ĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung Sáng

29.12.2016

Tại lễ trao giải lần thứ 23 khu vực châu Á và châu Đại Dương của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards (gọi tắt là WTA) diễn ra vào tối 15-10-2016 ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, thành phố Đà Nẵng vinh dự đã được nhận giải thưởng “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” (Asia's Leading Festival and Event Destination). Đây là giải thưởng danh giá của ban tổ chức WTA nhằm vinh danh những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất trong các lĩnh vực lữ hành, có tầm ảnh hưởng như giải Oscar của ngành Công nghiệp du lịch. Đà Nẵng đã vượt qua 8 điểm đến hàng đầu của châu Á như Băng Cốc, Bắc Kinh, Hongkong, Kualalumpur, Macau, Seoul, Thượng Hải và Singapore để giành được giải thưởng danh giá này.

ĐÀ NẴNG - Điểm sáng trên bản đồ du lịch Đông Nam Á - Trần Trung Sáng

Như vậy, sau 20 năm xây dựng và phát triển kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2017), Đà Nẵng không chỉ tiếp tục khẳng định uy tín và đẳng cấp của thành phố mà còn ghi danh Đà Nẵng, Việt Nam vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu. Đây cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy, quảng bá hơn nữa hình ảnh du lịch Đà Nẵng đến với các nước trên thế giới, tạo ấn tượng về cảnh quan, con người Đà Nẵng, xứng đáng với vị thế một thành phố năng động của du lịch và sự kiện quốc tế.

Xây dựng thương hiệu thành phố sự kiện mang tầm quốc tế

Phát biểu tại buổi họp báo công bố kế hoạch hành động hưởng ứng danh hiệu “Đà Nẵng - Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á”, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, thành quả của ngành Du lịch hôm nay kết tinh từ quá trình chuẩn bị hết sức bền bỉ. Ngay từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo và nhân dân thành phố đã cùng nhau nỗ lực để xây dựng và phát triển kinh tế, chọn du lịch làm ngành mũi nhọn và tập trung phát triển hạ tầng, xây dựng một điểm đến thân thiện. Có được thương hiệu đã khó, làm sao để giữ và phát huy được thương hiệu cũng không phải là chuyện đơn giản, cần sự nỗ lực mang tính đồng bộ của chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tham vọng, khát vọng của chúng ta không chỉ ở tầm khu vực mà phải xây dựng một thương hiệu đẳng cấp đạt đến tầm thế giới.

Đánh giá lại chặng đường đã qua, theo báo cáo của ngành du lịch, trong giai đoạn từ 1997 - 2008, ngành Du lịch Đà Nẵng có những bước phát triển nhanh chóng; nhất là từ sau năm 2003, ngành du lịch được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2008, thành phố có 138 khách sạn với 4.239 phòng. Trong giai đoạn này, thành phố đã đầu tư xây dựng hạ tầng tại bán đảo Sơn Trà và Công viên biển Phạm Văn Đồng (nay là Công viên Biển Đông), xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T18. Thị trường khách du lịch quốc tế nổi bật với lượng khách du lịch đường bộ Thái Lan đến Đà Nẵng đạt từ 20.000-30.000 khách/năm.

Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2008 đến nay, du lịch Đà Nẵng đã phát triển thực sự khởi sắc và ấn tượng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục được phát triển với việc hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp 5 sao ven biển và các khách sạn cao cấp 3-5 sao trong thành phố và các khách sạn tiêu chuẩn 1-2 sao, đáp ứng nhu cầu từ khách du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đến khách công vụ, khách du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE), khách vãng lai. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng: InterContinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman... Năm 2014, ngoài những thị trường tiềm năng quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga, ngành du lịch thành phố còn tìm kiếm những thị trường mới như Nhật Bản, Thái Lan và thị trường Bắc Âu để đạt được mục tiêu đón hơn 800.000 khách quốc tế trong năm nay và 1 triệu khách trong năm 2015. Việc quảng bá hình ảnh du lịch thành phố trên thị trường quốc tế giúp cho việc khai thác được nhiều nguồn khách tiềm năng hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành phố tiếp thu kinh nghiệm làm du lịch chuyên nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong 5 năm gần đây (2011-2015), cơ sở hạ tầng thành phố có sự phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của cơ sở vật chất ngành Du lịch đã làm Đà Nẵng trở thành một thành phố năng động, hấp dẫn đối với khách du lịch. Hàng loạt công trình lớn về du lịch được hoàn thành, đưa vào hoạt động như Cáp treo Bà Nà, khu giải trí Fantasy Park, Vòng quay Mặt trời (Sun Wheel), Công viên Châu Á, Khu giải trí Helio Center... Đà Nẵng liên tiếp được nhiều tổ chức du lịch quốc tế có uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Nhiều sản phẩm của thành phố đã đoạt những giải thưởng lớn như Khu nghỉ dưỡng 5 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort vừa đoạt giải Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất châu Á 2014 do World Travel Awards trao thưởng. Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn Đà Nẵng là top 10 điểm đến hấp dẫn của châu Á năm 2014. Đà Nẵng đứng đầu danh sách top 10 điểm đến mới nổi trên thế giới năm 2015 theo kết quả bình chọn trên trang thông tin điện tử du lịch uy tín TripAdvisor.

Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp và bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Du lịch nghỉ dưỡng biển được phát triển theo hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ vui chơi thể thao biển như canô, dù kéo, jetski, kayak, lặn biển... kết hợp với hàng loạt các khu nghỉ mát, biệt thự cao cấp dọc tuyến biển cung cấp những dịch vụ ngày càng hoàn thiện cho du khách. Khu du lịch Bà Nà trong những năm qua đã được đầu tư phát triển mạnh phục vụ du lịch như hệ thống cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới và các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Bà Nà; các tour tuyến, điểm tham quan, khám phá Sơn Trà được khai thác. Du lịch công vụ, hội nghị hội thảo (MICE) được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn với các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế. Các dịch vụ trọn gói kết hợp cùng các điểm du lịch nghỉ dưỡng đang dần khẳng định uy tín và thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, với sự đầu tư nhanh về hạ tầng cùng với việc tạo môi trường thông thoáng, trong tương lai Đà Nẵng sẽ là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư “rót tiền” vào đây vì họ nhận thấy được sự an toàn về đồng vốn cùng với khả năng sinh lời cao và mức sống thoải mái hơn so với các thành phố lớn ở Việt Nam. Những năm gần đây, một số cuộc gặp gỡ giữa các bộ trưởng du lịch ASEAN, các cuộc họp APEC, các sự kiện lớn... thường được tổ chức tại Đà Nẵng. Đặc biệt, cuối năm 2013, dàn chuyên cơ của các vị khách VIP bao gồm những chính khách nổi tiếng như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell và hàng chục

tỷ phú đến từ Arab, Hong Kong, Singapore... tụ họp tại Đà Nẵng càng chứng tỏ sức lôi cuốn mãnh liệt về du lịch MICE của thành phố ven sông Hàn.

Ông Amir Ahmad Mohamad, Tổng quản lý Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Plaza Đà Nẵng nói: “Với thị trường khách MICE, Đà Nẵng đã dần tạo được thương hiệu về một thành phố sự kiện mang tầm quốc tế, về một trung tâm tổ chức hội nghị cao cấp đủ sức phục vụ các vị khách nhà giàu. Việc “ghi điểm” trong mắt các chính khách hàng đầu thế giới này đã giúp Đà Nẵng dần trở thành địa điểm du lịch MICE nổi tiếng ở châu Á. Từ đây, du lịch Đà Nẵng có thể tự tin hội nhập thế giới, không chỉ là ở những thị trường quen thuộc như châu Á mà tìm kiếm thị trường mới ở châu Âu, châu Mỹ. Cùng với việc tổ chức thành công những sự kiện tầm cỡ như cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, điểm hẹn mùa hè, cuộc thi Marathon quốc tế... càng đưa con thuyền du lịch Đà Nẵng vươn mình ra biển lớn”.

 

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, việc được chọn là thành phố đăng cai trao giải thưởng World Travel Awards 2016 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương cũng như được vinh danh là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” vào ngày 15-10 vừa qua không chỉ tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu mà còn ghi danh Đà Nẵng, Việt Nam vào danh mục các điểm đến hiện đại, an toàn với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế trên bản đồ du lịch toàn cầu. Để phát huy danh hiệu đã được bình chọn, thành phố và ngành du lịch sẽ triển khai các hoạt động truyền thông chính, khai thác thông điệp: “Đà Nẵng - Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” - “Da Nang - Asia's Leading Festival and Event Destination”.

