Cố nhân

27.09.2021
Đức Hậu
Hải quyết định lên đường. Đi lặng lẽ, không báo cho người thân, bạn bè. Nhiều việc lớn trong đời anh cũng từng quyết định nhanh như thế. Mua nhà, chuyển công tác, từ bỏ chức vụ. Những quyết định bất ngờ ấy, cho đến bây giờ ngẫm lại, anh không hề ân hận, nuối tiếc, thậm chí là rất hài lòng. Dường như mỗi lần quyết định một việc hệ trọng, anh chỉ dựa vào trực giác.

Cố nhân

Tranh của Đỗ Duy Minh. Nguồn Internet

Việc lên kế hoạch, tính toán chi li, lựa thời cơ, chọn phương pháp công phu lại thường thất bại đổ vỡ. Đó không phải là may mắn ngẫu nhiên mà có lẽ là số phận của anh. Tất nhiên lần này thì khác. Không có gì hệ trọng, chỉ ngẫu hứng một chuyến đi ngược về quá khứ, một quá khứ xa mờ vừa mới thức dậy. Hải đứng trước gương, một khuôn mặt đàn ông phong trần với mái tóc chớm bạc đang chăm chú nhìn mình. Bao nhiêu năm tháng rồi nhỉ? Mà năm tháng thì có quan trọng gì. Quan trọng là những gì đã đi qua cuộc đời anh trong thời gian dằng dặc ấy. Quá nhiều. Cái tưởng được lại thành mất, cái tưởng vui lại hóa buồn. Anh đã dửng dưng với tất cả, không mong ước, không chờ đợi gì, coi như sự đời thế là xong. Ở tuổi anh bây giờ bắt đầu cái gì là quá muộn, mà kết thúc thì quá sớm. Bất ngờ anh gặp lại chị, thế là mọi chuyện tưởng như đã an bài bỗng đảo lộn hết cả. Đó là một cuộc hội thảo của khu vực Tây Bắc, khá hoành tráng nhưng mang tính tuyên truyền và phong trào nhiều hơn là khoa học. Anh được mời tham dự với tư cách là một chuyên gia đầu ngành. Buổi tiệc tổng kết do lãnh đạo tỉnh sở tại chiêu đãi khá ồn ào. Anh tìm một góc khuất ngồi nhâm nhi với mấy người bạn. Nhưng rồi anh cũng chẳng được yên. Ông chủ tịch tỉnh tìm bằng được, dắt anh đến các mâm trọng điểm, cùng ông chạm cốc với các vị khách VIP. Anh là nhân vật có tiếng tăm mà! Dù rất ngại, nhưng cũng phải nhập gia tuỳ tục thôi. Lượn một vòng, anh quay về chỗ, nhưng chợt thấy áy náy không yên. ở một bàn anh đi qua có hai người phụ nữ  trạc ngoài ba mươi tuổi, thực khách tấp nập tới chạm cốc, nhưng hầu hết chỉ tập trung vào một người.

Đó là một phụ nữ có vẻ đẹp đoan trang kín đáo, có chức sắc của tỉnh, đã được giới thiệu tên tuổi ở hội thảo. Còn người phụ nữ thứ hai có lẽ là cán bộ giúp việc, dáng vẻ  khiêm nhường. Khi những thực khách hào hoa phong nhã ồn ào chúc tụng và nói bao lời có cánh với người phụ nữ thứ nhất, thì người này dường như bị bỏ quên, chị lặng lẽ, nhẫn nhịn ngồi nép vào góc bàn. Cảnh đó khiến Hải chạnh lòng và cảm thấy bị tổn thương. Anh rót đầy chén rượu, đi thẳng đến, kéo ghế ngồi bên người phụ nữ ấy,  uống riêng với chị một ly. Rồi ly nữa, không để ý đến những người khác. Người phụ nữ chớp chớp mắt cảm động nói nhỏ: “Cảm ơn anh”. Thấy anh, một người nổi tiếng cư xở như vậy, mấy người kia có vẻ ngượng, cũng quay sang chạm cốc, nói vài lời xã giao nhạt nhẽo. Người phụ nữ thứ nhất lặng nhìn anh hồi lâu, vẻ ngạc nhiên và xúc động. Chị đứng dậy đi vòng quanh bàn sang bên anh, nói: “Em chào anh. Cho em được uống cùng anh một ly nhé. Một ly tái ngộ...” Hải ngạc nhiên: “Ly tái ngộ! Chúng ta đã gặp nhau sao”? Khác với vẻ kiêu sa vốn có, người phụ nữ đáp nhỏ như nói riêng với Hải: “Vâng ạ. Với sự lịch lãm anh vừa thể hiện thì em tin đúng là anh”. Hải thật sự ngạc nhiên nhìn người phụ nữ. Một  phụ nữ vẫn còn xuân sắc, sự sang trọng và tự tin của người thành đạt cũng không che lấp được nét buồn trong ánh mắt và cái nhìn đầy nội tâm. Thấy mấy người tò mò đang chú ý đến mình, người phụ nữ nói riêng với Hải: “Em xin phép. Em sẽ liên lạc với anh sau”. Chị trở lại chỗ ngồi và lấy lại vẻ tự nhiên như thường. Hải cũng trở lại mâm của mình, nhưng không còn hào hứng nữa. Từ đấy đến khi về phòng khách sạn, ánh mắt và giọng nói của người phụ nữ cứ ám ảnh tâm trí Hải. Anh đã đi rất nhiều nơi, đã gặp  rất nhiều người, nhưng ký ức anh không gợn một chút nào về  người phụ nữ hôm này. Anh cũng từng dậy đại học trước khi chuyển sang nghiên cứu khoa học. Phải chăng đây là một trong hàng ngàn sinh viên đã học anh. Không có lẽ, vì nếu thế chị phải gọi anh là thầy. Vậy thì là ai? Chịu.

Hải về phòng khoảng hơn một tiếng thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Người phụ nữ chạm cốc với anh lúc tối hiện ra trước khung cửa. Chị mỉm cười và nói nhỏ nhẹ:

- xin lỗi anh, em đường đột gọi cửa, nhưng em cần gặp anh.

Hải mở rộng cửa:

- Mời chị vào.

Người phụ nữ vẫn giữ nụ cười trên môi:

- Thôi ạ, để anh nghỉ, em xin phép. Điện thoại của anh thì có trong kỷ yếu rồi. Em muốn xin email của anh được không ạ.

Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, người phụ nữ không vào phòng. Hải đọc email của anh, chị rút điện thoại ghi lại. Sau đó chị nói:

- Cảm ơn anh. Hẹn gặp lại anh.

Và chị nhanh nhẹn rời khỏi phòng Hải.

Hải trăn trở mãi nhưng không thể nhớ người phụ nữ là ai. Là một quan chức, chị đã thể hiện tình cảm hơi quá mức bình thường với Hải kể cũng là chuyện lạ. Lại có vẻ bí ẩn nữa. Trước khi chìm vào giấc ngủ, Hải quyết định phải tìm hiểu và làm rõ chuyện này. Nhưng sáng hôm sau mang hành lý ra xe về Hà Nội, hải đã quên mọi chuyện tối qua. Có quá nhiều chuyến đi và các mối quan hệ, Hải đã quen thế rồi.

Cổng nhà vẫn khoá kín như khi Hải đi. Mảnh sân nhỏ đầy lá rụng. Mấy chậu cây quý trên ban công và sân thượng đều đã héo khô, có cây rụng hết lá. Hải vứt vội hành lý, lây sô xách nước tưới cây. Anh ngồi trên sân thượng châm thuốc hút, nhìn căn nhà xinh đẹp đầy bụi và lá rụng khắp nơi như hoang phế nhưng đầy thân thiết của mình. Đây là thế giới riêng của anh, là bến bờ để anh trở về sau những chuyến đi, sau những vui buồn nhân thế cuộc đời. Vợ Hải ra đi cũng mấy tháng rồi. Cô ta bỏ đi  cũng theo cách rất riêng. Lần ấy Hải có chuyến đi công tác miền Trung hơn một tuần. Buổi tối từ sân bay về thấy nhà tối om, cổng khoá, lá cây rụng đầy sân. Hải mở cửa, bật đèn và bỗng không nhận ra nhà mình nữa. Mọi thứ tanh bành, đảo lộn như có ai đó lục tung. Lên tầng hai thấy quần áo, đồ đạc bị vứt vương vãi, tủ mở toang hoang và trống rỗng, Hải vội cầm điện thoại định gọi công an báo mất trộm. Nhưng linh tính khiến anh vội dừng lại. Tủ mở toang và trống rỗng là tủ của vợ anh. Mấy cái vali to đùng của cô ta cũng biến mất. Moị đồ dùng của Hải vẫn y nguyên. Thực tế cuộc sống của vợ chồng anh trong những năm qua, Hải biết chuyện này trước sau cũng xẩy ra, nhưng anh không ngờ nó lại xẩy ra theo cách này. Bỏ đi như một sự dằn mặt, như thể không muốn nhìn mặt nhau nữa. Giọt nước tràn li là quyết định từ chức viện trưởng của Hải. Với anh thì chỉ đơn giản là để tránh xa những cuộc đấu đá, được thanh thản làm chuyên môn. Nhưng với cô ta thì mất đi hào quang danh vọng, để làm ăn, để kiếm tiền, để vênh vang. Cô ta đã hét lên: “Thế là hết. Anh còn giá trị gì nữa nào?”. Dựa vào thế bố, nhiều năm qua cô ta đã vào những đường dây làm ăn, và cô ta đã quá nhiều tiền, đã là một đại gia có tên tuổi. Và cô ta cũng đến với một tay đại gia khác vốn có quan hệ từ lâu. Chuyện của Hải và cô ta đổ vỡ là lẽ tất nhiên. Vậy mà khi nó xẩy ra, Hải đã bị sốc nặng. Thực tế nó phũ phàng quá, tàn khốc quá. Đêm hôm ấy, Hải cũng xách nước tưới cây trên sân thượng, trong các chậu cây dưới sân, rồi ngồi hút thuốc suốt đêm chờ trời sáng. Bây giờ mọi chuyện đã qua. Hải đang sống tiếp những tháng ngày mà anh cảm thấy đặc biệt thanh thản. Anh được sống cho mình và với chính mình. Anh quét dọn sân vừơn, nhà cửa xong rồi mở máy vi tính ngồi vào bàn. Máy báo có ba thư điện tử.

“Chào anh. Mong anh bỏ qua cho tất cả. Đơn ly hôn tôi đã gửi toà án Quận. Phiền anh lúc nào đế ký giúp. Cảm ơn”.

Thư của người vợ, cô ta đang sống với một tay buôn nhà đất ở Sài Gòn. Từ hôm ra đi, cô ta không nói gì, như thể hai người chỉ biết nhau từ kiếp khác.

 “Lão Gia ơi! Bơm ngay vào TK cho con 1000 ơ-rô không chết đói đến nơi rồi. Từ tháng trước đến  giờ Lão Phật Gia cấm vận hay sao mà không gửi cho con nữa. Nhưng tuần trước lại nhắn thư thoại bảo sắp sang bên này chơi, đi với người nào ấy. Hai cụ có vấn đề à? Hè này con không về. Lão gia giữ gìn sức khoẻ nhé. Con yêu Lão Gia.

Thư của thằng con đang du học ở Anh. Nó chỉ liên lạc khi hết tiền hoặc cần hỏi điều gì thôi. Nó là đứa con duy nhất của một anh kỹ sư và cô mậu dịch viên từ thời bao cấp. Sau đó là chiến tranh lạnh của vợ chồng Hải kéo dài, một người sống với khoa học, một người gặp thời mở cửa lao vào buôn bán, cuốn trong bão táp của tình, tiền. Thằng con sống trong không khí gia đình như thế, nó chọn cách tỉnh bơ như không thấy gì. Được cái nó chăm học và học giỏi. Trong sâu thẳm của tâm hồn đứa con trai, có lẽ nó hiểu và thương bố. Nó biết mẹ nó rất nhiều tiền, mẹ nó còn cố tình cho nó biết như vậy. Có buổi tối sau khi ăn cơm xong, vợ Hải mở tủ xách một vali to đầy tiền đổ ra giường ngồi đếm, lại còn gọi hai bố con đếm hộ. Hải cáo bận ngồi bàn đọc tài liệu. Thằng bé nói: “Con đang bận học”, rồi vào phòng riêng đóng cửa lại. Vợ Hải gào lên: “Từ nay đừng ăn đừng tiêu nữa nhé!”. Tuy vậy, để được lòng thằng con, vợ Hải mua sắm cho nó bất cứ thứ gì nó muốn. Thằng con cứ thản nhiên thụ hưởng không tỏ ra vui buồn gì. Đôi khi hai cha con có những câu chuyện ngắn ngủi, Hải biết thằng bé hiểu bố và thương bố, nhưng nó không nói ra lời. Nó biết bố mẹ là hai thế giới khac biệt, mọi giá trị đối với mẹ là tiền, mà bố thì chỉ có trí tuệ. Có lần nó hỏi: “Sao ngày trước bố lại lấy mẹ?”. Hải chỉ biết cười buồn mà không thể trả lời con. Trước đây Hải cũng lo về thằng con, nhưng giờ anh yên tâm, chính môi trường gia đình của anh đã giúp cho thằng bé hiểu được thế nào là hạnh phúc, thế nào là giá trị thật ở đời. Anh tin nó là người bạn của anh.

Bức thư thứ ba là của một người lạ. Điều này đối với Hải cũng không đáng ngạc nhiên, vì anh là một học giả nhiều người biết. Nicknam hơi lạ: Hong Nhan. Thư viết:

         “Em chào Anh.

Xin Anh cho em nói chuyện với Anh như một người Anh thân thiết sau bao năm tháng tìm kiếm Anh. Thực ra gần đây em đã tìm ra Anh, theo sát từng bước đi của Anh, đọc tất cả những công trình mới, cũ của Anh và những bài báo viết về Anh, nhưng em chưa dám lại gần Anh và nhận Anh. Lý do chính là sợ Anh không còn nhớ em là ai, nhất là em có ý nghĩa gì với Anh. Gặp Anh mới biết Anh không nhớ em thật. Mà điều đó có gì lạ đâu. Câu chuyện của anh em mình trở thành chuyện chính là từ em. Em, cô gái Thái nhỏ bé ở một bản miền núi xa xôi không thể quên chàng sinh viên Hà Nội, với tiếng đàn ghi-ta của Anh, những bài hát của Anh, những nụ cười và những câu chuyện kể của Anh. Không thể quên vì tất cả những hình ảnh ấy đã thắp lên trong em ngọn lửa khát khao vươn lên để học hành, khát khao làm người. Giờ đây đã trưởng thành, có cương vị xã hội, đã gặp rất nhiều người ưu tú, nổi tiếng nhưng không ai có vị trí lớn lao trong trí nhớ của em như Anh. Xin Anh đừng cười và coi thường sự đường đột bộc lộ này của em nhé. Dù là gì thì em vẫn luôn luôn bé bỏng trước Anh.

Đây là bức ảnh  của anh em mình chụp mấy chục năm trưca. Đố anh nhớ trong này là những ai đấy. Em chờ thư anh.

Em Hoàng Hồng Nhạn”.

Hải chậm rãi đọc lá thư, hình dung ra ánh mắt sâu thẳm của Nhạn hôm chạm cốc với anh. Không ngờ một người phụ nữ xinh đẹp, cao sang như thế lại viết cho anh những dòng này. Bức thư làm anh xúc động vì tình cảm thật và sự chân thành. Anh định thần nhìn tấm ảnh đen trắng đã bạc màu thời gian gửi đính kèm. Ba đứa trẻ, hai trai một gái khoảng hơn mười tuổi, và một thanh niên đen gầy ăn mặc xuyễnh xoàng, tóc tai bù xù. Thanh niên đó chính là anh. Hải dần nhớ lại chuyến đi thực tập mấy chục năm trước. Một nhóm sinh viên được đưa về một xã miền núi của đồng bào người Thái để thực tập. Hải và mấy người bạn ở nhờ trong các nhà dân, được giao nhiệm vụ rồi tự đi thực địa và nghiên cứu về một đề tài địa chất. Hồi đó đất nước đang chiến tranh, người dân còn rất nghèo nhưng tấm lòng thương yêu gắn bó như ruột thịt. Hàng ngày ăn sắn ăn ngô với đồng bào, rồi ai làm việc nấy, tối về quây quần bên bếp lửa. Một hôm vào buổi chiều muộn, Hải đi rừng xa về đến con suối lối về bản thì thấy nước đang dâng to chảy cuồn cuộn. Chắc chiều nay mưa trên nguồn nên lũ về. Bên bờ suối, ba đứa học sinh hai trai một gái khoảng hơn mười tuổi đi học về đang ngồi nép vào nhau đầy lo lắng. Trời bắt đầu tối. Hải nhìn dòng suối tính toán nếu không nhanh thì lũ càng to không về dược nữa. Anh đến bên ba đứa trẻ nói dứt khoát:

- Các em ra đây. Anh cõng từng đứa một qua suối.

Bọn trẻ ngạc nhiên và do dự. Hải phải quát lên chúng mới làm theo. Nước đã ngập đến trên bụng Hải và chảy rất xiết, buộc phải nhanh và mạo hiểm. Cõng được hai em trai rồi, đến em gái thì nó một mực từ chối. Hỏi sao, nó không nói, cứ cúi gằm đứng im, mặt đỏ lên. Hải chả hiểu sao, liền túm lấy nó, quát: “Nhanh lên không lũ cuốn cả hai anh em bây giờ”. Cô bé bị Hải bế xốc lên lưng lội qua suối không dám nói gì. Sang bờ Hải hỏi: “Em sao thế?”. Mãi cô bé mới lí nhí đáp: “Em xấu hổ”. Hải phá lên cười: “Em còn trẻ con mà”. Cô bé thọn thẹn cười ngượng ngùng. Không hiểu sao sau bao năm tháng, giờ đây nhìn tấm ảnh Hải lại nhớ ngay đến tình tiết này. Ngày ấy Hải là chàng trai mới lớn có hiểu gì đâu. Từ hôm ấy mấy anh em biết nhau. Cô bé tên là Nhạn. Nhà ba em ở xóm núi gần nhà Hải trọ, nên buổi tối các em thường sang chơi. Hải có cây đàn Ghuitar mang theo, anh thường chơi đàn và hát, rồi dậy các em hát. Có những tối Hải kể chuyện hoặc đọc sách cho các em nghe. Cô bé Nhạn gắn bó với Hải từ lúc nào không hay. Những ngày nghỉ hoặc chủ nhật, Nhạn thường sang chơi với Hải, hỏi anh về quê quán, về Hà Nội, về chuyện học tập của anh. Hải cưng chiều cô bé như em gái. Cô bé thì nhìn Hải như thần tượng, đầy trìu mến và ngưỡng mộ. Một hôm Nhạn hỏi: “Anh Hải ơi, anh cho em đi theo anh đến chỗ anh chơi được không?”. Hải xoa đầu cô bé và nói: “Em muốn theo anh thì phải học giỏi, sau này về Hà Nội học là sẽ gặp anh”. Cô bé chăm chăm nhìn Hải và cúi đầu suy nghĩ. Ngày Hải chia tay xóm núi, bà con tồ chức liên hoan. Cô bé Nhạn mấy hôm cứ quanh quẩn không rời anh. Tối hôm trước, Nhạn nói với Hải: “Anh tặng em một cái gì để em luôn nhớ về anh”. Hải suy nghĩ rồi nói: “Anh tặng em quyển sách quý nhất anh mang theo. Em hãy đọc nó bây giờ, đọc cả khi lớn lên, đọc suốt đời nhé. Mỗi lần em đọc, em sẽ nhận ra một điều gì đó, em ạ”. Hải đã tặng cô bé cuốn Bông Hồng vàng của nhà văn Paustopsky. Cô bé ôm cuốn sách vào lòng, rồi đưa cho Hải: “Anh ghi địa chỉ trường anh với quê anh vào cuối sách này cho em”. Thấy Hải chần chừ, cô nói: “Sau này em sẽ đi tìm anh”. Hải đã ghi địa chỉ của mình vào trang lót cuối sách. Các em nhỏ và mấy bà con trong bản tiễn Hải ra tận con đường quốc lộ cách bản gần chục cây số để đón xe. Chỗ ngã ba đường có một hiệu ảnh nhỏ, Hải kéo các em vào chụp một kiểu, trả tiền rồi đưa giấy biên nhận cho Nhạn và dặn: “Các  em lấy ảnh và giữ cho anh một tấm, bao giờ trở lại anh lấy nhé”. Anh đã quên cuộc chia tay ấy. Đã bao nhiêu nhước chảy qua cầu. Cuộc đời anh đã trải bao vui buồn được mất, đã đến lúc anh muốn buông bỏ tất cả, chẳng còn gì để thiết tha, mong đợi nữa. Bức ảnh chụp ngẫu nhiên năm nào bỗng gợi lại bao niềm thương nhớ một thời thanh xuân tươi đẹp đầy ắp ước mơ. Có một điều gì thức dậy trong Hải khi những ký ức ùa về. Anh chợt nhận ra cuộc đời thật anh trải qua mấy chục năm qua không phải là tất cả. Đó là việc anh từ quân ngũ trở về thì mẹ đã mất, rồi anh vào làm việc ở một viện nghiên cứu, rồi kinh tế lạm phát, đói nghèo thời bao cấp, rồi do mất phương hướng, anh lấy vợ là con một lãnh đạo, một cô mậu dịch viên trẻ đẹp giỏi kiếm tiền. Rồi do giỏi chuyên môn, anh được đi nước ngoài học tiếp, rồi về được đề bạt, rồi bắt đầu những cuộc đấu đá, bon chen, gia đình lục đục. Đỉnh điểm là việc anh quyết định từ chức và vợ anh bỏ đi. Mới hôm qua anh còn thấy cuộc đời như thế có thể kết thúc rồi. Nếu không có mấy cuốn sách và một số công trình khoa học đã công bố thì coi như mình  trắng tay. Nếu không còn một số việc chuyên môn dang dở thì chẳng biết làm gì nữa. Nhưng bây giờ ngồi trước bức thư và tấm ảnh ố màu thời gian, anh chợt nhận ra cuộc đời còn một dòng chẩy ngầm mang một hệ giá trị khác anh chưa từng được sống. Bao năm bon chen với danh lợi, được mất, anh đã quên là mình chưa đối diện với chính mình, sống cho chính mình.

Buổi chiều, Hải ngồi viết thư cho Nhạn:

         “Nhạn em.

Thư và ảnh của em gây cho anh sự xúc động sâu sắc. Phải nói là ngạc nhiên và bàng hoàng nữa. Quả thật anh không còn nhớ gì cả. Cuộc đời cuồn cuộn đã cuốn anh đi bao năm tháng với danh lợi được mất. Khi mọi người nghĩ là anh thành đạt và danh giá thì anh lại nhận ra mình thất bại thảm hại. Cảm ơn em đã không quên anh và cảm ơn hơn nữa đã tha thứ cho anh vì sự vô tình của anh. Xin hãy cho anh cơ hội để sữa chữa lỗi lầm.

Anh”.

Ngay tối hôm ấy, Hải nhận được thư của Nhạn.

“Anh.

Em rất mừng vì anh đã nhận ra và còn nhớ em. Nói qua thư thì thật khó, nhưng anh có nhớ hôm chia tay anh ở bản, em đã nói là em sẽ đi tìm anh không? Em đã tìm anh thật đấy, tìm nhiều lần. Em đã gửi thư về trường cho anh, nhưng không nhận được trả lời. Lúc đó còn là cô bé, em khóc nhiều lắm. Sau này em mới biết  anh đã xung phong nhập ngũ. Rồi em đỗ  đại học, cả bản có mình em đỗ thôi anh ạ. Nhờ sự cổ vũ của anh đấy. Anh biết không, anh như ngôi sao sáng trên trời mà ngày ngày em ngước nhìn và đi theo, theo mãi. Hè đầu tiên của đại học em đã về quê thăm mẹ anh. Mẹ đã nấu nước thơm cho em gội đầu, nấu những món ngon đồng quê cho em ăn. Lúc đó anh đang ở chiến trường. Năm sau em về thì mẹ đã mất. Có ai nói cho anh biết em về quê anh không? Chắc là không, vì ngoài mẹ ra không ai biết em cả. Thật buồn cho em là cứ luôn nghe ngóng tin tức về anh, rồi khi biết tin anh đã từ chiến trường trở về, đến tìm thì  anh sắp lấy một cô hàng mậu dịch có bố làm to. Thế là em không dám tìm gặp anh nữa, vì sợ phiền cho anh. Cuốn sách “Bông hồng vàng” và tấm ảnh của anh lúc nào em cũng mang bên mình, kể cả bây giờ anh ạ.

Khi nào gặp lại, em sẽ kể anh nghe chuyện em đi tìm anh.

Em Nhạn.”

Hải ngồi chết lặng bên bàn phím. Anh không ngờ mình lại có ý nghĩa với một người như vậy. Bao năm tháng qua Nhạn đã sống ra sao nhỉ? Con đường nào đã đưa em trở thành quan chức cấp tỉnh? Em có hạnh phúc không? Nhạn đã cho anh thấy còn một cuộc sống khác, hệ giá trị khác mà anh chưa biết hoặc chưa tiếp cận được. Anh phải tìm đến với những gì anh đã lãng quên bao năm qua. Hải viết email cho Nhạn:

         “Anh cần gặp em”.

*

Hải một mình lái xe lên xứ núi. Nhạn đã bố trí thờ gian nghỉ công việc để đón anh. Với hai người cuộc hẹn này thật lạ lùng và đầy bất trắc, vì cả hai đều quá từng trải và có danh vọng trong xã hội. Chỉ cần một sự khác biệt về ý thức, hoặc lệch lạc về phông văn hoá là có thể xẩy ra đổ vỡ. Hải phấp phỏng nửa mừng nửa lo. Khi Hải đến điểm hẹn đã thấy xe của Nhạn đỗ trước cửa nhà hàng. Hải mở cửa xe bước xuống và không tin vào mắt mình nữa. Một thiếu phụ mặc trang phục Thái tuyệt đẹp bước ra đón anh. Nhạn tươi cười nói: “Hôm nay em sẽ làm em gái nhỏ ngày trước đón anh kỹ sư thực tập được không anh?”. Hải sững sờ trước vẻ đẹp và sự tự nhiên của Nhạn. Tưởng như anh và chị đã thân thiết từ bao giờ. Tưởng như chưa hề có sự xa cách bao nhiêu năm. Hải chỉ còn biết im lặng theo sự sắp xếp của Nhạn. Ngồi với nhau một lát, rồi Nhạn hỏi: “Anh có nhớ hôm nay là ngày gì không?”. Hải nhìn Nhạn lắc đầu. Nhạn nói: “Hôm nay là ngày chợ tình đấy. Mình đi chứ anh?” Thì ra là Nhạn đã chuẩn bị trước rồi. Nhạn cho chú lái xe của mình đánh xe về, hai người đi xe của Hải. “Anh để em lái cho, đường trên này em quen rồi”, Nhạn nói. Nhưng Hải không chịu, anh vui vẻ nói: “Lên đường nào”. Xe chạy suốt trên con đường quanh co dèo dốc nhưng đẹp mê hồn. Là một nhà nghiên cứu, Hải vô cùng yêu thích thiên nhiên vùng núi này. Anh đã có mấy công trình nghiên cứu in trên các tạp chí quốc tế về nó, và đã qua lại đây nhiều lần. Nhưng hôm nay anh lái xe trên những con dốc, những vòng cua mênh mang trời mây với tâm trạng vô cùng sảng khoái. Bên cạnh anh là một người con gái đẹp luôn  nhìn anh dịu dàng và thân thiết. Ngoài kia là trời mây và núi non hùng vĩ. Xe bắt đầu chạy trên cao nguyên đá như đi giữa miền cổ tích. Thỉnh thoảng Nhạn lại đặt bàn tay lên tay Hải trên vô lăng, để anh cảm thấy hơi ấm thân thiết truyền sang từ chị. Đây là cách nói chuyện trong im lặng của Nhạn. Đến một đỉnh dốc cao của cao nguyên đá, Nhạn bảo Hải dừng xe. Thấp thoáng trong vách đá có dải khói xám toả ra mùi hương ấm áp. Đó là quán ăn của một gia đình người Mông. Hai người xuống xe, đứng trên đỉnh dốc đầy gió nhìn xuống cao nguyên. Con đường dốc họ vừa đi qua uốn lượn thấp thoáng dưới chân họ, chìm trong mây khói. Hải lấy máy ảnh, nhờ cậu chủ quán chụp giúp hai người. Giữa trời mây bao la, Hải và Nhạn lần đầu tiên cầm tay nhau, nhìn sâu vào mắt nhau, nghe rõ hơi thở của nhau. Họ chụp rất nhiều ảnh. Họ ăn trưa trong cái quán đơn sơ nhưng thức ăn rất ngon. Đây là quán ăn quen thuộc của những người thường đi qua cao nguyên đá này. Những món thịt nướng, giăm bông, thịt ướp, măng và rau rừng ở đây là đặc sản có một không hai. Hải và Nhạn đều đã từng ăn ở quán này. Chủ quán đon đả chào hỏi Nhạn một cách thân tình, vì chị là quan chức của tỉnh thường qua lại vùng này. Lúc lên xe, Nhạn nói:

- Anh thấy đấy, đi với em lên đây là không dấu được ai đâu.

Hải cười sảng khoái:

- Càng thích. Anh không định dấu ai đâu. Còn em?

Nhạn cũng cười:

- Đã quyết định đưa anh lên Trời thì em không cần dấu ai rồi. Đi với anh còn phải tính bị đưa lên báo ấy chứ. Em mới đọc bài báo dài nói về chuyện anh từ chức viện trưởng đấy.

- Thế à? Anh không đọc. Em biết nhiều về anh nhỉ?

- Em biết đủ để không quên anh thôi.

- Được một quan chức, người luôn phải sống bằng cái đầu lạnh  nhớ là anh có phúc rồi, Hải cười.

Nhạn cầm tay Hải:

- Với anh, em không bao giờ là quan chức. Em luôn là cô bé  ngày xưa của anh thôi. Anh nhớ thế nhé.

 

Họ tiếp tục lên đường. Trời xẩm tối thì đến thị trấn. Những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà mới xây hiện đại nằm giữa những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương đen và xanh. Nhạn bàn với Hải: “Bây giờ mình nghỉ lại, sáng mai ta hãy lên chợ chơi anh ạ. Nay đi thế mệt rồi”. Hải nói: “Tùy em. Bây giờ ta đi đâu?” Nhạn nói: “Anh đi theo em hướng dẫn, Em bố trí rồi”. Họ đến một khách sạn mới xây theo lối cổ, không lớn nhưng sạch sẽ và tiện nghi. Nhân viên dẫn họ lên hai phòng cạnh nhau ở một đơn nguyên riêng có góc nhìn xuống toàn thị trấn. Lúc lên phòng, Nhạn xách đồ cho Hải, vào kiểm tra phòng rồi dặn: “Anh tắm và nghỉ ngơi đi nhé, muộn chút nữa mình sẽ ăn tối”. Rồi Nhạn đóng cửa về phòng mình. Khoảng một tiếng sau, Nhạn gõ cửa bươc vào, lộng lẫy trong bộ váy áo mới. Nhạn hỏi: “Mình ăn trên phòng hay xuống nhà anh?”. Hải đáp: “Em thích thế nào? Anh tuỳ em quyết định”. Nhạn nói: “Em biết anh thích thế nào rồi”. Nhạn quay ra, một lát trở lại với hai nhân viên nhà hàng một nam một nữ bê mâm và các đồ ăn. Hải nhìn Nhạn mà không nhận ra chị nữa. Bây giờ Hải càng thấy Nhạn đẹp, cái đẹp của hình thể với trí tuệ nhưng lại đầy nữ tính. Bày xong các thứ lên bàn, Nhạn cho hai nhân viên phục xuống nhà. Rồi Nhạn  quay sang Hải: “Em mời anh”. Tự nhiên Hải lại bật ra một câu ngớ ngẩn: “Anh tìm mãi mà không thấy tí dấu vết nào của cô bé gầy đen bên bờ suối năm nào nữa rồi”. Nhạn cười khẽ: “Vẫn cô bé đó, chỉ cộng thêm thời gian và sự gian truân nữa thôi anh ạ. Nếu không còn cô bé đó thì làm sao nhận ra anh”. Nhạn rót rượu ra ly và trao cho Hải: “Nào, ly này là ly hội ngộ, em chính thức tìm được cố nhân”. Hải rót ly thứ hai và nói: “Ly này là anh xin tạ lỗi với cố nhân. Từ nay anh xin được chia sẻ vui buồn cùng em”. Nhạn đi vòng qua bàn sang phía Hải, ngồi sát bên anh và nói: “Mình hãy quên đi tất cả, hãy sống với những kỷ niệm ngày xưa anh nhé”. Nhạn rót chén rượu mới trao cho Hải và hát:

Rượu đây em mời, uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm

rượu ngon một chén như ngàn chén

uống đã ba năm rượu vẫn còn thơm

như tình em...

Đó là khúc hát của bản những ngày lễ hội. Hải đã nghiêng ngả say, anh nói: “Em có điều gì muốn nói với anh không?”. Nhạn nhìn Hải đầy ý tứ và nói: “Cô bé của anh vẫn như ngày xưa, trừ một cuộc hôn nhân thất bại. Em còn mẹ già và cô con gái mới vào cấp ba anh ạ”. Hải hỏi: “Em sẽ cho anh thăm họ chứ?”. Nhạn gật đầu dứt khoá: “Nhất định rồi”. Gương mặt Nhạn đỏ hồng rực rõ, ánh mắt cô long lanh càng khiến Hải ngây ngất. Hai người đã uống khá nhiều. Nhạn nhấn một nút trên tường, một lát hai nhân viên phục vụ gõ cửa, thu mâm bát và dọn phòng. Nhạn vào nhà trong mang khăn mặt đã giặt nước nóng cho Hải lau mặt. Cô đỡ Hải lên giường và dặn: “Anh nghỉ một lúc, em về phòng chút đã nhé”. Nhạn khép cửa đi ra, Hải thay bộ đồ ngủ rồi ngồi trùm chăn hút thuốc. Ngày hôm nay như một trang mới của đời anh. Anh chưa định thần được rõ điều gì đang đến với mình nữa. Anh không biết mình có xứng với những gì đang diễn ra không. Một nỗi sợ mơ hồ rằng ngày mai giấc mơ này sẽ biến mất khiến tim anh thắt lại. Nhạn đẩy cửa bước vào, với bộ đồ ngủ bằng voan trắng bồng bềnh như mây, miệng cười tươi như hoa, một tay bê tách trà nóng, một tay xách giỏ than sưởi đỏ rực ấm áp. Nhạn vừa rót trà vừa nói: “Trời lạnh rồi, em bảo các em nó làm ít than sưởi cho ấm. Than này đượm mà khí thơm, không độc anh ạ”. Hải cảm thấy mùi hương thảo mộc ngào ngạt từ thân thể Nhạn toả ra khiến anh choáng váng. Anh hỏi giọng run run:

- Bao nhiêu năm xa cách, em không biết nhiều về anh, mà sao em vẫn tin và dành những tình cảm tốt đẹp cho anh. Đã ở cấp lãnh đao cao, quá hiểu đầy rẫy tốt xấu, thiện ác ở đời mà em vẫn tin anh sao?

Nhạn nói:

- Em biết đời đầy rẫy lừa lọc và phẩn phúc, ghen thuông, tranh giành danh lợi chứ. Nhưng em đã nói em coi anh là ngôi sao hy vọng, để em trông theo, vươn tới, để em có động lức trở thành hôm nay. Nếu chẳng may thần tượng không còn thiêng thì em cũng đi trên con đường tốt đẹp của mình được rồi. Nhưng may mắn thay thần tượng của em đã không phụ em.

Hải trầm ngâm:

- Cảm ơn em. Cũng hiếm có người như em.

Nhạn ngồi sát Hải, giọng tinh nghịch:

- Còn lý do quan trọng để em suốt đời tin anh. Anh muốn biết vì sao thì cho em trùm chăn chung cho đỡ lạnh rồi em nói cho nghe.

Hải cầm tay Nhạn kéo vào cạnh mình trùm chăn kín hai người. Mùi hương thơm của mĩ phẩm thảo mộc của riêng Nhạn khiến Hải ngây ngất, tai ù đi. Anh nghe loáng thoáng giọng Nhạn như trong hơi thở: “Là vì anh đã bế em lên và cõng em qua suối. Lúc ấy em đã là cô gái rồi, chàng sinh viên ngốc ạ”. Hơi ấm và mùi thơm trên cơ thể Nhạn như tràn ngập vũ trụ. Hải ôm chặt lấy chị, và hai người lăng im nghe gió núi vi vút ngoài cửa sổ cùng tiếng sương đêm rơi tí tách ngoài hiên.

(baovannghe.com.vn)