HÃY HÀNH ĐỘNG, KHÔNG CHẦN CHỪ NỮA! - Lê Anh

08.12.2021
Lê Anh
“Một miền sử ca của quê hương Bình Dương qua “Vườn Mẹ” sẽ trở thành hiện thực sống động, thành địa chỉ đỏ để vinh danh thành quả cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, từ đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thế hệ con cháu Bình Dương  đoàn kết, quyết tâm cùng nhau gìn giữ trang sử hào hùng, thiêng liêng của quê hương”.

HÃY HÀNH ĐỘNG, KHÔNG CHẦN CHỪ NỮA! - Lê Anh

Quê nhà ta xưa, tranh Lê Anh Thanh

        Xã Bình Dương nằm về phía đông bắc huyện Thăng Bình, bắc giáp xã Duy Nghĩa và Duy Hải (huyện Duy Xuyên), nam giáp xã Bình Minh và Bình Đào, một phần giáp biển Đông, tây giáp sông Trường Giang.

Theo lời của đồng chí Phan Thanh Vân, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Bình Dương, sau ngày hòa bình lập lại, với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, nhân dân Bình Dương đã ra sức tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ vùng cát cháy, bà con mở rộng diện tích phủ xanh đất trống, đồi trọc; tích cực khai hoang, phục hóa hàng trăm hécta ruộng đất; làm kênh mương thủy lợi; chủ động đầu tư tàu, thuyền, ngư cụ, vững tin bám biển khai thác thủy sản. Trước đây, Bình Dương được coi là vùng quê biển nghèo nàn, lạc hậu, nay đã trở thành trù phú. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

 Là một xã có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, trên địa bàn xã hiện có 11 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, ghi dấu về một thời đấu tranh oanh liệt, như: khu Căn cứ lõm Bầu Bính Thượng, cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu, di tích lịch sử Hàng Cừ - Cây Mộc… Bình Dương trở thành một địa danh được ghi vào những trang sử vàng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Tuy không phải là người con được sinh ra và lớn lên trong những tháng ngày đấu tranh gian khổ, hào hùng, kiên trung, bất khuất với những chiến công oanh liệt xứng đáng với tên gọi vùng đất thép, đất thánh Bình Dương, song trong những dịp đi công tác thời còn đương nhiệm, tôi đã may mắn được đến các điểm tham quan, tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và con người nơi đây; được bồi hồi chạm tay vào cột mốc Trường Sa, xúc động ghi nhớ những thông tin về chủ quyền: Đảo Trường Sa-Vĩ độ: 08̊̊ 55’33’’N-Kinh độ: 1121 55’55E. Đặc biệt, gần đây, sau khi tình cờ đọc cuốn Còn lại với thời gian và bài viết “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn nguyên là Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tỉnh Quảng Nam; Đại biểu Quốc hội khoá XI; nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đăng trên báo Thời nay - ấn phẩm của báo Nhân Dân vào ngày 27.7.2021 giới thiệu dự án mang tên “Vườn Mẹ”, tôi đã vô cùng xúc động và thấu hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết những trăn trở đau đáu của cậu bé tên Nhạn trong Nhật ký Chu Cẩm Phong. Lạc Câu là làng có từ thời cha ông mở cõi. Thời kháng chiến chống Pháp, Lạc Câu thuộc vùng tự do. Để chống lại chiến thuyền Pháp, nhân dân Bình Dương đã lập hàng cừ trên sông vùng Cây Mộc. Thời chống Mỹ, Bình Dương trở thành ngọn cờ đầu trong chiến đấu và trụ bám của vùng Đông Thăng Bình của Quảng Nam. Nhắc tới cái tên Bình Dương, kẻ thù hoang mang, khiếp sợ… Bình Dương đã phải chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để có vinh dự ấy. Sự hy sinh mất mát, tang thương không thể kể xiết. Tái hiện lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng ấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ đang sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Làm sao không vinh dự khi được là những người con của mảnh đất 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng (danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân lần thứ nhất vào năm 1969, sau những chiến công oanh liệt với nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng Bình Dương, giải phóng vùng đông Thăng Bình, tạo thành hành lang liên hoàn, vững chắc, một hậu phương lớn trên chiến trường đánh Mỹ; danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ 2 vào năm 1972 với những chiến thắng lẫy lừng, đưa căn cứ lõm Bàu Bính trở thành biểu tượng thần kỳ về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân Bình Dương; danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985 trong phát triển kinh tế - xã hội). Làm sao không khỏi tự hào khi được sinh ra và lớn trên mảnh đất được ví như vọng gác tiền tiêu ở phía đông huyện Thăng Bình và là bàn đạp để cán bộ và lực lượng vũ trang vào công tác ở vùng địch tạm chiếm trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là căn cứ địa có vị trí chiến lược quan trọng của vùng đông Thăng Bình nam Hội An trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ Chiến tranh đặc biệt đến Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh. Nơi đây cũng được chọn là nơi khởi nghĩa giải phóng đầu tiên của 7 xã vùng đông huyện Thăng Bình (5.9.1964). Cũng chính trong những cuộc kháng chiến sống còn với tất cả tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí kiên cường không gì lay chuyển nổi của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương để bảo vệ mảnh đất thân yêu. Trong những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân Bình Dương đã xung phong gương mẫu góp của cải công sức, mấy ngàn thanh niên nam nữ tòng quân để bổ sung lực lượng cho huyện, tỉnh và Quân khu V. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có hơn 4.700 người dân đã địch giết hại, 1.347 liệt sỹ, 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, hơn 300 thương binh, bệnh binh, hàng trăm người bị địch bắt tù đày. Những vụ thảm sát man rợ làm nhiều gia đình không còn ai sống sót. Mười năm kháng chiến, một xã có 16 đồng chí Bí thư Đảng bộ thì 12 đồng chí hy sinh, 16 đồng chí Xã Đội trưởng thì 13 đồng chí hy sinh.

