Những đứa con của gió

17.01.2024
Y Nguyên
Gió gầm gào, cuồn cuộn, đổ xô xuống sườn Tây của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Gió hổn hển vượt đèo, băng suối, luồn lách hối hả qua những tán cổ thụ đại ngàn. Gió men theo nhánh núi xoãi mình ra biển Đông, đắc thắng phi nhanh xuống đồng bằng.

Những đứa con của gió

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Nhọc nhằn của cuộc trường chinh đã khiến gió Nam Lào – lúc vượt khỏi sườn Đông – hóa ra hung hăng, cáu kỉnh. Suốt từ tháng 5 đến tháng 9 gió nóng hầm hập; gió khô không khốc. Những lốc gió xoáy tròn, giật trái, giật phải, dày vò không thương tiếc mọi vật cản trên đường. Đường sá mù bụi. Nhà cửa mù bụi. Đồng lúa con gái đương thì bón bao nhiêu phân vẫn cứ xác xơ, đỏ quạch. Gió thổi mờ mắt, rát mặt khách đi đường. Chỉ đến đêm gió mới tạm dừng cơn cuồng nộ. Gió mệt nhoài, thiếp ngủ để vạn vật kịp hoàn hồn, chuẩn bị sức lực chịu đợt tra tấn kế tiếp vào rạng đông.

…Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống cũng là lúc gió Tây Nam bắt đầu đuối sức. Gió trở nên hiền hơn, dịu dàng hơn như muốn an ủi, lưu lại chút tình với người, với đất trước khi xếp dọn hành trang, giã biệt đồng bằng. Nhưng không! Đó chỉ là sự lắng dịu, ve vuốt tạm thời của một cuộc bàn giao; bởi khi gió Tây Nam vừa im trống, xếp cờ thì đã thấy lao rao cái hơi hướm buốt giá khẽ khàng của ngọn gió mùa Đông Bắc. Trong màn mưa sầm sập trắng trời, gió bấc đổ về mỗi lúc một mạnh thêm. Không quay cuồng đỏng đảnh, gió bấc cứ hun hút, hun hút triền miên cả ngày lẫn đêm, mang theo hơi hơi lạnh của miền cực Bắc như cứa ruột gan người. Gió làm tím tái tay chân, làm khô nẻ những bờ môi thiếu nữ. Gió đuổi đàn chim di cư sải cánh mau hơn về phương Nam. Đêm đêm, gió rít qua mái nhà, rền rĩ ca vang bài ca bất tuyệt về nỗi gian truân của kiếp người.

…Không phải lúc nào gió cũng bạo cuồng, dữ dội. Cuối xuân, đầu hạ, gió nồm mát rượi đổ về trên sóng lúa rập rờn xanh. Những cánh diều chao lượn. những chiếc chong chóng quay tít mù. Thật bình yên. Nhưng rồi cũng chỉ là những khoảnh khắc bình yên. Những khoảnh khắc mong manh như chút bình yên của cuộc đời…

Làng tôi – từ xa xưa – đã có tên gọi: làng Gió…

***

Tương truyền, tổ tiên của họ Vũ là thần Gió. những đứa trẻ mang họ Vũ – khi bắt đầu tuổi ăn, tuổi chơi – đều được nghe kể rằng: Bà Tổ chín đời của dòng tộc là cô gái ngụ cư không cha không mẹ. Ngày ngày, nàng phải ra bãi mò cua, bắt ốc để kiếm cái ăn. Thuở ấy đất rộng, người thưa; cồn bãi suối khe còn hoang vu, không một bóng người. Cô gái nghèo khổ cứ suốt ngày lang thang cùng với gió. Nàng có giọng hát tuyệt hay. Khi nàng cất tiếng hát, vạn vật như sững sờ, vũ trụ như chết lặng – và những con thú dữ gặp nàng cũng trở nên hiền như đất. Nàng đâu biết rằng: cả thần Gió cũng bị mê hoặc bởi những thanh âm kì diệu kia. Những cơn gió – dù hung hãn, bạo cuồng cách mấy – cũng phải dịu đi, nguôi đi cơn tức tối trước giọng ca nàng. Rồi đến một ngày, thần hóa thân làm chàng trai dũng mãnh đến gặp nàng, thổ lộ tình yêu. Như những thỏi nam châm trái chiều chỉ chờ dịp lao vào nhau, mối tình giữa họ cũng nảy nở chóng vánh, cũng hừng hực đam mê, cũng bạo cuồng như nhịp phi của gió và đằm thắm, ngọt ngào như lời ca của cô thôn nữ đương thì. Cuộc giao hoan thần thánh diễn ra vào một đêm không trăng, giữa cồn bãi mênh mông, đong đầy những lời ru của gió. Người đàn bà thiếp đi, ngập tràn hạnh phúc; và trong giấc mơ, tai nàng còn nghe văng vẳng lời thì thầm tự không trung: Ta để lại cho nàng đứa con trai thần Gió. Con chúng ta sẽ trở thành Ông Tổ của một vọng tộc đất này. Hãy cố gắng nuôi dưỡng nó. Vinh quang và hạnh phúc đang chờ nàng…

Cũng tương truyền, cụ Tổ đời thứ 8 ra đời vào một ngày mưa to, gió lớn. Bàn tay trái cụ có dấu son in hình chữ “Vũ”. Cụ bà mới lấy chữ “Vũ” làm họ cho con. Vũ tộc khởi nguồn từ đó. Và sau này, những thành đạt, vinh quang – cũng như những đau thương, mất mát – của dòng họ đều khởi nguồn từ một chữ “Vũ” tiền định. Người họ Vũ, dẫu có tha hương hay cư ngụ chốn quê nhà, vẫn luôn nhớ mình là những đứa con của thần Gió…

***

Tôi sinh ra đời vào một buổi trưa tháng 5; một buổi trưa hầm hập những cơn gió Lào rát bỏng. Chưa khi nào gió Lào tháng 5 lại dữ dội đến thế. Không trung quằn quại, bị bóp nghẹt, rồi vỡ bung theo tiếng gầm gào của gió. Người ta đóng kín các cửa; nhưng gió vẫn luồn lách theo ống máng, theo những kẽ hở mái nhà, rít u u, xộc vào miệng mũi đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ, đang hớp hớp những hụm không khí cho phản xạ hô hấp đầu đời. Giấy khai sinh tôi mang tên Vũ Đại Phong. “Đại Phong” là gió lớn; và cuộc đời tôi cũng sóng gió chẳng kém cái tên mang đầy những dự cảm tiền định kia…

Vừa tròn ba tháng tuổi, mẹ tôi bệnh mất. Bố tôi như dại người đi vì nỗi đau. Ôm tôi trong tay, ông ngồi lì bên quan tài vợ, nhìn trân trân vào ngọn nến hồng leo lét. Mắt ông ráo hoảnh. Trong mắt in hình những giọt nến chảy dài, đông cứng trên mặt ván.

Chôn cất mẹ tôi xong, có người bà con xa ngỏ ý xin tôi về nuôi. Chòm xóm cho là ý hay, cố sức nói vào. Thật bất ngờ, bố tôi từ chối. Ông lạnh lùng: Nó mang họ Vũ; là con cháu của thần Gió. Nó phải lớn lên cùng với gió…. Như để hưởng ứng lời bố, ngọn gió ngoài trời chợt lồng lên, lao xao, đắc thắng như ngàn con tuấn mã hí vang một góc trời…

Mới bốn lăm tuổi đời; cái tuổi đang thời sung mãn; nhưng bố tôi không chịu tục huyền. Ông lẳng lặng làm việc, chịu đựng nhục nhằn để nuôi nấng anh em tôi. Ông chịu đựng nhục nhằn với một nghị lực hung bạo, tàn nhẫn; và tôi – thằng Vũ Đại Phong – đã lớn lên, đã trưởng thành từ đôi tay chai sạn của bố, từ những bát cơm mặn mồ hôi bố, từ chiếc roi mây dài mà bố sử dụng không nương tay mỗi khi tôi tỏ ra yếu đuối, đớn hèn…

***

Gia phả họ Vũ ghi rằng: Cụ Tổ đời thứ tư là một võ tướng lừng lẫy. Nhưng con trai ông – Cụ Tổ đời thứ ba – lại không mê chuyện đao thương, côn quyền. Cụ Tam Đại chọn nghiệp văn chương. Cụ đã từng lều chõng đi thi, đậu tiến sĩ, được bổ chức Hàn lâm tu thư, làm việc tận kinh đô. Chốn quan trường muốn no cơm ấm cật, vinh thân phì gia phải biết nhẫn nhục, cúi luồn. Cụ Tam Đại đẫu chọn nghiệp văn nhưng vẫn mang họ Vũ. Cái cốt cách ngang tàng của hậu duệ thần Gió đã khiến cụ không được lòng cả người trên lẫn kẻ dưới. Trong triều, các vị đại thần lắm phen phải bầm gan, tím ruột khi nghe những vần thơ châm biếm; những vần thơ đá động đến chuyện riêng tư không lấy gì làm tốt đẹp của các vị. Nghề đời, kẻ bẩn không thích thằng sạch, kẻ dở không thích thằng giỏi. Nếu thằng giỏi lại là cấp dưới của mình thì càng quá lắm!

Chưa có cớ chính đáng để trả đũa, các vị đành nuốt giận, kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Và đây; thời cơ đã đến:

Nhân tiết xuân, hoàng thượng ngự giá cùng văn võ bá quan ra ngoài thành đi dạo. Giữa đất trời rộn ràng xuân sắc, vua cao hứng mở cuộc thi uống rượu, đề thơ. Vị tiến sĩ trẻ người non dạ – trong lúc chuếnh choáng hơi men – đã đọc bài thơ tức cảnh, trong đó có hai câu: Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (*)… Lập tức, một vị đại thần bước ra rũ áo, khom lưng: Tâu thánh thượng, cần nghiêm trị kẻ làm thơ phản nghịch…. Tại sao? Trước mặt đấng chí tôn mà hắn dám tuyên bố: chỉ cúi đầu trước hoa mai. Thật là đại nghịch! Một vị khác theo chân: Còn nữa; tâu thánh thượng; hắn là quan văn; hắn “cầu cổ kiếm” để làm gì – nếu không phải là muốn làm loạn…. Các vị còn lại đồng loạt nhao nhao: Phải nghiêm trị, tâu thánh thượng! Vậy là Cụ Tổ tôi bị lột hết mũ áo, bị đục tên khỏi bia tiến sĩ, bị tống ngục.

Ngày giải cụ ra pháp trường, hoàng đế – vốn tiếc tài năng của viên quan trẻ – đã cho người thân tín đến khuyến dụ: Nếu khanh chịu thành khẩn, ăn năn – tội chết có thể miễn…. Cụ Tổ tôi vẫn khẳng khái vươn cổ chịu chém. Bức huyết thư Cụ để lại cho vua có đoạn viết: …Thần chỉ có một cái đầu và một tấm lòng son dâng lên hoàng thượng. Đời người, ai cũng một lần chết. Máu của họ Vũ không thể bị bôi bẩn…

Vợ con kẻ loạn thần được khai ân tha về quê quán. Và Cụ Cố tôi đã chào đời khi những giọt nước mắt tóc tang còn chưa ráo trên khuôn mặt người góa phụ trẻ vừa trải qua cơn ác mộng hãi hùng…

***

Anh cả tôi – Vũ Đại Vũ – là sĩ quan quân đội. Anh cao lớn, khỏe mạnh, tinh thông cả thập bát ban võ nghệ. Thời trẻ, anh từng suýt được chọn vào đội tuyển võ thuật quốc gia; nhưng bố tôi phán – giọng lạnh như băng: Tao dạy võ cho mày để làm chiến binh; không phải để múa may trên sàn diễn! Vốn khí chất hiền lành, anh cả răm rắp tuân lệnh bố, chọn con đường binh nghiệp. Anh cần mẫn hoàn thành chức trách, thăng tiến đều đều. Bố tôi ưng bụng lắm. Ông không bao giờ buông nửa lời khen; nhưng mỗi lần nhìn anh, mắt bố tôi sáng rực, đầy vẻ mãn nguyện.

Anh thứ tôi – Vũ Đại Lộc – vốn không mấy có năng khiếu võ nghệ. Sợ bố, anh cũng phải tập luyện cầm chừng. Nhưng võ công của anh – gắng lắm – cũng chỉ dừng ở mức… tự vệ. Bố tôi thường lầu bầu: Thằng này chắc rồi chẳng nên cơm cháo gì! Thi trượt hai lần vào đại học quân sự, anh hai rụt rè xin bố cho thi trường kĩ thuật. Bố tôi không cản; ông chỉ thở dài: Thôi! Tìm một nghề kiếm cơm cũng được, tao không cấm; nhưng đừng dính chuyện tranh danh đoạt lợi…. Vậy là anh hai tôi sổ lồng. Anh vốn có máu mê kĩ thuật từ bé!

***

Nói sang chuyện tôi. Tôi – Vũ Đại Phong – là một đứa con hoang. Trong ba anh em họ Vũ, tôi có duyên nợ nhiều nhất với chiếc roi mây của bố. Nếu không tin tưởng vào lòng chung thủy của người mẹ quá cố, hẳn bố có thể sẽ nghi ngờ tôi không phải họ Vũ…

Nghe kể lại rằng: lúc bé, mỗi khi có chuyện tức giận, tôi lại nhắm mắt, há miệng, gào đến tím tái cả người. Dữ như bố tôi cũng không thể bắt tôi nín khóc. Anh cả, anh hai phải thay phiên nhau dỗ dành hàng buổi mới êm.

Tôi biết nói rất sớm. Mười tháng đã bập bẹ. Đầy tuổi tôi đã nói được những câu ngắn. Không hiểu do mất mẹ sớm hay do tinh lực dồn cả lên miệng mà thân thể tôi ốm yếu, gầy còm, kém xa các anh. Thiên hạ gặp tôi vẫn trêu đùa: Thằng này nướng một lửa thì sống; hai lửa thì… khét!

Ở trường, tôi học không đến nỗi tồi; nhất là môn văn và những môn… rách việc (theo cách gọi của bố tôi) như vẽ vời, hát hỏng. Khổ thay, không phải cái gì tôi cũng… thông thái. Tôi có thể nhắm mắt đọc thuộc vanh vách bài thơ dài 20 câu; nhưng lại không thể nhớ nổi một bài quyền tứ trụ sơ đẳng mà bố tôi truyền thụ. Sau mấy buổi tập tành không đâu vào đâu – kèm thêm vài trận roi mây vô hiệu quả – bố tôi lắc đầu, chán ngán: Thôi dẹp! Thây kệ mày…. Dù vẫn yêu tôi; một tình yêu xuất phát từ máu thịt, từ những thiệt thòi mà tuổi ấu thơ tôi phải chịu; nhưng bố tôi hoàn toàn thất vọng. Dưới mắt bố, tôi là một thằng vô tích sự. Tôi thiếu những cái bố cần và có những cái bố không cần…

***

Có thể đoán trước rằng: bố tôi không đồng ý với quyết định của tôi; nhưng cơn tức giận của ông – quả tình – tôi chưa lường được. Nhìn tấm giấy báo tập trung Đại học tổng hợp Văn, mặt bố tím lại. Ông gầm lên:

-Không được! Tao cấm!

-Nhưng thưa bố…

Nắm đấm bố tôi nện đánh uỳnh xuống bàn. Nội lực chân truyền của Vũ gia cộng với công phu khổ luyện 50 năm đủ sức làm thớt gỗ lim 4 phân nứt toác. Giọng ông như dao chém đá:

-Không nhưng nhị gì cả! Mày có thể đi làm thợ mộc, thợ nề… tao kệ; nhưng con cháu họ Vũ không được dấn thân vào nghề văn…. Mày nghe rõ chưa?

Thật vô lí quá thể. Tôi bật khóc. Nhìn những giọt nước mắt của tôi, bố dịu lại. Ông thở dài, giọng buồn hẳn:

-Con ơi! Con không biết rằng tai ương lớn nhất của Vũ gia đến từ nghiệp văn chương sao con?

Nhận được thư tôi, anh cả từ đồn biên phòng phía Bắc; anh hai từ thành phố phía Nam đều hộc tốc bay về. “Hội nghị gia đình” diễn ra sau bữa cơm tối. Nghe hai anh thay phiên “vận động” cho tôi, bố chỉ im lặng, rít thuốc lào sòng sọc. Rồi ông đứng dậy, vào buồng. Lát sau ông trở ra, áo the, khăn xếp chỉnh tề, đến trước bàn thờ thắp hương khấn vái. Chúng tôi nhìn nhau, tái mét.

Cháy hết nửa tuần hương, bố tôi đứng dậy, tiến đến tủ thờ. Ông mở khóa, trịnh trọng lôi ra cái tráp sơn đen, đặt giữa bàn… Nắp tráp bật mở. Bên dưới những văn tự ruộng đất, sắc phong vua ban… là một cuộn giấy dó ngả vàng; bên trong chi chít cổ ngữ viết bằng mực Tàu đen nhánh.

-Chúng mày đọc đi. Không đọc được à…. Vậy, để tao đọc…

Thật khủng khiếp. Cứ như trên mây rớt xuống. Từ bé, chúng tôi chỉ thấy bố nai lưng làm lụng, luyện võ – có nghe ông nói đến chuyện chữ nghĩa bao giờ. Vậy mà ông đọc nguyên bản Hán tự vanh vách; sau đó dịch nghĩa nôm. Thì ra, đó là bản di chúc của Cụ Cố – đứa con trai thoát chết sau vụ oan án Vũ gia năm xưa. Di chúc có đoạn viết: …họ Vũ phát tích từ dòng võ tướng, phải tiến thân bằng nghiệp võ. Nếu theo nghiệp văn, tất bị tuyệt diệt. Hậu duệ kẻ nào trái lời sẽ bị truất khỏi dòng tộc…

-Chúng mày còn gì để nói nữa không?

Anh cả, anh hai im lặng. Rõ ràng, các anh đã thua cuộc. Hốt nhiên, có ngọn gió chợt lồng lên trong ngực tôi. Có thể là ngọn gió Lào rát bỏng tôi trót hớp phải lúc chào đời. Cũng có thể là ngọn gió bất khuất mà tổ tiên tôi – thần Gió – đã truyền cho con cháu. Bố tôi – Vũ Đại Quyết – là con của thần Gió. Nhưng tôi – Vũ Đại Phong – tôi cũng mang họ Vũ, cũng là con thần Gió. Tôi đứng phắt dậy, giọng khàn khàn:

-Thưa bố, tiền nhân không phải bao giờ cũng đúng. Ý con đã quyết; bố không cản được con đâu…

Bố tôi lạnh lùng:

-Vậy thì… anh không còn là con cháu họ Vũ nữa.

Chỉ tay ra phía cửa, ông gằn giọng:

-Cút!

Tôi vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại bố. Không bao giờ…

***

Tôi lao theo cơn lốc cuộc đời. Tôi bị cuốn tròn, bị quăng quật, tả tơi không còn manh giáp. Và khi gượng dậy được, chính tôi – Thằng Vũ Đại Phong – cũng đã biến thành cơn lốc; cơn lốc được tạo nên từ những ngọn gió Nam Lào rát bỏng, từ những ngọn gió bấc hun hút thấu xương. Bốn năm vất vưởng ở trường đại học, tôi đã sống bằng cơm; không phải của anh cả mà là của anh hai; cái thằng “rồi chẳng nên cơm cháo gì” như bố tôi thường gọi. Anh hai bây giờ là kĩ sư điện, thu nhập khá. Suốt bốn năm trời, anh phải cắn răng làm việc – không dám nghĩ đến chuyện vợ con – giấu diếm gửi tiền nuôi tôi ăn học. Anh cả thi thoảng mới gửi được dăm đồng “cho em tiêu vặt”. Đồng lương lính chiến của anh xoay xở chừng ấy đã mệt.

Còn bố tôi ư?

Mỗi bận về thăm nhà, anh cả, anh hai – thậm chí – không dám nhắc đến tên tôi trước mặt bố. Bố tôi là một ngọn gió… không, là cả một trận cuồng phong. Trận cuồng phong ấy, trên đường di chuyển, sẵn sàng quăng quật, nghiến nát không buông tha mọi vật cản. Hình như thằng Vũ Đại Phong – kẻ dám cãi lời bố, dám chống lại di huấn của tổ tiên – đã chết, đã không còn tồn tại trong mắt bố. Ngày ra trường, tôi có gửi thư kèm bản photo tấm bằng cử nhân cho bố; nhưng bưu điện đã gửi trả chiếc phong bì còn nguyên chưa bóc. Lí do: nhầm địa chỉ. Nghe kể: từ dạo ấy, bố tôi già đi, suy sụp hẳn…

Không, tôi không còn giận bố. Ngày bố đuổi tôi ra khỏi nhà, quả tôi có giận; cơn giận của nỗi đam mê tuổi trẻ vấp phải lực cản phi lí (hay ít ra tôi; thằng-tôi-mười-tám-tuổi; cho là phi lí). Nhưng khi cái thằng tôi đã đến tuổi “nhi lập”, đã nếm khá nhiều nỗi đau đời, thì những chuyện phi lí ngày nào bỗng trở nên hơi hơi… có lí. Tôi đã vấp ngã, đứng lên, rồi lại vấp ngã. Những cú “ngã ngựa” choáng người, đau xé đến tận óc. Còn may, tôi chưa bị đưa ra pháp trường như Cụ Tổ họ Vũ. Mỗi lần ngã ngựa, tôi lại gượng đứng lên, tả tơi, thâm tím, nhưng vẫn sống; sống để khẳng định rằng tôi là con thần Gió; sống để hiểu và thương bố tôi hơn…

Vừa nhận tiền thưởng tác phẩm đoạt giải, tôi đến cơ quan xin nghỉ phép, rồi thu xếp đồ đạc, vù ra ga. Tôi đã quyết định. Tôi phải về làng Gió; không phải để “vinh quy bái tổ” mà là để gặp bố; để thưa với bố rằng: dẫu bố không thừa nhận tôi thì tôi – thằng Vũ Đại Phong – vẫn là con của bố; vẫn còn giữ được cái đầu và chưa đến nỗi làm nhơ dòng máu những đứa con họ Vũ!

Cậu bạn cùng cơ quan đuổi kịp tôi ở sân ga, chìa ra bức điện khẩn. Bức điện vẻn vẹn mấy từ: Bố mất. Em về gấp…

***

Chiều. Bên nấm mồ mới đắp, ngọn lửa cháy bập bùng, soi rõ từng đường nét khắc khổ trên khuôn mặt 3 anh em nhà Vũ Đại.

Anh cả tôi chợt có cử chỉ lạ. Anh nghiêng người, đưa tay lên cổ nhẹ nhàng gỡ đôi quân hàm 4 sao 2 vạch trên ve áo. Anh nâng niu, cẩn trọng; sau đó đột ngột ném chúng vào lửa. Anh hai bất giác cũng mở cặp táp, lôi ra tập luận án phó tiến sĩ…

Đến lượt tôi, tôi ném vào lửa cuốn tiểu thuyết vừa được giải. Cuốn tiểu thuyết có nhan đề: Những bài ca của gió.

Ngọn lửa chợt bùng lên, bốc cao trong buổi chiều nghĩa trang ảm đạm. Gió từ đâu ùa về, cuốn tung từng cột khói lên cao, cao mãi. Bất giác, chúng tôi đứng cả dậy, mắt ngước lên trời. Sau những lượn khói chập chờn, rõ ràng, tôi nhìn thấy bố tôi; tôi nhìn thấy ông tôi; tôi nhìn thấy tất cả các bậc tiền hiền của Vũ gia đang tựu tề đông đủ trong ánh chiều, đồng thanh cất cao bản hùng ca của gió…

 

(vanvn.vn)