Hình tượng lợn trong các nền văn hóa - Ngọc Giao

16.03.2019

Lợn là một trong những vật nuôi gần gũi với con người ở một số quốc gia trên thế giới. Chúng được thuần hóa rất sớm (cách nay khoảng 10.000 - 6.000 năm). Loài người đã thuần phục chúng bằng cách bắt lợn rừng nhốt vào một hàng rào khép kín rồi thuần dưỡng biến loài lợn rừng thành lợn nhà. Lợn đã có mặt trong rất nhiều nền văn hóa từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Tùy theo các nền văn hóa mà chúng có sự ưu ái và địa vị được nhìn nhận khác nhau.

Hình tượng lợn trong các nền văn hóa - Ngọc Giao

Lợn nói chung là một chi động vật móng guốc có nguồn gốc ở đại lục Á - Âu được gộp nhóm tổng thể với danh pháp khoa học là Sus, thuộc họ Lợn (Suidae). Trong các nền văn hóa, vị trí của lợn có những đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn, đối với lợn lòi, chúng đại diện cho quyền uy tinh thần, cho một vị thần hay một sản phẩm huyền bí. Ý nghĩa tượng trưng của lợn lòi có nguồn gốc đặc biệt cổ xưa, trong các truyền thuyết của những tộc người ở vùng cực Bắc Ấn - Âu thì lợn lòi biểu hiện cho quyền uy tinh thần, dưới một vài hình thái nhất định. “Điều này có quan hệ với sự ẩn trong rừng của các giáo sĩ (druide) hoặc bà-la-môn, hay với đặc tính của lợn lòi đào bới nấm củ, mà theo những truyền thuyết cổ đó là sản phẩm huyền bí do sét tạo nên, và sống bằng quả cây sồi, loại cây thiêng liêng. Lợn lòi đối lập với gấu, biểu hiện của quyền lực vật chất. Ở xứ Gaule cũng như Hy Lạp, người ta săn lợn lòi và thậm chí giết chết nó. Đó là hình ảnh của cái tinh thần bị các vật chất vây dồn”.1

Lợn lòi được nhắc đến như là một hóa thân của thần Vishnu. Trong bộ tam thần của người Hindu giáo (Vishnu, Siva, Brahman), Vishnu là vị thần bảo tồn được những người theo đạo Hindu tôn kính như đấng tối cao. Thần thoại Ấn Độ kể rằng: “Cách đây khá lâu có một con quỷ tên là Hiranyaksha xuất hiện. Hắn là em trai của Hiranyakasha và được thần Brahma ban tặng khả năng bất tử. Không có thần thánh, ma quỷ, quái vật hay con người nào có thể tiêu diệt được hắn. Sức mạnh của Hiranyaksha lớn dần theo từng ngày. Một ngày nọ, Hiranyaksha nắm lấy trái đất và mang nó xuống đại dương cùng với hắn. Các vị thần lo lắng và kéo đến gặp thần Vishnu xin giúp đỡ. Vishnu nhớ rằng thần Brahman đã quên không ban tặng cho Hiranyaksha sự bất tử trước Varaha (con lợn lòi hoang dã có hai cái ngà). Thần Vishnu biến thành Varaha và nhảy xuống đại dương. Khi nhìn thấy Hiranyaksha ở đó, ông đã thách thức hắn tham gia một trận đấu. Ngaysau đó, thần Vishnu đã chặt đầu Hiranyaksha và đem trái đất trở về từ dưới lòng đại dương sâu thẳm”.2

Lợn lòi còn được biết đến là loài vật dũng cảm cho nên người Nhật coi lợn lòi là một con vật Hoàng đạo, gắn với lòng dũng cảm, thậm chí sự táo bạo. Nó là vật cưỡi của kami (thần chiến tranh). Inoshishi (lợn lòi) là con vật cuối cùng trong mười hai con vật của vòng Hoàng đạo. Trong những đền thờ Thần đạo, trước những điện thờ thần Wakenokiyomaro có những tượng lợn lòi nhỏ. Bản thân thần chiến tranh Usa - Hachiman đôi khi cũng được thể hiện cưỡi trên một con lợn lòi.

Người dân Orange ở miền Nam tiểu bang Califonia (Hoa Kỳ) còn lấy hình ảnh con lợn lòi thể hiện trên cờ lệnh của khải hoàn môn. Có một số lượng khá lớn những hình lợn lòi dâng cúng bằng đồng thanh và rất nhiều hình thể hiện nó trong các bản đá khắc nổi.

Lợn lòi là thực phẩm hiến tế trong lễ Samain, là vật hiến tế cho thần Lug. Trong nhiều truyện, huyền thoại, ở những bữa tiệc bên thế giới khác, có một con lợn thần kỳ, luôn được nấu vừa chín tới và ăn không bao giờ hết. Trong yến tiệc lớn của lễ Samain vào ngày đầu tháng mười một, thức ăn chính là thịt lợn. Moccus lợn là một biệt danh của Mercure trong một bản minh văn Gaule - Romain ở vùng Langres. Turc triath (tiếng Ailen: triath: vua), đối nghịch với Arthur, thể hiện giới Tăng lữ trong cuộc đấu tranh chống lại vương quyền ở giai đoạn suy đồi tinh thần. Người cha của thần Lug là Cian đã hóa thành một con lợn đạo sĩ để trốn thoát khỏi những kẻ truy lùng. Tuy nhiên ông ta chết dưới dạng người.3

Với người Ireland, lợn là con vật linh thiêng và đáng được tôn thờ. Bên cạnh những câu chuyện về phù thủy, những truyền thuyết về lợn chiếm một phần đáng kể trong kho tàng văn học của người Ireland. Theo những câu chuyện lịch sử thì thời xưa, ở Ireland có nhiều nơi sử dụng những cái tên liên quan tới loài lợn. Một trong số đó là Mucinis, nghĩa là đảo lợn.

Còn tại Ấn Độ, Varahi - nữ thần thân người đầu lợn là một trong những vị thần linh thiêng nhất đối với những người theo đạo Hindu. Theo truyền thống ăn chay, các tín đồ của đạo này không ăn thịt lợn cũng như thịt của một số loại động vật khác.

Lợn được coi là con vật linh thiêng đối với Diana, một trong những nữ thần nhiều quyền năng nhất trong thần thoại La Mã. Người dân thành Rome được khuyên không nên ăn thịt lợn, sau đó, khi Cơ Đốc giáo xuất hiện, tín đồ của đạo này cũng được khuyên tương tự.

Trong truyền thuyết Kitô giáo, lợn lòi tượng trưng cho quỷ dữ hoặc người ta chú ý đến tính mãnh liệt của nó gợi lại sự hăng hái cuồng nhiệt của những đam mê dục vọng; hoặc nhắc đến những bước đi tàn phá của nó qua các đồng lúa, những vườn cây ăn quả, những cánh đồng nho. Trong kinh Phúc âm, chúa Jesus đã kể một câu chuyện ngụ ngôn về đứa con trai phóng đãng, người đã làm nghề nuôi lợn và mong ước là có thể ăn thịt con lợn.

Người Papua New Guine, phía Bắc Australia cho rằng, thịt lợn là thứ giống với thịt người nhất trong tự nhiên. Đối với nhiều dân tộc ở nước này thì lợn là loài vật gần gũi với loài người vì chúng có nhiều cơ quan nội tạng giống chúng ta. Bên cạnh đó, loài vật này còn ăn được tất cả những gì mà con người dùng làm thực phẩm.

Lợn chính là một trong số 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm Địa Chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và nhiều quốc gia khác ở châu Á. Nó gắn liền với địa chi Hợi. Những người tin tưởng vào chiêm tinh học Trung Hoa luôn gắn những đặc tính của lợn vào những người sinh năm Hợi. Những ai sinh vào năm này thường được coi là may mắn và có cuộc đời sung túc, nhàn nhã. Cũng có thể do cái ngoại hình béo tốt của nó mà những người Hoa - Việt và một số dân tộc khác rất ái mộ, họ đã biến con lợn thành biểu tượng của sự phồn thịnh, sung mãn. Con lợn nái cùng đàn lợn con còn đưa thêm vào trong lý tưởng ấy một lý tưởng khác: đông con. Người Ai Cập thể hiện đại nữ thần Nout, hiện thân của bầu trời, bên nữ trong cuộc hôn phối thiêng liêng Đất - Trời, dưới hình thức là một con lợn nái nằm trên trời cao và đang cho các con lợn con là những ngôi sao bú sữa. Nữ thần Nout mang tính thái âm, là mẹ của các thiên thể mà thần lần lượt nuốt vào và nhả ra, tùy theo các thiên thể đó thuộc về ban ngày hay ban đêm, để các thiên thể đó ngao du trong bầu trời. Như vậy vào lúc bình minh, thần nuốt các vì sao và đến buổi hoàng hôn lại nhả ra, còn đối với con trai của thần Mặt trời thì làm ngược lại. Lợn nái là con vật hiến tế thường được ưa chuộng nhất để dâng lên nữ thần Déméter, Mẹ của đất. Lợn nái tượng trưng cho bản nguyên nữ được quy về một chức năng sinh đẻ.4

Lợn, ngoài những đức tính tốt thì chúng cũng được xem là loài hội tụ nhiều tính xấu. Chúng là loài vật tham ăn vô độ. Chúng có thể ăn bất cứ thứ gì chúng tìm được khi đói. Hầu như khắp mọi nơi trên thế giới, con lợn tượng trưng cho tính phàm ăn: nó ăn ngấu nghiến, nuốt chửng bất cứ thứ gì nó gặp. Thậm chí, trong nhiều huyền thoại, nó được gắn cho vai trò của cái vực không đáy.

Người ta cho rằng lợn là một loài hội tụ đủ những phẩm chất xấu như ngu dốt, dâm dật và ích kỷ. Thánh Clément ở Alexandrie đã viết trích dẫn Héraclite: "Loài lợn tìm lạc thú ở những nơi nhơ bẩn và xú uế". Vì những nguyên do có tính chất tinh thần, người ta cấm ăn thịt lợn, đặc biệt trong đạo Hồi. Thánh Clément nhận xét: "Chỉ những ai sống phóng dục mới ăn thịt lợn". Hình tượng lợn hiện diện nhiều trong bánh xe sinh tồn Tây Tạng cũng với ý nghĩa ấy, nó biểu tượng trước hết cho sự ngu tối. Cũng trong chủ đề này, không nên quên dụ ngôn trong kinh Phúc âm về vứt ngọc trai cho lợn, biểu tượng của sự dại dột khai mở những chân lý tinh thần cho những kẻ không xứng đáng và cũng không có khả năng tiếp thụ những chân lý ấy.

Trong huyền thoại Hy Lạp, Circé - một nữ thần phù thủy, có thói quen hóa những người đàn ông nào đam mê nàng thành lợn. Nhiều lần, Cricé dùng gậy thần đụng đến những khách mời của mình và biến họ thành những con vật xấu xa: lợn, chó... mỗi người tương hợp với những xu hướng sâu kín của tính cách và bản chất ở họ.5

Đối với những người Khirgiz - là một dân tộc Tuck sinh sống chủ yếu tại Kyrgyzstan, nó là biểu tượng của không chỉ sự sa đọa và nhơ nhuốc mà còn cả sự độc ác.

Trong thần thoại anh hùng Heracles (thần thoại Hy Lạp), lợn rừng là loài vật hung dữ và phá hoại hoa màu của con người. Heracles là con trai ngoài giá thú của thần Zeus với nàng Ankmen. Chàng được các thần dạy cho nhiều võ nghệ. Nhưng nữ thần Hera (vợ của thần Zeus) lại căm ghét chàng. Nữ thần Hera bắt chàng phải làm tôi tớ cho Orixthe mười hai năm. Trong mười hai năm đó, được sự giúp đỡ của các vị thần Olympus nên chàng đã lập được mười hai chiến công. Trong đó có chiến công lớn là bắt sống con lợn lòi ở Erymanthus. Nó là con lợn rừng to lớn và cực kỳ hung dữ thường xuống dưới chân núi phá hoại hoa màu gây thiệt hại cho đời sống của dân lành. Cả đến đô thành Poophix dưới chân núi, người ở đông như thế mà nó cũng không sợ. Gặp người nó lao thẳng tới húc. Vì thế chưa có một tay thợ săn nào dám đương đầu với nó, nhất là khi chưa có một thứ vũ khí gì có thể đâm thủng lớp da dày cứng của nó. Heracles phải đợi đến mùa lạnh tuyết rơi trên cánh đồng, đuổi theo và bắt sống được con vật.

Như vậy có thể thấy lợn là loài vật xuất hiện trong rất nhiều nền văn hóa trên thế giới với nhiều ý nghĩa biểu trưng như quyền uy tinh thần, dũng cảm, sự may mắn, phồn thịnh, sung mãn, vật hiến tế hay đặc biệt hơn còn là hóa thân của các vị thần. Nó mang đến cho con người nhiều lợi ích. Nhưng đồng thời, đối với một số dân tộc thì nó lại mang những biểu trưng xấu như hoang dâm, tham ăn, tục uống, bẩn thỉu, dâm dật, ích kỷ... thậm chí là hóa thân của phù thủy hay ma quỷ. Tóm lại, lợn là loài vật có dấu ấn đa dạng trong các nền văn hóa trên thế giới.

N.G

 

CHÚ THÍCH

1, 3, 4, 5 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002), 529, 530, 258.

2           365 câu chuyện thần thoại Ấn Độ (Nhân Văn biên soạn), (Thanh Hóa: Thanh Hóa, 2008), 50-51.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vô Danh Thị. 1956. Lục súc tranh công (Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính). Sài Gòn: Tân Việt.

2. Phan Huy Chú. 1960. Lịch triều hiến chương loại chí. Hà Nội: Giáo dục.

3. Jean Chevalier, Alain Gheerbant. 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du.

4. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế. 1995. Kho tàng thần thoại Việt Nam. Hà Nội: Văn hóa thông tin.

5. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. 1990. Truyện cổ nước Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội. Minh Hạnh, Phan Hồng Sơn. 1986. Truyện ngụ ngôn Việt Nam. Hà Nội: Văn học.