Vượt qua

18.03.2022
Kiều Bích Hậu
Vân gắp miếng lưỡi lợn đưa vào miệng, chưa kịp nhai dập miếng thịt luộc ngon lành, thì thằng nhỏ ngồi trong lòng chị đã thò tay vào miệng chị hòng móc miếng thịt ra.

Vượt qua

Minh họa NSND Lê Huy Quang

Vân ngoảy người sang trái, tránh con để cố nhai nuốt trọn miếng ăn, thì thằng bé giang tay tát mạnh vào má chị. Vân nảy đom đóm mắt. Cú tát như trời giáng. Cơn giận chợt xộc tới chiếm đoạt chị. Chị đứng vọt lên, cố tình khiến thằng con 3 tuổi rơi phịch như bao gạo xuống đất, khóc ré.

- Thằng chó con này, sao bữa ăn nào mày cũng hành mẹ!?

Vân chỉ quát lên được có thế, rồi òa khóc. Chị ngồi thụp xuống nền nhà ôm lấy thằng con trai. Nó vừa khóc rống lên vừa vung cả hai tay đấm, tát liên hồi lên mặt chị.

- Vân, em để anh giữ con. Em ngồi ăn cho xong bữa đi. – Tần, chồng Vân vừa nói, vừa cố kéo con trai ra khỏi tay vợ.

- Thế này thì em làm sao nuốt nổi cơ chứ! – Vân nức nở - Con trai tôi làm sao hở trời!?

- Tại sao mẹ đẻ em Võ làm gì!? – Bé Linh, con gái đầu lòng của Vân bỏ bát cơm xuống, nét mặt cáu kỉnh –Em ác như con quỷ ấy. Con không muốn có em đâu! Mẹ mang em cho nhà người khác đi. Con ghét nó!

- Đừng nói em thế, tội nghiệp! – Tần gắt nhỏ - Em còn đang bé, chưa biết gì, lớn lên bằng con, em sẽ ngoan hơn!

Vân chạy vào toilet, đóng chặt cửa. Chị không muốn tiếp tục cuộc đối thoại kinh khủng ấy giữa những người thương yêu của mình, mà đến bữa ăn nào cũng lặp đi lặp lại. Dường như càng ngày càng khiếp đảm hơn. Thằng con trai thứ mà chị sinh ra, cả họ đã mừng như bắt được vàng, khiến chị thấy mình được gia đình bên chồng kiêng nể hơn, thì mỗi ngày qua đi, lại càng trở nên bất thường. Ba tuổi rồi, mà con chẳng thèm nói nửa lời, thay vào đó chỉ la thét chói lói vỡ óc nếu có gì bất ý. Nó cũng chẳng chịu ăn gì khác ngoài món thịt. Trên mâm cơm mà có đĩa thịt, nó sẽ giằng lấy, ôm vào lòng ăn ngốn ngấu, không để cho ai miếng nào. Nếu có ai vội gắp được miếng thịt, bỏ vào miệng rồi, con cũng móc ra bằng được để ăn!Mới lên ba, mà con đã nặng 25 kg.Mọi người gọi nó là “người vuông”.Là mẹ, kề cận con 24h/ngày, Vân có linh cảm chẳng lành. Sau lần thử gửi con vào nhà trẻ không thành, vì cô giáo phàn nàn con không chỉ giành hết món thịt của các bạn, còn vô cớ đánh bạn tàn nhẫn, khiến các phụ huynh khác kiện cáo tùm lum…, Vân đành cho con ở nhà, nghỉ hẳn công việc ở bưu điện để trông con. Và càng gần con, chị càng chịu trận ác liệt nhất. Mặt chị luôn tím bầm vì bị con đấm, tát. Cánh tay chị chi chít vết răng cắn của con… Phải chăng kiếp trước chị nợ con quá nhiều!?

Tần giang tay đập mạnh lên cửa phòng ngủ:

- Vân ơi, mở cửa cho anh đi nào! Em không thể như thế này mãi được. Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết.

