Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh trong tâm thức người Cơ Tu

15.10.2024
Hồ Xuân Tịnh
Văn hóa Sa Huỳnh phân bố rộng khắp miền Trung Việt Nam và chủ nhân là những tộc người sống trên mảnh đất này. Với nền văn hóa Cơ Tu, từ tri thức dân gian, nghề truyền thống, đều ít nhiều có dấu ấn của văn hóa Sa Huỳnh.

Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh trong tâm thức người Cơ Tu

Trang phục Cơ Tu

Ngoài các đặc điểm chung, mỗi vùng có những nét văn hóa riêng tùy thuộc địa bàn cư trú, điều kiện tự nhiên, tập quán… Hậu duệ của cư dân cổ Sa Huỳnh tiếp tục kế thừa và phát huy nền văn hóa này ở các mức độ khác nhau, có nơi đậm nét, có nơi mờ nhạt, song trong tâm thức, những giá trị văn hóa từ ngàn xưa của tiền nhân vẫn ở đó.

Dấu tích ngàn xưa

Ở miền Trung Việt Nam, vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt, cách nay từ 2.000 đến 2.500 năm đã xuất hiện nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Các di tích Sa Huỳnh phân bố trong không gian rộng, từ hải đảo, vùng đồng bằng ven biển lên vùng đồi gò ven sông đến trung du và thung lũng miền núi.

Qua những đợt khai quật tại các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam và Đà Nẵng, các nhà khảo cổ đã thu thập được hàng ngàn hiện vật gốm.

Đồ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh gồm có các loại nồi, vò, bát bồng… được tạo dáng khá đẹp, trang trí các loại hoa văn khác nhau. Trong số này, nhiều nhất là các dải hoa văn tam giác liên hoàn. Loại hoa văn này xuất hiện phổ biến trên đồ dệt thổ cẩm của người Cơ Tu và trên các cột X’nur (cột buộc trâu để tế lễ), trên cột cái trong gươl và hình trang trí trên nhà mồ.

Cùng với đó, các loại hình trang sức trong di tích mộ táng Sa Huỳnh gồm khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi cườm tấm đá và thủy tinh, đặc biệt là các hạt chuỗi hồng mã não với nhiều hình dạng, tròn, hình thoi, đốt trúc…

Ngày nay, các loại hạt hồng mã não, cườm tấm đủ màu cũng xuất hiện rất phổ biến trên các chuỗi trang sức của người Cơ Tu. Đã từ lâu, người Cơ Tu xem hồng mã não là loại tài sản quý giá, có thời điểm chỉ khoảng 10 hạt mã não lớn có thể đổi được một con trâu.

Người Cơ Tu cũng vẽ hoặc khắc mô típ hoa văn hình thoi dạng hạt mã não trên thân cột X’nur, trên vải thổ cẩm. Như vậy có thể thấy rằng loại hạt chuỗi mã não Sa Huỳnh gắn liền với tư duy thẩm mỹ và đã ăn sâu vào tâm thức của người Cơ Tu.

Từ khuyên tai hai đầu thú đến quan tài hai đầu trâu

Gắn bó trong đời sống tâm linh nên hình tượng con trâu đã đi vào nghệ thuật Cơ Tu rất sinh động. Trong điêu khắc Cơ Tu, đầu tiên phải kể đến những quan tài hai đầu trâu.

Đây là loại hình quan tài rất đặc biệt được làm từ 2 phần thân cây khoét rỗng; bên ngoài phần nắp tạo hình thân trâu, 2 đầu trâu nằm đối xứng ở hai đầu nắp quan tài; phần đầu trâu được thể hiện rất chân thực với đôi sừng cong vút.

Đầu trâu còn được thể hiện trên nhà mồ, có nơi người ta chạm trổ 2 đầu trâu đối xứng ngay trên hai đầu bờ nóc, cũng có nơi hai đầu trâu được thể hiện ở trên hai thanh gỗ chận 2 đầu mái nhà mồ.

Hình tượng hai đầu trâu đối xứng trên quan tài của người Cơ Tu khiến chúng tôi liên tưởng đến những chiếc khuyên tai hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh. Đó là loại khuyên tai bằng đá, chạm trổ hai chiếc đầu thú đối xứng với cặp sừng cong vút về phía trước; một số người cho rằng hai đầu thú được thể hiện trên loại khuyên tai này là con dê hoặc sao la.

Tuy nhiên loài dê và sao la không mấy gắn bó trong đời sống tinh thần của cư dân cổ vùng Đông Nam Á. Do đó, chúng tôi cho rằng hình tượng hai đầu thú trên loại khuyên tai chính là hai đầu trâu. Và có lẽ hình tượng hai đầu trâu trên quan tài người Cơ Tu là một sự “bảo lưu văn hóa” hay “trở lại truyền thống” bắt nguồn từ nền văn hóa Sa Huỳnh của thời xa xưa.

Nối dòng gốm cổ

Người Cơ Tu ở làng Cơ Noonh (xã A Xan, huyện Tây Giang) là một trong số rất ít trong những người thiểu số vùng Trường Sơn – Tây Nguyên biết làm đồ gốm.


Khuyên tai 2 đầu thú và quan tài 2 đầu trâu

Khác với người Kinh, người Cơ Tu ở Cơ Noonh không dùng bàn xoay để tạo dáng gốm. Họ chế tác đồ gốm theo cách mà những người cổ Sa Huỳnh đã làm cách nay hàng ngàn năm.

Khối đất được tạo thành hình trụ, sau đó đặt lên trên mảnh lá chuối tươi để chống dính. Người thợ gốm cúi khom mình và di chuyển xung quanh khối đất để tạo dáng sản phẩm.

Họ dùng một thanh tre mỏng để sửa lại độ dày thành gốm cho đều; sau đó dùng vỏ bắp chuối khô dấp nước miết bóng phần miệng sản phẩm. Vậy nên trên phôi gốm có những vết xước nhỏ theo chiều xoay tròn giống như sản phẩm được làm bằng bàn xoay.

So sánh dấu vết chế tác trên gốm Sa Huỳnh và gốm Cơ Tu, chúng tôi nhận thấy kỹ thuật chế tác tương tự nhau, độ nung cả 2 loại gốm cũng không cao do gốm được nung ngoài trời.

Đặc biệt người dân ở đây còn sản xuất loại kiềng gồm 3 chân rời nhau để làm bếp đun. Cấu tạo của loại kiềng này khá độc đáo: phần dưới hình ống, rỗng ở bên trong, được thu nhỏ dần và cong về phía trên, phần cong ở trên đặc và rắn chắc.

Khi nhìn thấy chân kiềng Cơ Tu, chúng tôi liên tưởng đến hai loại hiện vật độc đáo phổ biến trong các di chỉ thuộc thời đại đồng thau và sắt sớm, cùng thời với văn hóa Sa Huỳnh ở nước ta, đó là “chân giò gốm” và “gốm sừng bò”, hai loại hiện vật này đều chưa được xác định rõ công dụng.

Cấu tạo của chân kiềng Cơ Tu là sự kết hợp của cả hai loại hiện vật trên: phần ống rỗng phía dưới giống các loại “chân giò gốm”, phần trên của nó giống phần trên của “gốm sừng bò”. Chân kiềng Cơ Tu là một chứng cứ dân tộc học cho thấy “gốm sừng bò” và những “chân giò gốm” trong các di chỉ khảo cổ học đều là những chân kiềng bếp.

 (QNO)