Không những thế, Bình Dương còn là vùng đất sinh thành, nuôi dưỡng và trong khói lửa đạn bom của hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã tôi luyện cho Đảng, cho tổ chức không biết bao nhiêu người con ưu tú tô thắm thêm trang sử vàng của quê hương. Có nơi nào trong một xã có 3 người làm Chủ tịch 6 người làm Bí thư Huyện uỷ qua các thời kỳ như trên mảnh đất Thăng Bình? Và cũng không nơi nào vừa có nguồn cán bộ dồi dào trong thời chiến cũng như trong thời bình, nhiều người con của Thăng Bình hôm nay đã trở thành những nhà doanh nhân thành đạt, những sĩ quan cao cấp, những cán bộ của Đảng và Nhà nước ở cấp huyện và tỉnh, trung ương.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…, Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các Bà Mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại. Trong dự án “Vườn Mẹ”, Phan Đức Nhạn cũng đã nhắc đến rất nhiều những mẹ, những chị, em đã một đời phấn đấu hy sinh cho cách mạng; đó là hình ảnh của Xã Đội trưởng Trần Thị Kim Cúc và chị Phan Thị Nga - hai nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang; đó là các chị, em qua lời của anh Mai Văn Năm - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi chuẩn bị thông tin cho quyển sách Căn cứ lõm Bình Dương: Chị Nguyễn Thị Nhờ, một cán bộ trong phong trào cơ sở đã phấn đấu trưởng thành, giữ chức Trưởng Ban Đấu tranh Chính trị tỉnh rồi anh dũng hy sinh.

Chuyện kể thời khắc cuộc chiến tranh đặc biệt, quốc dân đảng lùng sục truy tìm cán bộ đảng viên, bà Xã Nghị một mình đã nhanh trí cứu chồng và bao nhiêu người khác thoát nanh vuốt kẻ thù. Cô Phan Thị Truy, người gìn giữ bảo toàn đường dây liên lạc của tổ chức đảng ở thời kỳ ác liệt khó khăn sau Hiệp định Genève rồi trở thành Hội Trưởng Phụ nữ tỉnh. Cô Trịnh Thị Huyền, Huyện ủy viên, người con Bình Dương được phân công về lãnh đạo chiến đấu bảo vệ quê hương trong những ngày Bình Dương gian nan ác liệt nhất 1972. Ngô Thị Thanh Hương, người con vùng cát đẹp nết đẹp người phấn đấu trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy để kế tục sự nghiệp vinh quang của người cha - Bí thư Huyện ủy Ngô Thanh Dũng…

