Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2: NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC ĐƯỢC VINH DANH TRÊN ĐƯỜNG PHỐ ĐÀ NẴNG

27.02.2023
Bùi Văn Tiếng
Đặt tên đường là cách người Đà Nẵng vinh danh các danh nhân có nhiều công lao đóng góp cho địa phương và đất nước, trong đó có các thầy thuốc, y bác sĩ như Louis de Pasteur, Alexandre Yersin, Lê Đình Dương, Lê Hữu Trác, Lê Đình Thám...

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2: NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC ĐƯỢC VINH DANH TRÊN ĐƯỜNG PHỐ ĐÀ NẴNG

Bảng tên đường tại ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai và Pasteur

Thời Pháp thuộc, có hai thầy thuốc được vinh danh trên đường phố ở Tourane - tập trung ở địa bàn quận Hải Châu ngày nay: Một là Louis de Pasteur (1822-1895) thầy thuốc vĩ đại người Pháp nhưng chưa từng chính thức theo học y khoa - cha đẻ của ngành Vi sinh vật học, được UNESCO ghi vào danh sách Ký ức Thế giới và trở thành nhà khoa học thứ tư trên thế giới nhận vinh dự này, năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem Kỷ niệm 200 năm sinh nhà khoa học Louis Pasteur (1822-1895) thiết kế theo phong cách đồ họa thể hiện hình ảnh chân dung ông cùng hai vật dụng thí nghiệm là kính hiển vi và bình thiên nga cổ cong nhằm tôn vinh những cống hiến của Louis Pasteur cho nhân loại; hai là Alexandre Yersin (1863-1943) bác sĩ người Pháp nhưng sinh ra ở Thụy Sĩ, tốt nghiệp đại học y khoa ở Pháp - người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang vào năm 1895, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Đông Dương - nay là Trường Đại học Y Hà Nội - vào năm 1902, người được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Công dân Việt Nam Danh dự vào năm 2014 (đường mang tên Yersin trước nằm trên địa bàn quận Hải Châu, sau đổi thành đường Ngô Gia Tự, đến năm 2010 được đặt lại cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn).

Đến năm 1958, qua việc đặt tên đường phố trên địa bàn quận Hải Châu ngày nay, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh thầy thuốc Lê Đình Dương (1896-1919) quê Quảng Nam, tốt nghiệp á khoa Đông Dương Y sĩ khóa đầu tiên tại trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương - Hà Nội vào năm 1915, được bổ nhiệm về làm việc ở Bệnh viện Faifo phụ trách nhãn khoa, đến năm 1916 do tham gia cuộc vận động khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân nên bị Pháp bắt giam ở Buôn Ma Thuột và đã quyên sinh bằng độc dược vào năm 1919 (cha của Lê Đình Dương là Lê Đỉnh được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2013, em ruột ông là Lê Đình Thám được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 1998). Từ đầu thập niên 1990 đến cuối thế kỷ XX, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh hai thầy thuốc y học cổ truyền qua việc đặt tên đường phố. Năm 1994, có một con đường ở quận Sơn Trà mang tên danh y Lê Hữu Trác - còn được gọi là Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) quê gốc phủ Thượng Hồng tỉnh Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) nhưng gắn bó với quê ngoại Hà Tĩnh từ tuổi thanh niên cho tới cuối đời, được xem là ông tổ thứ hai của ngành y học cổ truyền Việt Nam, tác giả các sách Thượng kinh ký sự viết xong năm 1783, Hải Thượng y tông tâm lĩnh viết xong năm 1786 - gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam - mộc bản sách này hoàn thành năm 1885 được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2021 và đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh  (chú ruột của Lê Hữu Trác là Lê Hữu Kiều được đặt tên đường cũng ở quận Sơn Trà vào năm 2011).

Như đã nêu trên, năm 1998, ở quận Hải Châu có một con đường mới mở mang tên Lê Đình Thám (1897-1969) tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương năm 1916, đỗ bác sĩ y khoa năm 1930, từng giữ chức y sĩ trưởng Viện bào chế và Vi trùng học Pasteur ở Huế vào năm 1928, giám đốc Bệnh viện Bài lao Huế vào năm 1933, phụ trách Viện Quân y Quảng Nam vào năm 1946. Năm 2000, có một con đường cũng ở quận Hải Châu mang tên danh y Tuệ Tĩnh (1330-1400) quê Hải Dương, được xem là ông tổ đầu tiên của ngành y học cổ truyền Việt Nam, người chủ trương Nam dược trị Nam nhân, người bị đưa đi triều cống bên Trung Quốc vào năm 1385 để hành nghề thầy thuốc cho đến lúc qua đời nơi đất khách quê người và trên bia mộ của Tuệ Tĩnh ở Giang Nam Trung Quốc vẫn còn dòng chữ Ai về nước Nam cho tôi về với; và một con đường ở quận Thanh Khê mang tên Anh hùng lao động - Giáo sư Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) quê Thừa Thiên Huế, là người đầu tiên mổ tim ở Việt Nam từ nǎm 1958, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với công trình Phương pháp cắt gan khô Tôn Thất Tùng (1962).