Chào đón Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tuy nhiên, bên cạnh những phát triển đột phá nói trên, du lịch Đà Nẵng cũng đang gặp phải những bất cập không nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê thì phần đóng góp của dịch vụ giải trí vào GDP còn thấp, giá trị sản xuất của ngành còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tỷ lệ lao động tham gia vào hoạt động giải trí mới chỉ đạt 13-14%, các địa điểm vui chơi, giải trí, nhất là về đêm chưa nhiều hoặc chưa đủ tầm để phục vụ du khách...

Trao đổi xung quanh vấn đề này, tại một cuộc hội thảo gần đây, TS Tsu Hong Yen, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và Khách sạn, Đại học San Jose (Hoa Kỳ) nêu kinh nghiệm phát triển du lịch từ Las Vegas, trung tâm giải trí, du lịch nổi tiếng thế giới tại Mỹ để minh chứng rằng: “Giải trí là một dịch vụ quan trọng dành cho khách du lịch. Nó cung cấp các giải pháp cho vấn đề “làm gì” tại một điểm đến, đặc biệt vào thời gian buổi tối. Vì vậy, Đà Nẵng cần xác định tầm nhìn của mình đối với sự phát triển của ngành du lịch. Đầu tư xây dựng các loại hình giải trí đáp ứng được sự kỳ vọng của du khách cũng như cần có những buổi trình diễn riêng của mình dựa trên nền tảng văn hóa địa phương”.

Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia dự án du lịch nâng cao năng lực có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội đưa ra quan điểm “Đà Nẵng phải thực sự coi trọng giá trị của 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, cần có mô hình hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và bền vững giữa 3 tỉnh. Đồng thời chủ động vươn lên đóng vai trò “đầu tàu” của vùng gắn với đầu tư mở rộng sân bay, cảng biển quốc tế, liên kết mở thêm các tuyến bay thẳng từ các thị trường nguồn gửi khách, các tuyến bay charter... nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, tăng cường kích cầu nhưng không khuyến khích hạ giá. Tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch biển đảo gắn với các hoạt động nhằm cải thiện môi trường biển và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, hội nhập quốc tế”.

TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng - cho rằng, tiềm năng du lịch thành phố Đà Nẵng gắn với vùng Duyên hải miền Trung vì vậy cần nâng cao tính liên kết vùng hợp lý, xây dựng một tầm nhìn chiến lược hợp lý và một hệ quan điểm phát triển thống nhất. Triển khai các dự án mang tính liên tỉnh, thành phố, tạo sự đồng bộ trên suốt tuyến du lịch... vùng duyên hải miền Trung.

Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Chương trình Phát triển du lịch 2016-2020, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch nêu rõ: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân

phối khách khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tiếp tục thu hút và mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó ưu tiên các đường bay từ châu Âu và các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.  Nâng cấp và hoàn thiện các dịch vụ để Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tàu biển và du thuyền quốc tế. Phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung trong việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; liên kết, phối hợp trong công tác xúc tiến, quảng bá và tìm kiếm thị trường khách du lịch”.

Ngày 4-11-2016, theo Thông báo số 363/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 28-9-2016 có đoạn nhấn mạnh:

“Năm 2017, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là cơ hội để thành phố quảng bá du lịch, phát triển thương mại, thu hút đầu tư..., nâng cao vị thế của thành phố và cả nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, thành phố cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và khai thác thật tốt cơ hội của sự kiện lớn mang lại. Thủ tướng Chính phủ cũng cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị của Đà Nẵng như: ban hành Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng; đồng ý về chủ trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ thành phố kết nối với các tập đoàn đa quốc gia đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng; xây dựng phương án về tỷ lệ điều tiết phù hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2017-2020.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc thực hiện các dự án: Xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây 2; Trung tâm Ươm tạo Công nghệ cao Đà Nẵng; mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y dược cho các tỉnh vùng Nam Trung Bộ; đầu tư Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP có sử dụng nguồn vốn ODA; đồng ý triển khai Dự án di dời ga đường sắt theo hình thức PPP...

Về thực hiện cơ chế liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Thủ tướng chỉ đạo thành phố phối hợp với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy định về tổ chức, điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; lãnh đạo Chính phủ sẽ làm việc với Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để chỉ đạo tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm hiệu quả”.

T.T.S