Chính trong trang sử đấu tranh chói lọi ấy, không thể không nhắc đến công lao nuôi nấng, đùm bọc, chở che cho cán bộ, chiến sĩ ta trên những chặng đường kháng chiến cứu quốc; không thể không nhắc đến những nỗi đau không thể diễn tả bằng lời sự hy sinh to lớn, thiêng liêng của những người Mẹ ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im. Chỉ có ai từng làm mẹ mới hiểu sự hy sinh ấy to lớn đến nhường nào. Đó cũng là sự thôi thúc mạnh mẽ để Phan Đức Nhạn nung nấu, khát khao, rồi nảy sinh dự án “Vườn Mẹ” để từ hồi ức, biểu tượng lịch sử trở thành hiện thực sống động, cao đẹp trên mảnh đất Bình Dương anh hùng. Trong bài viết của Phan Đức Nhạn như có cả tiếng lòng, âm thanh đồng vọng của Mẹ: Các con ơi! Mẹ già rồi, chẳng còn bao hơi nữa, sự nghiệp này trao lại để lớp con cháu phấn đấu giữ vững ngọn cờ. Các con hãy vững tin, truyền thống quê hương, gia đình không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính chúng ta, đang ẩn vào trong xóm làng rừng cây, dòng sông, nổng cát…, Bình Dương đã có nghĩa trang liệt sỹ khang trang, đẹp vào loại nhất nhì Quảng Nam. Song trên và trong lòng cát kia, bao nhiêu mẹ, chị vẫn còn hòa trong cát? Khó nhưng vẫn phải làm, bởi ai biết mai sau nữa Bình Dương sẽ mất đi những gì.... Và cả sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc của anh với tiếng lòng của 1.347 liệt sỹ, những người con trung hiếu của Bình Dương đã ngã xuống cho từng tấc đất, người dân quê hương. Chúng ta nghĩ rằng, các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang khi Tổ quốc cần mà chưa và không bao giờ đòi hỏi ở Tổ quốc sự đền đáp vinh danh. Nếu có nghĩ thì những người con ấy khi còn sống luôn nghĩ về người mẹ của mình nhiều nhất, họ cũng mong những người mẹ được chăm chút và phụng dưỡng tốt hơn!; Từ cảm thức ấy, chúng ta sẽ không khỏi nặng lòng suy nghĩ về 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bình Dương, mà nhiều Mẹ khác tới nay vẫn còn nằm rải rác ở nhiều nơi rừng cát, bờ tre, ruộng lúa, thậm chí có những trường hợp gia đình không còn ai để chăm lo mồ mả và hương khói. Nên, những chùm nhang không mọc trên những ngôi mộ cũng từ nguyên do ấy.

Không ai trong chúng ta được phép lãng quên quá khứ, để ghi nhớ công ơn của những người đã vì quê hương ngã xuống cho hòa bình hôm nay, chúng ta những thế hệ cháu con tiếp bước không những chỉ ra sức thi đua cống hiến sức lực và trí tuệ để phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương xứ sở, để trên mảnh đất của một thời đạn bom, máu lửa vẻ vang này những bãi cát trắng mênh mông, những vùng đất khô cằn sẽ thành những rừng phi lao trùng điệp, những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn tược sum suê cây trái; những nhà máy, trường học, bệnh viện, trạm xá khang trang, hiện đại, đủ chuẩn… san sát mọc lên; các chương trình an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân được chú trọng ưu tiên, các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đời sống nông thôn mới được lan tỏa rộng rãi -  mà chúng ta còn phải đoàn kết, hợp lực hành động và hành động để giấc mơ “Vườn Mẹ” một trang sử tự hào, vẻ vang, hào hùng vừa bi tráng của mảnh đất Bình Dương quê hương được tái hiện một cách chân thực và sinh động nhất.

       Tôi tin rằng, với ý tưởng đã được chắt lọc từ biết bao tâm huyết, nghĩ suy của Phan Đức Nhạn phác thảo nên trong “Vườn Mẹ”: Chọn khu vực đồi cát - một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh để làm đài tưởng niệm và khuôn viên an vị mồ mả cho 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Một bia ghi danh 1.347 liệt sỹ. Tái tạo công sự hầm ngầm trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, lập chốt tiền tiêu. “Vườn Mẹ” là không gian sinh tồn có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ cây cao bóng mát, có bến nước đường làng nhà văn hóa... để các con vui sống với nhau. “Vườn Mẹ” có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ nghìn xưa. “Vườn Mẹ” được quy hoạch giữ yên người dân sống trong vùng dự án để họ cùng tham gia, chỉnh trang cho làng quê có duyên, có hồn. Tôi mời hội đồng cố vấn, hội đồng tư vấn để tham gia đóng góp ý tưởng và cách làm Vườn Mẹ. Tôi mang hồ sơ ý tưởng “Vườn Mẹ” trình bày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch đón nhận rất vui, đồng tình chia sẻ, động viên khuyến khích rồi hẹn tôi tới Phủ Chủ tịch để nhận Thư Chủ tịch nước gửi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh về dự án Vườn Mẹ - Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam trong một ngày không xa nữa sẽ được người con của vùng đất anh hùng xây nên chiếc cầu bắc nhịp nối liền giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Một miền sử ca của quê hương Bình Dương qua “Vườn Mẹ” sẽ trở thành hiện thực sống động, thành địa chỉ đỏ để vinh danh thành quả cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, từ đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thế hệ con cháu Bình Dương  đoàn kết, quyết tâm cùng nhau gìn giữ trang sử hào hùng, thiêng liêng của quê hương.

​Vậy, bạn của tôi ơi, khi bạn thấy điều gì cần phải làm thì làm ngày đi, hãy hành động ngay đi, không chần chừ gì nữa!...

 

Đà Nẵng, tháng 9.2021

Lê Anh

(Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng)