm hào đạn bom chết sống đã giúp tôi nhận ra: kiếp người còn khối thứ đáng giá gấp mấy bạc tiền. Vài trong số những thứ ấy, lạ thay, lại hết sức bình thường. Ấy là cuộc sống, là sức khỏe, là giấc ngủ yên bình, là cảm giác được đi đứng, nói cười, ăn ngủ tự do giữa bạch nhật thanh thiên. Có được chúng, với tôi, là giàu, rất giàu. Nói vậy có nghĩa: khi tôi ra khỏi cuộc chiến, rời quân ngũ - dẫu chỉ còn chưa đến 70% cơ thể vẹn nguyên - tôi vẫn thấy mình là... tỉ phú! Phải, tỉ phú; nếu đem so với những đồng đội đã ngã xuống để mua lấy gần 70% cơ thể còn lành lặn, mua lấy giấc ngủ yên bình, bữa cơm mâm bát cho những người lính “trúng số” như tôi! Mà nói gì đến đồng đội; so với những ông quan tham ham lầu đài tòa ngang dãy dọc, ham gái gú rượu chè ăn chơi trác táng - hay đơn giản chỉ là ham...tiền, thờ tiền, tối mắt tối mũi vì tiền mà làm bậy đến nỗi phải chui nhà đá gỡ lịch lưu niên - thì tôi vẫn là tỉ phú, giàu có gấp vạn! Nói vậy không phải tôi chê tiền. Tiền quý. Có tiền làm được nhiều thứ, mua được nhiều thứ, tôi biết. Nhưng, bằng vào chọn lựa của riêng tôi, lắm thứ chắc trả bao nhiêu tiền tôi cũng không bán...

Ấy là sự thực. một sự thực trăm phần trăm chắc chắn khi tôi chưa gặp, chưa yêu, chưa lấy nàng ...

3.

Đó là một lộ trình hoàn toàn bản năng. Bằng kinh nghiệm tuổi tác, kinh nghiệm lính chiến, ông Hưng biết: khi đã tới điểm dừng của những suy đoán  lí trí thì bản năng là cái quyết định. Ngày còn làm lính trinh sát, bao lần chỉ bằng cái... mũi, ông Hưng phát hiện kịp thời lính Polpot bám theo mà không có bất cứ một suy đoán lí trí nào làm cơ sở! Kể thật; vài đồng đội lại bảo ông “giấu nghề”. Khùng sao giấu trời? Anh em càng có nghề, lực lượng càng đỡ tổn thất, thương vong. Trận mạc chớ phải... đi buôn đâu mà sợ cạnh tranh. Đơn giản là nghề không truyền được, thế thôi! Đó là một trực giác bản năng. Với lính trinh sát, những bài học sách vở, thao trường sẽ (gần như) vô dụng nếu không có bản năng tốt...

Giờ đến lượt con Nâu thủ lĩnh.

“Con đường máu” đưa “trung đội” lên chiếm lĩnh đỉnh hòn Ngang - theo kế hoạch táo bạo của ông Hưng - trông chờ cả vào con Nâu. Không Nâu sẽ không có kế hoạch này. Nó là niềm hy vọng duy nhất, không thể thay thế, cho cái phương án liều một xanh cỏ hai đỏ ngực nói theo khẩu khí của dân lính tráng. Ông Hưng tin ở thể lực tuyệt vời của Nâu. Sự điềm tĩnh, cẩn trọng, gan dạ; và cả yếu tố trung thành...

Và nhất là khôn ngoan; một sự khôn ngoan mang tính bản năng của những người lính mở đường! Ông Hưng nhớ đến những trận đánh cứ điểm, công đồn mà thắng bại hầu như được quyết định bởi trinh sát. Trinh sát thắng, xem như cả đơn vị thắng. Trinh sát thua thì mình trinh sát chịu trận. Mất mát; nhưng... biết sao được, chiến tranh mà!

Con Nâu lần này cũng vậy. Ông Hưng tin nó. Thắng; nó sẽ đưa được cả đàn lên đỉnh vinh quang. Thua thì mình nó trả giá. Có thể - bằng cả mạng sống của nó. Đã bảo; đây cũng là cuộc chiến. Ngày phải gán cả đất, cả nhà đánh đổi quyền làm chủ một đàn bò hai mươi con ốm đói trơ xương với quyết tâm bằng mọi giá phải dựng nghiệp, làm giàu, ông Hưng biết mình đã thực sự bước chân vào một cuộc chiến mới. Nàng bảo: thì ra, cái đầu của anh chỉ tới vậy. Ông, ông quyết, bằng mọi giá, phải chứng minh cái đầu ông không “chỉ tới vậy”. Tiền bạc không là chuyện lớn; nhưng đây thuộc vấn đề danh dự. Danh dự của một người lính...

