Mái đình biển

16.04.2025
Lê Đức Dương
1. Có tiếng hét vang như xé biển! Ông lụy rồi bà con ơi! Ông lụy rồi! Bãi biển xuất hiện con cá voi to như chiếc ghe mành đen thui lật úp. Biển vẫn chồm sóng qua thân ngầu bọt như khóc thương.

Mái đình biển

minh họa: văn nguyễn

Làng ùa ra hết bãi. Ai cũng vuốt mặt lo lắng như không tin vào mắt mình: Cá Ông mất! Lo nhất chính là ông Khả - thủ quỹ làng. Bất giác ông thò tay vào túi quần như đếm tiền. Vậy là phải lo cho ngài rồi! Theo lệ dân biển, hễ ngài dạt vào bãi làng thì phải lo an táng cho ngài cẩn thận chu đáo như cha mẹ. Ở trên gò cát Đồng Găng kia vẫn còn tới 5 cái mả cá Ông chưa ráo cát, muống biển chưa phủ xanh. Vậy nay thêm ngài này… Ông Khả ngước nhìn trời xanh thầm than. Cũng như một người, táng ngài phải đầy đủ nghi lễ. Cờ quạt, vải niệm, heo gà cúng kính. Như thấu hiểu tâm trạng, ông Thiên chủ ghe lớn nói nhỏ với ngài thủ quỹ làng cứ ráng vậy. Các ngài có thương, tin tưởng mới tìm đến làng mình gửi xương đấy! Hậu đình làng mình đang lưu cất hàng mấy chục bộ cốt các ngài mà.

Cả làng ủ ê theo chiếc xe cẩu đại, loại cẩu hàng ở cảng thuê về khiêng ngài lên gò.

Xe gầu múc thành huyệt to như cái ao nhỏ. Tiên chỉ làng mặc áo xô trắng xóa chỉnh tề cờ quạt, trống kèn ò e… Những cuộn vải trắng trải bọc ngài cẩn thận đặt ngay ngắn giống như ngài đang bơi trên biển. Thằng Long cùng trai làng đào xúc cát, lợp vải rồi tất cả cùng khóc lên một tiếng tang thương: Lạy ngài Nam Hải, ngài đang ở tận biển xanh đi đâu gặp nạn thế nào mà lụy tận bãi vắng này của làng chúng con! Ô hô đau đớn thay! Thôi ngài đã yêu đã biết để gửi thân mình cõi này thì ngài yên tâm. Chúng con sẽ cầu cúng nhang khói ngài quanh năm cho đến thiên thu như các tiền hiền đã làm! Làng ủ ê trở về trong gió. Biển đằng xa vẫn chồm lên như muốn đòi xác con cá voi bỏ biển.

2.

Hồi nhỏ thằng Long ở với bà ngoại trong căn nhà chồ nhỏ ở mép ghềnh. Qua mấy mùa bão, sóng nuốt gần hết chỉ nhè lại mấy cái cọc. Ngẫm nếu muốn thì biển đớp gọn nhưng bà ngoại nói nhờ thần Nam Hải che chở nên mới còn. Long không nghĩ thế. Nó nói ngoại nó kiên cường nên dù có đổ cũng dựng lại. Còn rẻo đất cũng trải bạt căng lều ở. Nhà trơ lại với biển như cái răng cuối cùng trên mảng lợi của ngoại. Qua mấy mùa gầm thét nhưng vẫn không nhổ được, biển hậm hực cay cú bất lực trước bà già coi đình biển.

Tuy còn nhà nhưng chỉ có ngoại ở, còn Long cứ tối lại lẻn vào đình nằm dưới gầm điện ngủ. Ngoại chỉ biết chép miệng… Từ đó thằng Long được thêm biệt danh "Long Đình".

Năm đó làng tổ chức lễ hội cầu ngư lớn lắm. Mời đoàn tuồng cổ đến hát Án ba ngày ba đêm tưng bừng. Mọi người ôm chiếu ra trải khắp sân đình ăn uống xem hát. Các nghệ sĩ cứ hát hò nhảy múa đến nhạt phấn mặt thì nghỉ. Kép đào khác lại bôi mặt nhảy ra hát. Chỉ các tài lọt múa cờ vác giáo múa gươm thì cứ chực chờ bị đâm chém chết là lẻn chui vào hậu đài ngủ vùi khi bị đá vào chân thì lại dậy diễn.

Đêm đó có tích tuồng Võ Đông Sơ chia tay Bạch Thu Hà như mắt bão hút tất cả dân làng tới xem. Sân đình đông kín chỉ chừa hàng chiếu trên cho các tiên chỉ, già làng chức sắc ngồi uống rượu thưởng thức. Các bà nghiền tuồng cổ ai cũng chuẩn bị sẵn cạp quần bọc tiền lẻ. Mấy bà nhà giàu thì rút tờ xanh năm nghìn mới cáu nhét vào thẻ quạt. Ông Khiêm chủ làng ngồi trước trống chầu để tưởng thưởng cho các đào kép diễn mùi. Cứ mỗi lần lên xang xuống xề ngọt mía hay thảm thiết là tiếng trống thưởng của ông Khiêm lại tùng tùng hả hê. Các bà lớn thi nhau ném quạt kẹp tiền thưởng rào rào. Người không có quạt thì ném thẳng tiền vào Võ Đông Sơ với Bạch Thu Hà. Mấy thằng nhóc hầu cắm mặt chạy tới chạy lui nhặt tiền bỏ túi rồi chui vào hậu đài. Thời đó hát Án kiếm tiền chính là kiểu bo đó nên các nghệ sĩ hát lòi gân xanh ở cổ để đáp tạ. Đào thương Bạch Thu Hà mỗi lần cất tiếng là mưa tiền đổ xuống…

Tích tuồng lúc gần khuya khi Võ Đông Sơ chia tay Bạch Thu Hà ra trận thì… Bạch Thu Hà ngã xuống quằn quại đầy đau đớn. Tiếng vỗ tay rầm rầm cùng mưa tiền đổ lên mình Bạch Thu Hà. Cứ tưởng rồi Bạch Thu Hà sẽ bơi tiền đứng dậy nhưng nàng vẫn lăn lộn. Bà bầu đứng bên ngoài tái mặt kêu đệ vào khiêng nàng ra. Mọi người đều khen, diễn mùi hay hơn cả thật đến mức nhiều đứa trẻ hỏi hồn nhiên, cô ý chết vì nhớ chồng à? Nhiều người già chấm nước mắt xót thương cảnh chia ly mãi mãi của đôi trai tài gái sắc.

Trong hậu đài thì khác. Lớp váy của Bạch Thu Hà ướt đầm máu! Mấy người phụ nữ tái mặt. Bạch Thu Hà đẻ rơi ra một thằng nhóc! Đứng bên có chị Từ. Ôm thằng bé kháu khỉnh, hình như linh cảm chị Từ nghĩ đó là đứa con mình tận tiền kiếp.

Chị trông giùm thằng bé để em quay lại đón nó… Bạch Thu Hà gạt nước mắt nói với chị Từ - người đàn bà ở đình, sau này là bà ngoại thằng Long. Mãi sau này thằng bé lon ton bâu bám gốc bàng đình mà má nó không thấy quay lại. Có người nói rằng mẹ nó sau bệnh mất. Người nói ghe chở cả đoàn chìm ở cửa biển… Tất cả ùa với gió cả biển khơi lồng lộng xa vắng. Long ở với bà Từ và đình làng từ đó.

3.

Búp công nhận Long khéo tay nấu đồ ăn rất ngon. Đơn giản như món bún cá mà vào tay cậu là bá cháy. Chỉ có cá ngừ luộc, ít chả cá chuồn chiên, vài lát hành tây, lá ngò thơm mà ăn muốn xỉu luôn. Bánh căn - loại bánh của người nghèo miền biển chỉ xay bột gạo nhuyễn đúc vào chén đất nung bé xíu mà Long chế biến đủ thứ bánh. Muốn ăn tôm thì bóc nõn thịt thả vào đúc nướng thơm bén mũi; mực cơm xém cạnh ngọt thấu lưỡi; khó không có gì thì rắc chút ruốc… Nhưng tất cả đều phải nhúng vào chén nước chấm huyền thoại làm bằng nước mắm ngọt, hành lá thái nhỏ xanh rức với ớt đỏ để ai ăn ớt kém thì nước mắt chảy chung với nước mũi như khóc ma hời. Chính Búp đã từng ăn và như thế để Long nhìn cười muốn té bếp. Thỉnh thoảng ba cùng anh hai đi ghe má ăn giỗ xa thì Búp lại sang chơi và chẳng cần dụ khị gì Long cũng hiểu sẽ phải trổ tay làm cho con nhỏ. Những lúc đó bà ngoại chỉ ngồi cười rồi lặng thinh nhìn con nhỏ con ông chủ ghe. Nó con dân biển chính hiệu mà không vương chút hạt muối biển lên cọng tóc. Chẳng có mùi cá dính lên tay. Có lẽ nó giống hệt mẹ nó khi xưa về làm dâu. Mỗi khi ghe về cá ngập thúng đổ đầy thùng nhưng cô Liên không thèm để ý cứ ngồi thản nhiên nhẩm tính thu tiền. Không như bà bán cá cầm từng mớ tiền ướt đẫm nước biển hay máu cá. Cô Liên vứt tiền trong túi rồi đem ra tiệm vàng đổi lấy nhẫn, dây chuyền đeo liểng xiểng. Có người còn nói ngay cả chồng cô muốn chung giường cũng phải tẩy alcool! Tuy nhiên thằng con đầu ra đời lại đen thui như cây gỗ sao đóng thuyền, phải chờ đến Búp thì đúng mới là hình ảnh đích thực của mẹ. Búp hồi bé đã được mẹ đeo vàng bạc đầy chân cẳng. Lớn một chút ở chợ thời trang có gì thì nó mua đầu tiên. Vì thần Nam Hải phù trợ giàn ghe của ba nó luôn trúng cá nhất nhì ở làng. Mỗi khi cập bến đều khẳm chúi mũi muốn ngạt thở. Người ta nói đùa đây là những chiếc ghe lễ phép ngoan nhất làng Cửa Bé. Về cũng cúi đầu chào các thần ở đình nên được phù trợ! Nghe thế, ông chủ ghe chỉ thầm tạ ơn! Cứ rằm lớn là ông cúng hẳn con heo quay 50 ký ở thềm đình dâng cho thần và tiên chỉ của làng, bia bọt. Nên khi nghe cụ Cả làng dợm ý muốn sửa đình, ông chủ ghe chắp tay khấn, con sẽ dành hẳn tiền thu một ghe lớn nhất của mùa cá đem cúng cho làng để sửa đình. Ông chỉ lẩm nhẩm thế mà chỉ ít ngày sau cả làng đã tung tóe như cá cơm nhảy lưới buông. Lão Thiên dành một tỉ cho làng sửa đình! Nghe thế các cụ gật đầu thầm khen nhưng vợ ông tức bà Liên thì cáu mặt sầm như bạc lên nước muối.

Ông Thiên ghé qua thấy Long đang ngồi xì xụp nấu nồi bún cá ăn chiều, tạt vào. Long biết ý múc cho ông một tô đại to chảng. Ông ngồi ăn ngon lành hỏi thằng giữ đình, mày có sức khỏe hôm nào đi theo tao làm biển đi kiếm chút vốn lấy vợ chứ ở nhà quét đình, làm lăng nhăng ba việc thanh niên phường cho phí sức. Long lặng thinh nhưng thầm cảm ơn. Vì xưa muốn theo ghe đi biển là cả chuyện lớn nhưng nay thì đơn giản vì bọn trai làng lười một khúc chỉ thích ăn nhậu cà phê đánh bài nên có lúc ghe đổ đầy dầu, xay ngập đá mà vẫn không đủ tay phụ làm chủ ghe ngốt tái mặt. Thực ra nghề biển dù mỗi đợt công cán cũng được dăm bảy triệu nhưng so với thời nay thì nghề này cực quá. Chưa kể biết bao tai ương. Nên bọn trai bớt ham theo nghề.

Ăn xong tô bún đứng dậy chợt ông Thiên giật mình. Ở góc lều có cái mũ quen quen mà nghĩ mãi không ra… Tới lúc về nhà ông mới sực nhớ đó là cái mũ con Búp. Ông chạy ngược lại thì căn lều lặng thinh không còn bóng người củi lửa gì nữa y như giấc mộng. Nhìn sang đình thằng Long đang lụi cụi thắp nhang ở các ban điện.

4.

Búp có dáng kiêu kỳ từ bé bởi khuôn mặt đài các với đôi mắt mơ hình như không để đâu chút gì nhất là con trai. Mỗi khi ghe của ba rời bến, lũ con trai làm thuê cứ tươm tướp giả bộ tới lui chạy qua chạy lại xách đồ trước mặt nhưng Búp coi như lũ ong ruồi chẳng thèm xao động. Có lần anh chàng An học được tấm bằng thuyền trưởng về khoe trước mặt Búp và cả mẹ cô. Bà Liên thì trầm trồ thán phục, rút ngay 2 tờ xanh đưa tặng thay lời chúc nhưng Búp chẳng thèm đoái hoài. Hay anh chàng đại úy biên phòng tên Hoàng đẹp trai cao ráo xách xà cột đến tận nhà đưa cho ba giấy phép thông hành. Vậy mà Búp liếc nhẹ rồi lí nhí, con chào chú Hoàng biên phòng! Làm mặt chàng đại úy bị vã nước đá lạnh tanh. Hoàng mãi không sao gỡ được cái mũ "chú" to như chà gai trên đầu. Thực ra Búp cũng biết Hoàng, An và cả Long… ai cũng thích cô. Bố không nói ra nhưng mẹ thích An vì cậu ấy cao ráo đĩnh đạc tử tế thủy chung tín nghĩa với ông Thiên suốt gần chục năm qua theo nghề biển. Hoàng thì quá chững chạc. Còn thằng Long ở đình thì…

5.

Long ngủ vùi trong mớ vải sau hậu điện, mùi heo quay, đồ cúng vẫn phảng phất khắp đình. Lễ cầu ngư vừa tan, giờ chàng Tổng lái - người hát hò Bá trạo suốt gần 10 tiếng trên ghe rã rời từng mảng như bọt biển. Đã mấy mùa làm Tổng lái nhưng lần này là vất vả nhất vì cậu vừa nhỏm dậy sau tuần Covid. Người ê ẩm, cổ đau buốt nhưng không ai thay thế được nên ráng.

Hồi bé mon men ở mép đình, điệu Trạo tòng xuân đã thay lời ru của bà gieo vào hồn nhóc Long. Khi buồn ngồi nghêu ngao hát. Nghe thằng nhóc hát cụ Cả Ngũ ngạc nhiên rồi reo mừng vì từ mái đình sinh ra một người không cần dạy cũng thành tổng trò. Khi cụ đưa cuốn sách bìa xanh cột dây rợ bên gáy có ghi: Làn điệu Hò Bá Trạo thì Long chỉ lướt như để thẩm định mình còn chỗ nào chưa thuộc. Thì ra nó thuộc hai phần ba cuốn sách. Với lễ cầu ngư, Tổng lái lĩnh xướng cho hàng trăm người trên ghe.

Long bừng tỉnh khi thấy ai kéo nhẹ mền đắp, dậy đi Long! Mệt lắm hả? Có việc đây! Việc gì? Cảm giác bàn tay bà xoa đầu hồi bé thơ ở góc lều. Long đi ghe giúp ba Búp nhé!

6.

Cắn rồi anh Bảy! Có tiếng ở mũi tàu trong màn đêm như mực.

Có 3 người tới lo con cá này. An với Long và anh cụt một tay kéo dây câu. Con cá ngừ đại dương dù ở sâu thẳm nơi đáy nước nhưng nó khó chịu khi bị dong kéo lên. Ai cũng miệt mài vừa kéo vừa rung nhịp.

Máy kéo cước được mắc vào để tăng tốc vì con cá có biểu hiện nổi điên. Sợi cước rung lên bần bật. Đã qua mấy chục phút nhưng những cánh tay vẫn miệt mài thu cước. Ê thả xung điện xuống đi!

Ông Thiên ra lệnh. Một người thợ thả sợi cáp điện xuống theo cước. Thì ra đây gặp con cá ngừ to khỏe nó đang chống trả rất quyết liệt. Để lâu sẽ bứt mất. Phải thả điện cực xuống chích cho nó tê dại. Lên gần mặt nước con cá ngừ vẫn chao đảo như mũi tên trong làn nước. Trên be tàu 3 thủy thủ sẵn sàng khấu để móc kéo… Ông Thiên đi ở be tàu cầm móc sẵn sàng.

Anh Bảy! Tiếng anh thợ tay cụt kêu to. Anh vòng sợi cước vào phần tay còn lại giữ chặt. Sợi cước siết chặt cẳng tay anh rướm máu nhưng anh vẫn giữ.

Long cùng An đưa móc xuống lùa cá nhưng đều trật lất. Ông Thiên bực mình nhảy ra cầm móc. Chợt con tàu chao nghiêng vì cơn sóng lừng làm ông chủ tàu mất đà rơi xuống biển. Chìm. Biển ngầu bọt máu. Mọi người chết sững chưa biết tính sao. An quay đi thầm run rẩy.

Một người ném phao xuống và nhảy ùm xuống, đó là Long. Mặt biển ngầu bọt và máu không phân biệt được đâu là cá, đâu là người. Cả tàu hoảng loạn. Một lúc trên mặt nước xuất hiện người và cá… Long xốc nách ông Thiên giữ thăng bằng. Cả hai mặt đẫm máu.

Mũi ghe gần bến chúi xuống lạy đình. Con bé Búp bước tới… Ông Thiên đỡ Long dậy nói âu yếm, dậy đi chàng trai, tới đình rồi!

(thanhnien.vn)