Bước sang thế kỷ XXI, ở Đà Nẵng có thêm nhiều đường phố mang tên các thầy thuốc như đường Phạm Ngọc Thạch ở quận Hải Châu vào năm 2002 vinh danh Bác sĩ-Liệt sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) sinh ở Bình Định nhưng quê gốc Thừa Thiên Huế, theo học tại Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, sau đó sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ ở Paris nǎm 1934, là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, là người sáng lập và Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống Lao Việt Nam, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành y tế tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1958, hy sinh trên chiến trường miền Nam vào tháng 11 năm 1968, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với 34 công trình khoa học về phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam và năm nguyên tắc của ngành y tế nhân dân, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở - y tế nông thôn.

Năm 2003 ở quận Ngũ Hành Sơn có đường Nguyễn Đình Chiểu để vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) quê gốc Thừa Thiên Huế nhưng sinh ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và qua đời ở Bến Tre, với tư cách một thầy thuốc. Điều đáng khâm phục là tác giả truyện thơ Lục Vân Tiên chỉ mới học làm thuốc sau khi bị mù hai mắt và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y tinh thông về y lý phương Đông và y lý Việt Nam, từng sáng tác cuốn sách Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca/Ngư Tiều vấn đáp y thuật dạy nghề làm thuốc chữa bệnh dưới hình thức truyện thơ Nôm gồm 3.642 câu thơ, đa phần là thơ lục bát. Tháng 11-2021, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 tại Paris, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.

 Năm 2004 ở quận Sơn Trà còn có đường Đỗ Xuân Hợp vinh danh giáo sư bác sĩ Đỗ Xuân Hợp (1906-1985) quê Hà Nội, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Dược năm 1929 và trở thành bác sĩ y khoa từ năm 1944, là giảng viên Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương từ năm 1932 đến năm 1945 rồi giảng viên Trường Đại học Y khoa Việt Bắc từ năm 1949 đến năm 1954, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1985, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với công trình Giải phẫu mô tả và Nhân trắc học người Việt Nam (1950-1971). Năm 2006, trên địa bàn quận Hải Châu có con đường mang tên Hoàng Tích Trí (1903-1958) quê Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ tại trường Đại học Paris vào năm 1935, sau đó học chuyên khoa về vi trùng học ở Viện Pasteur bên Pháp, Viện trưởng Viện Pasteur Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1946 đến khi qua đời năm 1958.

Năm 2007, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có đường Đặng Văn Ngữ vinh danh giáo sư bác sĩ-liệt sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967) quê Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937 tại Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương, là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Galliard - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y - Dược lúc đó, đến đầu tháng 4 năm 1967, Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên Huế, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành y tế vào tháng 5 năm 1967, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với công trình Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Penicilin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp (1958); và đường Hồ Đắc Di vinh danh giáo sư bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984) quê Thừa Thiên Huế, là người Việt đầu tiên được chính quyền Pháp ở Đông Dương cho làm bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Phủ Doãn-bệnh viện của Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với công trình Sinh học và bệnh học đại cương, Quan điểm đường lối, phương pháp luận đào tạo cán bộ y tế Việt Nam.

Đặc biệt năm 2009, trên địa bàn quận Hải Châu có con đường mang tên một nữ bác sĩ-liệt sĩ là Đặng Thùy Trâm (1942-1970) quê Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Y khoa Hà Nội chuyên khoa Mắt, vào chiến trường miền Nam từ năm 1967 và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi - một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh, và chính trong thời gian hơn hai năm này bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết Nhật ký Đặng Thùy Trâm với trang cuối chỉ cách hai ngày trước khi hy sinh trên đường đi công tác ở Quảng Ngãi vào năm 1970, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được báo chí nước ngoài bình luận như một Nhật ký Anne Frank của Việt Nam và được đạo diễn Đặng Nhật Minh (con trai của giáo sư bác sĩ-liệt sĩ Đặng Văn Ngữ) chuyển thể thành phim Đừng đốt vào năm 2009.

Năm 2010 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một đường phố mang tên Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) quê Hà Tĩnh, tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa và bác sĩ các bệnh nhiệt đới tại Đại học Y khoa Paris vào năm 1941, từ năm 1984 sáng lập và làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý, xuất bản tờ Thông tin khoa học tâm lý, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh. Năm 2012 cũng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có hai đường phố mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Vũ Văn Cẩn (1914-1982) quê Hưng Yên - tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Đông Dương năm 1943 với luận văn Góp phần nghiên cứu mổ quặm mi sẹo do mắt hột, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1971 đến năm 1982 - và mang tên Anh hùng lao động, Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998) quê An Giang, tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Paris năm 1932, Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1969 đến năm 1971, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với các công trình Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc, Phương pháp dưỡng sinh.

Năm 2014 trên địa bàn quận Sơn Trà có một đường phố mang tên Anh hùng lao động, Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước (1913-1983) quê Hà Nội, tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Đại học Y khoa Paris năm 1937 với luận án Phương pháp tạo hình tai tự thân, áp dụng sau khi nạo vét xương chum, là một trong bốn trí thức đi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước sau Hội nghị Fontainbleau năm 1946, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với các công trình Chẩn đoán phát hiện điều trị ung thư vòm họng (1955-1965) và Phương pháp mổ mới ung thư thanh quản hạ họng (1960-1977). Năm 2016, trên địa bàn quận Sơn Trà có một đường phố mang tên Bác sĩ Trần Đình Nam (1896-1974) quê Nghệ An nhưng sinh sống nhiều năm ở Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương - Hà Nội, làm việc ở các bệnh viện tại Phan Thiết và Huế, tác giả cuốn sách Trí khôn (Tâm lý học nhập môn) - ấn phẩm đầu tiên của Quan Hải tùng thư xuất bản ở Huế vào năm 1928 (cha của Trần Đình Nam là Trần Đình Phong được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2003).

năm 2017, trên địa bàn quận Sơn Trà có một đường phố mang tên Giáo sư Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ (1910-1972) quê Nam Định, tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện Paris năm 1937 với luận văn La syphilis de l'ovaire/ Bệnh giang mai buồng trứng được Nhà xuất bản Amédée le Grand in bằng tiếng Pháp và phát hành ở Paris, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học Y Dược năm 1996 với các công trình hai cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu và 32 công trình nghiên cứu khác.

Bước sang thập niên 2020, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh các thầy thuốc qua việc đặt tên đường phố. Năm 2022, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một đường phố mang tên Anh hùng Lao động, Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Từ Giấy (1921-2009), được Tạp chí Những vấn đề dinh dưỡng lâm sàng châu Á-Thái Bình Dương bình chọn vào năm 1993 là người đầu tiên để trao giải thưởng Nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á do có nhiều đóng góp lớn vào sự phát triển khoa học dinh dưỡng, được Ủy ban Dinh dưỡng Liên hợp quốc trao giải thưởng Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng vào năm 2008 và tại Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng lần thứ XIX tổ chức vào tháng 10 năm 2009 tại Thái Lan, Giáo sư Từ Giấy được vinh danh là một trong hai mươi Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới.

Năm 2022 quận Ngũ Hành Sơn còn có một đường phố mang tên Dược sĩ Trương Xuân Nam (1913-1989) quê Quảng Nam, tốt nghiệp dược sĩ hạng nhất tại Paris năm 1939 và về nước mở hiệu thuốc ở Quy Nhơn, đến năm 1946 được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Dược Bệnh viện Thuận Hóa (Huế), năm 1947 là Giám đốc Viện Bào chế Liên khu IV, năm 1951 được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương thuộc Bộ Y tế đóng tại Thanh Hóa sau đó dời lên Chiến khu Việt Bắc và trong thời gian từ 1952 đến 1954, Trương Xuân Nam còn tham gia đào tạo khóa Trung học Dược sĩ đầu tiên ở Việt Nam, năm 1957 được bổ nhiệm làm Giám đốc Tổng Công ty Dược phẩm Trung ương thuộc Bộ Nội thương rồi Chủ nhiệm bộ môn Dược chính và bảo quản của Trường Đại học Dược khoa Hà Nội và là người đầu tiên viết lịch sử ngành Dược Việt Nam qua cuốn sách Góp phần xây dựng lịch sử ngành Dược Việt Nam do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 1985; và một đường phố mang tên Tiến sĩ Bác sĩ Đặng Hồi Xuân (1929-1988) quê Nam Định, bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa tại Tiệp Khắc, Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1982 đến khi qua đời trong tai nạn máy bay trên đường đi dự phiên họp Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tại Thái Lan vào năm 1988./.

B.V.T