Bắt đầu vượt dốc Lết, ông Hưng không kèm cặp, lùa nhắc con Nâu nữa. Ông leo trước; cứ một quãng lại dừng, mồ hôi tầm tã, vừa thở vừa đưa con ốc tù và lên miệng thổi. Tu.u..u..., tu.u..u...; đó là hiệu lệnh gọi Nâu. “Thủ lĩnh” thừa hiểu ông chủ muốn gì và đang cố xoay xở, loay hoay vượt dốc bươn theo tiếng ốc. Đoạn đầu dốc nghiêng 15 - 20 độ, tuy khá nhọc nhằn nhưng Nâu vẫn ráng gồng người, choãi chân bám được. Đến khi dốc ngược dần lên gần 30, rồi 35 độ thì Nâu thua! Dừng, dạng 4 chân cúi thở hồng hộc, mắt đỏ ngầu, dãi trào trắng mép! Ông Hưng - không khá hơn Nâu - cũng thở hồng hộc. Mở bầu nước có pha đường muối bên hông, ông ngửa cổ hớp đúng ba ngụm dù cái cổ khô cháy, nóng bỏng đang kêu gào thêm hớp nữa. Không được; uống nhiều sẽ lả, không leo được; với lại, phải dành phần con Nâu. Ông đổ nửa bầu nước ra nón cối, chìa cho Nâu. Hít một hơi hết sạch, Nâu ta ngước cái miệng còn tong tỏng nước muối rống ò, lắc lắc cái đầu dường như phàn nàn chỗ nước quá ít! Ông Hưng ôm lấy cổ “thủ lĩnh” gãi gãi đầu, gãi gãi tai vỗ về con vật trung thành vừa thì thầm như với người bạn thiết: ráng lên nào, “thủ lĩnh”! mày sẽ không bỏ tao chớ? Chỉ một cái dốc, cái dốc thôi; tao với mày sẽ vượt qua; đâu gì ngăn cản được bước chân những người lính, phải không Nâu... Ông Hưng vụt đứng thẳng người lên, gân cổ hát. Giọng hát người lính cựu tuổi năm mươi, đục khàn đôi chút nhưng vẫn tràn trề khí lực. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm vực sâu nào bằng chí căm thù... Tiếng hát vang vang, chạy suốt đại ngàn, vọng hang hốc, va vào vách đá tạo nên vô vàn tiếng vọng đa thanh; giao nhau tựa một dàn đồng ca đang hợp xướng giữa núi rừng. Con Nâu lắc mạnh đôi tai, vụt ngẩng cao đầu. Lần đầu tiên nó nghe ông chủ hát! Vụt thu chân thẳng thớm trong một bộ dạng đàng hoàng dường như chẳng chút mệt nhọc, Nâu ta gân cổ kéo những tràng rống dài hơi liên tiếp. Ò.ò..ò... Ò.ò..ò... Tiếng rống của “thủ lĩnh”, giống ông Hưng, nghe cũng đầy khí lực, mắt long lanh…

Những gì diễn ra tiếp theo - ngay ông Hưng cũng chẳng ngờ được!

Khi tiếng tù và của ông Hưng lại tu tu một quãng xa trên phía đỉnh dốc, con Nâu rướn mình, bấu chân toan trèo tiếp. Trượt! Trượt! Nâu ta bực dọc rống ò, quay trái, quay phải rồi... đột ngột xoay ngang, đâm bổ vào rừng! Ông Hưng giật nảy. Nó muốn gì đây, trời ạ... Định tập tễnh quay xuống đuổi theo; nhưng ông định thần, dừng kịp. Ngu vừa thôi. Địa hình này, nó... đuổi ông thì có chớ ông sao đuổi được nó? Thôi, lỡ; cứ phó cho trời. Mà ông tin: con Nâu không ngu dại và “bất trung” đến độ toan bỏ ông tháo chạy. Nâu làm vậy chắc có ý của nó. Ý gì ông chưa biết; nhưng chắc chắn có ý...

Đu mình vượt thêm một đoạn dốc, đến đoạn có trảng cây tương đối bằng phẳng, ông Hưng dừng, đưa tù và lên miệng thổi tu tu cầm canh để gọi Nâu. Chừng ba mươi phút sau, có tiếng sột soạt mé trái, rồi... cái mõm và cặp sừng con Nâu từ bụi rậm thò ra. Ông Hưng thiếu điều nhảy cẫng! Thực tình, bảo tin là tin vậy; nhưng chờ lâu không thấy Nâu ông cũng bắt đầu sốt vó. Ông hối hả mò mẫm, vuốt ve khắp người Nâu. Đầy mình “trung đội trưởng” là những vệt xây xát rướm máu me; nhưng may, không chỗ nào thương tích nặng.

 

Bài toán đã có lời giải.

Cho Nâu uống hết chỗ nước còn lại trong bầu, ông Hưng lại vuốt ve, dặn dò Nâu; lại mạnh dạn trèo lên một quãng xa. Lại dừng, thổi tù và tu tu và đợi...

4.

Nàng trẻ, đẹp, học vấn. Nàng cũng có những ước mơ hướng thượng, có lòng khát khao, ngưỡng mộ với những người hùng của dân tộc, của đất nước, của một thế hệ. Nàng yêu những người lính; yêu mẫu hình đàn ông khỏe mạnh, quả cảm, biết phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng. Vậy nên nàng chọn tôi; điều đó chẳng lạ. Ngày tôi từ chiến trường về, nếu trừ đi phần cơ thể 30% thương tật thì - mọi thứ còn lại của tôi - coi cũng ok ra phết. Khỏe, đẹp trai, ăn nói có duyên, tác phong linh hoạt, tự tin, khí chất đàn ông lộ rõ. Lính mà! Gì chớ cái khí chất đàn ông dễ hút hồn phụ nữ lắm; nhất là mẫu phụ nữ có chút mộng mơ, lãng mạn. Nàng đã ngã vào tôi không chút đắn đo, mặc kệ chuyện chênh lệch tuổi tác đến hơn mười năm, mặc kệ những lời can ngăn từ phía các bà con, thân hữu có óc cẩn trọng và thực tế hơn. Mà cũng không riêng nàng; còn vài cô không mấy kém cạnh nàng cũng “xin chết” vì tôi (đã bảo: hào quang đương thời của tôi không tệ!). Nhưng tôi chỉ cảm động, rung động, trước tấm chân tình mang màu sắc lãng mạn đến lý tưởng của nàng. Tôi cũng là người yêu cái lý tưởng, cho dẫu tôi ra đời trước nàng đến hơn mười năm. Chúng tôi thấy mình hợp nhau...

Vậy nhưng, chúng tôi không biết rằng: giữa lý tưởng và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách. Mà cái khoảng cách ấy dường như... không gần lắm; ít ra trong trường hợp chúng tôi!

Nàng đang tuổi thanh xuân, hừng hực khát vọng sống. Có lý tưởng cách mấy, hướng thượng cách mấy thì cũng không thể nào lánh xa, từ bỏ những khát vọng rất người. Đó là cái khát vọng hưởng thụ, khát vọng tiện nghi, khát vọng cho bằng chị bằng em và vân vân. Khổ nỗi, nàng không bằng cấp chuyên môn; tôi không nghề nghiệp ổn định; thu nhập chính cả hai chỉ trông vào lương hưu. Vài triệu bạc lương tháng, tằn tiện chút cũng đủ thu xếp để ăn no mặc ấm. Thêm miếng đất địa phương cho. Thêm căn nhà chính sách. Với tôi, vậy cũng tạm...

Nhưng nàng thì không.

Ăn no mặc ấm không thể là cái đích của một phụ nữ trẻ đẹp tuổi mới ba mươi. Ít nhất phải ăn ngon mặc đẹp. Mà cũng không chỉ ăn ngon mặc đẹp; nàng còn muốn đi xa hơn cái đích ấy. Và khi không thể đi xa hơn thì kẻ có lỗi - thậm chí phải chịu hoàn toàn trách nhiệm - không ai khác, là tôi! Thì ra cái đầu của anh chỉ tới vậy..., câu nói ấy buột văng khỏi miệng nàng khi những dồn nén đã lên tới đỉnh điểm. Nó phũ phàng; nhưng trung thực. Trung thực tới mức đau đớn! Nó bao hàm trọn gói tất tật những gì nàng nghĩ, nàng muốn...

Nàng là một con thuồng luồng. Thuồng luồng không chịu ở cạn. Căn nhà tình nghĩa mái tôn rộng sáu chục mét vuông với nàng là cái ao quá cạn. Tôi không đủ sức đào một cái ao sâu hơn cho nàng. Vậy nên, nàng đi.

Quên, trước khi đi, nàng còn quay dặn với một câu: ai cũng bảo anh là “người hùng”, bản lĩnh, giỏi giang. Vậy hãy đem cái bản lĩnh của anh ra kiếm tiền, làm giàu đi! Chừng nào anh giàu, tôi về... Nàng cười mỉa mai.

Trong cơn điên giận, tôi nhớ tôi đã quát vào mặt nàng: tôi không thiết cô trở về; nhưng tôi sẽ làm giàu! Cô cứ đợi, chống mắt lên mà coi: tôi - sẽ - làm - giàu...

5.

Lại vượt dốc. Lần này, ngoài đầu đàn Nâu còn có thêm con Sứt Tai, “trung đội phó”!

Chuyến mở đường xem như thành công: con Nâu đã vượt được dốc Lết an toàn, ve vẩy đuôi gặm cỏ đỉnh hòn Ngang. Lý thuyết, mọi chuyện đã ổn; con đầu đàn lên được sẽ đưa cả đàn lên theo. Nhưng ông Hưng vẫn chưa yên tâm: Nâu là một con bò quá xuất chúng. Nó lên được; nhưng liệu còn các con khác? Ông Hưng muốn kiểm tra thực tế thêm lần nữa.

Đối tượng thực tế lần này chính là con Sứt.

Vẫn những bài bản cũ. Con Nâu quen đường, xử lý khá thuộc bài. “Đội phó” Sứt Tai ban đầu bỡ ngỡ, cứ bám đuôi “đội trưởng”; Nâu đặt chân đâu nó đặt y vào đó. Chiến thuật của con Nâu là cắt rừng, tìm lối đi vòng vèo theo một lộ trình zích zắc để giảm độ dốc. Đương nhiên bị cào xước khá thê thảm bởi đá tai mèo và gai góc. Nhưng Nâu không có nhiều chọn lựa. Ấy là cách duy nhất để nó có thể đưa được thân hình gần 500 ký lô của mình an toàn lên đỉnh núi.

Sứt Tai còn bạo hơn.

Hiệp cắt rừng đầu, còn nhát, nó theo chân Nâu. Nhưng khi đã nắm được “luật chơi”, chắc thấy Nâu đi quá chậm, nó... đột ngột tách riêng, mở đường khác! Ông Hưng chỉ phát hiện được điều này khi thấy chàng Sứt chui từ rừng ra theo một hướng khác với hướng của Nâu; và lại ra sớm hơn Nâu! Thì ra anh “trung đội phó” láu cá đã biết tận dụng cái ưu thế nhỏ người cơ động của mình để chọn lối tắt; những lối mà cái thân hình kềnh càng của Nâu không qua nổi. Giỏi; thông minh lắm, Sứt..., ông Hưng vừa vò vò cái tai sứt của “đội phó” vừa âu yếm thầm thì như với đứa con nhiều tật nhưng cũng lắm tài!

...Đứng phanh ngực áo trên đỉnh hòn Ngang lộng gió, nhìn cảnh hai con bò cưng đuôi ve vẩy, cúi đầu soạt lấy soạt để món cỏ thượng đẳng không người chăn nào không mơ, ông Hưng biết mình đã thắng. Trận thắng diễn ra nơi cái chiến trường không hề có đạn nổ, bom rơi nhưng không vì thế mà kém ác liệt, kém tổn thất và kém vinh quang. Dù chưa thật sự xuất kích, nhưng bản năng người lính báo ông biết mình đã thắng. Thắng; cho dù trước mắt sẽ còn cần nhiều hy sinh, nhiều nỗ lực. Thắng; cho dù có... hơi muộn. Có phải muộn rồi không. Ông nhớ đến nàng. Sự ra đi của nàng. Giá mà ông ý thức sớm hơn sự nghiêm trọng của vấn đề. Giá mà ông thắng sớm hơn. Ông lắc lắc đầu, xua đi những ám ảnh. Không; dẫu muộn vẫn còn hơn không. Đó thuộc vấn đề danh dự. Danh dự của một người lính...

6.

Vĩ thanh

Tôi đã cất công lặn lội đến tận vùng Tam Sơn heo hút này để nghe..., không, để tận mắt chứng kiến một huyền thoại. Huyền thoại về người thương binh chỉ bằng 70% cơ thể lành lặn, chỉ khởi nghiệp bằng một đàn bò cỏ ốm đói 20 con - cộng với ý chí và “tài thao lược” khó tin - đã trở thành Ông Chủ Trang Trại Bò Sữa Tam Sơn giàu có nhất vùng chỉ sau vỏn vẹn 10 năm! Tam Sơn là tên chữ, chứ dân địa phương vẫn quen gọi bằng  cái tên nôm: Trại - Bò - Hòn - Ngang! Phải; cơ ngơi trang trại giờ nằm ngay trên cái thiên đường cỏ xanh đỉnh Hòn Ngang. Dốc Lết vẫn còn. Có điều giờ không ai phải làm con khỉ vừa đu vừa trèo mới lên đến đỉnh. Băng qua con dốc Lết ám ảnh thuở nào là hệ thống cáp treo mười lăm phút cho một lượt xuống lên. Chuyển người, chuyển sữa, chuyển cả... bò giống, bê non, máy móc khí tài phục vụ cho cả một dây chuyền chăn nuôi, sản xuất và chế biến sữa quy mô. Cái khí hậu mát mẻ cùng món cỏ thượng đẳng đỉnh hòn Ngang không ngờ lại thực sự là thiên đường cho con bò sữa...

Giám đốc, chủ trang trại bò sữa - bò giống Tam Sơn là Ngài Trần Duy Hưng. Phải; chính cái ông Hưng què, Hưng thọt thương binh; cái ông Hưng từng bị vợ bỏ, từng đem cắm cả đất, cả căn nhà tình nghĩa đổi lấy một đàn bò cỏ ốm đói hai mươi con đến đám lái thịt chuyên mua bò phế thải cũng chê. Phải; chính cái ông Hưng trận mạc nhiều nên “điên điên”, nuôi mộng làm giàu bằng cách vượt dốc Lết, đưa bò lên đỉnh hòn Ngang mà chăn thả!

Không chỉ điểm sáng ăn nên làm ra, trang trại còn là điểm sáng đóng góp cho các hoạt động từ thiện, phúc lợi cộng đồng, bảo trợ xã hội và vân vân. Báo chí, phát thanh truyền hình thi nhau đưa tin, thi nhau ca ngợi, thi nhau biểu dương. Những chuyện ấy, con số ấy, thành tích ấy tôi đều đã đọc, đã nghe đã xem. Chẳng có gì lạ. Bề nổi của những tảng băng thành công thường là rất giống. Tôi muốn đi tìm một điều gì đó khác hơn. Một điều gì ẩn chứa, khuất lấp, vô ảnh vô hình đằng sau những sự kiện, con số hoành tráng nhưng (nhiều khi khá) vô hồn của báo chí - truyền thông. Và mày mò, và lặn lội mãi rồi cuối cùng tôi cũng có được câu chuyện bên lề...

Đó là câu chuyện - có thể tôi được nghe kể; mà cũng có thể nó đã trồi lên từ giấc mơ tôi trong những đêm dài thao thức nằm nghe tiếng gió thì thào nơi cái thiên đường cỏ xanh đỉnh Hòn Ngang. Nhưng thôi; từ đâu không quan trọng. Quan trọng là tôi đã được nghe...

 

...Người đàn bà ấy trở về. Xác xơ, tàn tạ; nhưng nàng đã trở về. Khép nép, không dám ngồi vào bộ salon hàng nội thất Đài Loan cao cấp bóng gương. Tôi nhìn nàng. Nhìn kinh ngạc. Trân trối. Đến ứa nước mắt...

- Sao em không về sớm hơn?

- Em ngại! Em thấy xấu hổ...

- ...

-Anh đừng hiểu lầm. Em không định xin anh gì đâu. Em về chỉ để... chỉ để... nói một câu. Xong em đi...

- ...

- Xin lỗi anh; vì em đã sai...

- ...

-Anh... không nhận lời xin lỗi của em sao?

- ...

-Thôi, em đi...

-Khoan, em đợi chút. Tôi cũng có điều muốn nói...

- ...?

-Tôi muốn em... ở lại! Xin lỗi em vì tôi cũng đã sai...

Y.N 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng