Chùm thơ Đặng Bá Tiến: Lời chiêng từ đất

16.03.2022
Nhà thơ Đặng Bá Tiến sinh năm 1952, quê quán Hà Tĩnh, hiện sống và sáng tác ở Buôn Ma Thuột, Chi hội trưởng Nhà văn Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Đặng Bá Tiến là tác giả sáu tập thơ đã xuất bản, mới nhất là tập Linh hồn tiếng hú. Tình yêu Tây Nguyên tạo nên không gian thơ Đặng Bá Tiến hàm súc, giàu năng lượng và sắc thái văn hóa: “Thoát ra từ kẽ đất ba-zan, tiếng chiêng ngái ngủ, ngượng ngùng, dụi mắt và ngơ ngác nhìn những người com lê, cà vạt, những tòa nhà cao tầng phọt ra âm thanh chát chúa của “rock thế giới”, “rock Tây Nguyên”…” Và cả nỗi đớn đau, tiếc nuối về một Tây Nguyên đang dần bị mai một mất mát: “Tiếng hú xưa/ giờ như cứa vào tim/ còn đâu/ tìm đâu tiếng hú?/ Già Ây Nô ơi/ già Khăm Xay ơi/ đừng thức nữa/ chỉ linh hồn tiếng hú/ vọng/ trêu ngươi…”

Chùm thơ Đặng Bá Tiến: Lời chiêng từ đất

SÊ RÊ PỐC MƠ VÀ THỰC

 

Sê rê pốc trong ký ức tôi

có ba mươi mùa buồn vui

ba mươi mùa với những đêm mơ đầy lá xanh, đầy tiếng chim reo

trộn lẫn những đêm mơ chập chờn vũ điệu cánh đen bầy quạ đói…

+

Sê rê pốc

Sê rê pốc ơi

tôi nhớ những cánh rừng xanh soi bóng trên dòng trôi

những bầy công trong nắng mai xòe xiêm y ngũ sắc lượn bay với bạn tình

tôi nhớ những thảm cỏ xanh trưa vàng có chú nai con nằm day vú mẹ

nhớ tiếng gà rừng chiều lung linh dập dờn trong khóm lá

ai hú gọi ai đến uống mật ong rừng…

 

Sê rê pốc khoan thai

Sê rê pốc cuộn trào

con sông trong cho chiều Bản Đôn em khỏa thân bơi giữa dòng nước mát

để đêm đến em ngồi bên tôi ngắm trăng cũng mát rượi cánh tay mềm

con sông của cá anh vũ, cá lăng, cá rô cờ

nướng trui trên than hồng thơm ba ngọn núi

nấu canh chua lá me ăn thì nhớ suốt đời…

 

Sê rê pốc sục sôi

những ngọn thác như tự trời cao đổ xuống

tôi nhớ Đray Sáp thét gào khói nước trùm cả cánh rừng cổ thụ

chuyện tình* dẫu ngàn năm mà chẳng bao giờ cũ

đã thương nhau không sợ quỷ thần…

 

Tôi nhớ Đray Nu

cái mành nước khổng lồ

Ngọc Hoàng buông cho nhân gian ngắm cầu vồng bảy sắc

và Trinh Nữ thác reo như ai khóc

thể phách tan lâu rồi hồn trên thác vẫn vẩn vơ…

+

Ôi dòng sông của mộng mơ kỳ vĩ

chiều nay tôi về ngồi trên tảng đá mồ côi

nhìn ngọn thác phơi trần trong nắng lửa

kỳ vĩ thiêng liêng tan biến đâu rồi?

 

Chẳng còn nữa cầu vồng bảy sắc

thác thôi thét gào chỉ lấm lét dòng trôi

đá như đầu người ngổn ngang lăn lóc

ông lão buông câu dưới chân thác ngủ ngồi…

 

Sê rê pốc ơi, nước đã về trời

khi những cánh rừng

mẹ của mạch nguồn suối mát

đã trụi trơ bật gốc

thì sông là đứa bé mồ côi

rừng đã bỏ sông

sông biết sống với ai

sông khô héo thác cũng đành ngắc ngoải

giờ trên sông là bầy quạ đói

vỗ đôi cánh đen ngòm tìm xác cá khô…

 

Đêm tháng ba tôi nằm mơ thấy sông đang bị cháy

nước sôi lên, đá vỡ ứa máu hồng

– Sê rê pốc ơi…

– Sê rê pốc ơi…

tôi gào gọi tên sông trong nước mắt ròng ròng…

____________

 (*): Chuyện tình về sự tích thác Đay Sáp.

 

LỜI CHIÊNG TỪ ĐẤT

 

Đêm tôi nghe tiếng chiêng ngân lên âm… âm… u… u từ dưới chỗ tôi nằm,

tiếng chiêng như đất thở, như gió rên, như tiếng người than từ nấm mồ sau hàng trăm năm bỏ mả.

Thoát ra từ kẽ đất ba-zan, tiếng chiêng ngái ngủ, ngượng ngùng, dụi mắt và ngơ ngác nhìn những người com lê, cà vạt, những tòa nhà cao tầng phọt ra âm thanh chát chúa của “rock thế giới”, “rock Tây Nguyên”…

*

Đâu rồi những nhà dài, dài hơn cả tiếng chiêng ta, những cánh rừng cổ thụ cao chạm mây trời, hạt rơi chưa đến đất đã bật mầm, những dòng suối trong như giọt nước mắt vui của H’Bí, H’Bhi ngày kết duyên cùng Đam San, Xinh Nhã?

Đâu rồi đàn voi một ngà, đâu rồi bầy công ngũ sắc bỏ rừng về nhảy múa đầu buôn khi nghe tiếng chiêng ta?

Đâu rồi lũ con gái con trai từ bảy buôn xa, từ chín làng gần, nghe tiếng chiêng ta thì về liếc mắt nhìn nhau rồi vít cong cần rượu, rồi uốn bụng, cong mông nhảy múa, lăn lóc cả ché túc ché tang, khản cả lời đinh năm, đinh pá, mệt nhoài cả ngọn lửa đêm…

 

Tất cả đều xa lạ

những cà-vạt kia, những com-lê kia, những tòa nhà cao tầng kia, những pop, rock kia, ta không hiểu, ta không biết…

Họ kéo ta về từ trăm năm trước, bắt ta ngân lên những lời chiêng linh thiêng trong ánh đèn điện tử chói lòa biến hóa như lũ ma rừng, bắt tiếng chiêng ta va vào những bức tường xi măng vô hồn khô khốc, bắt những đôi tai vểnh lên dù nó muốn cụp xuống, bắt những cái miệng phải cười, dù nó đang muốn khóc, bắt những cái bụng phải vui, dù nó đã lên váng nỗi buồn và dù chán chường đã duềnh lên như lũ lụt…

 

Thần linh ơi

Giàng ơi

ta xin Thần linh, ta xin Giàng tha thứ cho loài chiêng ta, ta không muốn dối lòng mình, ta không muốn làm điều khác với ông bà ta đã làm, ta không muốn sự phục hưng vô hồn, vô cảm

ta không muốn người khác quàng vào cổ ta, đính lên ngực ta những mỹ từ “tuyệt vời”, “huyền diệu”…

ta chỉ là cái chiêng giản đơn, lời ta chỉ là sợi dây cho con người leo lên thăm thẳm cao xanh gặp Giàng, cho con người hóa thân vào ta đi gặp thần linh để cầu mưa thuận gió hòa, cầu con voi mọc thêm ngà, cầu cây lúa nhiều bông, đứa bé lớn nhanh khỏe như con hổ, buôn làng có nhiều trai gái đẹp, nhiều nhà dài, dài hơn cả tiếng chiêng ta…

*

Ba mươi năm

sống trên đất ba-zan

chưa bao giờ tôi nghe lời chiêng u ẩn, khắc khoải nỗi niềm, vọng âm – âm  – u – u ngay dưới chỗ tôi nằm; chưa bao giờ tôi nghe trong sâu thẳm thời gian, sau bao lớp bụi ba-zan có những ý nghĩ đang lồng lộn, vật vã tìm kiếm những đổi thay, phá bỏ những sắp đặt trên mặt đất.

Và tôi thấy mình bồng bềnh trôi miên man trên dòng sông hư ảo, thấy những con người trong suốt, những cái chiêng trong suốt múa lượn trong hào quang của một hoàng hôn đã tắt…

NƯỚC MẮT TƯỢNG NHÀ MỒ

 

Ánh trăng nhợt nhạt, vung vãi khắp nơi

sương quần hôn với trăng trên cỏ ướt lạnh

những tượng gỗ co ro, cô độc, cô độc với cả chính mình

cô độc với cả tổ tiên những cánh rừng và những bàn tay từng làm nên đời tượng

 

xa rồi những sơn nữ ngực trần, múa xé váy bên lửa đỏ

những nhịp xoang hừng hực máu của bầy dê núi

những đêm rượu cần mềm môi, ngả nghiêng vào ngực đàn ông, úp mặt vào bụng đàn bà, nhà sàn rung rinh, say đắm, mê man, trai gái ngủ vùi như đất thấm mưa đầu mùa hạ

 

đêm nay, những đời tượng xiêu vẹo, quằn quại trong gió, trong trăng lạnh, mơ về một tiếng chiêng bập bung… bập bung… vẳng từ cuối buôn xa, vọng vào ruột gan những kẻ khát rượu, khát đàn bà, khát những ngày hội hè rong chơi tự do như con hoẵng, những ngày sống có Giàng mà Giàng không trói đầu trói tay, những ngày sống cùng đại thụ, bạn cùng cây lá, muôn ngả là rừng, là những bàn tay Mẹ Thiên Nhiên bao dung che chở

 

bây giờ suối khô, rừng hoang

hỡi ông bà tổ tiên, hỡi Giàng trên cao xa kia, ai đã lấy cắp cánh rừng của tổ tiên ta, ai đã hút máu cánh rừng của ta, để bây giờ giọt nước mắt của rừng khô thành đá ngổn ngang lòng suối

 

đời tượng ta giờ cũng cô đơn không tượng đời sau tiếp nối

những bàn tay nghệ nhân giờ răn reo, run rẩy như que củi mục trước ngọn gió chiều, gió chiều giờ cũng khác, không xanh mát ngọt ngào như gió chiều xưa, vừa đủ để khói vờn trên mái bếp, gió giờ như đàn trâu rừng đuổi nhau trên mái tôn, thổi run rẩy, ngả nghiêng cả những linh hồn nằm dưới mộ

 

tất cả đã đổi thay…

 

đêm nay ta còn đây

ngày mai, ngày kia đời tượng ta biết có còn không

khi rừng hết, khi nghệ nhân buông rìu ngồi chắp tay khấn giàng nhìn đời bằng đôi mắt nhắm, nhắm để nhìn, để không còn nghe, không còn biết, những chướng tai gai mắt, những nhà mồ sắt thép xi măng, những hip-hop, rok, jazz thét gào cuốn chìm cả ay- ray êm đềm tình tứ

nhắm mắt, bịt tai để chìm vào quá khứ, để bàn tay được cầm rìu tạc tượng được gõ chiêng trong mơ, trong ảo giác buôn làng 100 năm trước…

 

đêm nay ta còn có nhau

ngày mai ngày kia biết có còn không

đời tượng ta giờ ai đoái thương

những linh hồn người sau rồi sẽ nương náu nơi nào

hòn đá mồ côi kia ư? đỉnh núi trọc kia ư?

những linh hồn sẽ bị nhấn chìm trong bụi đỏ ba zan cuồn cuộn

trong cơn lũ quét ngoại lai độc ác, tang thương

ôi, những linh hồn khổ đau không nơi nương tựa!

+

 

có một đêm ở Bản Đôn không ngủ

tôi đã thấy những tượng nhà mồ lã chả nước mắt khóc cùng trăng cùng sương…

 

KHÚC XUÂN CHÉP Ở BẢN ĐÔN

 

Ấy là mùa những hạt mưa đã cùng nhau đi ngủ trong ngôi nhà Sấm của Giàng, chỉ có lũ gió ham chơi lang thang khắp buôn gần rừng xa, chỉ có nắng nhuộm vàng những cánh đồng dã quỳ, những triền núi dã quỳ, những lối mòn dã quỳ, khiến cả đất trời ngập trong màu dã quỳ rực rỡ.