Vân cố mở mắt.Nhưng hai mí mắt chị như bị đẩy chịt lại không mở nổi. Hai ngày hai đêm chị đã chốt cửa, nằm khóc lụt lội sau khi nhận tin dữ từ bác sĩ: thằng Võ con trai chị bị chứng tự kỷ! Đó là thứ bệnh quái quỷ chung thân, hiện chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để chữa lành… Những lời của bác sĩ nhảy lộn xộn trong não chị.Tại sao lại có thứ bệnh kỳ quái thế, mà lại vận vào con trai chị, đứa con chị tự hào và đặt cả kỳ vọng cuộc đời mình? Kiếp trước chị ăn ở thế nào? Chị đã gây nên tội gì?

- Vân ơi, em thương con, thương anh chút được không em! – Tần vẫn nhẫn nại gõ vào cửa gọi vợ.

Vân chống tay ngồi dậy, chị hoa mắt, nền nhà đảo ngược lên trên. Vân cứ thế ngồi im lặng, mắt nhắm chặt.Nếu chị mở cửa ra, thằng con sẽ nhào vào chị, sẽ đấm, sẽ tát, sẽ cắn, sẽ gào thét toạc màng nhĩ, sẽ tra tấn chị cả đời, đến chết… Chị muốn bỏ đi thật xa.Đi đâu bây giờ?

Vân lảo đảo bước ra mở cửa, chị thấy chồng chị đứng đó, thất thần, tóc anh sau hai đêm dường như bạc trắng. Đau nhói tim, chị lặng lẽ ôm chặt lấy anh, nước mắt lại tuôn như thác. Nước mắt ở đâu mà lắm thế, dường như nước mắt cả cuộc đời này chỉ đổ nốt lần này thôi.

Anh ôm chị, vỗ về:

- Em ơi, đừng buồn thế. Có anh ở đây rồi. Anh tin nhất định phải có cách nào đó cứu con. Chỉ cần em vững tin, ở nhà trông con, anh sẽ tìm bằng được bác sĩ giỏi chữa cho con, dù có phải đi cùng trời cuối đất.

Vân nghẹn ngào, chị muốn nói một điều thật quan trọng với anh, nhưng không mở miệng nổi, nếu chị mở miệng, sẽ chỉ có tiếng nức nở trào ra mà thôi.

Hai vợ chồng chị thống nhất kế hoạch, anh sẽ nghỉ việc ở Quảng Ninh, chuyển lên làm việc mới ở Hà Nội, có mức thu nhập cao gấp đôi, để lo đủ cho 4 người trong gia đình. Vân sẽ chuyên tâm ở nhà chăm sóc hai con, và tìm hiểu rõ bệnh tình của con, cũng như nơi điều trị hiệu quả nhất cho con. Ban đầu, chị hỏi han những người quen, nhưng họ biết rất ít thông tin về tự kỷ. Chị tham khảo thông tin trên mạng internet, thì càng đọc, lại càng tuyệt vọng, bởi những kết luận chẳng mấy sáng sủa về bệnh này của giới y học, bởi những lời than vãn bất tật của các bậc cha mẹ có con đồng bệnh, bởi những trung tâm quảng cáo quá mức về phương pháp can thiệp của họ, với mức phí trên trời…

Chị suy nghĩ, nếu đã là bệnh, thì chỉ có giới chuyên môn y học là giỏi nhất, cho dù họ có thể chưa trị dứt bệnh, thì cũng sẽ làm giảm bớt phần nào triệu chứng, nên chị đưa con đến một bệnh viện uy tín nhất ở Quảng Ninh. Sông, vị bác sĩ điều trị trực tiếp cho con chị tại bệnh viện, gợi ý thêm liệu trình can thiệp cải thiện chức năng tại một cơ sở tư nhân bên ngoài, do một chuyên gia tự kỷ mở ra, Vân cũng gật đầu đồng ý. Dẫu biết chi phí cho cả việc điều trị tại bệnh viện và liệu trình can thiệp bên ngoài mỗi tháng mất hơn mười triệu đồng, nhưng Vân không tiếc của. Chị có thể đầu tư chữa bệnh cho con cả một năm, hết hơn trăm triệu đồng, hết cái sổ tiết kiệm của hai vợ chồng phòng khi có việc trọng đại.Hết rồi tính sau, miễn là con chị giảm bệnh.

Điều trị theo hai liệu trình song song được ba tháng, thì Võ có chuyển biến, ngủ đêm tốt hơn, biết đi tiểu tiện, đại tiện đúng chỗ. Nhưng con vẫn không nói được lời nào, vẫn chỉ ăn độc món thịt, và không may làm sao, con lại đánh mẹ nhiều hơn, đánh lấn sang cả chị ruột. Có lần, Võ thình lình nhấc ghế phang chị gái, làm rách trán, chảy rất nhiều máu, khâu 5 mũi.Sau lần ấy, Vân phải cho con gái về ở với bà ngoại, cách ly hẳn khỏi đứa em bất trị. Con bé rất tức giận, nó đã nói sẽ thù em suốt đời, không bao giờ muốn nhìn thấy em nó nữa!

Thời gian qua đi, Võ như có sức mạnh phi thường, con nhấc được cả những vật rất nặng, nâng cả cái bàn nước ném vỡ toang ti vi. Vân phải dọn dẹp bỏ gần hết đồ đạc trong nhà, tối giản để tránh thương tích cho con và cho mình.

- Tại sao trị liệu thế này mà con tôi ngày càng hung dữ? – Chị hỏi chuyên gia trị liệu.

- Nếu không trị liệu, con chị còn hung dữ gấp năm lần - Chuyên gia đáp.

Điều trị được hơn mười tháng, sổ tiết kiệm sắp hết, mà tình trạng của Võ chẳng mấy sáng sủa. Võ đã nặng hơn 30 kg, thực sự là người vuông. Con ăn một ngày cả cân thịt mà vẫn gào thét đòi thêm. Nếu con đòi thịt mà mẹ kiên quyết không cho, con sẽ nổi xung, xông lại hành hung mẹ.Có lần sơ ý, chị bị con đấm vào đầu tưởng vỡ sọ.Chị ngã ngất, đến khi tỉnh dậy đầu đau như búa bổ, phải vào viện điều trị 5 ngày.Chị quyết định ngừng điều trị cho con ở bệnh viện và cả trung tâm trị liệu của vị chuyên gia kia.

Giữa lúc ấy, thì chồng Vân báo cho chị, rằng anh tìm được một cơ sở can thiệp tự kỷ rất danh tiếng ở Hà Nội, nhưng họ chỉ can thiệp theo giờ, mỗi giờ chi phí 1 triệu đồng. Vân nghĩ, nếu chọn cách can thiệp ở đó, chị phải lên Hà Nội cùng con một thời gian, phải thuê nhà trọ, lại tốn kém thêm. Mà tiền tiết kiệm lại chỉ còn hơn ba chục triệu đồng. Nghe nói phải can thiệp chừng nửa năm mới có kết quả, chị cũng mong muốn theo cách này lắm, nhưng sẽ phải vay tiền. Hay là chị tìm cách gì kiếm đủ tiền đã rồi mới đưa con lên Hà Nội?

Vân thuê một chàng trai đi xe ôm hay đứng ở đầu ngõ nhà chị, trông con cho chị một ngày, chấp nhận trả phí 500 ngàn đồng, để chị đến một công ty thực phẩm chức năng tìm hiểu sản phẩm và điều kiện để làm đại lý phân phối. Nếu việc này hợp với chị, thì chị sẽ nhận làm, vừa làm vừa trông con ở nhà được, vừa có thêm kinh phí để tích lũy chữa bệnh cho con ở Hà Nội.

Trò chuyện với giám đốc marketing của công ty thực phẩm chức năng, Vân thấy rất hào hứng và những chia sẻ trải nghiệm thành công của anh ta trong công việc ở đây.Đang lúc tìm hiểu về điều kiện để được nhận làm nhà phân phối cho sản phẩm của công ty thì điện thoại của Vân réo. Cậu xe ôm gọi chị:

- Chị về gấp mà trông cháu đi.

- Ơ, tôi thuê cậu trông cháu cả ngày mà! – Vân ngạc nhiên.

- Em chịu, không thể nào trông được thằng bé này. Nó đánh người tởm luôn. Em không cần lấy phí đâu. Chị về ngay nếu không em bỏ nó ở nhà một mình đấy!

Vân đành quày quả trở về nhà sau khi anh chàng giám đốc marketing kiahứa sẽ tư vấn cho chị qua điện thoại về công việc làm đại lý bán hàng.

Quả thực, Vân thấy ân hận khi về đến nhà, nhìn má cậu xe ôm sưng u lên. Chắc là con trai chị đã tương thật lực quả đấm thép của nó vào đấy. Chị móc ví tiền định cứ đưa cả 500 ngàn đồng cho cậu ta dù cậu ta chưa trông con chị đủ một ngày như giao hẹn. Nhưng khi chị ngẩng lên, cậu ta đã cao chạy xa bay, chắc cậu ta quá khiếp đảm trước thằng nhóc thảm họa này, không thể nán lại thêm dù chỉ một giây để nhận tiền bồi dưỡng. Vân thở dài, nhét lại tiền vào ví.Thôi để lúc nào ra ngõ gặp cậu ta ở đấy thì đưa tiền sau vậy. Chị đã thực sự thấu hiểu, và sẽ không bao giờ kêu ca tại sao các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ cứ hét vống chi phí lên như thế. Họ có lý của họ. Như cậu xe ôm kia, mới trông con chị chưa đầy nửa buổi, đã bỏ của chạy lấy người! Với những đứa trẻ tự kỷ như con chị đây, không thể gọi là trông trẻ được, mà thực sự là chịu đựng tra tấn. Nếu không phải là cha mẹ thực sự của đứa trẻ tự kỷ, thì tại sao họ phải chịu đựng tra tấn?

Bụng đói cồn, chị lừa nhốt thằng con vào căn phòng không đồ đạc, rồi bật bếp định nấu nhanh nồi mỳ cho mình ăn cả ngày và luộc thịt cho Võ.

Rửa thịt, chị cho vào nồi, bật bếp lên, rồi xách phích nước sôi định rót vào nồi luộc thịt cho nhanh chín, thì điện thoại chị réo inh ỏi.Nhìn vào thấy số điện thoại của chồng, nghĩ là việc gấp, chị vội đặt phích nước xuống, bật loa điện thoại lên nghe.

- A lô – giọng lạ trong điện thoại nghe gấp gáp – chị là người nhà của người có số điện thoại này phải không?

- Ơ, sao anh cầm máy của chồng tôi?! – Vân thảng thốt – Có chuyện gì thế?

- Chồng chị bị xe container cán trên đường quốc lộ 5, đoạn phố Nối, chị đến ngay, tôi chỉ là người đi đường, lấy điện thoại của anh để báo thôi.

Vân lảo đảo vịn vào kệ bếp, chị không muốn tin vào điều vừa nghe, một cơn đau thắt tim trở lại khiến chị ngồi thụp xuống.

- A lô. Chị có nghe thấy không đấy, đến đoạn phố Nối nhé. Công an họ cũng vừa đến rồi đây.

Tiếng người nói phập phồng, tiếng còi xe cấp cứu, Vân hoa mắt xây xẩm. Chị thoáng thấy dáng chồng chị nằm, gày gò, lọt thỏm giữa gầm chiếc xe hàng khổng lồ! Không thể như thế được.

Vân không còn nước mắt để khóc chồng. Vành khăn tang trắng mà mẹ chị run rẩy gài lên đầu cho con gái, cứ thít lại như cái vành thép lửa.Mẹ chị ôm chị, bảo chị cứ khóc đi, nhưng chị không thể nào chắt nổi một giọt nước mắt ra khỏi người.Người chị khô quắt lại.Tại sao chứ? Anh đã hứa là bên em suốt đời này! Anh đã hứa là tìm ra nơi chữa bệnh cho con.Tại sao anh lại bỏ trốn đi như thế? Mà không nói với mẹ con em một lời nào? Tại sao anh dám bỏ em lại một mình trong cảnh này! Em làm sao chịu được hỡi anh ơi!

Nếu ông trời muốn thách thức con, thì ông thắng rồi đấy! Ông quả là giỏi bày trò để hành người!

Vân sốt nóng li bì.Suốt cả tuần chị nằm phòng cấp cứu bệnh viện. Mẹ chị ở bên, nắm tay chị vuốt nhẹ.

- Con gái ơi, con mà bỏ đi nốt theo chồng, thì mẹ già biết làm sao với hai đứa con thơ của con? Con thương mẹ, thương hai đứa nhỏ, nó có tội tình chi đâu.

Bà già ngừng lại một lúc, thở dài, nhìn mí mắt khép chặt của con. Bà biết Vân vẫn đang nghe nên rủ rỉ tiếp:

- Chuyện gì rồi cũng sẽ qua con ạ. Con là niềm hy vọng của cả nhà ta. Con đừng lo quá, mẹ sẽ nuôi bé Linh đến khi nó 18 tuổi. Bà già hứa với con. Mà già này đã làm được việc đó, thì con cũng phải làm được việc chăm nuôi và chữa bệnh cho thằng Võ. Mẹ tin là nó sẽ khá hơn. Nhìn mắt nó mẹ biết. Lúc hạ huyệt bố nó, mắt nó nhìn rất lạ, bố nó sẽ run rủi để nó gặp thầy gặp thuốc. Chỉ cần con vượt qua…

Vượt qua ư?Bằng cách nào đây? Ánh mắt của Võ lúc ấy, như khoan vào ba thước đất, như khoan vào tim chị. Một giọt nước lấp lánh ngập ngừng rỉ ra nơi góc mắt Vân. Bàn nay chị khẽ xiết tay mẹ. Vượt qua, phải rồi, vì con, chị sẽ vượt qua, bằng cả trí óc, cả trái tim, cả nỗi đau lớn trong lòng…

Sau đám tang của Tần, như có sự thức tỉnh, tất cả người thân, họ hàng hai bên của Vân và Tần xúm vào giúp mẹ con chị, người giúp tiền, người giúp thông tin, người nhận trông con cho chị những lúc chị cần, người hiến kế hay để xử trí lúc Võ lên cơn. Đặc biệt, một người anh họ của Tần đã mời Vân về làm quản lý cho đại lý công ty du lịch của anh ở Quảng Ninh với mức thu nhập cao để đủ chi phí sinh hoạt cho ba mẹ con và còn tài trợ tiền chữa bệnh cho Võ.

Vân nghĩ, liệu có phải chồng cô đã trở về bên cô, lặng lẽ qua bàn tay họ hàng, người quen mà trợ giúp cô không?

Cũng chính người anh họ tốt bụng đã giới thiệu cho Vân một trung tâm trị liệu bằng giáo dục cho trẻ tự kỷ, nhận nội trú. Dù rất tin anh họ, nhưng trước khi gửi con đi, Vân cũng tìm hiểu qua một số nguồn thông tin khác về trung tâm trị liệu nọ.Chị còn tìm đến tận nhà những phụ huynh có con học tại trung tâm để tham khảo. Chị ngạc nhiên xiết bao khi thấy những đứa trẻ tự kỷ khác, đồng bệnh như con chị, mà lại không hề giống con chị, chúng biết nói, dù chưa chuẩn xác lắm, và chúng lại còn biết giúp bố mẹ làm việc nhà, không còn bóng dáng của những hành vi hung dữ thiếu kiểm soát…

Vân yên tâm gửi con vào trung tâm đó. Dù thời gian đầu, chị nhớ con không ngủ nổi.Ở nhà, con hay đấm mẹ đau choáng váng, vậy mà kỳ lạ thay, khi con đi, chị lại nhớ con cuồng dại. Chị xin phép mẹ đón bé Linh về ở với mình để đỡ trống vắng, và tự nhủ phải vượt qua cảm xúc để con được trị liệu đúng đắn.

Đói con như đói cơm, cứ hở ra một phút rảnh là chị lại lo, chẳng biết các thầy cô ở trung tâm trị liệu kia có cư xử tốt với con chị hay không, nếu nỡ con chị choảng thầy cô, thì họ có đánh lại con chị hay không? Dù rất dằn vặt, nhưng rồi chị cứ nhịn, mỗi ngày qua đi mà chị nhịn được, để không mua vé đi đến trung tâm xem con ăn ở sinh hoạt thế nào, chị coi là một chiến thắng, chiến thắng chính mình. Nếu mẹ không vượt qua chính mình, thì làm sao chữa nổi bệnh cho con.

Một hôm, trong lúc đang làm việc, Vân nhận được điện thoại của Thầy giáo phụ trách riêng Võ.Tại trung tâm này, mỗi con được một thầy, hoặc cô phụ trách, đảm nhiệm việc làm cha, mẹ của con, chịu trách nhiệm với sự tiến bộ của con.Thầy báo rằng chị có thể được phép đến trung tâm thăm con.

Vân nghỉ việc một ngày để đi thăm con.Trên đường đi, chị hồi hộp nôn nao. Con chị trông sẽ thế nào? Nó có nhận ra chị không? Trong đời chị, chưa bao giờ xa con tới hai tháng như thế này.Cách nay hai tháng thôi, chị còn chẳng dám nghĩ là mình sẽ vượt qua nỗi nhớ con.

Vân được thầy giáo dẫn tới khu vực tập luyện của các con. Chị ngơ ngác đưa mắt tìm con trai. Trong số đông những đứa trẻ đang tập đứng thăng bằng trên ba con lăn này, chị sẽ dễ nhìn thấy con thôi, vì chẳng có đứa bé nào béo như con chị. Chị nhìn chằm chằm một bé bự con đang được một thầy giáo giữ tay để cố đứng thăng bằng trên con lăn, nhưng đó không phải là Võ.

- Con tôi đâu hả thầy? – Cuối cùng chị nóng ruột hỏi. 

- Ồ, chị không nhận ra con à? Võ đứng tập ngay hàng thứ ba đó! - Thầy giáo vung tay chỉ.

Vân nhìn theo tay thầy giáo. Chị nhìn thấy cậu bé ấy, đứng thăng bằng trên con lăn, đầu còn đội một chai nước, mắt nhìn hướng lên cao, hai tay giang rộng thăng bằng. Võ đấy ư?Sao người nó săn gọn, không còn vuông như trước?

- Được luyện tập 7 tiếng mỗi ngày, cháu giảm được 8 kg rồi và rất tiến bộ. – Như hiểu được câu hỏi thầm của Vân, thầy giáo giải thích.

Vân nhanh chóng tiến lại gần con, gọi nhỏ:

- Võ ơi, mẹ Vân đây.

Thằng bé tay tóm chai nước trên đầu, nhảy xuống khiến ba con lăn đổ lẻng xoẻng.

- M…mẹ Vơn! – Thằng bé thốt kêu, ôm chầm lấy mẹ, tiếng còn méo mó.

Vân run rẩy, chấn động trước tiếng gọi đầu tiên của con trai. Có thật không con vừa cất tiếng gọi mẹ? Con hãy gọi nữa đi con, gọi mẹ thật nhiều… Nước mắt chị trào ra.Đó là những âm thanh đẹp nhất trên đời dành cho chị.

Ôm ghì con, chị muốn quỳ xuống lạy người thầy đang đứng trước mặt mẹ con chị. Hình ảnh người thầy ấy bỗng đẹp hơn tất thảy mọi biểu tượng cao quý trên đời.Chị cũng biết ơn người chồng đã khuất, và mẹ chị, đã cho chị niềm tin để vượt qua.Nhiều cảm xúc quá mạnh ào đến, khiến Vân không thể cất nên lời. Tràn ngập trong tim chị là niềm biết ơn vô tận…

(arttimes.vn)