Giữ gìn nghệ thuật bài chòi

20.02.2023
Huỳnh Lê
Sưu tầm, khôi phục, khai thác và bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, trong đó có nghệ thuật bài chòi là một trong những nội dung quan trọng được UBND quận Liên Chiểu triển khai thời gian qua.

Giữ gìn nghệ thuật bài chòi

Quận Liên Chiểu tập trung khôi phục, giữ gìn nghệ thuật diễn xướng dân gian bài chòi. Ảnh: H.L

Yêu nghề

Được cha là nghệ nhân bài chòi Nguyễn Văn Lân truyền dạy, hai chị em Nguyễn Thị Thu Nguyệt (SN 1970, Đội trưởng Đội hát bài chòi phường Hòa Hiệp Nam) và Nguyễn Thị Thu Cúc (SN 1972) luôn đau đáu nỗi lo một ngày loại hình diễn xướng dân gian này mai một. Vì thế, khi biết UBND quận có chủ trương sưu tầm, khôi phục, khai thác và bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, trong đó có nghệ thuật bài chòi, hai chị em Nguyệt, Thu rất ủng hộ.

Đội hát bài chòi phường Hòa Hiệp Nam ra đời gần 30 năm trước, ban đầu là sân chơi của những người mê thích loại hình diễn xướng dân gian bài chòi. Thời đó, bài chòi là nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng trong các dịp lễ, Tết, hội đình làng, cúng bái đầu năm.

Từ cái nôi gia đình, thuở bé, hai chị em bà Nguyệt thường xuyên theo cha tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại địa phương, trở thành hai trong những người trẻ kế tục, gìn giữ và phát huy loại hình diễn xướng dân ca bài chòi cho đến ngày nay.

Trong đó, bà Nguyệt có hàng trăm lần đóng vai anh Hiệu (anh Hiệu thường là người hát hay, giọng tốt, năng khiếu đặt vè, sáng tác và hát thơ, đặc biệt là tài ứng tác rất linh hoạt những bài vè, thơ lục bát, lục bát biến thể) nhờ chất giọng tốt, nắm chắc kỹ thuật và có tài “xuất khẩu thành thơ”. Theo bà Nguyệt, anh hiệu là “linh hồn” của mỗi tuồng diễn. Không chỉ thu, phát, hô bài, khả năng nhạy bén, hài hước và duyên dáng của anh hiệu sẽ góp phần lôi cuốn, hấp dẫn người xem.

Thấy chị gái hết lòng với nghệ thuật truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Thu Cúc quyết định đồng hành, chính thức trở thành thành viên Đội hát bài chòi phường Hòa Hiệp Nam từ năm 2006. Trong các buổi biểu diễn, hai chị em Nguyệt, Thu tung hứng, hỗ trợ nhau trong từng giai điệu, câu hát. “Là chị em trong nhà, thường diễn chung và xem nhau biểu diễn nên chỉ cần tôi hát lên câu nào, Cúc đều biết để đối đáp và ngược lại”, bà Nguyệt nói.

Đội hát bài chòi phường Hòa Hiệp Nam hiện có 7 thành viên, mỗi năm tham gia khoảng 10 chương trình biểu diễn, hát phục vụ bà con. Theo bà Nguyệt, may mắn của phong trào dân ca bài chòi ở địa phương là địa bàn quận Liên Chiểu có một số người viết dân ca bài chòi xuất sắc, như các ông Đặng Dùng (phường Hòa Hiệp Nam), ông Lê Cao Phẩm (phường Hòa Khánh Bắc)… Nhờ đó, những lời ca, câu hát tiệm cận gần hơn với lối sống hiện tại, phù hợp hơn với “cách nghe”của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Gần 30 năm theo đuổi loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này, trong nhà nghệ nhân Huỳnh Tấn, Đội hát bài chòi đình làng Hòa Mỹ (phường Hòa Mỹ) luôn có đạo cụ chơi bài chòi gồm bộ bài tam cúc với những tên gọi khác nhau như nhứt nọc, nhì nghèo, tam quăng, tứ cẳng, ngũ trợt, lục chạng, bảy thưa, bát bồng, chín cu, chia thành 3 pho gồm pho sách, pho vạn và pho văn…

Ông Tấn cho biết, người hát bài chòi trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện không nhiều, làm những công việc khác nhau. Do đó, chỉ khi nào tổ chức lễ hội, Tết, lễ cầu ngư…, mọi người mới tập hợp lại biểu diễn theo chương trình. Thậm chí, các chương trình diễn ra tại Liên Chiểu, ngoài sự kết hợp giữa 2 đội Hòa Mỹ và Hòa Hiệp Nam, ông phải mời thêm các đội ở phường, quận khác trên địa bàn thành phố phối hợp.

Xây dựng lộ trình, kế hoạch lâu dài

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 10 năm trước, người biết hô bài chòi ở quận Liên Chiểu khoảng 50 người, đến nay chỉ còn hơn  20. Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, năm 2022, Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu UBND quận xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi đến năm 2030.

Mục tiêu quận hướng đến là bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi, phục vụ nhu cầu nhận thức và hưởng thụ văn hóa tại địa phương. Gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng cũng như thu hút, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Theo lộ trình, trong năm 2023, UBND quận Liên Chiểu sẽ kiểm kê, rà soát danh sách nghệ nhân, khôi phục và kiện toàn các CLB, nhóm, đội liên quan. Các năm tiếp theo sẽ tiếp tục nghiên cứu, phục dựng lại các bài hát, làn điệu, hình thức biểu diễn, tổ chức cuộc thi Liên hoan sân khấu dân ca bài chòi không chuyên quận. Đồng thời, biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu ngắn về di sản văn hóa bài chòi để phổ biến, quảng bá, đưa chương trình biểu diễn bài chòi vào các tour/tuyến du lịch.

Theo ông Hiếu, thời gian gần đây, địa phương chú trọng đưa loại hình hát bài chòi vào biểu diễn phục vụ tại các lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội xuân..., tạo điều kiện cho loại hình văn nghệ dân gian lan tỏa đến đối tượng khán giả trẻ.

Đặc biệt, kể từ sau năm 2016, khi nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian tại Đà Nẵng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật biểu diễn bài chòi được thành phố quan tâm, theo sát. “Chúng tôi đã tham mưu UBND quận có chính sách ưu đãi với những nghệ nhân hô hát bài chòi, tạo động lực để họ truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, có chủ trương thành lập các CLB hát bài chòi mới, duy trì phục dựng các CLB bài chòi cũ. Mỗi CLB cần xây dựng cho mình cơ chế phát triển và hình thức hoạt động riêng. Mỗi địa phương cần hỗ trợ kinh phí để CLB hoạt động.

“Chúng tôi luôn khuyến khích các địa phương tổ chức hội thi hát bài chòi hằng năm, gắn với nội dung xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Đặc biệt, cần đưa loại hình hát bài chòi vào giảng dạy trong trường tiểu học, THCS mỗi tháng 1 lần để thế hệ trẻ biết cách hát, tiếp cận tích cực với loại hình nghệ thuật độc đáo của quê hương”, ông Hiếu nói.

(baodanang.vn)