 

Ấy là lúc nụ pơ-lang lóe lên như ngọn lửa giữa ban mai cho ánh mắt người già nhận ra đã đến mùa ăn năm uống tháng, đã đến mùa đàn bà con gái xắn váy lòi mông trắng như cây chuối lột bẹ ngoài, giã lúa, giã bắp suốt đêm, ủ rượu cần đầy những ché túc, ché tang để bẫy lũ đàn ông say lang thang vào rừng tìm chỗ ngủ.

 

Ấy là mùa những cái chiêng rời móc treo, sạch bụi đỏ ba- zan, được bày cả dãy dài trên K’pan(*) biết cất lời mời Giàng trên cao xanh, mời Thần Cây Đa đầu buôn gần, Thần Bến Nước cuối buôn xa đến ăn cái gan con dê, ăn cái đầu con gà, uống rượu ủ ba năm trong bếp, xem lũ con trai con gái nhảy múa từ khi Thần Mặt Trời mỏi lưng đi ngủ đến khi Thần Mặt Trời no giấc.

 

Ấy là mùa những sàn nhà ngồi chật mông đàn ông đàn bà dự lễ mừng lúa đã tuốt xong, mừng sức khỏe ông bà, mừng lễ thổi tai thằng bé… Cột rượu buộc khít xà nhà, cần xòe ra bốn phía như nụ hoa, những cổ họng tu ừng ực, những sừng trâu tiếp nước liên hồi như dòng suối đổ vào ché, những giọng đàn ông khề khà, những bàn tay vỗ mông đàn bà, những ánh mắt đàn bà liếc thấp liếc cao tình tứ; tiếng chiêng, tiếng cười, tiếng hát, tiếng to, tiếng nhỏ trộn nhau; mùi đàn ông đàn bà, mùi mồ hôi, mùi rượu cần, mùi thịt nướng trộn nhau; rồi đến lúc cả bầy chiêng cũng say nhòe, ậm ợ, lùm bùm, phập phèng, hụt hơi đứt quãng.

 

Ấy là mùa sau những ngày say ngất ngưởng như con bò đực, lũ đàn ông rủ nhau vào Nhà – Ông – Xanh đi khắp rừng rậm rừng thưa, bắt đầy gùi cá, bắt đầy bầu ong, chở đầy lưng voi thịt min, thịt hoẵng, bắt cả con voi rừng về nhà kết bạn, cùng nhau làm lụng giúp nhau như anh em một nhà.

 

Ấy là mùa con người sống như gió như mây, sống như cây như lá, không có cánh mà như biết bay, không có nhựa mà biết dính vào nhau, không có lửa mà trong người hừng hực cháy, không có nước mà trong hồn cuồn cuộn sục sôi, không có lá mà biết ve vẫy nhau, không có hoa mà biết gửi mùi thơm cho nhau, sống không cần biết ngày, không cần biết đêm, không cần cái đầu nghĩ suy, chân bước theo tiếng chiêng, hồn lượn theo điệu ay ray, trái tim như bầu rượu nóng mọi người cùng sẻ chia…

*

Ấy là mùa xuân Tây Nguyên còn nằm trong bụng già Ây Nô đã phủ bụi thời gian từ 50 năm trước; bên bến nước Sê-rê-pốc chiều nay già moi ra kể, câu chuyện chảy dài, chảy dài như nước sông, già nói: kể hết xuân này cũng chưa hết chuyện xuân xưa; và nước mắt người kể người nghe cùng loang dài, loang dài trên má, như cơn mưa dầm ướt cả đường xuống bến.

______________

 (*): K’pan: Cái ghế dài làm bằng một thân gỗ liền của người Ê Đê

 

NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG GÙI 

 

Người đàn bà cúi mặt bước trong sương

trong khói đất quyện mùi phân bò và cỏ rác

gió lạnh từng cơn dữ dội

như muốn đẩy người đàn bà lăn xuống vệ đường

nhưng chiếc gùi nặng trên lưng

níu người đàn bà ở lại với con đường

cuối đông lấp ló nụ cười vàng của dã quỳ

cho người đàn bà chút ấm lòng và bớt phần hiu quạnh

 

Cái bóng đen cứ lầm lũi trên đường

những ngón chân xòe ra như rễ cây bám vào đất ba-zan kiên nhẫn

bình minh đã lên

nhưng ánh sáng bị lấp chìm trong hẻm núi

trong cuồn cuộn mây mù

và người đàn bà mặc kệ mây mù

bước theo thói quen trên con đường lam lũ như ngàn đời nay tổ tiên người đàn bà đã bước

 

Không có tiếng chim đ’rao, không có tiếng chim s’tiêng… lảnh lót như ngày xưa

không có mùi hương hoa ê-pang, hoa sớc- khọt… bay trong sương như ngày xưa

không có làn khói mỏng dan díu trên mái tranh như ngày xưa

chỉ có hoài niệm về rừng xưa, buôn xưa, tiếng chim xưa, làn hương xưa chập chờn ẩn hiện làm niềm tin cho người đàn bà gắng sức bước

 

Đường đi rẫy giờ xa tít tắp

một trăm lần hú chuyền nhau chưa đến được chỗ tỉa gieo

chiếc gùi nặng phân bò phân heo và những túi hạt giống ám màu khói bếp

níu vai người đàn bà trĩu xuống

đè lưng người đàn bà như trái núi

khiến hai chân như đeo hai hòn đá tảng

và mồ hôi tuôn ra bết tóc, đẫm lưng, chảy xuống bàn chân đầm đìa đất đỏ

 

Có thể ngày xưa trên đường này, người đàn bà đã hát, đã ngắt lá làm kèn thổi gọi bạn trai, đã nhảy múa như con chim công trong nắng mai

nhưng bây giờ người đàn bà lầm lũi bước

tiếng hát ngày xưa đã thành mồ hôi lạnh đầm đìa những ban mai như sáng nay

có thể đã neo vào ngón chân để người đàn bà bám chắc hơn mặt đường chống gió

có thể đã thành những nốt chai sần trên bàn tay, trên bàn chân và mòn rụng theo thời gian, theo nắng mưa, theo những nỗi nhọc nhằn lặn trong thịt da, đã ngâm tẩm số phận người đàn bà trong hồ rượu đắng, đánh chìm tiếng hát và điệu nhảy ngày xưa

 

Vẫn chiếc gùi trên lưng

người đàn bà chẳng cần biết Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng…

chẳng cần biết những ngôi sao nào đang ăn khách.

*

Chiếc gùi tre

chiếc gùi tre bóng đen mồ hôi

cứ ngày ngày bám vào lưng người đàn bà Ê-đê, bám vào lưng người đàn bà M’nông, bám vào lưng người đàn bà Gia-rai… như một phần thân thể họ

 

Tôi biết trong chiếc gùi

có giấc mơ, nụ cười của đứa con mỗi chiều ngồi trên cầu thang đợi mẹ

có ánh mắt của thằng chồng khát rượu, khát đàn bà đang chống cằm ngồi bên bếp lửa lúc nửa đêm

có giấc mơ về bến nước một thời con gái tắm truồng khoe vú cười ran như bồ chao vỡ tổ

giấc mơ về một thời rừng xanh đầu ngõ làm bạn với công xanh làm bạn với nai vàng…

 

Ôi giấc mơ thì xa mà nỗi cơ cực lại quá gần

giấc mơ thì nhẹ mà chiếc gùi quá nặng

thế giới thì phẳng mà bước chân gập ghềnh

những người đàn bà Ê-đê, M’nông, Gia-rai, Ba-na, Xê-đăng… vẫn bền gan bước đi lầm lũi

đồng hành cùng với trăng sao…

LỜI CON VOI BẢN ĐÔN

 

Ta là voi đã mất bạn tình

một mình đứng trong chiều nhai nắng

mắt hoen lệ nhớ về thời xa vắng

thời rừng già huyền bí linh thiêng

 

Thời đại ngàn là xứ thần tiên

là xứ sở riêng cho những cuộc tình động đất

ta dắt nàng đi dọc bờ Sê rê pốc

ngắm sông xanh xem công múa dưới trăng vàng

 

Ta dâng nàng cả rừng chuối bạt ngàn

vạn buồng chín hương thơm tràn mọi nẻo

ta phun nước như mưa trời trong trẻo

cho da nàng mát rượi bên ta

 

Ta đưa nàng vào giữa rừng hoa

có trăm sắc mượt mà trăm dáng

có dàn đồng ca trên đầu lai láng

muôn loài chim ríu rít chuyền cành

 

Ôi cái thời rừng trùng điệp vây quanh

ta là đế vương giữa đại ngàn giàu có

là lãnh chúa của đàn đàn muông thú

là tất cả những gì ta muốn ta mê…

 

Giờ đại ngàn đã bỏ ta đi

muông thú chỉ còn hồn lang thang trong gió

cổ thụ chỉ còn ảo hình trong trí nhớ

nòi giống ta cũng tan tác phiêu linh

 

Giờ ta đang cô độc với chính mình

cô độc với bóng hình gầy guộc

cô độc với linh hồn tổ tiên thân thuộc

chỉ bóng với ta, tủi dưới mặt trời…

 

Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời

chẳng còn cỏ thơm, chẳng còn mía ngọt

ta nuốt cả phận mình trong đắng đót

Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta?

 

LINH HỒN TIẾNG HÚ

 

Tôi như trôi trong tiếng hú mơ hồ

tiếng hú từ những nhà mồ?

từ rừng xưa?

âm…âm…u…u

chập chờn quẩn quanh bờ bụi

quẩn quanh góc sàn, chái bếp

gọi người? gọi giàng?

hờn, oán chi ai?

 

Đêm Bản Đôn*

đâu chỉ mình tôi đánh rơi giấc ngủ

già Ây Nô ngồi tựa cột thâu đêm mắt nhòe ngọn lửa

già Khăm Xay mỏi mòn bên bậu cửa

sương trắng giăng

trăng không cổ thụ gác mình

trăng rơi trong vũng nước trâu đầm

con voi già trầm ngâm

không còn bạn để quấn vòi cho đỡ tủi…

 

Tất cả đều nghe

không phải bằng tai mà bằng ruột gan khắc khoải

tiếng hú từ thăm thẳm thời gian

vọng về từ những mùa săn voi xa lắc

từ những tháng ba hú gọi nhau đi tìm mật

rừng cổ thụ bảy tầng ong bao đõ đung đưa

tiếng hú từ những cơn mưa xưa

cá say nước đầu mùa nổi đầy Sê rê pốc

cá vớt lên tràn khoang độc mộc

đêm

tiếng hú thơm rượu cần,thơm cá nướng

khắp làng buôn…

 

Tiếng hú xưa

giờ như cứa vào tim

còn đâu

tìm đâu tiếng hú?

Già Ây Nô ơi

già Khăm Xay ơi

đừng thức nữa

chỉ linh hồn tiếng hú

vọng

trêu ngươi…

___________

 (*) Bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk xưa kia là vùng đất nổi tiếng, bởi ở đây có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi, có đại ngàn mênh mông và nhiều tập tục văn hóa đặc sắc. 

 

ÂY NÔ NHỚ RỪNG

Tặng Ây Nô – già làng ở Bản Đôn

 

Ba ché, nào đã thấm gì ta

sao rừng chẳng về cùng uống rượu?

cần đã cắm mà không bàn tay níu

ta say một mình, nước mắt đẫm trăng khuya!

 

Cẩm, hương đâu? đâu công, phượng ngày xưa?

sao tán không xòe? sao không múa nhảy?

ta ở giữa rừng xưa mà hoang tàn trống trải

không chim hót trên đầu, chỉ gió hú trêu ngươi…

 

Ta say ư? ta già lắm rồi ư?

ừ, ta bạn cùng bạt ngàn cổ thụ

ta bạn với rừng thuở còn ôm bầu vú

nằm trong địu đung đưa, gió lá ru hời…

 

Ta hiểu, ta yêu như máu thịt trong người

tiếng hoẵng kêu mưa bồi hồi gan ruột

tiếng vượn hót báo quả rừng đã ngọt

tiếng ong bay… đã tụ mật trong hồn

 

Mùi nắng tháng ba thơm ngát lan rừng

màu gió tháng năm xanh tươi mầm biếc

những đêm tháng mười nằm nghe da diết

tiếng lá khộp rơi biết sắp chuyển mùa…

 

Ta bạn với rừng mà giờ bỗng bơ vơ

không thú, không cây, không cả làn gió mát

buồn, ôm ché uống hoài không trôi hết

nỗi nhớ rừng nghẹn đắng giữa lòng ta!

(vanvn.vn)